‘Hồn Papa da con gái’: Thái Hòa là người đàn ông đáng thương nhất màn ảnh rộng 2018?
Cũng là một người đàn ông đơn thân cùng với những nét khác người, yếu đuối quen thuộc, lần này, giống như vai diễn Hùng của “ Chàng vợ của em”, ông bố Hải trong “ Hồn papa da con gái” cũng phải nén nước mắt đưa người con gái thân thuộc nhất đối với mình ra sân bay.
Khác với cuộc chạy đua ấn tượng trên màn ảnh rộng Việt Nam hồi cuối năm ngoái, năm 2018 khép lại với không nhiều dự án điện ảnh. Song, Hồn papa da con gái của đạo diễn Ken Ochiai được xem là “cú hạ màn” ấn tượng của phim trong nước năm nay bởi câu chuyện mang nhiều thông điệp nhân văn giữa hai cha con Châu ( Kaity Nguyễn đảm nhận) và Hải (Thái Hòa thủ vai).
Chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản Papa to Musume no Nanokakan của tác giả Takahisa Igarashi, chuyện phim Hồn papa da con gái theo chân hai cha con sống cùng nhau sau khi mẹ qua đời vì bệnh nặng. Trong khi Hải (Thái Hòa) là người cha ham chơi, sống thờ ơ, vô tâm với mọi thứ, luôn thích những thứ sáng tạo, vượt ra khỏi các chuẩn mực; thì Châu (Kaity Nguyễn đảm nhận) dường như trưởng thành ngay lập tức sau cái chết của mẹ. Nữ sinh lớp 12 đảm đương mọi việc trong gia đình, sống nguyên tắc, luôn khao khát giành chiến thắng và trở thành một vũ công ballet chuẩn chỉnh ở từng tư thế như mẹ mình trước kia.
Tuy nhiên, một biến cố xảy ra trong đám giỗ của mẹ đã khiến hai cha con bị hoán đổi thân xác cho nhau: Hải phải sống cuộc sống của một nữ sinh cuối cấp, tham gia nốt cuộc thi tài năng với phần diễn múa ballet mà Châu từng dày công tập luyện. Trong khi đó, Châu đến nơi làm việc của bố và đối mặt với hàng loạt rắc rối khi phải sống ở môi trường quá ồn ào và đòi hỏi sự sáng tạo. Thay nhau nhìn mọi việc qua lăng kính của người khác, Hải và Châu đã dần thay đổi suy nghĩ, thấu hiểu nhau hơn và tìm lại cảm giác gia đình thực thụ từ ngày mất mẹ.
Câu chuyện xoay quanh hai cha con hoán đổi thân xác cho nhau lồng ghép không ít giá trị nhân văn, song vẫn để lại nhiều lỗ hổng khiến khán giả tiếc nuối. Đồng thời, thời lượng có hạn của một tác phẩm điện ảnh khiến phim khó truyền tải hết những mâu thuẫn giữa Hải và Châu trong nguyên tác. Tuy vậy, Hồn papa da con gái vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc giải trí, đem đến tiếng cười thoải mái cho người xem, nhất là qua màn thể hiện của “ông hoàng giải trí” Thái Hòa.
Giống như nhiều vai diễn từng được Thái Hòa thể hiện trên màn ảnh rộng trước đây, nhân vật Hải được khắc họa tròn trịa cùng hình ảnh người cha ham chơi, sống thờ ơ, vô tâm với mọi thứ, có tính cách “mãi chẳng chịu trưởng thành”, trong đầu luôn có những ý tưởng khác người, trái với mọi quy chuẩn, nguyên tắc. Tính cách đó càng trở nên nổi bật khi đặt cạnh Châu – một “bà cụ non” đúng nghĩa, phải cáng đáng mọi lo toan từ khi mẹ mất.
Sau khi cuộc hoán đổi thân xác định mệnh diễn ra, từ một người cha “nổi loạn”, “chẳng chịu trưởng thành”, Thái Hòa phải hóa thân thành một nữ sinh cuối cấp phải sống trong hình hài người cha, làm quen với môi trường làm việc và các đồng nghiệp đang ganh đua, cạnh tranh nhau. Dù đã nghiêm túc, trưởng thành đúng tuổi, nhân vật Hải vẫn trở nên khác biệt bởi sự nữ tính, điệu đà và nhạy cảm vốn có của Châu.
