Hong Kong chuẩn bị ra sao để đảm bảo cho học sinh quay trở lại học trực tiếp?
Các trường học tại Hong Kong ( Trung Quốc) sẽ cho học sinh đi học trực tiếp trở lại sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Trước đó, các trường buộc phải đóng cửa gần 3 tháng trong bối cảnh thành phố trải qua làn sóng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Các trường sẽ cho học sinh quay trở lại lớp muộn nhất vào ngày 3/5. Ảnh: SCMP
Theo các quy định mới được đặt ra nhằm đảm bảo cho việc trở lại trường học một cách an toàn, tất cả giáo viên và học sinh phải xét nghiệm nhanh hàng ngày. Những lớp nào có trên 90% học sinh đã hoàn thành tiêm đủ hai liều vaccine mới được phép học nửa ngày.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin ngày học trực tiếp trở lại sẽ phụ thuộc vào từng khối lớp khác nhau. Hình thức học trực tuyến vẫn sẽ được tổ chức trong trường hợp hình thức học trên lớp của từng khối chưa bắt đầu trở lại. Cụ thể, các trường tiểu học tại Hong Kong sẽ mở cửa trở lại sớm nhất vào 19/4 và muộn nhất vào 3/5.
Trong khi đó, các trường cấp II sẽ bắt đầu học trực tuyến từ ngày 3/5, sau khi kỳ thi hoàn thành chương trình trung học cơ sở kết thúc.
Học sinh tại các trường mầm non sẽ chia làm 3 đợt khi quay trở lại lớp học, lần lượt vào các ngày 3/5, 10/5 và 16/5.
Trong khi học sinh trung học có thể học trên lớp hoàn toàn nếu 90% sĩ số được tiêm chủng đầy đủ, thì theo thông báo mới của Cơ quan Quản lý Giáo dục ngày 11/4, các em học sinh mầm non và tiểu học sẽ không học cả ngày do tỷ lệ tiêm chủng còn ít và sức đề kháng của các em còn yếu.
Dữ liệu của chính quyền thành phố cho thấy hiện có 97% học sinh từ 12 đến 19 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 79% các em tiêm đủ hai liều. Tuy nhiên, mới chỉ có 63% các em từ 3 đến 11 tuổi tiêm liều đầu tiên và 30% các em tiêm liều thứ 2.
Phần lớn hiệu trưởng các trường tiểu học và mầm non tại Hong Kong chia sẻ các lớp học trực tiếp cả ngày sẽ quay trở lại từ tháng 8.
Có sự khác biệt giữa học sinh tiêm đầy đủ và học sinh chưa tiêm?
Video đang HOT
Tất cả những học sinh có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 qua test nhanh hàng ngày được phép đến lớp. Các em bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên trường, kể cả trong giờ học thể dục.
Chỉ những học sinh đã được tiêm phòng đầy đủ mới có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa như chơi thể thao hay lớp học âm nhạc sau giờ học. Hiệu trưởng các trường cho biết họ tin rằng ưu tiên có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa là một động lực để học sinh tiêm vaccine.
Đối với những học sinh nhỏ tuổi hơn không có khả năng chăm sóc bản thân, các trường cho biết các hoạt động mà không đeo khẩu trang không được tổ chức.
Giáo viên, học sinh phải xét nghiệm nhanh hàng ngày trước khi đến trường. Ảnh: SCMP
Xét nghiệm COVID-19 hàng ngày
Học sinh và giáo viên bắt buộc xét nghiệm nhanh hàng ngày và chỉ những người có kết quả âm tính mới được phép vào trường.
Những người có kết quả xét nghiệm dương tính phải báo ngay kết quả cho Trung tâm Bảo vệ sức khỏe và trường học. Một số hiệu trưởng bày tỏ lo ngại quy định này sẽ làm tăng thêm khối lượng công việc hành chính của trường.
Trước đây, một lớp học sẽ tạm ngưng hoạt động nếu phát hiện có một trường hợp mắc COVID-19. Tuy nhiên, theo quy định mới, hạn chế này sẽ được nới lỏng. Các lớp học sẽ không bị đình chỉ cho đến khi cơ quan y tế hoàn tất cuộc điều tra.
