Hồng Kông trước nguy cơ thành Crimea thứ hai
Một cuộc trưng cầu dân ý tại Hồng Kông, dù không phải là một cuộc bỏ phiếu chính thức, nhưng đã thu hút được 800.000 người tham gia. Báo chí địa phương nói rằng đa phần đều muốn Hồng Kông có dân chủ nhiều hơn hiện giờ và tự chủ hơn trước Bắc Kinh. Sự phản kháng mạnh mẽ khiến người ta e ngại Hồng Kông có thể trở thành Crimea thứ hai.
Trung Quốc đang chột dạ
Không phải báo chí phương Tây nói Hồng Kông sẽ thành Crimea thứ hai, mà chính báo chí Trung Quốc lại ám chỉ địa danh nhạy cảm này khi nói về đặc khu hành chính của họ.
“Các nhà hoạt động đối lập tại Hồng Kông nên hiểu và chấp nhận rằng Hồng Kông không phải là một quốc gia độc lập. Họ không nên nghĩ rằng họ có khả năng biến Hồng Kông thành Ukraine hoặc Thái Lan”, tờ Thời báo Hoàn cầu cảnh báo.
Rõ ràng, Bắc Kinh rất không hài lòng về “trưng cầu dân ý” đòi hỏi dân chủ vừa kết thúc tại Hồng Kông.
Ở Crimea, một cuộc trưng cầu tương tự đã diễn ra bất chấp sự phản ứng của chính quyền Kiev đã cho phép Crimea tuyên bố tách khỏi Ukraine, rồi sau đó sáp nhập với Nga.
Tiếp đó, các cuộc trưng cầu tương tự diễn ra tại 2 tỉnh miền Đông là Donestk và Lugansk dẫn đến Ukraine rơi vào tình trạng phân liệt và bất ổn.
Liệu cuộc trưng cầu dân ý ở Hồng Kông có thể dẫn đến viễn cảnh như Crimea hay không là điều khó nói, nhưng có một điều rất rõ ràng là người Hồng Kông rất sợ hãi khi nền dân chủ của họ bị chèn ép bởi Bắc Kinh.
Video đang HOT
800.000 người nói có với cải cách dân chủ
Cuộc trưng cầu dân ý không chính thức được tổ chức bởi các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ để phản ứng với một “cáo bạch”, được chính phủ Trung Quốc đưa vào giữa tháng 6, khẳng định rõ không thể có dân chủ đầy đủ tại Hồng Kông như người dân ở đây mong muốn.
Dù tin tức về cuộc trưng cầu đã hoàn toàn bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, nhưng khắp thế giới đã biết hầu như 800.000 người ở Hồng Kông đều nói “có” với dân chủ.
Hồng Kông đòi Bắc Kinh giữ lời hứa
Trưng cầu dân ý thực sự là một động thái thay đổi chiến thuật trong chiến dịch đòi dân chủ của Hồng Kông. Chiến dịch này kéo dài trong một thời gian mà việc thương lượng đấu tranh với Bắc Kinh về cách quản lý đặc khu không thu được kết quả.
Năm 1997, khi Trung Quốc thu hồi Hồng Kông từ Anh, họ đã hứa cho người dân được trực tiếp bỏ phiếu lựa chọn ra người lãnh đạo của mình vào năm 2017. Nhưng giờ thì Bắc Kinh đang muốn nuốt lời hứa.
Họ muốn người dân Hồng Kông bỏ phiếu bầu lãnh đạo của mình, nhưng các ứng cử viên lại phải do “hội đồng” gồm những người thân Bắc Kinh đề cử. Ngoài ra, các ứng viên phải có phẩm chất “yêu nước”, mà theo cách hiểu rõ ràng hơn là “yêu Bắc Kinh”.
Báo Bắc Kinh gọi hành động vừa rồi của người Hồng Kông là trò hề
Như vậy, tuy Bắc Kinh giữ đúng lời hứa của 20 năm trước nhưng chỉ đúng trên mặt ngôn từ, chứ không phản ánh đúng mong muốn của người dân Hồng Kông. Chính vì tức giận khi gần sát đến 2017 mà tình hình không sáng sủa, nên người dân Hồng Kông đã tham gia cuộc trưng cầu để thể hiện ý nguyện của họ.
Thời báo Hoàn cầu lên án cuộc trưng cầu như là một “trò hề bất hợp pháp” và “một trò tấu hài”. Điều hành chính hiện nay tại Hồng Kông -ông Leung Chun-Ying, đã trung thành lặp lại quan điểm của Bắc Kinh rằng: “Không nên đặt người Hồng Kông trong cuộc đối đầu với người dân Trung Quốc đại lục”.
