Hồng Vân, Lê Giang và loạt sao Việt xót xa khi nghe tin BTV Cẩm Liên qua đời đột ngột
Sự ra đi của BTV Cẩm Liên khiến cho nhiều nghệ sĩ hụt hẫng, buồn bã.
BTV Cẩm Liên trút hơi thở cuối cùng sau thời gian điều trị bệnh ung thư thận, hưởng dương 53 tuổi. Ngày sau khi nghe tin buồn, hàng loạt các nghệ sĩ Việt đã bày tỏ sự hụt hẫng, xót xa.
NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ hình ảnh kỉ niệm với Cẩm Liên cùng các đồng nghiệp và buồn bã viết: “Em nợ chị một lần gặp mặt, nợ một vở diễn. Dù chúng ta chỉ mới không gặp nhau vài tháng nay. Chị cũng luôn nói em đừng vào thăm, chị mệt nên ngại khách vào thăm lắm.
BTV Cẩm Liên lúc sinh thời.
Em biết ngày này sẽ đến, vì nghe giọng chị mệt nhiều, vì em cũng trải qua mất mát một người thân, biết sẽ xa nhau vì sự mất dần sự tươi tắn trong giọng nói của chị. Giọng chị không còn cao cao nữa mà nặng, chậm và đục vì bệnh.
Em cám ơn chị đã luôn thương và trân trọng những đứa em, lúc nào làm việc với tụi em cũng rất trân trọng, chân thành.
Những tin nhắn chị mời dựng vở luôn kèm theo câu: “chị vui khi em nhận lời” từ khi em còn là một diễn viên trẻ, đạo diễn mới làm em cảm kích, mang ơn và luôn cảm thấy may mắn khi được làm với chị.
Chị cũng rất bao dung khi dặn em: mời các anh chị diễn viên lớn thì nhớ mời vài bạn diễn viên trẻ cho các bạn ấy có cơ hội làm việc với nhau.
Thậm chí em đã mạnh dạn giao vai cho những bạn lần đầu quay đài, hay các bạn sinh viên chị cũng đồng ý vì “chị tin em sẽ kèm được mấy đứa nhỏ”.
Em mất một “mối ruột” rồi chị ơi! Nhớ chị. Tụi em sẽ nhớ chị mỗi khi bước chân vào HTV. Nhớ những lần nghỉ trưa gọi một con gà, hay vài hộp đồ ăn hay ngồi căn tin nóng chảy mỡ cùng nhau…
Vậy mà vui, mà có kỉ kiệm, để bây giờ có cái mà nhớ. Chị đi nhẹ nhàng thanh thản nhé chị”.
Nghệ sĩ Lê Giang đăng tải khoảnh khắc tươi tắn của Cẩm Liên kèm dòng trạng thái: “Vĩnh biệt chị” . Diễn viên Ngọc Trinh bày tỏ: “Chị đã đi rồi. Mãi nhớ về người chị, người bạn của em”.
NSND Hồng Vân cũng từng làm việc chung và nhận định Cẩm Liên là người tài giỏi, có tâm với nghề. Khi nghe tin nữ BTV 6x qua đời, cô bày tỏ niềm thương tiếc và gửi lời chia buồn đến gia đình.
Cẩm Liên tên đầy đủ là Ngô Thị Cẩm Liên, sinh năm 1968 và từng có thời gian làm phóng viên tại Báo Sân khấu TP.HCM. Sau đó, cô chuyển sang công tác tại Ban văn nghệ – Đài truyền hình TP.HCM (HTV) và đảm nhận cương vị BTV.
Video đang HOT
Dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của cô là hỗ trợ nhà đài thực hiện thành công hàng loạt chương trình nổi tiếng như: Chuyện bốn mùa, Siêu thị cười, Táo quân, Nghệ sĩ và sàn diễn…
Cẩm Liên cũng là người góp sức thực hiện nhiều vở kịch mang nội dung đặc sắc và được nhiều khán giả yêu thích. Được biết, vào tháng 4 năm nay, cô phải nhập viện vì sức khỏe yếu và căn bệnh ung thư thận có diễn biến phức tạp.
