Hợp tác hành động để chấm dứt tham nhũng giới tính
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) kêu gọi các quốc gia, khu vực và tổ chức đa phương ở Mỹ Latin và vùng Caribbean ưu tiên phát triển một chiến lược khu vực mang tính nhất thể hóa nhằm giải quyết triệt để các hình thức tham nhũng giới tính, trong đó bao gồm vấn nạn “tống tình”.
Người dân biểu tình phản đối tham nhũng tại Guatemala. Ảnh: Transparency.org
Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu – khu vực Mỹ Latin và vùng Caribbean được TI công bố mới đây cho thấy, trong 18 quốc gia được khảo sát, cứ 5 người thì có 1 người bị tống tình hoặc biết ai đó bị yêu cầu hối lộ tình dục khi tiếp cận các dịch vụ công.
70% số người được hỏi nghĩ rằng, việc tống tình đôi khi xảy ra. Chỉ 8% cho rằng, nó không bao giờ xảy ra.
Khảo sát cũng chỉ ra, phụ nữ là giới nhiều khả năng phải đưa hối lộ cho các dịch vụ y tế và giáo dục (trường công).
Bà Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch TI cho biết: “Thực tế là phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tham nhũng nhiều hơn (so với nam giới – PV)… Nhưng chúng ta cũng biết rằng, khi họ hợp sức cùng nhau đòi hỏi phải có sự thay đổi, họ có thể truyền cảm hứng để biến đó trở thành một phong trào mang tính toàn bộ”.
Video đang HOT
Còn theo bà Maria-Noel Vaeza, Giám đốc Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc khu vực Mỹ Latin và vùng Caribbean: “Phụ nữ Liên hợp quốc đang đầu tư vào việc đưa ra các bằng chứng về tác động của tham nhũng đối với phụ nữ như một phương tiện hỗ trợ các quốc gia xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách công chống tham nhũng nhằm củng cố thể chế và nền dân chủ… Kể từ năm 2018, sự hợp tác của chúng tôi với TI và Chương trình EUROsociAL đã cho phép phân tích các khía cạnh liên quan đến giới tính trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Mỹ Latin”.
Edie Josué Cux García, Chủ tịch của Acción Ciudadana (TI Guatemala), cho biết, “với mức độ lan truyền như dịch bệnh của bạo lực trên cơ sở giới tính, không có gì ngạc nhiên khi Guatemala có tỷ lệ tống tình cao nhất trong khu vực. Chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa để bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái không còn tiếp tục phải chịu đựng các hình thức tham nhũng kinh khủng này. Chúng ta phải có cách tiếp cận không khoan nhượng đối với những quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực của mình theo cách này”.
Theo TI, các vấn đề về giới nên được lồng ghép trong suốt các hoạt động chống tham nhũng. Ví dụ như, bằng cách tạo ra các kênh thông báo nhạy cảm về giới an toàn cho người tố giác. Dữ liệu phân tách giới tính với tham nhũng nên được thu thập và công bố một cách dễ tiếp cận.
Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện luật pháp để giải quyết các trường hợp tống tình, đòi hối lộ tình dục; hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các vị trí trong khu vực công và lĩnh vực chính trị; tính đến phụ nữ trong việc ra các quyết định chống tham nhũng… TI kêu gọi các Chính phủ trên khắp Mỹ Latin và vùng Caribbean nên thực hiện và báo cáo về tiến trình thực hiện các khía cạnh cụ thể về giới của Cam kết Lima về chống tham nhũng, được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 8, tổ chức hồi tháng 4/2018, tại Peru. Theo Cam kết, các nước nhất trí thiết lập cơ chế phối hợp chống tham nhũng, hướng tới một khu vực dân chủ, phát triển bền vững.
Trong sự hợp tác hành động để giải quyết triệt để các hình thức tham nhũng giới tính, TI, thông qua các đại diện tại hơn 100 quốc gia và Ban Thư ký Quốc tế tại Berlin (Đức), đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng. Điều này đã được thực hiện trong suốt 25 năm qua.