Ý của Bắc Kinh là người Hồng Kông không nên đòi hỏi quá đáng về các yêu cầu dân chủ, mà nên hài lòng với những thứ Bắc Kinh đang dành cho.
Nhưng người Hồng Kông cho rằng, đó không phải là một cuộc đối đầu mà họ chỉ đòi Bắc Kinh phải giữ đúng lời hứa 20 năm trước. Họ muốn Bắc Kinh phải đảm bảo Hồng Kông như là một phần của “một quốc gia, hai chế độ”.
Theo thỏa thuận đã được đàm phán với Anh 20 năm trước, Hồng Kông sẽ được hưởng “một mức độ cao của quyền tự chủ, ngoại trừ trong đối ngoại và quốc phòng” trong 50 năm tới.
Theo Một Thế Giới
Không ngán Trung Quốc, Mỹ thẳng thắn ủng hộ Hong Kong
Sau khi người Hong Kong xuống đường biểu tình đòi dân chủ, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ nước này cần có XH dân chủ trong khuôn khổ pháp luật.
Bất chấp việc Bắc Kinh có thể nổi giận, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố: "Chúng tôi tôn trọng truyền thống cũng như luật pháp của Hong Kong, bao gồm quyền tự do được quốc tế công nhận, người dân được sống trong hòa bình và tự do ngôn luận".
Hong Kong biểu tình đòi dân chủ.
Bà Marie Harf nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng một xã hội dân chủ trong khuôn khổ pháp luật là cần thiết cho sự ổn định và phát triển thịnh vượng của Hong Kong".
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lãnh đạo kế tiếp của Hong Kong sẽ được bầu ra vào năm 2017 tới. Theo bà Marie Harf, ứng cử viên này nếu đại điện cho ý chí và nguyện vọng của toàn bộ cử tri Hồng Kông sẽ là một điều thỏa đáng và tăng cường tính hợp pháp tại khu bán đảo tự trị.
Trước đó, ngày 1/7, đúng ngày kỷ niệm 17 năm Hong Kong trở về Trung Quốc Đại lục (1/7/1997-1/7/2014), phe dân chủ mở rộng ở Hong Kong đã tổ chức biểu tình, giống như mọi năm kể từ năm 1997, để bày tỏ những yêu sách chính trị của họ.
Hàng chục nghìn người đã tập trung tại Công viên Victoria (Công viên Trung tâm) ở khu Causeway Bay từ trưa 1/7 để chuẩn bị cho cuộc biểu tình khổng lồ đã được dự kiến từ lâu.
Sách Trắng của Bắc Kinh về Hong Kong và chân dung Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh đã trở thành những mục tiêu bị người biểu tình hủy hoại đầu tiên ngay từ buổi sáng 1/7 tại khu vực này.
Đúng 15h23 chiều 1/7, đoàn người biểu tình bắt đầu cuộc tuần hành hòa bình của mình tại Công viên Victoria. Đến tận khi di chuyển, vẫn có rất đông người gia nhập dòng người biểu tình ở khu vực cuối công viên.
Trong số những người biểu tình có 2 người mang theo một chiếc quan tài.
"Điều này là để nhớ các nạn nhân của ngày 4/6 vừa qua và những số phận tương tự. Nó cũng hàm ý rằng việc Bắc Kinh phát hành Sách Trắng đã đặt dấu chấm hết cho lời hứa của Bắc Kinh" - một thành viên thuộc Liên đoàn Dân chủ Xã hội nói.
Trên đường đi, họ đã hủy hoại Sách Trắng về Hong Kong và chân dung Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh. Trên đường di chuyển về khu vực tòa nhà chính quyền ở khu vực Kim Chung (Admiralty), đoàn biểu tình đã thu hút thêm sự tham gia của đông đảo người dân Hong Kong, với số lượng lên tới hàng trăm nghìn người.
Theo kế hoạch dự kiến, những người tham gia biểu tình ngồi sẽ chốt tại đường Chater và duy trì biểu tình ở đó qua đêm 1/7, tới tận 8 giờ sáng 2/7 và sẽ giải tán trước 9 giở sáng 2/7, với hy vọng chính quyền Hong Kong có thể xác lập quyền đề cử ứng cử viên Trưởng Đặc khu của người dân Hong Kong và đối diện thẳng thắn với cuộc khủng hoảng quản trị hiện nay ở Hong Kong.
Theo Đất Việt