Hot girl xứ Quảng bỏ phố về quê trồng rau, thu 20 triệu/tháng
Bỏ việc làm đang ổn định ở phố gái xinh như “hot girl” Bùi Thị Thanh Sương (SN 1992), ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã về quê trồng rau thủy canh, và hiện có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.
Hot girl Bùi Thị Thanh Sương xinh đẹp bên vườn rau thủy canh của mình.
Trao đổi với Dân Việt, gái xinh Bùi Thị Thanh Sương cho biết: Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kế toán và làm việc tại TP.Đà Nẵng một thời gian, Sương nhận thấy nhu cầu rau sạch được người dân đặc biệt quan tâm. Từ đó cô quyết định bỏ phố về địa phương mình trồng rau thủy canh mà cô đã ấp ủ từ thời sinh viên.
Sau quá trình tìm hiểu và nhận thức rõ về thương hiệu rau sạch, Sương đã mạnh dạn vay mượn tiền từ người thân cộng thêm số tiền tích lũy được khoảng hơn 100 triệu đồng, cô đã thành lập Công ty TNHH MTV Vườn nhiệt đới Kapi và đầu tư hệ thống trồng rau bằng phương pháp thủy canh.
Bùi Thị Thanh Sương nhớ lại, đầu năm 2017, sau khi tìm hiểu qua sách báo, tham gia nhiều hội thảo đầu bờ với nông dân sản xuất rau sạch bằng công nghệ cao, tham quan một số mô hình trồng rau ở Đà Lạt (Lâm Đồng), cô quyết định chọn giải pháp trồng rau thủy canh vì phù hợp với khí hậu miền Trung và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng rau thủy canh của gái xinh Bùi Thị Thanh Sương cho thu nhập 20 triệu/tháng.
Tháng đầu tiên, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng Bùi Thị Thanh Sương đã lãi hơn 10 triệu đồng từ trồng rau thủy canh. Tiếp đó, vườn rau thủy canh của cô phát triển khá tốt và cho thu nhập cao hơn. Cứ thế, cô lấy số tiền lãi lứa rau này để đầu tư thêm vào lứa rau khác và phát triển thêm diện tích trồng rau thủy canh.
Video đang HOT
“Khi bắt tay vào mô hình trồng rau thủy canh, mình đã không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Ba, má mình sợ con gái làm nông sẽ khổ. Tuy nhiên sau một thời gian dài thuyết phục, nhận thấy được sự quyết tâm của mình nên bố mẹ đã ủng hộ và giúp sức cho mình thực hiện ước mơ. Mặc dù việc trồng rau rất quen thuộc với truyền thống nghề nông của gia đình, nhưng mình phải luôn học tập thêm nhiều kiến thức nông nghiệp công nghệ cao…”, Bùi Thị Thanh Sương chia sẻ.
Bên trong vườn trồng rau thủy canh của Hot girl xứ Quảng Bùi Thị Thanh Sương.
Vườn rau Kapi của Sương có kết cấu khung sườn bằng sắt mạ kẽm chống rỉ, có độ bền trên 10 năm, mái lợp bằng nilon trắng có độ bền 4-5 năm và khuyếch tán ánh sáng tốt. Công trình vườn rau thủy canh chịu được gió cấp 7 đến cấp 8, hệ thống chắc chắn nhưng lại dễ dàng tháo lắp. Giá đỡ trồng cây cách mặt đất 120 cm nên chủ động vào mùa mưa lũ, phía trên là hệ thống phun sương luôn giữ ẩm cho rau vào mùa nắng nóng. Nhờ vậy vườn rau của Sương luôn cho thu hoạch quanh năm. Sương hủ động được các yếu tố tác động của môi trường và trồng nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, sản lượng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế như xà lách ôn đới, xà lách mỡ, xà lách lolo tím, xà lách roman…Những loài rau này nếu trồng theo phương pháp truyền thống rất khó và cho năng suất thấp.
Dù có việc làm ổn định ở phố, nhưng Hot girl Bùi Thị Thanh Sương đã quyết tâm về quê lập nghiệp bằng mô hình trồng rau thủy canh.
Theo Bùi Thị Thanh Sương, trồng rau thủy canh phải chú trọng khâu chọn giống. Cô đã đặt mua hạt giống F1 có nguồn gốc từ Hà Lan với tỷ lệ nảy mầm cao trên 95% chống lại sâu bệnh và thích nghi tốt với môi trường. Xung quanh vườn thuỷ canh được bao bọc bằng lưới ngăn côn trùng nên hạn chế sâu bệnh, côn trùng gây hại. Trong trồng rau, cô chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học.
Thương hiệu “Vườn rau nhiệt đới Kapi” được chị Bùi Thị Thanh Sương đăng ký nhãn hiệu.
“Ưu điểm của trồng rau bằng phương pháp thủy canh là có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, có thể loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước. Tiết kiệm nước do cây sử dụng trực tiếp nước trong dụng cụ đựng dung dịch nên nước không bị thất thoát do ngấm vào đất hoặc bốc hơi. Giảm chi phí công lao động do không phải làm một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới tạo ra sản phẩm rau an toàn đối với người sử dụng. Trồng được rau trái vụ do điều khiển được các yếu tố môi trường…”, chị Sương nhấn mạnh.
