Hồng Đức – thiếu đức
Trà trộn trong số khách đến lễ tại ngôi đền ở 102 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Tạ Hồng Đức đã trộm cắp tiền “giọt dầu” và tiền công đức trong đền bằng thủ đoạn tinh vi…
Chiều 28-2, qua hệ thống camera được lắp đặt trong đền Hàng Bạc ở 102 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Tất Kim Hùng, thủ nhang đền phát hiện một người đàn ông đang có hành vi trộm cắp tiền trong hòm công đức đặt trên tầng 2, đã điện báo CAP Hàng Bạc. Ngay sau đó, tổ công tác của CAP Hàng Bạc đã khẩn trương tới đền Hàng Bạc.
Đối tượng Đức và tang vật bị thu giữ
Lúc này, đối tượng trộm cắp đang từ trên tầng 2 đi xuống đã bị các chiến sỹ công an kiểm tra, phát hiện đối tượng giấu trong người 1 chiếc túi nilon màu trắng đựng 1.990.000 đồng với nhiều loại tiền mệnh giá khác nhau; ngoài ra còn có 2 chiếc cần ăng ten vô tuyến (ăng ten râu) có dính kẹo cao su ở phần đầu.
Biết không thể chối cãi, Tạ Hồng Đức (SN 1961), trú ở 171 phố Mai Hắc Đế, từng có 5 tiền án về tội trộm cắp (trong đó có 3 tiền án trộm cắp tài sản tại đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm và chùa Tứ Kỳ, huyện Thanh Trì), hiện sống lang thang thú nhận, vừa trộm cắp số tiền trên tại hòm công đức trong đền Hàng Bạc bằng thủ đoạn dùng cần ăng ten có dính kẹo cao su để “câu” tiền qua khe của hòm công đức…
Tiếp tục kiểm tra trong người đối tượng, CAP Hàng Bạc phát hiện có vé gửi xe máy, qua đó xác định Tạ Hồng Đức gửi xe máy Wave tại 104 phố Hàng Bạc. Kiểm tra cốp chiếc xe máy đối tượng sử dụng, CAP Hàng Bạc phát hiện 1 chiếc túi nilon màu đen đựng 189.000 đồng. Tên Đức thú nhận, số tiền trên hắn cũng lấy cắp tại đền Hàng Bạc vào lúc 9h cùng ngày, do khách đến lễ đặt tiền “giọt dầu” ở các ban thờ bên ngoài nên hắn trộm cắp dễ dàng.
Thấy trong hòm công đức có nhiều loại tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng. Buổi chiều cùng ngày, mang theo phương tiện trộm cắp là 2 chiếc cần ăng ten râu có dính kẹo cao su ở phần đầu, tên Đức quay lại đền Hàng Bạc. Hắn cũng sắm 3 lễ tiền vàng và mấy quả cam giả là người đi lễ rồi thực hiện hành vi trộm cắp. CAP Hàng Bạc đã hoàn chỉnh hồ sơ, chuyển đối tượng và tang vật về CAQ Hoàn Kiếm để xử lý.
Theo ANTD
Video đang HOT
Nhà trăm tuổi thoi thóp giữa phố cổ
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1880, đã tròn 130 năm vẫn lắt lay bám trụ lại với thời gian.
Ngôi nhà nằm ở số 47 Hàng Bạc, một trong những ngôi nhà cổ nhất đất Thăng Long- Hà Nội. Những thành viên của ngôi nhà thường thở dài ngao ngán: "Mang tiếng nhà cổ, nhà khổ thì đúng hơn".
Căn nhà rệu rã
Cảnh báo chỉ có ở ngôi nhà này.
Nhà số 47 Hàng Bạc là một trong những ngôi nhà cổ nhất Hà Nội hiện còn sót lại; nếu xét kiến trúc thuần Việt thì đây là ngôi nhà cổ nhất phố cổ. Hiện tại, tư liệu tin cậy của ngôi nhà là bức ảnh mà một cô gái Pháp đưa sang Hà Nội năm 2001, mặt sau đề chụp năm 1883 và chắc chắn ngôi nhà phải có trước mốc thời điểm trên. Đặc trưng ngôi nhà phong kiến có lối đi ở giữa, mặt tiền nhô cao (không có vỉa hè bởi thời xưa lòng đường cũng là... vỉa hè, sau người Pháp sang mới quy hoạch theo kiểu mới).