Dù đã được các bác sĩ tận tình chữa trị, song bệnh di căn đến phổi và Cẩm Liên không qua khỏi. Lễ viếng của Cẩm Liên được dự kiến cử hành vào sáng ngày 12/06 tại Nhà tang lễ Nguyễn Tri Phương, Quận 5, TP.HCM. Sau đó lễ động quan và hỏa táng sẽ diễn ra vào ngày 13/06.
Nhiều nghệ sĩ xót xa, gửi lời tiễn biệt BTV Cẩm Liên.
Hạnh Thúy: 'Sợ gần chết khi đóng với Hồng Tơ, Trịnh Kim Chi'
NSƯT Hạnh Thúy nhớ lại những chuyện bi hài lúc mới vào nghề, áp lực đứng cạnh người đẹp, sợ cảnh tình cảm, ngất xỉu khi giao lưu, nhận tin casting qua căn-tin trường.
- Lúc mới vào nghề hơn 20 năm trước, chị tìm kiếm cơ hội casting thế nào?
NSƯT Hạnh Thúy thời mới vào nghề qua ống kính của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
- Những năm 1990, điện thoại bàn còn khan hiếm, điện thoại di động thì chưa có. Các đoàn phim hay vào trường Sân khấu tìm diễn viên. Đám sinh viên chúng tôi hay nói đùa đạo diễn có thể không quen, nhưng trợ lý đạo diễn thì phải biết, vì họ là người giới thiệu diễn viên cho đạo diễn.
Nguyên đám sinh viên dùng chung một số điện thoại, đó là số của bà bán căn-tin cổng trường. Các anh trợ lý gọi đến đó, tìm sinh viên này, sinh viên kia học lớp này, lớp kia. Khi nào thấy chúng tôi, bà bán căn-tin gọi vào, đưa số của trợ lý đạo diễn. Chúng tôi gọi lại rồi trả tiền điện thoại công cộng cho bà ấy.
Hồi trẻ, tôi chỉ đi casting ba, bốn lần. Tôi thấy mình không có duyên với những buổi thử vai. Vài lần, tôi đã được chọn, được đạo diễn khen diễn tốt. Tôi đã định trang, may đồ, để trống lịch sẵn sàng đi quay. Ấy thế mà đến ngày phim bấm máy, vai diễn là của người khác, trong khi tôi không được báo. Tôi gọi cho đạo diễn rất nhiều lần mới liên lạc được. Đạo diễn xin lỗi tôi, giải thích rằng vì lý do đặc biệt nên không thể chọn tôi.
Đến bây giờ, tôi vẫn không biết đó là lý do gì. Đó là một cú sốc trong nghề. Sau lần ấy, tôi bớt kỳ vọng trước mỗi cơ hội, luôn chuẩn bị tâm lý đón nhận trường hợp tốt hoặc xấu. Tôi hay nói đùa trên đời có hai đối tượng không tin được, đó là đàn ông và đạo diễn (cười).
- Kể về cát-xê những năm 1990 - 2000, nhiều nghệ sĩ hay quy ra vàng. Chị thì có kỷ niệm nào với thu nhập diễn xuất của mình?
- Thời đó, tôi vẫn là diễn viên trẻ, cát-xê đâu có nhiều để quy được ra vàng. Tôi nhớ cát-xê phim đầu tiên của tôi đóng năm 1996 là 700.000 đồng, chắc tương đương chỉ rưỡi, hai chỉ vàng khi ấy. Tôi không biết vậy có phải nhiều không. Nhưng 700.000 đồng không phải lĩnh một lần mà chia làm nhiều lần. Mỗi lần, tôi mua quà cho ba má, cho em, cho bản thân. Đóng xong phim, tôi chẳng còn được bao nhiêu.
