Hôn nhân hay “bắt nạt” người trẻ
Thời kỳ mật ngọt trôi qua, khi tiền thiếu, con bệnh… nhiều chuyện không được như ý, Thủy dần mất niềm tin vào hôn nhân…
Ngày Thủy còn trẻ, hôn nhân “đãi” Thủy những năm đầu hạnh phúc ngập tràn, gương mặt lúc nào cũng tươi tắn, nụ cười trên môi. Rồi thời mật ngọt trôi qua, khi tiền thiếu, con bệnh… nhiều chuyện không được như ý, Thủy dần mất niềm tin vào hôn nhân nên đã có những thái độ không đẹp. Chồng Thủy khi ấy thiếu tỉnh táo nên cũng có những hành động không hay.
Nếu chuyện xảy ra vào lúc này, Thủy đã bật dậy lau nhà. Thủy sẽ đi nhà sách, siêu thị, cà phê với bạn bè. Hôn nhân chỉ thử thách người trẻ, chứ Thủy bây giờ thừa sức lấy lại cân bằng.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp
Khu dân cư nơi Thủy ở, thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng vợ chồng cãi nhau, đánh nhau. Thủy nhớ vợ chồng cô cũng từng to tiếng, xúc phạm nhau. Ngẫm lại tự thấy xấu hổ, cô an ủi mình: tại ngày đó còn trẻ quá, giờ trưởng thành hơn rồi, đừng hòng để hôn nhân… bắt nạt.
Còn Hằng, vết sẹo khá to trên trán, với cô, là một thương tích lớn. Vợ chồng lời qua tiếng lại, cô mau chóng rời khỏi phòng, định thay quần áo rồi dắt xe chạy một vòng. Trong lúc vội vã, Hằng vô ý va vào góc tường, trán chảy máu lai láng.
Từ dạo ấy, cô để tóc mái ngố, vết thẹo không phải do chồng gây nên, nhưng nhắc nhở cô phải thật bình tĩnh khi đối thoại với chồng. Hằng thỉnh thoảng nhắc lại những ngày “thương tích lớn” ấy, để dặn mình giữ gìn hạnh phúc trong sự thoải mái. Khi “chiến sự” nổ ra, cần biết cách dằn lòng. Còn nếu dùng lời nói thì phải chân thành, thiện chí; không giữ được bình tĩnh thì tốt nhất cứ im lặng, bởi vì, một người im lặng, người kia không có đối thủ để thể hiện.
Tôi chưa hề trách những người trẻ ưa cãi nhau, thậm chí còn thấy thương, vì có người mới “va” vào hôn nhân, có người đang trong quá trình hoàn thiện hôn nhân của mình, gọi vui là hôn nhân đang trong giai đoạn… tiến hóa. Điều gì thành công mà không trải qua khó khăn?
Có cặp vợ chồng nào sống tới đầu bạc răng long mà chưa từng mâu thuẫn? Chẳng biết ai đúng sai thế nào, nhưng khi chứng kiến cảnh vợ chồng cãi nhau, cụ Hiền – 70 tuổi ở xóm tôi – thường bảo: “Vợ chồng trẻ, cứ nói ra cho giải tỏa, cho hiểu nhau thêm. Chén trong chạn còn khua mà”. Xóm lao động, nhiều cặp vợ chồng trẻ, không lớn tiếng vài ba câu là ăn cơm không ngon.
Ảnh mang tính minh họa – Stefamerpik
May mà họ gọi đó là khắc khẩu – một lý do đơn giản, dễ hiểu, để rồi dễ dàng bỏ qua, nhanh chóng làm huề.
Video đang HOT
Những cặp vợ chồng lâu năm, đã có kinh nghiệm trong giải quyết mâu thuẫn, sẽ biết cách tiết chế, chuyện khắc khẩu sẽ giảm, như Thủy, như Hằng và cả tôi. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi, sao lâu rồi vợ chồng tôi không lời qua tiếng lại, bởi có thể sau giận hờn, tình cảm có thể sẽ được hâm nóng.
Có phải chúng tôi đã rã rời, chán ngán chuyện đấu khẩu, hay vì chung sống dài lâu đã khiến chúng tôi trở nên hoàn hảo hơn?
