Hợp đồng xuất khẩu nhiều, Việt Nam sắp “cạn kho” gạo
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm khá dồi dào, vượt cả sản lượng hiện có tại các kho doanh nghiệp. Do đó, nếu thị trường có nhu cầu nhập khẩu mới, giá cả sẽ tăng.
Ngày 20.5, đại diện VFA cho biết, hợp đồng xuất khẩu gạo đăng ký trong tháng 4 chỉ đạt dưới mức trung bình và giảm đáng kể so với tháng 3 và cùng kỳ 2015. Các hợp đồng mới chủ yếu là gạo thơm và nếp.
Tuy nhiên, lũy kế hợp đồng đã đăng ký trong 4 tháng vẫn còn tăng tương đối so với cùng kỳ 2015. Tới thời điểm hiện tại, lượng hợp đồng chưa thực hiện vẫn còn gần 1,4 triệu tấn, hầu hết là hợp đồng thương mại ký với Trung Quốc và châu Phi, trong đó phần lớn là gạo thơm với 549.000 tấn, nếp 328.000 tấn và gạo trắng 470.000 tấn.
Như vậy, số lượng hợp đồng chưa thực hiện nhiều hơn lượng tồn kho trong doanh nghiệp gần 200.000 tấn, trong khi đó, VFA cho rằng, nguồn cung cấp gạo trong nước đang hạn chế. Do đó, nếu thị trường có nhu cầu mới sẽ ảnh hưởng đến giá thị trường.
Mặc dầu vậy, xuất khẩu gạo tháng 4 không đạt kế hoạch đề ra là 550.000 tấn, thấp hơn tháng 3 và cùng kỳ năm trước khá lớn do không còn hợp đồng tập trung. Nhưng lũy kế 4 tháng vẫn còn cao hơn năm trước trên 20% nhờ các hợp đồng G2G với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại ký mới với Trung Quốc.
Video đang HOT
Về tỉ lệ các loại trong “rổ gạo” xuất khẩu 4 tháng đầu năm, gạo thơm đứng đầu với tỉ lệ 26%, tăng đến 45%, gạo tròn Japonica cũng tăng 51,6% trong khi gạo trắng trung bình chiếm 24,5%, tăng 44%, nếp chiếm 14,6% tăng đến 237,8%…
Theo đánh giá của VFA, xuất khẩu gạo thơm tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 4 tháng đầu năm do lương xuất khẩu vào châu Á và châu Phi tăng mạnh trong khi nếp tăng đột biến do nhu cầu trở lại mạnh mẽ từ Trung Quốc. Tuy vậy, gạo trắng cao cấp giảm do tăng xuất khẩu vào Cuba và Indonesia không bù đắp được sút giảm nơi khác.
Về tình hình xuất khẩu trong quý 2 tới, VFA dự kiến xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn kế hoạch quý trước 100.000 tấn. Xu hướng xuất khẩu quý 2 tụt giảm do thiếu hợp đồng tập trung, kết hợp với tình hình cung cấp hạn chế trước khi thu hoạch vụ hè thu.
Nhận định tình hình thương mại lúa gạo thế giới trong quý tới, VFA cho rằng, trong lúc nguồn cung cấp mới sút giảm, chính phủ Thái tìm cách bán ra tồn kho gạo cũ để bù đắp cân đối thị trường và giải phóng tồn kho. Tuy vậy, kế hoạch này được triển khai chậm và Bộ Thương mại chỉ mới thông báo tổ chức đấu giá 1,2 triệu tấn gạo vào ngày 19.5 vừa qua.
Giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng Qua theo dõi của VFA, giá giao dịch gạo trên thị trường tháng 4 ổn định, gạo trắng ổn định vào đầu tháng 4 ở mức giá 375-380 USD/tấn loại 5% tấm và cao hơn các nguồn cung cấp chính ở châu Á. Tuy nhiên, giá giảm nhẹ vào cuối tháng 4, xuống mức 370-373 USD/tấn loại 5% tấm, thấp hơn Thái Lan và Pakistan nhưng vẫn cao hơn Ấn Độ. Giá giao dịch gạo thơm Jasmine ổn định trong tháng 4 khoảng 470-475 USD/tấn, nhưng tăng mạnh vào cuối tháng đến nay, ở mức khoảng 485 USD/tấn. Nguyên nhân là do nhu cầu tiếp tục ổn định trong khi nguồn cung chủ yếu từ vụ đông xuân không còn nhiều. Theo đánh giá, xu hướng giá gạo xuất khẩu nói chung sẽ tiếp tục tăng, mặc dầu nhu cầu vẫn còn chậm, do tồn kho giảm và ảnh hưởng của hạn hán vẫn còn tác động đến sản lượng các nước nhập và xuất khẩu chính.
Theo Danviet
Doanh nghiệp gạo mất hàng trăm tỷ đồng vì lý do "trời ơi"
Mối mọt, ẩm mốc, nhiễm vi sinh vật trong quá trình vận chuyển hoặc do không nắm rõ các quy định về nhập khẩu hàng hóa của nước đối tác... là những lý do "trời ơi" khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo mất cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Mất tiền tỷ vì "đối tác dỏm"
Là DN chuyên xuất khẩu gạo sang châu Phi trong nhiều năm qua, ông Phạm Hoàng Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hưng Lâm (TP.HCM), cho rằng đây là thị trường tiêu thụ lúa gạo rất lớn và không yêu cầu khắt khe về chất lượng như các thị trường Nhật, Hàn hay châu Âu. Tuy nhiên, DN Việt Nam làm ăn với phía châu Phi cũng rất dễ bị lừa và gặp rắc rối về pháp lý vì những "đối tác dỏm". Đặc biệt, nếu DN thực hiện tìm kiếm đối tác trên mạng thì rủi ro càng lớn, nhất là ở khu vực Tây và Trung Phi.
