Hong Kong bắt nhà hoạt động gần lãnh sự quán Mỹ
Tony Chung, nhà hoạt động 19 tuổi, bị bắt gần lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong hôm nay theo luật an ninh Bắc Kinh mới áp dụng.
Theo một phóng viên chứng kiến sự việc, Chung bị những người đàn ông không rõ danh tính dẫn ra khỏi quán cà phê đối diện lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong. Student Localism, nhóm hoạt động Chung từng tham gia trước khi luật an ninh Hong Kong được ban hành, cho biết thanh niên này và hai cựu thành viên khác của nhóm đã bị bắt hôm nay.
Cảnh sát Hong Kong sau đó xác nhận họ đã bắt ba người, giải thích rằng quyết định này liên quan đến cuộc điều tra đang được tiến hành về một nhóm bị cáo buộc “kích động ly khai”, một trong những tội danh mới theo luật an ninh quốc gia có hiệu lực từ hôm 30/6.
Ba nghi phạm bị bắt lần đầu vì tội danh này hồi cuối tháng 7, nhưng sau đó được tại ngoại. Chung là người đầu tiên bị bắt theo đạo luật mới mà danh tính được xác định.
Video đang HOT
Nhà hoạt động Tony Chung tại Hong Kong hôm 8/8. Ảnh: AFP.
Nhóm hoạt động “Những người bạn của Hong Kong” đã thông báo cho truyền thông về vụ bắt Chung trước khi sự việc xảy ra, cho biết các thành viên của nhóm đã cố gắng sắp xếp cho Chung nộp đơn xin tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ. “Kế hoạch của chúng tôi là đưa cậu ấy vào văn phòng lãnh sự quán hôm nay”, một thành viên giấu tên tiết lộ.
Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong chưa phản hồi yêu cầu xác minh thông tin.
Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong từ tháng 6, sau khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ năm ngoái kéo dài và người biểu tình đòi thêm thêm nhiều yêu sách khác, như tăng quyền dân chủ, điều tra việc cảnh sát dùng vũ lực, đề nghị Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.
Đạo luật gồm 6 chương, 66 điều, quy định về trách nhiệm của những tổ chức làm nhiệm vụ duy trì an ninh quốc gia tại Hong Kong, đồng thời xác định 4 tội danh xâm phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài đe dọa tới an ninh quốc gia. Luật cũng cho phép các sĩ quan an ninh Trung Quốc đại lục triển khai hoạt động tại Hong Kong mà không bị ràng buộc bởi luật pháp địa phương.
Nhiều người bày tỏ lo ngại luật an ninh Hong Kong gây suy yếu mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, vốn giúp đặc khu duy trì mức độ tự trị cao kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định luật này trên thực tế giúp củng cố nguyên tắc, phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển, đồng thời chỉ nhắm vào một nhóm thiểu số “gây rối”.
Nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong bị tấn công
Một nhân viên tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong bất ngờ bị người đàn ông lạ mặt tấn công ngay bên ngoài nơi làm việc vào chiều nay.
Cảnh sát Hong Kong cho biết nhân viên tổng lãnh sự quán Mỹ, hơn 40 tuổi, rời cơ quan ở đường Garden vào khoảng 15h35 và đang đi bộ xuống dốc thì bị nghi phạm, được tin là người Trung Quốc, tiếp cận từ phía sau. Kẻ này đã đấm hai phát vào đầu anh trước khi bỏ chạy. Cú đấm khiến nam nhân viên bị chảy máu đầu và được đưa tới bệnh viện Queen Mary.
Phát ngôn viên tổng lãnh sự quán Mỹ xác nhận thông tin nhân viên bị hành hung nhưng không tiết lộ danh tính vì lý do bảo mật thông tin.
"Nhân viên này không bị thương nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi hiện chưa thể suy đoán được động cơ của kẻ tấn công", phát ngôn viên cho biết.
Vụ việc đang được cảnh sát điều tra.
Nhân viên an ninh canh gác bên ngoài tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong. Ảnh: SCMP.
Tình hình Hong Kong trở nên bất ổn từ sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn hồi năm ngoái, trong đó có những cuộc biểu tình bạo lực. Trung Quốc ngày 30/6 thông qua luật an ninh Hong Kong, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã bày tỏ quan ngại với động thái này của Trung Quốc, cho rằng nó làm xói mòn quyền tự trị tương đối cao của Hong Kong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hong Kong vì luật an ninh mới. Mỹ tháng này cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt với trưởng đặc khu Carrie Lam cùng nhiều quan chức, cựu quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong nhiều lần khẳng định luật an ninh mới nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển cho đặc khu, đồng thời cảnh báo các quốc gia không can thiệp vấn đề nội bộ.
Tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ với Carrie Lam Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong bác cáo buộc 'thông đồng'
Lãnh đạo Hong Kong dự buổi hòa nhạc có người nhiễm nCoV Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam từng dự buổi hòa nhạc hôm 9/10, nơi một nhạc công sau đó được phát hiện nhiễm nCoV, khiến 100 người phải cách ly. Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong cho biết một thành viên 35 tuổi giấu tên thuộc Dàn nhạc Giao hưởng của đặc khu đã nhận kết quả dương tính với...