Hong Kong từ hình mẫu chống Covid-19 tới hồi chuông cảnh báo
Từng là hình mẫu về chống dịch Covid-19, làn sóng lây nhiễm thứ ba biến Hong Kong thành một ổ dịch lớn lây lan nhanh chóng.
Đầu tháng 7, khách hàng vẫn xếp hàng dài tại các quán ăn, quán bar đông nghẹt người, bãi biển lác đác từng nhóm khách du lịch. Ba tuần sau khi ca lây nhiễm Covid-19 cộng đồng cuối cùng được báo cáo, tình hình dịch bệnh tại Hong Kong có dấu hiệu được kiểm soát.
Tất cả những thành quả chống dịch này bỗng bị dừng lại, khi làn sóng lây nhiễm thứ ba đổ bộ. Những bước đi sai lầm của chính phủ và biến chủng mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn được cho là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát thứ ba, làn sóng nghiêm trọng nhất tại Hong Kong từ khi dịch bệnh xuất hiện vào tháng 1.
Dù các ca nhiễm mới hàng ngày khiêm tốn so với Mỹ, những con số kỷ lục vẫn liên tục được ghi nhận. Các khu vực cách ly chật kín người. Từ hôm 29/7, tất cả quán ăn dừng phục vụ khách hàng tại chỗ, người dân bắt buộc đeo khẩu trang. Lệnh cấm tụ tập nhóm hơn hai người cũng được thực thi. Các quan chức đang áp dụng biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay.
Nhân viên y tế Hong Kong lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của một tài xế taxi, ngày 27/7. Ảnh: Reuters
Từng được ngợi ca là hình mẫu lý tưởng trong chống dịch Covid-19, Hong Kong đang dần trở thành một lời cảnh báo cho các nước. Chuyên gia y tế đổ lỗi cho các cuộc tụ tập đông người hay việc chính phủ cho phép một số nhóm cụ thể nhập cảnh mà không cần cách ly 14 ngày và làm xét nghiệm bắt buộc.
Nhóm được hưởng đặc cách tính từ đầu năm đến hết tháng 6 lên tới 250.000 người, gồm phi hành đoàn, thủy thủ, tài xế, giám đốc điều hành một số công ty,…
“Tất cả những người được ưu tiên sau đó tản đi khắp thành phố, họ bắt taxi, lây nCoV cho các tài xế”, Gabriel Choi Kin, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hong Kong, nói. “Làn sóng lây nhiễm thứ ba nổ ra một phần do cách quản lý yếu kém của chính quyền và sự xuất hiện của biến chủng virus, nguy hiểm hơn. Tức có hai vấn đề cùng một thời điểm”.
Lệnh cấm mới khiến các doanh nghiệp, đặc biệt các nhà hàng, hệ thống bán lẻ chao đảo, phá vỡ hy vọng nhu cầu lớn của người dân giúp họ dần vực dậy vào mùa hè, sau hơn một năm gián đoạn do các bất ổn chính trị, tiếp đến là đại dịch Covid-19.
Theo trang OpenRice, có khoảng 1.200 nhà hàng đóng cửa từ tháng một đến tháng 5. Rất nhiều nhân viên buộc phải nghỉ phép không lương, ngay cả trước khi các lệnh hạn chế được đưa ra.
Video đang HOT
“Thật khó để chấp nhận sự thật này”, Syed Asim Hussain, đồng sáng lập Black Sheep, tập đoàn sở hữu hơn 20 nhà hàng và 1.000 nhân viên. “Tôi từng dự đoán khoảng một phần ba doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng sẽ chịu thiệt hại nặng nề, nhưng làn sóng thứ ba đã giáng một đòn tiếp theo lên đầu chúng tôi”.
“Người Hong Kong từng là hình mẫu chống dịch, nhưng dường như chúng tôi đã để tuột mất danh hiệu này”, ông bổ sung.