Còn Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) là một thực thể Liên hợp quốc bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2011 vì sự xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái; trao quyền cho phụ nữ. Đây là một tổ chức hàng đầu thế giới dành cho phụ nữ và trẻ em gái, được thành lập để đẩy nhanh tiến độ đáp ứng các nhu cầu của họ trên phạm vi toàn thế giới.
Hoài Phương
Theo Thanh tra
Chiến dịch "Car Wash" đang ở thời điểm tồi tệ nhất
Đó là nhận định của cựu Thẩm phán Carlos Fernando dos Santos Lima - người từng trực tiếp thụ lý vụ bê bối Petrobras, về tiến trình cuộc điều tra tham nhũng lớn nhất Brazil mang tên "Car Wash". Vì sao có nhận định này?
Một phụ nữ cầm tấm biển có dòng chữ "Car Wash là lừa đảo, tự do cho Lula" trong cuộc biểu tình phản đối Bộ trưởng Tư pháp Brazil Sergio Moro ở Sao Paulo, Brazil, ngày 11/6/2019. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, cuộc điều tra "Car Wash" khiến hàng chục người phải vào tù (trong đó có cựu Tổng thống), đã bị đe dọa bởi phán quyết của Tòa án Tối cao, theo đó tạo điều kiện cho các chính trị gia đang tìm cách kìm hãm lực lượng điều tra.
Lần đầu tiên, các thẩm phán của Tòa án Tối cao đã hủy bỏ một bản án tham nhũng của chính Thẩm phán trực tiếp giám sát cuộc điều tra - Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro, gây lo ngại sẽ tạo ra một tiền lệ dẫn tới nguy cơ 143 bản án khác có thể bị hủy bỏ.
Trước đó, những tin nhắn bị rò rỉ cho thấy ông Sergio Moro cộng tác với các công tố viên trong vụ kiện chống lại cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Luật sư và những người ủng hộ ông Lula đã yêu cầu tái thẩm. Tuy nhiên, ông Moro bác bỏ mọi hành vi sai trái.
"Không nghi ngờ gì nữa, đây là thời điểm tồi tệ nhất của Car Wash", cựu Thẩm phán Carlos Fernando dos Santos Lima, hiện đã nghỉ hưu, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Reuters.
"Chiến dịch vẫn đủ mạnh bởi chúng tôi vẫn có sự hỗ trợ của đa số người dân Brazil, nhưng chúng tôi đang bị bao vây từ nhiều phía của hệ thống chính trị", ông Carlos Fernando nói thêm.
Sau 5 năm, với các lời khai, bản án, cộng với hàng tỷ USD hối lộ được thu hồi, cuộc điều tra "Car Wash" đã tạo được một tác động lâu dài.
Phát hiện của nó đã thúc đẩy một làn sóng điều tra khác trên khắp Brazil và Mỹ Latin, khiến các lãnh đạo cấp cao phải đi xuống và làm rúng động các công ty toàn cầu trong lĩnh vực kinh doanh từ dầu mỏ đến thiết bị y tế.
Nhưng đội ngũ "Car Wash" hiện đang dần mất đi hào quang của một chiến dịch "bất khả chiến bại".
Trong một quyết định mang tính bước ngoặt vào tuần trước, Tòa án Tối cao đã lật lại bản án đối với Aldemir Bendine - cựu Chủ tịch của Công ty Dầu khí Quốc gia Petrobras. Đa số thẩm phán cho rằng, Aldemir Bendine nên có cơ hội để đưa ra một cuộc tranh luận cuối cùng...
Những người khác bị kết án trong cuộc điều tra "Car Wash" đã bắt đầu nộp đơn kháng cáo trước Tòa án Tối cao với lý lẽ tương tự.
Ngọc Anh
Theo doanhnghiep
Trung Quốc : Bí thư thành ủy bị bắt lòi ra 13,5 tấn vàng tham nhũng Trong quá trình khám xét nhà Trương Kỳ (Zhang Qi), Bí thư thành ủy Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, cảnh sát Trung Quốc đã tìm thấy 13,5 tấn vàng dưới dạng thỏi, tờ báo địa phương powerapple viết. Quan tham Trương Kỳ bị bắt ngày 6/9, tại nhà Trương Kỳ đã thu được số lượng lớn vàng miếng, 13,5 tấn tiền mặt.Trước đó...