Đóng vai người cha mang tâm tính con gái, Thái Hòa tiếp tục phô diễn những nét hài duyên dáng của mình. Song, ở một vài phân cảnh, lối hài hình thể, đồng bóng, cường điệu hóa vốn đã quá quen thuộc trong phim giải trí Việt Nam vẫn khiến không ít người xem khó tính chán ngán.
Video đang HOT
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi Kaity Nguyễn có bước tiến về diễn xuất rõ rệt ở lần thứ hai đóng phim điện ảnh; thì Thái Hòa không có quá nhiều điểm nổi bật, mới lạ so với những vai diễn trước đó của anh. Rõ ràng, vai diễn Hải của Hồn papa da con gái trở nên tròn trịa bởi kinh nghiệm đóng hài lâu năm của nam diễn viên sinh năm 1974 này.
Bên cạnh đó, bộ phim có sự xuất hiện của người đẹp Phương Anh Đào – người từng đóng cặp cùng Thái Hòa trong bộ phim Chàng vợ của em, ra mắt hồi tháng 8 năm nay. Cũng là một người đàn ông đơn thân cùng với những nét khác người, yếu đuối quen thuộc, lần này, giống như vai diễn Hùng của Chàng vợ của em, ông bố Hải trong Hồn papa da con gái cũng phải nén nước mắt đưa người con gái thân thuộc nhất đối với mình ra sân bay. Sự trùng hợp thú vị này khiến nhiều người hâm mộ cho rằng: “Thái Hòa là người đàn ông đáng thương nhất màn ảnh 2018, khi cứ cuối phim là phải tiễn người yêu/con gái ra sân bay trong cùng một năm!”.
Không cho thấy sự mới lạ trong diễn xuất, song năng lực cũng như kinh nghiệm dạn dày của nam diễn viên sinh năm 1974 vẫn trở thành bảo chứng cho mỗi tác phẩm anh tham gia. Nối tiếp Chàng vợ của em, Hồn papa da con gái cũng có nhiều khả năng trở thành ứng viên sáng giá phòng vé năm nay. Bên cạnh đó, “ông hoàng giải trí” Thái Hòa còn nâng đỡ diễn xuất của những ngôi sao trẻ, đưa cả Phương Anh Đào lẫn Kaity Nguyễn tỏa sáng khi diễn cặp.
Theo saostar
"Hồn Papa, Da Con Gái" so với phiên bản xứ Hàn: Sáng tạo táo bạo hơn, nhưng cũng tự thêm "sạn" nguy hiểm
Tuy còn không ít những điểm hạn chế đáng tiếc nhưng so với bản Hàn ra mắt cách đây 1 năm, Hồn Papa, Da Con Gái vẫn có phần nhỉnh hơn hẳn về mặt hình ảnh, âm nhạc và cả thông điệp phim.
Hồn Papa, Da Con Gái được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản có tên Papa to Musume no Nanokakan (7 Ngày của Cha và Con gái) của tác giả Takahisa Igarashi. Tác phẩm đã từng được đài truyền hình TBS Nhật Bản chuyển thể thành phim truyền hình năm 2007 và cực kì thành công. Tròn 10 năm sau, Hàn Quốc cũng thực hiện chuyển thể thành phim điện ảnh với tên Daddy You, Daughter Me, đây được đánh giá là phiên bản khá sát so với nội dung nguyên gốc. Một năm sau đó, khi Daddy You, Daughter Me còn chưa hết hot thì ekip Việt lại công bố sẽ sớm tung ra một phiên bản thuần Việt mang tên Hồn Papa, Da Con Gái với nội dung được làm mới lại, khác với nguyên gốc đến 80%. Cùng đặt lên bàn cân 2 phiên bản để xem bản Việt được "mông má" khác biệt đến đâu nhé!