Bước chân vào ngôi nhà cổ này, mọi náo nhiệt của phố xá sầm uất dường như biến mất, thay vào đó là một không gian hoàn toàn khác biệt. Nó cũng khác so với những gì tưởng tượng của tôi khi chưa đặt chân đến ngôi nhà này. Mái ngói ngả màu thời gian, tường rêu phủ... Không! Cái không gian cổ kính đó đã nhanh chóng bị biến mất bởi thực trạng không thể "hoàn cảnh" hơn của ngôi nhà này.
Mái nhà thay vì được che chắn bằng ngói thì không biết bao nhiêu là lớp bạt được phủ lên, tường loang lổ, xập xệ, không gian cổ phía trong bị chia nhỏ bởi quá nhiều hộ gia đình cùng chung sống.
Toàn bộ ngôi nhà được thiết kế bởi những cột gỗ với kèo và cầu thang cũng bằng chất liệu trên. Chính vì thế, qua 130 năm, các cột gỗ đã bộc lộ sự già nua, hết hạn sử dụng...
Lối đi dẫn vào nhà, vữa bong nham nhở, lộ những mảng gạch cổ. Nhìn thẳng lên có thể thấy được bầu trời. Bước những bước nhẹ lên cầu thang gỗ đã mục, thanh vịn bằng sắt đã gỉ sét, mà tôi cứ lo nơm nớp nó có thể sập xuống bất kỳ lúc nào. Để tô điểm thêm vẻ lâu năm, phía cuối căn nhà, một cây sanh đã mọc lâu năm bám chặt vào tường, cây sống chen lấn với người không biết bao nhiêu năm nay.
Cụ Nguyễn Văn Ngọc, người nhiều tuổi nhất, năm nay đã 87 tuổi, cũng là người sống lâu nhất ở căn nhà này hơn 60 năm cho biết: "Vài chục năm trở lại đây, ngôi nhà này đã xuống cấp và gần đây nó bị biến dạng thảm hại".
Ở góc nhà bóc mấy tấm ván lên toàn là gỗ mủn. Cột trụ gỗ lim cao 7,5m đã gãy vẹt hẳn đoạn mống phải cặp bằng hai thanh gỗ tạm như người gãy chân bó bột.
7 hộ gia đình sinh sống với hơn chục công trình lớn nhỏ. Bếp, nhà vệ sinh được kê bất kỳ một chỗ trống nào đã biến ngôi nhà thành một không gian sống tạm bợ. Nếu như mặt tiền, kết cấu còn mang dáng dấp một ngôi nhà, thì bên trong lại là cơ ngơi lộn xộn như khu ổ chuột khó có thể hình dung được cụ Ngọc tâm sự: "Nhiều lúc phải phá dỡ một số chi tiết bởi có nguy cơ sập, chúng tôi cũng rất buồn khi kiến trúc cổ bị phá bỏ nhưng không còn cách nào khác".
Sống khổ!
Bà Nguyễn Thị Quế với cuộc sống thường nhật trong "khu" tạm bợ.
Ngày nắng, nơi đây biến thành một chiếc "lò" đặc quánh mùi. Ngày mưa, đại gia đình phải chui vào lô cốt chống... sập mà vẫn lo nơm nớp. Người dân sống ở đây ăn cơm trộn mọt là chuyện thường ngày và những nhà vệ sinh được làm theo kiểu "lộ thiên".
Trước đây, sống trong ngôi nhà cổ này có lúc lên tới 40 người, hầu hết đều là con cháu một nhà của ông Nguyễn Văn Ngọc. Nhưng rồi một số con cháu không chịu được cuộc sống chen chúc, tạm bợ ở đây đã dứt ra thuê nhà ở chỗ khác. Hiện tại căn nhà này còn 7 hộ và gần 30 nhân khẩu vẫn sinh sống.
Điều đáng nói là từng ấy con người lại sống trong 1/3 diện tích còn lại của 206m2 diện tích ngôi nhà. 2/3 diện tích đã hoang phế không thể sử dụng được.
Với tuổi thọ 130 năm, ngôi nhà cổ nhất nhì Hà Nội đang thoi thóp giữa phố phường Hà Nội.
Nhiều năm rồi, những hộ gia đình ở đây vẫn phải chịu cảnh khi nắng mùi hôi nồng nặc bốc lên, khi mưa, thì nhà ngập là đương nhiên, ai cũng lo ngay ngáy có cái gì đó trên đầu sẽ rơi xuống. Đã không dưới hai lần, mái sau của ngôi nhà này đã sập.