Ông Lâm thừa nhận, chính DN của ông cũng từng mất 800.000 USD tại thị trường này do áp phương thức thanh toán hàng giao trước. Đến khi phát hiện bị mất hàng, ông Lâm phải "cầu cứu" Tham tán thương mại Việt Nam ở nước sở tại, song việc can thiệp cũng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, tiền của.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Công ty Phước Thành Bảy Mập (quận 11, TP.HCM) cho hay, công ty bà thường xuất khẩu gạo đi thị trường Mỹ, nhưng gần đây do thiếu thông tin, không biết chất nào bị cấm, tỉ lệ bao nhiêu nên DN gặp nhiều rắc rối tại thị trường này. Phải đến khi hàng tới Mỹ, bà Nhung mới biết sản phẩm phải niêm phong, gửi kho, chờ kiểm định... Nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn, không có tồn dư chất cấm thì mới được giao cho khách hàng. Trong khi đó, những kết quả kiểm định mà công ty của bà Nhung thực hiện tại Việt Nam (như kiểm dịch thực vật...) hoàn toàn không có giá trị gì tại Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp không nắm rõ các quy định của nước nhập khẩu gạo nên thiệt hại hàng tỷ đồng. Ảnh: T.L
Ông Hoàng Tuấn Việt - Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico cũng thông tin, trong năm qua, nhiều DN Việt Nam do không nắm rõ các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa của Mexico nên đã phải chuốc "quả đắng" khi bị trả hàng về.
Cụ thể, trong năm qua, có DN đã phải mất trắng hàng trăm nghìn USD khi bị trả về 20 container gạo xuất khẩu vào Mexico do không đảm bảo các yêu cầu về kê pallet giữa các thùng hàng. Cũng có DN khi xuất hàng đi không giám định container, tới khi hàng nhập cảng, container thủng, gạo ẩm mốc nên bị trả về, qua đó cũng ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt.
"Đập bàn, đập ghế" đòi nợ thay DN
Nhiều vụ tranh chấp thương mại đã xảy ra trong hoạt động xuất khẩu gạo do DN thiếu thông tin về thị trường, đối tác nhập khẩu. Đến khi có sự hỗ trợ, can thiệp của Tham tán thương mại Việt Nam ở nước sở tại mới đòi lại được phần nào tiền hàng.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Dubai - ông Phạm Trung Nghĩa cho biết, đã có rất nhiều vụ tranh chấp thương mại giữa DN Việt Nam và đối tác Dubai phải nhờ đến sự can thiệp của đại sứ quán. Thông qua việc tác động đến các cảng, hãng tàu... Tham tán thương mại yêu cầu ngừng chuyển hàng, chuyển tiền... để hạn chế thiệt hại cho DN Việt Nam. Chỉ riêng năm 2015, đơn vị này đã hỗ trợ 8 DN Việt đòi lại được 4 triệu USD.
"Nhiều lúc phải đập bàn, đập ghế làm căng mới giải quyết được vấn đề. Tuy vậy, có nhiều vụ DN chậm cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ nên thương vụ chỉ hỗ trợ đòi được gần 40% số tiền cần đòi" - ông Nghĩa nói thêm.
Ông Phạm Hoàng Lâm thì cho rằng, các DN trước khi thực hiện xuất khẩu hàng hóa vào châu Phi nên tham vấn ý kiến các tham tán tại thị trường này. Nếu phát hiện biểu hiện bất thường, DN cần liên hệ Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á - Nam Á (Bộ Công Thương) hoặc các thương vụ Việt Nam tại châu Phi nhờ hỗ trợ kịp thời. Còn theo mong muốn của bà Nhung, các tham tán thương mại tại Mỹ nên phối hợp với cơ quan quản lý trong nước để cập nhật, hướng dẫn cụ thể cho DN biết chất cấm nào phía Mỹ đang quy định. Ngoài ra, bà Nhung cũng đề nghị cơ quan quản lý nên xem xét cho DN bỏ bớt các khâu kiểm dịch tại Việt Nam nhưng không được phía Mỹ chấp nhận. Qua đó, hạn chế công sức, thời gian, tiền của của DN.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gentraco (Cần Thơ), thì cho rằng, thông qua các tham tán thương mại, Việt Nam cần thiết lập kênh hỗ trợ thông tin về các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam, cập nhật lộ trình TPP, cung cấp các thông tin về những DN đối thủ, đối tác, tình hình giá cả thị trường ở nước sở tại ... Có như vậy, DN mới hạn chế được tình trạng mờ mịt thông tin, nhiều lần "sập bẫy" vì đối tác dỏm.
Theo Danviet
Xuất khẩu gạo bất ngờ tăng tốc tháng đầu năm Theo Bô NN&PTNT, kêt thúc tháng đâu tiên của năm 2016, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 495.000 tấn với giá trị 218 triệu USD. Con số này tăng 57% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết xuất khẩu gạo khởi sắc trong tháng...