Giám đốc Y tế Ronald Lam Man-kin cho biết nhà chức trách sẽ mở một cuộc điều tra nếu có từ 5% sĩ số học sinh và nhân viên trong một trường dương tính với COVID-19 hoặc từ 10% học sinh cùng lớp trở lên được xác nhận bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Làm thế nào để xác minh kết quả xét nghiệm?
Bà Vu Im-fan, Chủ tịch Hội đồng Các trường tiểu học, cho biết rất khó để có thể xác minh kết quả xét nghiệm hàng ngày của học sinh và giáo viên. Tất cả những gì nhà trường có thể làm là tin tưởng vào học sinh và phụ huynh. Bà cho rằng cần yêu cầu phụ huynh ký cam kết trong sổ ghi kết quả hàng ngày.
“Chữ ký đồng nghĩa với trách nhiệm các bậc phụ huynh đảm bảo kết quả là chính xác”, bà nói thêm các trường có thể xét nghiệm bất kỳ em nào trông không được khỏe.
Trong khi đó, bà Nancy Lam Chuling – hiệu trưởng một trường mầm non kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Giáo dục – gợi ý các trường yêu cầu học sinh nộp kết quả xét nghiệm hiển thị trên bộ test kit.
Chính quyền thành phố thông báo sẽ phát miễn phí 10 triệu bộ test nhanh cho các trường học và khoảng 300.000 học sinh có nhu cầu sẽ được nhận miễn phí trong tháng tới.
Bùng nổ test nhanh COVID-19 tại nhà ở Ấn Độ, chuyên gia lo ngại rủi ro
Việc người dân không khai báo kết quả dương tính COVID-19 sau khi tự xét nghiệm tại nhà đã khiến các nhà chức trách gặp khó khăn trong truy vết và ngăn chặn ổ dịch mới.
Bộ test nhanh COVID-19 Rapid Antigen Test bày bán ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AP
Đêm Giao thừa, chính phủ Ấn Độ viết thư gửi tới các bang, khuyến khích họ tuyên truyền đến người dân thực hiện xét nghiệm nhanh kháng thể COVID-19 tại nhà, đặc biệt là đối với những người có triệu chứng nhằm giảm tải sức ép cho hệ thống y tế địa phương.
Trong đợt dịch COVID-19 năm ngoái bùng phát do biến thể Delta gây ra, hệ thống bệnh viện và xét nghiệm đã gặp tình trạng quá tải. Tuy nhiên, tình trạng đó hiện nay đã giảm bớt do lượng người dân tự xét nghiệm tại nhà ngày một nhiều.
Theo hãng tin AP, trong 20 ngày đầu tiên của năm, khoảng 200.000 người đã chia sẻ kết quả xét nghiệm của họ với cơ quan y tế Ấn Độ - gấp 66 lần so với số lượng cả năm 2021. Rõ ràng chiến lược đã đạt được hiệu quả. Những ai có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được yêu cầu tự cách ly tại nhà, cho phép bệnh viện còn chỗ cho những người bị nguy cơ cao hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là một phần số lượng thực tế xét nghiệm tại nhà. Mặc dù đã có quy định yêu cầu người xét nghiệm nhanh phải báo kết quả với giới chức song nhiều người đã không làm vậy. Điều này có nghĩa là dữ liệu mà chính phủ thu thập được ít chính xác đi và có nguy cơ không ngăn chặn được những ổ dịch mới trong tương lai.
Đây là tình trạng mà một số tiểu bang ở Ấn Độ đang gặp phải và bày tỏ quan ngại. Tại Maharashtra, quan chức y tế bang - Tiến sĩ Pradeep Vyas đã kêu gọi tất cả người tự xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà trình báo kết quả. Vì những bộ xét nghiệm nhanh không phân biệt được biến thể omicron và biến thể delta, ông cảnh báo vẫn có những ca mắc cần được chăm sóc tại bệnh viện.
"Bỗng dưng cơ sở y tế của chúng ta lại gặp sức ép", ông đề cập trong bức thư gửi cho quan chức địa phương vào tháng trước.
Từ tháng 1/2022, hiệu thuốc trên toàn quốc chứng kiến sức mua các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 kỷ lục.