Bùi Thị Thanh Sương cho biết, mỗi m2 sản xuất theo phương pháp thủy canh cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với phương pháp sản xuất rau truyền thống. Với sự đầu tư và tính toán bài bản, Sương đã cung cấp rau sạch đến những “khách hàng khó tính” tại thành phố Đà Nẵng, Hội An, các nhà hàng cao cấp, siêu thị nông sản sạch, với mức giá từ 60 – 70.000 đồng/kg tùy vào loại rau.
Bùi Thị Thanh Sương kiểm tra chất lượng nảy mần của rau trồng theo phương pháp thủy canh.
“Tổng diện tích canh tác của gia đình mình là hơn 1ha. Ngoài trồng rau bằng hệ thống thuỷ canh trên diện tích 1.000m2, diện tích còn lại mình vẫn trồng rau lang, rau muống, rau húng, rau càng cua, khổ qua, bí đao, bí đỏ,… Trung bình mỗi ngày mình cung cấp ra thị trường hơn 100kg rau củ các loại, mỗi tháng doanh thu trên 50 triệu đồng, trừ chi phí mình lãi trên 20 triệu đồng/tháng”, gái xinh Bùi Thị Thanh Sương cho hay.
Hiện tại thương hiệu rau sạch mang tên “Vườn nhiệt đới Kapi” đã và đang chiếm được sự tin dùng của khách hàng bởi các sản phẩm rau sạch, an toàn, tươi ngon mang lại giá trị dinh dưỡng cao, giá thành ổn định. Thời gian tới Bùi Thị Thanh Sương dự tính đầu tư mở rộng thêm diện tích để đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Theo Danviet
Điện Ngọc - "Viên ngọc" động lực thúc đẩy vùng đông Điện Bàn
Với lợi thế nằm giữa hai TP.Đà Nẵng và TP.Hội An, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển thương mại dịch vụ (TMDV), công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Huyến - Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc - cho biết: "Chỉ sau 2 năm, từ khi chuyển lên phường, Điện Ngọc đã "thay da đổi thịt", khoác lên mình dáng dấp của một đô thị. Sự đổi thay dễ nhận thấy nhất là cuộc sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều tuyến đường luôn sáng - xanh - sạch; nhà cửa khang trang; cơ sở hạ tầng điện đường - trường - trạm được đầu tư, xây dựng, nhiều hoạt động dịch vụ, vui chơi, giải trí phát triển...".
Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Điện Ngọc nói riêng và thị xã Điện Bàn nói chung. Ảnh: Hậu Nghĩa
Cũng theo ông Huyến: "Ngay từ khi có quyết định thành lập phường Điện Ngọc, UBND phường đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện, đường, trường, trạm... Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, nhất là UBND thị xã Điện Bàn, thời gian qua trên địa bàn đã có nhiều dự án quan trọng là động lực cho sự phát triển của địa phương như: Dự án sân golf, Trường đa cấp Hoàng Sa, Trường Cao đẳng Tâm Trí, Trường Đại học Nội vụ khu vực miền Trung...".
Ông Phan Văn Huyến cho biết thêm: Xác định phát triển TMDV là một trong những mục tiêu quan trọng, quyết định sự đi lên của phường, UBND phường tạo điều kiện và đưa ra nhiều giải pháp để phát triển. Nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đồng thời thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, tiểu thương vào đầu tư và kinh doanh trên địa bàn. Ngoài ra, tăng cường quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả... tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường. Vì vậy, tốc độ phát triển TMDV của Điện Ngọc tương đối nhanh, hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú.
Ông Trịnh Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc - cho biết: "Hiện phường Điện Ngọc có trên 80 doanh nghiệp, gần 800 hộ kinh doanh TMDV, chợ Điện Ngọc thu hút hàng trăm hộ kinh doanh... Mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận. Năm 2017, tổng giá trị kinh tế của Điện Ngọc ước đạt 1.949 tỷ đồng, đạt 103,89% kế hoạch năm, tăng 21,57% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó ngành dịch vụ ước đạt 1.368,2 tỷ đồng, chiếm 70,17% trong tổng giá trị kinh tế; công nghiệp 513,7 tỷ đồng, chiếm 26,35%; nông nghiệp ước đạt 67,84 tỷ đồng, chiếm 3,48%".
Theo ông Lượng, những năm qua, nhiều nhà đầu tư đã đến với Điện Ngọc, nhờ vậy cơ cấu lao động đang dần chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và TMDV. Đặc biệt, khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đóng trên địa bàn phường đã thu hút được nhiều dự án, tạo công ăn việc làm cho con em trên địa bàn. Nhờ đó đời sống người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của phường đạt 47 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 0,91%.
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Nuôi chim cút, đút túi 2 triệu đồng/ngày Vỏn vẹn 500m2 chuồng trại, thả nuôi 10.000 con chim cút, bà Trần Thị Bé (42 tuổi, trú thôn Viêm Tây 2, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mỗi ngày đút túi gần 6 triệu đồng, trừ chi phí bà lãi 2 triệu đồng/ngày. Chim cút đẻ tiền triệu Bà Trần Thị Bé - Chủ trang trại cung...