Sitcom Dù gió có thổi (2009) là phim dài tập đầu tiên tôi đóng. Serie đó rất được đầu tư, được làm tử tế và chỉn chu. Nhà sản xuất trả lương cho diễn viên cũng hậu hĩnh. Nhờ phim đó, tôi đặt cọc mua được miếng đất đầu tiên trong đời. Nhưng vì nhiều lý do nên đến giờ, miếng đất vẫn nằm nguyên ở Cần Giờ, chưa làm gì được (cười). Đến phim Hai gia đình , tôi được trả cát-xê bốn triệu đồng một tập. Xong phim, tôi mua thêm miếng đất cho em trai tôi. Thực ra, hai miếng đất đều bé tẹo, nhưng cũng là chút tài sản của tôi thời ấy.
- Bây giờ, diễn viên đóng phim nhiều vất vả nhưng tự trang bị nhiều tiện nghi, chẳng hạn ngồi xe hơi hay taxi, mang ghế ngủ, quạt pin, đồ ăn thức uống, đồ bổ... Thế hệ chị ở những thập niên trước thì sao?
- Các ngôi sao thế nào thì tôi không biết, nhưng tôi thì không có đâu. Hồi trẻ, tôi chỉ có xe đạp. Có lúc, tôi đạp xe đến điểm tập kết của đoàn phim rồi ngồi xe đoàn đến bối cảnh. Dù tối mới có cảnh quay, tôi cũng phải đi từ 5h sáng. Có lúc, tôi mượn xe máy để tự đi. Tôi hay mượn xe của danh hài Thúy Nga và một cô bạn thân cùng lớp. Thúy Nga suốt ngày mắng tôi không đổ xăng. Tôi mới bảo: "Tao bị ngã, làm vỡ đèn xe thì đúng, chứ tao có đổ xăng".
NSƯT Hạnh Thúy (giữa) và danh hài Thúy Nga (trái) chơi thân từ hồi trong trường Sân khấu.
Hồi 1996 - 1997, ít đoàn phim nấu cơm, thường họ phát tiền cho diễn viên tự ăn. Được phát 20.000 đồng, tôi ăn phần cơm 6.000 - 7.000 đồng, chi một ít đổ xăng xe nếu cần. Chi tiêu khéo léo, có khi tôi để dành được 5.000 đồng sau mỗi ngày quay. Diễn viên chúng tôi ăn cơm bình dân, uống trà đá, ngủ nghỉ thì vạ vật. Ai cầu kỳ thì trải áo mưa hoặc mắc võng, làm gì có ghế bố để ngủ hay có trợ lý đi theo chăm sóc như bây giờ.
Cách đây hơn 10 năm, điều kiện sinh hoạt của nhiều đoàn phim vẫn hạn chế. Cực nhất với tôi là phim Vịt kêu đồng . Đóng vai chăn vịt, chúng tôi sống y như dân chăn vịt, đi đến đâu cắm trại đến đó. Ban đầu đoàn ít người, chúng tôi còn nghỉ ngơi tử tế. Về sau êkíp đông quá, cả đoàn có mỗi cái lều. Anh em đầu bọc nilon, người quấn áo mưa, lăn ra đất ngủ, nhiều hôm ăn ngủ trong mưa.
- Thời còn là diễn viên mới, chị có kỷ niệm đáng nhớ nào khi đóng chung với các ngôi sao?
- Một trong những người anh tôi mang ơn nhiều nhất trong nghề là anh Hồng Tơ. Hồi tôi mới vào nghề, anh Hồng Tơ đang là ngôi sao lớn, giống Trấn Thành, Trường Giang bây giờ. Lần đầu đóng cặp, anh Hồng Tơ gọi tôi ra một góc. Lúc ấy tôi sợ lắm. Nhìn chùm râu dê, tôi cứ nghĩ anh ấy "dê" mình (cười). Hóa ra, anh Hồng Tơ hướng dẫn tôi diễn xuất, quăng miếng hài cho tôi. Nhờ lần đó đóng chung với anh Hồng Tơ, tôi nhận thêm vài vai diễn.