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm theo quy định của chính phủ, ngày 17/7. Ảnh: Reuters
Các cảnh báo bắt đầu hôm 5/7 khi một đầu bếp dương tính với nCoV, phá vỡ chuỗi 21 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng. Số trường hợp được báo cáo mỗi ngày sau đó tăng lên đều đặn, với kỷ lục 145 ca mắc mới, ghi nhận hôm 27/7. Nếu hồi tháng Năm, chỉ khoảng hơn 20 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại các bệnh viện, con số này hiện đã tăng lên hơn 1.400 ca.
Rất nhiều ca nhiễm không thể truy vết đến các cụm dịch hiện có, khiến việc cách ly trở nên khó khăn. Tuần trước, khu vực này phát hiện cụm dịch liên quan tới lò mổ động vật, chợ thực phẩm và viện dưỡng lão. Hôm 27/7, hai ca tử vong cũng được báo cáo, nâng tổng số tử vong lên 22.
Các bãi biển và khu vui chơi tạm dừng hoạt động. Người dân không đeo khẩu trang bị phạt 645 USD.
“Tôi biết lệnh cấm mới sẽ mang lại nhiều bất tiện. Nhưng tôi mong mọi người cân nhắc và cố gắng tiếp tục trong giai đoạn khó khăn này”, Sophia Chan, thư ký Thực phẩm và Sức khỏe Hong Kong chia sẻ. Bà cho biết chính phủ Hong Kong sẽ xem xét việc cách ly và xét nghiệm nCoV với tất cả hành khách nhập cảnh trong thời gian tới, rút lại chính sách ưu tiên từng được thi hành.
Các chuyên gia y tế vẫn lo ngại về tình hình dịch bệnh tại các viện dưỡng lão, nơi từng phát hiện một vài cụm lây nhiễm. Vấn đề thiếu hụt phòng áp lực âm trong các bệnh viện cũng cần được giải quyết, trong bối cảnh số bệnh nhân phải đặt ống thở ngày càng tăng.
nCoV bùng phát đợt mới ở Hong Kong
Làn sóng Covid-19 thứ ba đột ngột quay trở lại Hong Kong, với các ca nhiễm không rõ nguồn gốc, người bệnh chưa từng tiếp xúc với cụm dịch.
Tháng 5, Hong Kong được coi như một hình mẫu cho việc kiểm soát Covid-19. Các trường học đã mở cửa trở lại. Nhà hàng, trung tâm thương mại một lần nữa đông đúc. Phương tiện công cộng như xe bus, tàu hỏa hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới đột ngột quét qua trong những tuần gần đây. Dịch lại đạt đỉnh. Các bệnh viện ghi nhận nhiều ca nhiễm theo ngày hơn bao giờ hết. Quan trọng hơn, giới chức y tế không thể xác định nguồn gốc của những trường hợp này, dù đã triển khai hệ thống truy vết tiếp xúc chặt chẽ.
Hôm 20/7, chính quyền báo cáo 73 trường hợp dương tính, con số cao nhất trong một ngày kể từ khi Covid-19 lần đầu xuất hiện.
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang khi đi làm bằng tàu điện ngầm, ngày 19/7. Ảnh: Reuters
"Tình hình nghiêm trọng và chưa có cách nào để kiểm soát", Carrie Lam, trưởng đặc khu, cho biết.
Trong khi chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới tìm cách nới quy định giãn cách xã hội, nối lại đường bay, mở cửa nền kinh tế, câu chuyện của Hong Kong mang đến một lời cảnh báo.
Các chuyên gia cho rằng việc gỡ bỏ phong tỏa quá nhanh chóng có thể tạo đà cho một đợt bùng phát mới, bởi hiện chặng đường đến vaccine còn cách vài tháng nữa. Ngay cả những quốc gia thận trọng nhất, số ca nhiễm mới vẫn dễ dàng tăng đột ngột. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đang vật lộn đối phó với tình trạng này.
"Đây là vấn đề thực sự đáng báo động. Khi nới lệnh hạn chế thái quá, bạn sẽ đối mặt với sự trở lại của virus", Tiến sĩ David Hui, giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm mới nổi Stanley Ho, Đại học Hong Kong, nhận định.
