Họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Ông Hồng Lỗi lại “lỗi” nặng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo chiều 3-6, tiếp tục xảo ngôn khi ông này nói, Trung Quốc “tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Nội dung cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được “Hoàn cầu thời báo” đăng tải sáng nay 4-6. Trước câu hỏi của phóng viên về việc “có thông tin cho rằng tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam đâm nhau ở khu vực quanh giàn khoan Hải Dương 981, phía Trung Quốc đã giải quyết như thế nào?”, Người phát ngôn Hồng Lỗi tiếp tục luận điệu sai trái: “Thời gian qua, phía Trung Quốc đã liên tục yêu cầu Việt Nam dừng các hành vi gây rối quanh khu vực doanh nghiệp Trung Quốc tác nghiệp bình thường, dừng mọi hành động xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc và rút ngay tàu thuyền về, nhưng phía Việt Nam vẫn ngang ngược va chạm với tàu Trung Quốc trong vùng biển liên quan. Việc phía Việt Nam gây căng thẳng tại vùng biển này là trái với luật pháp và các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Đáng nói là khi có phóng viên hỏi: “Có phải phía Trung Quốc đang tăng cường dùng tàu thuyền để lấp cả… Biển Đông? Đối với những chỉ trích của Philippines, Trung Quốc phản ứng thế nào?”, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã né tránh và hỏi một đằng trả lời một nẻo: “Phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiên định là lực lượng gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Cũng tại cuộc họp báo trên của phía Trung Quốc, ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, Cục trưởng Cục Biên giới và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn trắng trợn vu cáo: “Vì Việt Nam liên tục quấy nhiễu nên phía Trung Quốc không thể không tăng cường lực lượng ở hiện trường nhằm ngăn chặn hành động của phía Việt Nam, duy trì hoạt động tác nghiệp bình thường”.
Video đang HOT
Không khó để nhận thấy những luận điệu trên của phía Trung Quốc đều là giảo biện, cố tình đổi trắng thay đen. Việt Nam từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nên rõ ràng theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực cách bờ biển Việt Nam 119 hải lý là đã xâm phạm vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Còn nếu như phía Trung Quốc khăng khăng 2 quần đảo này thuộc về họ, thì đó cũng là vùng biển “đang có tranh chấp”, nên những hành xử của Trung Quốc trong suốt thời gian qua là hung hăng, khiêu khích, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã ký cam kết.
Điều 4 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đã chỉ rõ: khi có tranh chấp, các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết “bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. Bởi vậy, việc Trung Quốc kéo cả tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa, tàu quét mìn, máy bay quân sự ra khu vực “tranh chấp” mà nước này đơn phương hạ đặt giàn khoan trái phép là hoàn toàn trái với điều mà họ từng cam kết.
Phóng viên nhiều hãng thông tấn nổi tiếng thế giới đã tới thực địa tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép xâm phạm vùng quyền chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam, tận mắt chứng kiến Trung Quốc đã chủ động gây căng thẳng ra sao, bằng nhiều phương tiện quân sự và hành động khiêu khích hung hăng của nước này thế nào. Trung Quốc rõ ràng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và trong vòng hơn một tháng qua bị dư luận quốc tế lên tiếng vạch trần. Vậy mà, Người phát ngôn Hồng Lỗi vẫn…lỗi nặng, tiếp tục không ngượng mồm thao thao bất tuyệt những luận điệu sai trái.
Dù đã bị báo chí nước ngoài chỉ trích về việc “đưa tàu thuyền lấp Biển Đông”, nhưng phía Trung Quốc vẫn cố giữ nguyên luận điệu “do Việt Nam liên tục quấy nhiễu” nên mới phải làm như vậy. Thực chất các cứ liệu ghi được tại hiện trường đều cho thấy phía Việt Nam chỉ có tàu chấp pháp, dân sự, không hề có chuyện khiêu khích và Việt Nam luôn kiềm chế, tránh mọi sự công kích, hành động hung hăng của tàu Trung Quốc.
Một cường quốc phát ngôn ra là phải có những suy tính kỹ càng. Vậy mà, người phát ngôn Hồng Lỗi vẫn không chút ngượng mồm khi tung ra những luận điệu sai trái, ngược hẳn với thực tế, thực địa, ngược hẳn với những gì Trung Quốc đang làm trên Biển Đông.
Những phát ngôn lỗi nặng như thế rất không nên có từ một gương mặt đại diện cho cơ quan ngoại giao của một nước lớn, luôn cần phải có cách ứng xử chững chạc, đàng hoàng, đúng mực!
Theo ANTD
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rất quan tâm tình hình ở Biển Đông
Sau khi nghe đại diện Việt Nam thông báo việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Phó Tổng Thư ký LHQ Jeffrey Feltman khẳng định Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rất quan tâm đến tình hình Biển Đông.
Chiếc tàu to lớn của Trung Quốc trong đội tàu hộ tống giàn khoan Hải dương 981 đang phun vòi rồng vào tàu Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Ngày 2-6, tại Trụ sở HQ ở New York, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã gặp ông Jeffrey Feltman, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, để tiếp tục thông báo với LHQ về những diễn biến tới nay liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đại sứ Lê Hoài Trung cũng thông báo với ông Jeffrey Feltman việc Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự và máy bay, đến hoạt động tại vị trí hạ đặt giàn khoan; và các tàu Trung Quốc đã chủ đích đâm va, uy hiếp, dùng vòi rồng công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ chỉ là tàu dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu, làm nhiều người bị thương.
Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh những việc làm trên của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, Thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Đại sứ nêu những cơ sở pháp lý, lịch sử cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Xuất phát từ chính sách nhất quán của Việt Nam là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế và mong muốn gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Việt Nam hết sức kiềm chế, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp, dưới nhiều hình thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu và đề nghị Trung Quốc sớm cùng Việt Nam đi vào đối thoại, thương lượng để giải quyết các khác biệt.
Đại sứ đề nghị LHQ cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ các đề nghị thiện chí của Việt Nam, kêu gọi việc không có các hành động đơn phương làm căng thẳng thêm tình hình, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực.
Phó Tổng Thư ký LHQ Jeffrey Feltman hoan nghênh chủ trương của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ông Feltman khẳng định Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rất quan tâm đến tình hình hiện nay ở Biển Đông. Ông Phó Tổng thư ký chia sẻ đánh giá về tầm quan trọng của Biển Đông đối với thế giới, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định các bên cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hoà bình khác phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế.
Theo Người Lao Động
Mang theo '4 vết thương', tàu Cảnh sát biển 2016 trở về an toàn Bị 2 cú đâm va chí mạng và 4 lỗ thủng trong khi làm nhiệm vụ tại điểm nóng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tàu CSB 2016 đã trở về an toàn mang theo các phóng viên, nhà báo vừa tác nghiệp tại đây. Sau chuyến công tác có nhiều bão gió, nhiều lần bị tàu Trung Quốc cản trở,...