Bà Nguyễn Thị Quế sống trọn cuộc đời làm dâu ở căn nhà này không khỏi bùi ngùi khi kể lại những lần nhà đổ: "Năm ngoái, đúng 28 tết, trong khi cả nhà đang chuẩn bị ăn tết thì mái trên của nhà đổ sập xuống, khiến tôi suýt chết. Tết nhất đến rồi, không che đậy lại thì mưa ngập nhà. Những ngày đó cửa hàng vật liệu xây dựng nghỉ cả rồi. Đành phải mua bạt phủ lên làm mái nhà. Giữa Thủ đô, mà sống không bằng ngoài bờ bãi, ăn tết cũng không yên ổn".
Vợ chồng ông Thanh bà Quế gồm 9 người sống trong một không gian chỉ vẻn vẹn 16m2. Tuy mang tiếng là hai hộ nhưng chỉ cách nhau một bức vách không thể mỏng hơn.
Hiện ngôi nhà là nhiều mảnh ghép lộn xộn gá vào nhau. Bà Quế kể: "Ngày xưa, nhà tôi là một dãy ba lớp từ mặt đường đi thẳng vào 30m. Lúc đó trong sân còn trồng cả cây cối um tùm, những hoa văn cổ trên các bức tường, chân cầu thang, hay những cột kèo của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng rồi do gia đình tăng dân số theo thời gian, quỹ đất cứ chia năm sẻ bảy để sinh sống thành ra như thế này. Trung bình 1,77m2/người đã là một con số sốc, nhưng theo bà Quế: "nhà tôi còn chưa chật bằng mấy nhà phía trong. Có nhà thay đồ còn phải thò một cánh tay ra cửa sổ mới mặc được áo mới éo le".
Có hẳn cả một khoảng không gian tầng 2 bao nhiêu năm nay vẫn bỏ trống, không ai cải tạo để ở. Lý giải điều này, ông Thanh cho biết: "Thẳng bếp lên có một thanh xà lim (đỡ lầu trên) đang bị mối ăn gần đứt mà "chưa biết nó ụp khi nào". Cái cầu thang cổ cao chót vót bắc lên lầu hai ở giữa nhà cũng mục nát, ai dám bước lên đó". Không ai dám lên đấy ở, ông Thanh lấy đó làm nơi thờ tự gia tiên và dòng họ.
Theo quy chế, những ngôi nhà cổ đã "niêm" danh sách thì cấm chủ tự phá dỡ, tu sửa. Điều này đã không những đe doạ sự biến mất của một ngôi nhà cổ tồn tại hơn một thế kỷ mà còn đe doạ đến tính mạng những con người đang sinh sống dưới mái nhà ấy. Bao nhiêu dự án cải tạo đến rồi lại đi. Mà ngay cả không có quy chế trên thì việc sửa chữa ngôi nhà cũng không dễ, bởi ở đây có tới 7 hộ sinh sống. "Bây giờ đã là 7 hộ riêng biệt. Có phải chung một gia đình quyết xây là xây được đâu. Không lối thoát. Nhà cổ cái gì, nhà khổ mới đúng", bà Quế buồn bã nói.
Nguyên mẫu ngôi nhà hình ống rộng 206m, mặt tiền 7m chia ba lớp nối nhau, mỗi lớp cao hai tầng, mái dốc lợp ngói vảy rồng kiểu "nhà Hà Nội cổ" và xuyên từ cửa (mặt đường) vào đáy nhà là một lối đi ở giữa rộng 1,4m. Giữa các lớp là sân trời (đón gió, ánh sáng) và sân phơi. Chưa kể lớp thứ tư là bếp và sân bày cỗ phía trước. Lầu một có ô cửa hẹp duy nhất trổ ra mặt phố, lầu hai không có cửa sổ vì nhà hướng bắc kiêng gió độc mà thay bằng cửa bát quái. Sân trời nằm giữa lớp nhất và nhì, phía trên lợp bốn mái che hình ô hoa. 70% ngôi nhà từ vách, dầm, rui, mè, lót... làm bằng gỗ lim, dổi, vàng tâm với những tấm ván dài 7-8m, dày 3335cm. Gạch xây tường, gạch lát nền hình lục giác, chữ nhật dẹt, rộng bản (1520x2cm) xây một lớp ngang một lớp ốp.
Theo GiađinhNet