Đều là những bức tranh về tình cảm gia đình
Tuy cùng chuyển thể từ 1 tiểu thuyết nhưng Daddy You, Daughter Me và Hồn Papa, Da Con Gái lại được đánh giá như 2 câu chuyện hoàn toàn độc lập. Ngoài việc phim đều nói về tình cảm gia đình và lấy sự kiện hoán đổi thân xác của 2 cha con ra làm trung tâm triển khai câu chuyện.
Ở cả 2 phim, 2 cha con đều gặp phải những rắc rối về việc không thể hiểu cho đối phương. Trong mắt họ, thế giới của cha/con gái mình là nơi họ không thể đặt chân tới càng chẳng thể hiểu và cảm thông dù ngày con còn thơ bé, hai cha con từng là cả thế giới của nhau. Họ đều phải trải qua những biến cố, phải tập sống cuộc đời của đối phương, tập cách tìm ra cách giải quyết rắc rối và trở về làm một gia đình trọn vẹn.
Dù là bản Hàn hay bản Việt thì vấn đề đặt ra vẫn là ở câu chuyện về tình cảm gia đình
Daddy You, Daughter Me và Hồn Papa, Da Con Gái có cách khai thác khác nhau nhưng tựu chung lại đều hướng về một mục đích duy nhất: đề cao tình cảm gia đình.
Bản Việt thay đổi " profile" và tính cách toàn tuyến nhân vật
So với bản Hàn - một phiên bản khá giống nguyên gốc, thì Hồn Papa, Da Con Gái có những thay đổi đặc biệt về tuyến nhân vật chính. Trong Daddy You, Daughter Me, cô nàng Do Yeon thuộc dạng học sinh cá biệt, thành tích học tập kém và tối ngày mơ mộng về một chàng soái ca trong mộng. Chính vì chuyện thành tích xuống dốc mà Do Yeon đâm ra ác cảm với chính người thân của mình, bởi cô không thể trở thành con người như bố mong muốn. Còn bố cô là một nhân viên văn phòng hạng trung, rất nghiêm túc, chỉn chu và cống hiến bao năm chỉ mong được lên chức.
Hai cha con trong bản Hàn xa cách nhau vì vấn đề khoảng cách thế hệ và mặc cảm của con gái
Ở bản Việt lại khác, Châu (Kaity Nguyễn) là cô bé toàn năng, giỏi trong mọi lĩnh vực, luôn tuân thủ quy tắc và là niềm tự hào của thầy cô, bạn bè. Bố Châu - ông Hải (Thái Hòa), một nhân viên phòng sáng tạo ghét nhất là... bị lên chức có cách hành xử không khác gì một đứa trẻ đội lốt người trưởng thành, mải chơi, hậu đậu, có phần lười biếng nhưng lại yêu tự do và những điều phóng khoáng. Không phải khoảng cách thế hệ hay những kì vọng của mẹ cha dành cho con cái, Châu và ông Hải xa cách nhau bởi một lí do đặc biệt và vô cùng tang thương - sự mất mát đi người mẹ, người vợ - một mảnh ghép vốn cực kì quan trọng trong gia đình. Cảm giác thiếu vắng một bóng người đã khiến họ hoàn toàn thay đổi, con gái gồng mình lên để trưởng thành, để làm bản sao của mẹ; bố cố gắng trở nên vô tư, vui vẻ để rồi quên cả cách làm bố. Vấn đề của họ nằm ở thứ gọi là "bản sắc", thứ vấn đề mà cả 2 càng cố gắng thì lại càng trở nên xa cách.
Vấn đề của cha con ông Hải lại là ở "bản sắc"
Không chỉ hai nhân vật chính mà hầu hết tuyến nhân vật còn lại trong phim đều có sự thay đổi đáng kể về tính cách. Nếu như trong bản Hàn, Do Yeon thầm yêu một chàng soái ca điển trai, ấm áp thì ở bản Việt, Châu lại vừa chia tay một gã người yêu "bad boy" chính hiệu và hành trình mà ông Hải ở trong thân xác của Châu cũng là lúc gã người yêu đó dần nhận ra, mình thực sự cần thay đổi để xứng đáng với cô gái mình yêu. Các tuyến nhân vật khác như bạn bè, thầy cô của Châu, đồng nghiệp của ông Hải cũng hoàn toàn thay đổi và có thêm nhiều đất diễn hơn, góp phần không nhỏ trong việc mang lại không khí vui nhộn cho cả bộ phim.
