Hợp tác giữa ngân hàng và Fintech nhằm phổ cập tài chính cho người dân
Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) diễn ra sáng 8/11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Kim Anh cho rằng: Đồng hành cùng hệ thống tài chính – ngân hàng truyền thống là các công ty công nghệ tài chính ( Fintech) sẽ góp phần đạt mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, đây là thời điểm thích hợp với những điều kiện hết sức thuận lợi có thể giúp hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam có bước chuyển mình, nhanh chóng bắt kịp với tốc độ và trình độ phát triển của các hệ thống tài chính – ngân hàng tiên tiến trên thế giới.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, với những yêu cầu thực tiễn của xã hội và của nền kinh tế hiện có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, các tổ chức tín dụng (TCTD) ở Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ để tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng số hóa với các giải pháp ngân hàng tự động, ngân hàng số.
“Có thể nói chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng là một xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới đây”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Ở Việt Nam, lĩnh vực Fintech chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới được thành lập. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết: Chỉ trong gần 4 năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 như hiện nay. Điều này thể hiện sự năng động và nhạy bén của của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam khi môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, nhiều cơ quan quản lý trong đó có NHNN đã cố gắng tạo lập khuôn khổ pháp lý phù hợp với trình độ phát triển của công nghệ cũng như năng lực quản lý.
Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á, ông Eric Sidgwick nhận định: Những công nghệ mới có tiềm năng rất lớn trong việc tăng cường tiếp cận tài chính cho các nhóm đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng, đồng thời, tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại một thị trường đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam.
Nhiều ngân hàng đã cung ứng dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa. Ảnh: PAX.
Tại Diễn đàn này, các chuyên gia của NHNN, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, tổ chức thẻ quốc tế Visa, MasterCard chia sẻ những góc nhìn khác nhau về quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; các chính sách hỗ trợ và phát triển công nghệ; vấn đề an toàn bảo mật và tự động hóa dịch vụ tài chính – ngân hàng.
Video đang HOT
Trong ngày trình diễn giải pháp công nghệ tài chính năm 2019, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó trưởng Ban chỉ đạo Fintech NHNN, cho biết: Các ngân hàng dần thay đổi tư duy, lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng công nghệ 4.0 làm nền tảng, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cùng với việc thay đổi văn hóa kinh doanh, phương thức quản trị, đầu tư công nghệ, tích hợp kênh phân phối… nhằm đa dạng hóa và tối ưu các sản phẩm – dịch vụ, tiết giảm chi phí, tăng khả năng kiểm soát và nâng cao trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng.
Nếu thời điểm năm 2014 – 2015 chỉ có khoảng 29% công ty muốn hợp tác với ngân hàng thì đến thời điểm hiện tại, số lượng thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech không chỉ tăng vượt về số lượng mà còn cả về quy mô hợp tác.
Điển hình là trường hợp VietinBank từng ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Opportunity Network (ON) để cung cấp nền tảng số cho việc kết nối doanh nghiệp là khách hàng của VietinBank với trên 15.000 doanh nghiệp ở 113 quốc gia là thành viên của ON, tạo ra cơ hội mở rộng thị trường hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội đã phát triển mô hình ngân hàng số dựa trên sự hợp tác với đối tác chiến lược Viettel, hay như mô hình hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam và Công ty M-Service trong thanh toán chuyển tiền…
Măc dù Fintech tạo ra nhiều thuận lợi để tạo nên bước đột phá trong tương lai nhưng cũng đăt ra không ít thách thức cho các ngân hàng và cơ quan quản lý. Ông Nghiêm Thanh Sơn, đại diện NHNN đã đề cập đến 2 thách thức lớn nhất hiện nay.
Với các ngân hàng, vấn đề là làm sao đáp ứng được kỳ vọng cao của người tiêu dùng, tận dụng những công nghệ mới nhưng đồng hàng với sự gia tăng của tội phạm, phòng chống nguy cơ tấn công mạng. Đối với cơ quan quản lý, đó là thách thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối phó với thách thức từ an ninh mạng, quyền cá nhân bảo vệ dữ liệu, đồng thời cân bằng giữa mục tiêu quản lý với thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh.
Theo các chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhà nước cần xây dựng, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển Fintech như chính sách miễn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, tạo môi trường cho đầu tư Fintech, hợp tác với các tổ chức tài chính – ngân hàng truyền thống.
Theo Minh Phương/Báo Tin tức
Pháp lý thử nghiệm cho fintech: Chờ đến bao giờ?
Cơ quan quản lý nhà nước đã và đang triển khai xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình này cần được đẩy nhanh hơn nữa để tránh rủi ro cho thị trường và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp fintech Việt Nam.
Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho lĩnh vực fintech là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0
Không dễ xây dựng khung pháp lý
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng từ tháng 5 năm nay và tiếp tục trình lần 2 vào tháng 8 vừa qua.
Dự kiến, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHNN phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định về cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng, sau đó sẽ triển khai và xem xét các doanh nghiệp được chấp thuận tham gia.
Ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán thuộc NHNN cho biết, có nhiều khó khăn trong việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm với fintech.
Trước hết, fintech là lĩnh vực mới, mô hình hoạt động có thể thay đổi chỉ sau vài tháng. Đây cũng là lĩnh vực khó xác định phạm vi dịch vụ và có nhiều rủi ro chưa thể dự đoán. Bên cạnh đó, sự gia tăng không ngừng của các dịch vụ xuyên biên giới, lợi dụng sử dụng cho mục đích phi pháp như rửa tiền, tài trợ khủng bố... cũng là điều đáng quan ngại.
Từ góc độ quản lý, đến nay, chưa xác định được cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý chung, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn còn khó khăn.
Bên cạnh đó, việc xác định điều kiện tiêu chuẩn khi thẩm định đơn vị tham gia thử nghiệm sandbox cũng không dễ dàng như xác định điều kiện kinh doanh và các tiêu chuẩn đối với từng công nghệ xin tham gia thử nghiệm.
Tuy nhiên, ông Đức nhấn mạnh rằng: "Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho lĩnh vực fintech là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong ngắn hạn khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể".
Đừng để doanh nghiệp "phập phồng"
Trao đổi với Báo Đấu thầu từ góc độ doanh nghiệp fintech, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Nexttech Group cho biết: "Chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác đều đang rất mong đợi sớm có hành lang pháp lý thử nghiệm để có thể hoạt động và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với cơ quan chức năng, đưa ra nhiều kiến nghị về việc xây dựng cơ chế pháp lý thử nghiệm với loại hình kinh doanh này. Song đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được tham gia".
Ông Bình nhấn mạnh, việc chậm ban hành khung pháp lý thử nghiệm làm xuất hiện nhiều doanh nghiệp hoạt động theo kiểu tự phát, vừa làm vừa lo và nếu xảy ra rủi ro thì hậu quả với thị trường và người dùng là khó có thể đong đếm. Mặt khác, từ góc độ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) trong lĩnh vực này, việc thiếu khung pháp lý khiến các doanh nghiệp trong nước vừa hoạt động vừa xem xét. Trong khi đó, các startup nước ngoài cùng lĩnh vực đã huy động được số vốn rất lớn.
Do đó, ông Bình kiến nghị: "Cần nhanh chóng có khung pháp lý thử nghiệm với fintech, có thể bắt đầu từ một số dịch vụ như cho vay ngang hàng, rồi từ đó triển khai tiếp với các dịch vụ khác. Qua cơ chế thử nghiệm đó, các công ty hoạt động tốt, có năng lực kiểm soát rủi ro sẽ tồn tại. Ngược lại, các công ty quản lý lỏng lẻo, biến tướng sẽ bị hạn chế hoạt động và thị trường sẽ lành mạnh hơn".
Trong khi đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm trong việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm với fintech. Theo đó, một số điểm vướng trong lĩnh vực fintech cũng tương tự trong một số lĩnh vực khác của kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn, các khái niệm, định nghĩa rõ ràng về những mô hình hoạt động vẫn còn nhiều tranh cãi. Do đó, việc đưa ra khung pháp lý với các mô hình sẽ vẫn còn lúng túng.
"Với các fintech trong lĩnh vực thanh toán, vẫn còn nhiều tranh cãi về nội dung được làm và nội dung không được làm. Việc cho vay trực tuyến đúng hay sai, đúng - sai ở mức độ nào vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều nội dung cần làm rõ, để vừa đạt được mục tiêu quản lý tốt vừa giúp doanh nghiệp phát triển", luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Tuy nhiên, vị luật sư này cho rằng: "Dù khó nhưng vẫn cần đẩy nhanh việc xây dựng khung khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động fintech. Đừng để tình trạng các doanh nghiệp hoạt động một cách phập phồng, hoặc hy vọng nhiều rồi lại thất vọng".
Xuân Yến
Theo Baodauthau.vn
Phát triển thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang diễn ra mạnh mẽ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Lĩnh vực tài chính - ngân sách nói chung và thị trường dịch vụ tài chính nói riêng được đánh giá là một trong các lĩnh vực được "hưởng lợi" nhiều nhất nhưng đồng thời cũng chịu...