Nóng nảy, cãi vã, xô xát… dẫn đường đến đổ vỡ. Tôi có con gái sắp tốt nghiệp đại học. Hồi con còn nhỏ, tôi dạy con lễ phép hiền ngoan, bây giờ tôi dạy những kiến thức hôn nhân, từ kinh nghiệm của chính mình. Cha mẹ nào cũng muốn con cái có cuộc sống hôn nhân bền vững, hạnh phúc.
Con cái có thể một mình “bơi” trong bể hôn nhân mà con tự chọn, nhưng cha mẹ có thể dự phần vào hạnh phúc của con, bằng những câu chuyện, những cách giải quyết tích cực. Bởi vì, hôn nhân thích thử thách người trẻ.
Bám lấy đời nhau vì sợ ly hôn
Khi đã "chốt" là không ly hôn, người ta thường có xu hướng chấp nhận, sống lay lắt và không nỗ lực giải quyết vấn đề.
Giữ hôn nhân luôn là một "mệnh lệnh" để người ta cố gắng, hoàn thiện bản thân, bảo vệ không gian tinh thần cho vợ chồng, con cái. Thế nhưng, cũng có khi, "giữ hôn nhân" trở thành một lệnh sai khiến người trong cuộc vật vã một đoạn đời dài.
Đến nỗi gì mà thành mẹ đơn thân?
Đó là suy nghĩ khiến chị Võ Ngọc Lan (sinh năm 1985, nhân viên 1 công ty dịch vụ giải trí) níu giữ gia đình gần 5 năm qua. Chồng chị là người tốt, yêu vợ. Thế nhưng, cưới nhau được 1 năm thì anh bộc lộ thói ghen tuông vô lý. Ban đầu, chị Lan phải theo sát và giải thích từng chút để mong anh tin tưởng. Dần dần, chị phải từ chối hầu hết những cuộc gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, thu hẹp mối quan hệ để tránh xung đột vợ chồng.
Vậy nhưng chị vẫn không tránh được những lúc anh xông vào tận văn phòng làm việc, hay bất ngờ xuất hiện giữa tiệc cơ quan chị để... kiểm tra và gây rối.
Có lần, chị về quê Long An dự đám tang cô bạn thân. Vừa quay về đến bến xe ở Sài Gòn, chị đã thấy chồng đứng chờ sẵn. Anh chở thẳng chị lên cầu Sài Gòn, tấp lên vỉa hè đứng... giáo huấn. Nội dung giáo huấn xuất phát từ việc anh biết chị liên lạc với 1 bạn học nam trước khi về quê, và gặp gỡ anh này trong đám tang. Rồi anh đặt những câu hỏi đầy xúc phạm, đưa ra những nghi vấn giường chiếu với bao hình ảnh thô tục mà anh tưởng tượng về chuyến đi của chị.
Đó là lần đầu tiên chị Lan nghĩ đến việc ly hôn, dù khi đó chị đang buồn vì vừa mất bạn. Suốt 2 tiếng đồng hồ bị "giam cầm" trên vỉa hè, chị thấy cuộc sống như địa ngục và cần phải trốn chạy. Thế nhưng, chuyện qua đi, chị lại thả mình lơ lửng trên dòng chảy cuộc đời do chồng điều khiển. Anh chồng ngày càng vô lý, hay nói năng, hành động thô lỗ trước mặt con.
Nghĩ đến ly hôn, chị lại gạt đi với lý lẽ: Có đến nỗi gì đâu mà phải làm mẹ đơn thân? Chị sợ làm "phụ nữ không chồng". Nhưng lý lẽ ấy không giúp chị vượt qua những sang chấn tâm lý, tổn thương tinh thần. Chị dần rơi vào mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu vì luôn phải sống trong thấp thỏm và sợ hãi chồng sẽ bất ngờ xông đến, gây rối hoặc làm mình bẽ mặt...
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Tiếc nuối quá khứ tươi đẹp
Vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Diệp (sinh năm 1978, chủ tiệm may ở quận 8, TPHCM) vốn là cặp đôi hoàn hảo vì có ngoại hình đẹp, lại luôn tình tứ, chăm sóc nhau.
Khi đi chụp hình cưới, thợ ảnh ở quê anh cứ khen anh chị đẹp đôi và nhiệt tình hỗ trợ để tạo ra 1 "siêu phẩm". Chụp ảnh xong, anh chủ tiệm còn xin phép được rửa tấm hình đẹp nhất đem treo trước tiệm để quảng cáo.
