Hong Kong: “Nguy” và “cơ” với TQ
Trong thực tế, dân chủ luôn là gốc rễ cho rất nhiều vấn đề trong nước và quốc tế mà TQ hiện phải đối mặt. Bản thân vấn đề dân chủ cũng là giải pháp cuối cùng cho nhiều vấn đề của Bắc Kinh.
Người biểu tình tập trung ở một quận hành chính của Hong Kong. Ảnh: AP
Những rắc rối gần đây ở Hong Kong liên quan tới cuộc bầu cử trưởng khu đặc chính Hong Kong là một cơ hội tốt để lãnh đạo TQ đánh giá lại các chính sách liên quan tới cải cách chính trị. Và dĩ nhiên, sự bất ổn ở Hong Kong cũng sẽ là thách thức lâu dài với Bắc Kinh.
Video đang HOT
Việc thiếu một đại diện toàn diện cho người Hong Kong tạo ra tình huống rằng, cho dù bất kỳ ai làm trưởng đặc khu tiếp theo thì người đó cũng sẽ phải đối mặt với “nhiệm vụ bất khả thi” khi cố gắng giữ vững sự cân bằng giữa phụng sự người dân Hong Kong và quan hệ tốt với Bắc Kinh.
Cùng lúc Bắc Kinh công bố cơ cấu cuộc bầu cử năm 2017 của Hong Kong, thì họ cũng thông báo cáo trạng với hai quan chức cấp cao tỉnh Sơn Tây cũng như quyết định thay thế lãnh đạo tỉnh ủy tỉnh này. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã dẫn tới kết quả hơn nửa quan chức tỉnh Sơn Tây bị bắt giữ hay sa thải.
Đây cũng là ví dụ điển hình cho thấy vấn nạn tham nhũng phát triển ở mức độ thế nào tại TQ ngày nay. Chính quyền Bắc Kinh đã coi chống tham nhũng là ưu tiên chương trình nghị sự. Ông Tập Cận Bình coi đó là cuộc chiến bất kể nguy cơ “sống chết”. Tuy nhiên, chiến dịch này có nguy cơ thất bại nếu Bắc Kinh không tiến hành cải tổ chính trị.
Mặc dù nền dân chủ sẽ không ngăn chặn tham nhũng hoàn toàn, nhưng thực tiễn của nhiều quốc gia dân chủ đã chứng minh rằng, một cách hiệu quả để chống tham nhũng là khi các quan chức được người dân mà họ đại diện bầu chọn trực tiếp hơn là chỉ định từ trên cao. Hơn thế nữa, một môi trường luật pháp và tự do báo chí cũng là cách hiệu quả góp phần ngăn chặn tham nhũng.
Ngoài những vấn đề nội địa, dân chủ cũng có thể là giải pháp cho một số rắc rối trong chính sách ngoại giao của TQ. Một vấn đề chính là nhiều láng giềng TQ hoài nghi Bắc Kinh, và ngày càng đặt câu hỏi về các dụng ý cũng như mục tiêu đối ngoại của TQ. Những quốc gia ở Đông và Đông Nam Á đang chứng kiến một nước lớn trỗi dậy nhưng lại thiếu sự minh bạch trong cả hoạch định chính sách cũng như hoạt động của chính phủ.
Chính quyền của ông Tập Cận Bình đặt ra tham vọng lớn, đưa TQ lên một tầm vóc thành công cao hơn, lớn hơn. Đã có những cuộc thảo luận ở TQ về việc ông Tập sẽ là “Đặng Tiểu Bình thứ hai” hay “Putin của TQ”. Bắc Kinh hiện tại đang trải qua nhiều cải cách, nhưng cải cách chính trị là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Điều tốt nhất mà ông Tập có thể làm trong nhiệm kỳ của mình là đóng góp vào tiến trình này trước khi tình hình trở nên ngoài tầm kiểm soát.
Trước những diễn biến tại Hong Kong, hôm qua, một người phát ngôn Văn phòng phụ trách các vấn đề Hong Kong, Macao thuộc Hội đồng nhà nước TQ cho hay, Bắc Kinh tin tưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (HKSAR) có thể giải xử lý phong trào biểu tình Occupy Central theo luật pháp.
Theo vị này, chính quyền trung ương kiên quyết phản đối mọi hành động bất hợp pháp có thể làm suy yếu luật pháp và gây nguy hiểm cho “bình yên xã hội”, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ chính quyền HKSAR trong nỗ lực duy trì ổn định xã hội của Hong Kong, bảo vệ an toàn cá nhân và tài sản của các công dân Hong Kong.
Người phát ngôn này nhấn mạnh, quyết định ngày 31/8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội TQ về hệ thống bầu cử của Hong Kong là phù hợp với luật cơ bản và lắng nghe ý kiến của các tầng lớp xã hội ở Hong Kong, vì thế nó có mang tư cách pháp lý mạnh mẽ và “không thể lay chuyển”. Theo người phát ngôn, quyết định phù hợp với tình hình thực tế khu vực, có lợi cho việc đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh và phát triển cũng như sự ổn định, thịnh vượng lâu dài của Hong Kong.
Theo Thái An
Vietnamnet