Ngày xưa đóng cảnh yêu đương, tôi sợ lắm. Một lần đóng vợ chồng, trong khi anh Huỳnh Anh Tuấn ôm tôi mùi mẫn thì tôi cứng đơ người. Tôi thấy kỳ kỳ, không thoải mái.
Lúc quay Người đẹp Tây Đô , tôi chỉ làm diễn viên quần chúng, ngồi góc đường hay ngoài hàng rào, có được tiếp xúc với chị Việt Trinh đâu, chỉ nhìn từ xa và thấy chị rất đẹp.
Tôi từng làm việc chung với anh Lê Công Tuấn Anh, anh Quyền Linh, chị Trịnh Kim Chi ở nhà hát. Các anh chị thân thiện và dễ thương lắm. Lúc diễn chung vở Người tình trăm năm với chị Trịnh Kim Chi, tôi sợ gần chết. Chị Chi đóng vai hoa hậu, tôi đóng vai á hậu. Tôi luôn mặc cảm khi diễn chung với những người đẹp như chị Chi. Chị Chi ngoài đời là á hậu, vào kịch đóng hoa hậu quá hợp lý. Còn tôi đóng hoa hậu, ai người ta tin! Chị Chi hay giúp tôi trang điểm và động viên tôi: "Bé à em đẹp mà, em phải tự tin lên".
Bức ảnh cũ chụp cùng nghệ sĩ Hồng Tơ mà NSƯT Hạnh Thúy tìm thấy gần đây.
- Ngày ấy, chị chọn phong cách thời trang thế nào?
- Mười mấy năm trước, tôi lòe loẹt, điệu đà lắm. Tôi cứ nghĩ như vậy mới đẹp. Giờ nhìn lại hình xưa, tôi chỉ thấy gớm, sến gì mà sến thế! Đi diễn, tôi tự make up được nhưng hơi vụng.
- Nhiều diễn viên khi mới vào nghề từng bị đạo diễn la mắng, còn chị thì sao?
- Tôi bị đạo diễn mắng nhiều. Một lần quay kịch trong đài truyền hình, không gian rất lạnh. Tôi cứ bước vào đó là đổ bệnh, ho, sổ mũi, đầu óc mụ mị. Đóng nữ chính mà diễn dở, tôi bị đạo diễn chửi kinh khủng. Đạo diễn muốn quay đặc tả tay tôi cầm bình hoa. Nhưng tôi vừa lạnh vừa sợ, tay chân run lẩy bẩy, không đặc tả nổi. Đạo diễn tức điên, đuổi tôi ra ngoài.
Năm 1997, tôi được chọn đóng vai gái điếm trong phim Trăng không mùa . Từ nhỏ đến lớn không dám nắm tay con trai, tôi rất sợ các cảnh đụng chạm. Quay cảnh buồn, tôi không khóc nổi. Đến lúc đoàn dẹp máy, tôi lại khóc ngon lành. Tôi lân la hỏi mấy anh trợ lý xem chú đạo diễn Hồ Ngọc Xum nói gì về tôi. Mấy anh bảo: "Chú khen Mỹ Duyên, Hồng Ánh đóng hay, còn em diễn hơi yếu". Nghe vậy, tôi biết chú quá tuyệt vọng về tôi, dù chú không mắng câu nào.
- Thời mới vào nghề chị trải qua những khó khăn nào về tài chính?
- Như nhiều diễn viên mới, tôi chịu áp lực lớn về cơm áo gạo tiền. Tôi thuê một căn nhà trong dãy nhà cấp bốn của một hợp tác xã cũ tại quận 8. Nhà tôi ở mặt đường cho mẹ tôi mở tiệm uốn tóc. Nhà xập xệ lắm, không có bồn cầu, chuột chạy suốt. Việc đóng tiền nhà thật sự khủng khiếp. Tôi cảm giác tuần trước vừa đóng tiền nhà, tuần này đã lại đến hạn. Sau này nhờ anh hai tôi gom góp mua được căn nhà, tôi thấy gia đình tôi giàu có hơn hẳn. Giàu có không phải là dư dả tiền bạc, mà là thoát được cảnh đóng tiền nhà hằng tháng.