Thêm thắt và lược bớt một số nhân vật phụ
So với bản Hàn và cả tiểu thuyết gốc, Hồn Papa, Da Con Gái được đánh giá khá cao khi Charlie Nguyễn đã mạnh dạn lược bớt và thêm một số nhân vật phụ. Thay vì để người mẹ còn sống và lặng lẽ nhìn 2 cha con dần xa cách nhau như trong nguyên gốc thì bản Việt lại mạnh dạn xây dựng nhân vật người mẹ đã chết và chính cái chết đó trở thành nguyên do khiến cho 2 cha con lãng quên quá khứ. Thêm vào đó, tình tiết linh hồn người mẹ đã khiến 2 cha con hoán đổi thân xác cho nhau thay vì để họ dính một lời nguyền từ cây thần như trong bản Hàn đã khiến câu chuyện của Hồn Papa phần phù hợp với tâm linh người Việt hơn. Thêm vào đó, thay vì để nhân vật mẹ còn sống nhưng lại khá lạc lõng và thừa thãi thì chi tiết linh hồn người mẹ đã khuất luôn ở cạnh, bảo vệ 2 cha con cũng khiến Hồn Papa, Da Con Gái trở nên nhân văn và sâu sắc hơn.
Nhân vật người mẹ chỉ còn xuất hiện trong tiềm thức của 2 cha con ông Hải
Bớt nhân vật người mẹ cũng đồng nghĩa với việc ekip Việt phải bổ sung thêm nhân vật khác cho phù hợp và đó chính là cô Liên hàng xóm (NSND Hồng Vân) - người dùng cả tuổi thanh xuân để "thả thính" ông Hải. Tuy chỉ là hàng xóm nhưng trên tấm poster phim, cô Liên lại được xếp vào hàng ngũ "gia đình", khán giả có thể ngầm hiểu rằng, không sớm thì muộn, gia đình nhỏ của ông Hải - bé Châu cũng sớm tìm được một mảnh ghép phù hợp. Bằng cách này hay cách khác, gia đình không nhất thiết phải là những người cùng máu mủ, chỉ cần họ thực sự yêu thương, cảm thông và trân trọng lẫn nhau.
Cô Liên - một trong số những nhân vật mới của bản Việt
Ngoài ra, tuyến nhân vật liên quan đến ông Hải cũng thay đổi đáng kể so với bản Hàn. Người bạn thân là bác sĩ bị lược bớt, các đồng nghiệp trong công ty có cá tính, màu sắc hơn, không chỉ đơn thuần là làm việc mà còn phải tranh đấu vì công việc của mình. Nếu ở bản, 2 cha con là nhân vật trung tâm, chiếm sporlight trong mọi khung hình thì ở bản Việt, tuyến nhân vật phụ có nhiều đất diễn hơn
Mạnh dạn lược bỏ hoàn toàn những yếu tố tình cảm
Ở bản Hàn, chuyện tình đơn phương của Do Yeon với chàng soái ca học đường hay tình cảm của người cha với cô đồng nghiệp nơi công sở là yếu tố thu hút khán giả. Trong khi đó tại bản Việt, những chi tiết này lại được lược bỏ hoàn toàn. Chuyện tình yêu nam nữ vẫn được nhắc tới nhưng rất nhẹ nhàng và chỉ đóng vai trò là yếu tố bổ trợ để bộ phim thêm phần nồng nàn.
Đây là một quyết định rất táo bạo của Charlie Nguyễn bởi tình yêu nam nữ là một yếu tố hút khách hàng đầu ở một bộ phim thuần giải trí. Nhưng cũng nhờ sự mạo hiểm khôn khéo này, bộ phim tránh được sự lê thê, ôm đồm bởi chuyện giữa hai cha con Hải - Châu vốn cần nhiều thời lượng để hóa giải khúc mắc. Tổng thể, Hồn Papa, Da Con Gái đúng nghĩa là phim tâm lý gia đình, xoay quanh mối quan hệ vốn đầy cách biệt quan điểm và tính cách giữa hai thế hệ.