Trước đó, đặc khu được nhiều chuyên gia quốc tế khen ngợi vì công tác ứng phó đại dịch. Chính quyền nhanh chóng thắt chặt biên giới, hạn chế nhập cảnh và áp dụng biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, đợt bùng phát mới nhất khiến cả các chuyên gia y tế hàng đầu bối rối.
Giới chức cho biết vẫn chưa thể hiểu được nguồn lây của lượng lớn ca mắc Covid-19. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, bởi việc phá vỡ chuỗi lan truyền này sẽ trở nên khó khăn hơn. Hầu hết người được xét nghiệm dương tính không đi du lịch, không ra ngoài phạm vi sinh sống và chưa từng tiếp xúc với các cụm dịch trước đó.
Tiến sĩ Hui cho biết các đợt bùng phát trước đã được ngăn chặn một cách triệt để, không để chúng có thể lan rộng trong cộng đồng.
"Khi đó, bạn có thể cách ly ngay những người tiếp xúc gần và không để virus lây lan. Giờ đây thì điều này khá khó, bởi có quá nhiều người âm thầm truyền virus", ông nói.
Nhiều người cho rằng các ca nhiễm mới chủ yếu là do khách nhập cảnh vào Hong Kong mà không qua cách ly 14 ngày. Họ kêu gọi chính quyền ngừng cấp chứng chỉ miễn kiểm dịch cho một số doanh nhân, phi công, du khách. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn trong khi Hong Kong đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế.
Người dân mua đồ ăn tại một nhà hàng ngày 20/7, giới chức y tế chỉ cho phép các cơ sở kinh doanh phục vụ dưới dạng mang về. Ảnh: Reuters
Sau khi Covid-19 quay trở lại, giới chức khu vực một lần nữa phải áp đặt các biện pháp cứng rắn làm chậm sự lây lan của virus. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang mọi nơi, nhà hàng phải đóng cửa sau 6 giờ chiều. Các phòng tập, rạp chiếu phim, bể bơi cũng tạm ngừng hoạt động. Khoảng 40% công nhân viên chức nghỉ làm ở nhà.
Chuang Shuk-kwan, lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe về Các bệnh Truyền nhiễm Hong Kong, nhận định không loại trừ khả năng sẽ tái triển khai lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội nếu các trường hợp tăng theo cấp số nhân.
"Tất nhiên, chúng tôi hy vọng tình huống đó sẽ không xảy đến", ông nói.
Khu vực này hiện đang mở rộng xét nghiệm cư dân, đặc biệt là người có nguy cơ nhiễm virus cao, bao gồm người cao tuổi, tài xế taxi, nhân viên nhà hàng. Các cơ quan chuyên môn phải xử lý khoảng 10.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày.
Nhân viên y tế tiếp tục lo lắng số lượng bệnh nhân có thể gia tăng nhanh chóng, tràn ngập các bệnh viện thành phố. Giới chức cho biết khoảng 70 trong số 1.700 giường tại khu cách ly đã được sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều trong tình trạng ổn định, chỉ 36 người được coi là có triệu chứng nặng hoặc nguy kịch.
Tại một số bệnh viện, bệnh nhân trẻ tuổi dù không có triệu chứng vẫn được yêu cầu ở lại theo dõi cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Bác sĩ lo ngại điều này có thể dẫn đến thiếu không gian cho người bệnh lớn tuổi hoặc có triệu chứng nghiêm trọng, cần được chăm sóc khẩn cấp.
Hong Kong đối mặt làn sóng Covid-19 thứ ba Giới chức y tế Hong Kong cảnh báo thành phố đang đối diện làn sóng Covid-19 lần ba nghiêm trọng nhất, khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng. "Làn sóng lây nhiễm lần ba là tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, thậm chí còn tệ hơn tình hình hồi tháng ba", Chuang Shuk-kwan, lãnh đạo Trung tâm...