Mỗi tối đi diễn, tôi kiếm khoảng 50.000 đồng. Tiền chợ cho bốn người 30.000 - 40.000 đồng. Số ít còn lại, tôi chi tiêu cá nhân hoặc tích góp đóng tiền điện, tiền nước.
NSƯT Hạnh Thúy - NSƯT Mỹ Uyên trong phim Sống trong sợ hãi (năm 2005) và bây giờ.
- Thời nay, diễn viên có nhiều điều kiện tiếp xúc công chúng khi đi giao lưu, cinetour hoặc thông qua mạng xã hội. 20 năm trước của chị và các đồng nghiệp thì sao?
- Ngày xưa, chúng tôi cũng đi giao lưu ở các buổi chiếu phim, nhưng chưa nhiều như bây giờ. Chuyến cinetour tử tế nhất ngày ấy của tôi là phim Sống trong sợ hãi . Hồi đó còn trẻ, tôi chưa có ý thức nhiều về chuyện giao lưu khán giả. Ngày chiếu phim, tôi vẫn ôm đồm chạy show tấu hài, làm MC. Đến rạp, chị Mỹ Uyên xinh đẹp lộng lẫy, tôi thì như con điên, hớt ha hớt hải, tay xách túi đồ trông rất hèn.
Một buổi khác chiếu Sống trong sợ hãi ở trường Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, tôi hãnh diện lắm vì mang bộ phim đầy tính nghệ thuật về trường cũ chiếu. Thế nhưng, tôi lại tiếp tục bị "quê". Cầm mic trả lời, vừa nói được câu "Dạ em", tôi xỉu luôn tại chỗ, làm mọi người hoảng hốt. Tôi cũng không biết mình bị sao, chắc căng thẳng quá.
Thời ấy, tôi hay mua báo giấy, cắt bài viết về mình và lưu lại làm kỷ niệm. 10 năm nay báo giấy ít dần, tôi không biết bảo quản thế nào các thông tin viết về mình trên báo mạng.
- Chị có những kỷ niệm đẹp nào với khán giả thời kỳ đầu?
- Đi tấu hài được khán giả nhận ra nhiều, tôi vui và hãnh diện lắm, cảm giác như mình tỏa hào quang. Khán giả nhiều lần làm tôi xúc động. Tôi vẫn nghĩ mình chẳng là ai đâu, nhưng tôi nhiều lần nhận được thư và hoa của mọi người. Có người còn viết vọng cổ tặng tôi. Có những em bé đợi tặng quà cho tôi sau những đêm diễn. Một lần tôi gặp một khán giả trẻ, bạn ấy kể: "Chục năm trước, con từng gặp cô. Cô rất thân thiện với con".
- Lần đầu xem tác phẩm của chị, ba má chị nói gì?
- Lần đầu ba má tôi thấy tôi trên tivi không phải qua phim hay kịch, mà là trong một cuộc đua xe đạp. Tôi cầm biển đứng trước một đội tuyển. Tivi vừa chiếu đến, tôi liền bảo: "Má ơi con kìa". Cả nhà xúm vào xem và khen tôi đẹp nhất đội hình, dù chẳng quan tâm những người xung quanh thế nào (cười).
Ngày xưa, ba tôi có máy chụp hình. Mỗi lần tivi chiếu phim của tôi, ba tôi đều chụp lại. Ông luôn chụp các tấm bằng khen, giải thưởng của tôi rồi in ra và treo trên tường nhà. Đó là cách ba mẹ tôi lưu lại kỷ niệm về tôi.
Khánh Linh ứng cử đại biểu HĐND Tham gia tranh cử đại biểu HĐND TP Hà Nội, ca sĩ Khánh Linh có những trải nghiệm thú vị trong buổi tiếp xúc cử tri. Ca sĩ Khánh Linh chia sẻ với Ngoisao.net, cô được Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cô thuộc đơn vị bầu...