Chuyện tình cảm nam nữ là một "đặc sản" trong bản Hàn
Nhưng vẫn còn vướng nhược điểm so với bản Hàn
Việc táo bạo thay đổi để sản phẩm có nhiều điểm mạnh hơn so với bản Hàn và tiểu thuyết gốc nói chung, mặt khác cũng khiến Hồn Papa, Da Con Gái cùng lúc thiếu đi yếu tố cần thiết cho một bộ phim về đề tài hoán đổi thân xác. Nếu trong Daddy You, Daughter Me, hai cha con biết lí do mình ở trong thân xác đối phương, biết luôn chuyện mình cần bao lâu để trở lại thì ở bản Việt, những tình tiết liên quan đến việc hoán đổi bị cắt bỏ hoàn toàn.
Dù ở bản Hàn, chuyện làm quen với thân thể mới chỉ chiếm thời lượng rất ngắn nhưng chí ít nó cũng mang đến cho khán giả cảm giác hợp lí. Còn với bản Việt, hai cha con nhà Hải gây cảm giác cả hai người - một ông bố đầy sáng tạo, ưa khám phá, và cô con gái nữ sinh đầy quy cũ, trắng đen rõ ràng, lại dường như quá dễ dàng chấp nhận chuyện bị hoán đổi. Họ không đi tìm lí do, không cần làm quen với cơ thể mới, cũng chỉ tìm cách hoán đổi trở lại mỗi một lần ngay khi vừa bị hoán hồn. Dẫu biết bộ phim có cách xây dựng, khai thác khác hoàn toàn với những bộ phim cùng thể loại nhưng dù sao những yếu tố bên lề như vậy cũng không nên bị cắt phăng và gây hoang mang như thế.
Những chi tiết về việc làm quen với cuộc sống mới gần như không có
Đặc biệt hơn nữa, không thể không nhắc đến sự xuất hiện của chiếc vape (thuốc lá điện tử). Chiếc vape hiện diện xuyên suốt toàn bộ phim và có những thời điểm cao trào đã trở thành "nhân vật kể chuyện" chính. Biết rằng đây là phim ảnh, cần nhiều sáng tạo, nhưng việc để nhân vật MC (Tùng Leo) tán tụng màn trình diễn ballet kết hợp tạo hình khói vape của một học sinh cấp 3 có lẽ sẽ là điều mà công chúng sẽ phải liên tục bàn tán sau khi xem xong. Thời điểm trình diễn vape cuối cùng của nữ sinh Châu mang linh hồn bố Hải, cả trường chưa biết câu chuyện tráo hồn của hai cha con. Vậy mà cả khán đài bên dưới tung hô một chiều, trong khi có rất nhiều nhân vật làm giáo dục tham gia vòng chung kết văn nghệ này, chẳng một ai đặt dấu hỏi, phải chăng như vậy có quá "cởi mở"?
Tạm kết
Dĩ nhiên, mỗi phiên bản đều có điểm mạnh riêng, thế nhưng nếu nói về tình cảm gia đình, cha con thì Hồn Papa, Da Con Gái lại nhỉnh hơn một chút. Bởi ở bản Việt, ngoài câu chuyện cùng giải quyết những rắc rối, hai cha con còn phải tập sống cuộc đời mới, hiểu và cảm thông cho những nỗi khổ của nhau và cuối cùng là hi sinh vì nhau. Ngoài ra, phần âm nhạc, màu sắc phim cùng những màn múa ba lê rất ấn tượng của Kaity cũng khiến Hồn Papa, Da Con Gái nhỉnh hơn hẳn so với những phiên bản trước đó.
Bộ phim hiện đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Helino
Đóng 2 phim trong năm 2018, Thái Hòa đóng khung hay đổi mới với vai diễn của 'Hồn Papa da con gái'? Dù không ít ý kiến cho rằng, Thái Hòa đóng khung trong một hình tượng, song nhiều khán giả khẳng định nam diễn viên sinh năm 1974 đã có những đổi mới hoàn toàn khác biệt khi trở lại với "Hồn papa da con gái" vào cuối năm 2018. Thái Hòa là một trường hợp hiếm có của làng giải trí Việt Nam,...