"Nếu tôi đoán không nhầm, chỉ có khoảng 20% người tự xét nghiệm tại nhà khai báo kết quả. Nếu bạn không báo lại cho chính quyền, mẫu thử của bạn sẽ không được phân tích, từ đó chúng ta cũng mất dấu lây nhiễm và không biết loại biến thể đó là gì", ông K Srinath Reddy, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Cộng đồng Ấn Độ, nhận định.
Người dân xếp hàng chờ lấy dịch mũi xét nghiệm COVID-19 bên ngoài một cơ sở xét nghiệm ở New Delhi. Ảnh: AP
Trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang lan rộng khắp châu Á, nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa mức độ chính xác và tốc độ trong triển khai xét nghiệm nhanh tại nhà để đảm bảo bệnh viện không bị quá tải.
Tại Hàn Quốc, các quan chức ngày 16/2 cho biết các bộ xét nghiệm nhanh sẽ được phát miễn phí tại các trường mẫu giáo, trường tiểu học và các trung tâm phúc lợi bắt đầu từ tuần tới sau làn sóng nhiễm biến thể Omicron chưa từng có. Các nhà chức trách đã bắt đầu chuyển chiến lược từ xét nghiệm PCR sang xét nghiệm nhanh. Người dân có thể mua các bộ xét nghiệm tại nhà ở các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi hoặc làm xét nghiệm miễn phí tại các phòng khám y tế công cộng. Bất kỳ ai có kết quả dương tính sẽ được làm xét nghiệm PCR.
Tại Ấn Độ, các quan chức đang dựa vào một cơ sở dữ liệu tập trung, nơi nhận kết quả xét nghiệm của người dân qua ứng dụng điện thoại. MyLab, công ty đầu tiên được phê duyệt sản xuất bộ test kit tại nhà, tiết lộ mỗi ngày họ sản xuất được 500.000 bộ. Saurabh Gupta, trưởng bộ phận chiến lược của MyLab, cho hay doanh số bán hàng của họ đã tăng gấp 10 lần so với quý trước. Cho đến nay, Ấn Độ đã phê duyệt 8 bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà, dao động mức giá từ 2 USD (khoảng 45.000 đồng) đến 33 USD (752.000 đồng).
Các chuyên gia khuyến cáo các bộ xét nghiệm nhanh không chính xác bằng xét nghiệm PCR và có khả năng cho kết quả âm tính giả cao hơn.
Parul Saxena, một người nội trợ ở New Delhi, đã tự xét nghiệm tại nhà vào tháng trước và nhận kết quả âm tính. Nhưng khi tình trạng đau nhức cơ thể và sốt vẫn diễn ra, cô đã đi làm xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy cô dương tính với COVID-19.
Một mối lo khác mà các chuyên gia quan tâm là các bộ xét nghiệm nhanh có thể không phát hiện được biến thể mới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng không nhất thiết các ca dương tính phải được báo lên chính quyền.
"Hiện tại, đó không phải là ưu tiên lớn nhất. Quan trọng là chúng ta phải đảm bảo nếu mọi người mắc COVID-19, hệ thống y tế của chúng ta phải đảm bảo cung ứng đủ", Chủ tịch Reddy nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ashley St. John - Phó Giáo sư tại Đại học Y khao Duke-NUS ở Singapore - bày tỏ đồng quan điểm, cho rằng những yếu tố khác quan trọng hơn.
"Tôi nghĩ ưu tiên về việc thu thập dữ liệu chính xác về số ca dương tính đã giảm bớt khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. Chúng tôi biết rằng nhiều người được tiêm chủng vẫn cho kết quả dương tính ngay cả khi họ không có biểu hiện triệu chứng hoặc trở bệnh nặng. Chúng ta phải chấp nhận virus SARS-CoV-2 là đặc hữu và không thể dõi theo từng người một", bà kết luận.
Australia triển khai biện pháp để trường học là nơi 'mở đầu tiên, đóng sau cùng' Các trường học tại Australia sẽ bắt đầu học kỳ một ngày 31/1 tới, ngoại trừ tại hai bang Queensland and South Australia, nơi kế hoạch khai giảng phải lùi lại để phòng tránh làn sóng COVID-19 dự kiến đạt đỉnh vào thời điểm đó. Học sinh tại Australia sẽ vẫn tới trường nếu trong lớp có bạn bị nhiễm COVID-19. Ảnh: AP...