Đến bây giờ, tấm ảnh cưới của anh chị vẫn được trưng trước tiệm ảnh ở quê anh. Nhưng tình cảm của cả hai thì đã khác.
Hôn nhân bước vào năm thứ 5, anh đã sa vào lưới tình của cô đồng nghiệp. Tất nhiên, anh hứa với chị sẽ từ bỏ và anh bỏ thật. Nhưng sau đó không lâu, chị lại phát hiện anh có người tình mới. Hôn nhân từ đó là cuộc "rượt bắt" giữa chị và chồng. Anh không ngừng "cặp bồ", và hễ vợ phát hiện, anh lại xoa dịu chị bằng việc chia tay người tình. Rồi mọi chuyện lặp lại.
Giai đoạn đầu, chị Ngọc Diệp cũng bị mù quáng bởi quan điểm của hội chị em: "Đàn ông chơi bời nhưng không bỏ vợ là được". Rồi chị dần nhận ra, anh sẽ không bao giờ thay đổi, và mình không thể sống với 1 người chồng có sở thích phiêu lưu tình cảm. Chị dần chán nản và rã rời trong cuộc hôn nhân. Chị tìm đến những kỷ niệm xưa. Gặp bạn bè, chị kể luôn miệng về những ngày cũ. Cái bóng hoàn hảo từ quá khứ khiến chị không tâm sự nỗi sầu với ai.
Thấy chị mệt mỏi "không rõ nguyên nhân", đứa em gái mua cho chị 1 chuyến du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, rèn luyện sức khỏe tinh thần. Tại đó, chị mới trút bầu tâm sự với những người bạn mới quen, nhưng những lời chia sẻ của họ khiến chị suy nghĩ. Mọi người nói chị đang làm nô lệ cho quá khứ, cho hình ảnh đẹp đã tan tành từ lâu, nên chị không dám đứng lên, không dám thoát ra bi kịch.
Ảnh mang tính minh họa - Drazen Zigic
Sợ mất ngôi "chính thất"
Cũng có chồng ngoại tình, nhưng chị Lê Hồng Thắm (sinh năm 1989, nhân viên văn phòng 1 cơ quan nhà nước ở quận 3, TPHCM) thì trái ngược chị Ngọc Diệp. Chị không có quá khứ quá tròn trịa để tiếc nuối, nhưng chị rất sợ tương lai nếu mình buông tay thì "người thứ ba" sẽ vào vai "chính thất".
Chồng chị Thắm là nhân viên sale ô tô giỏi nghề. Khi anh kiếm được nhiều tiền, cuộc sống gia đình tốt dần lên thì chị phát hiện mối quan hệ giữa anh và người tình đã kéo dài nhiều năm, tình cảm rất sâu đậm.
Chuyện vỡ lở cách đây 7 năm, và chị Thắm bao lần tưởng đã vượt khỏi tai ách. Đó là những lần anh thề độc rằng đã chấm dứt và toàn tâm quay về với vợ. Những lần đó anh đi về đúng giờ, sử dụng thời gian rất nghiêm ngặt và có trách nhiệm với vợ con. Nhưng vì là nhân viên sale, anh có cả một ngày trời "linh hoạt thời gian" cho người tình. Họ rút vào hoạt động bí mật, và việc gặp gỡ càng lúc càng tinh vi.
Mỗi lần phát hiện chồng vẫn qua lại với người tình, chị Thắm lại sốc. Chị không hề bớt sốc qua thời gian, mà còn kiệt quệ hơn, mòn mỏi hơn. Dần dà, chị nhận ra mình không còn tình cảm với chồng, thay vào đó chỉ là cảm giác uất hận, ghét bỏ.
Khi không còn hy vọng dẹp bỏ cuộc tình sai trái kia, chị phơi bày câu chuyện trên mạng xã hội, nhận được rất nhiều thái độ ủng hộ đánh ghen, lăng nhục tình địch, và một vài lời khuyên bỏ chồng. Nhưng chị tuyên bố sẽ luôn giữ hôn nhân, "để người thứ ba mãi mãi chỉ là kẻ bên lề, và đến chết vẫn phải là ma không chồng".
Tự kết án chung thân
Dường như, điều mà 3 người phụ nữ này đang đánh đổi cuộc đời mình để giữ lấy không phải là hôn nhân. Chị Ngọc Lan giữ hình ảnh "có đôi" rất mơ hồ chỉ vì không chấp nhận nỗi sợ "đơn thân". Chị Ngọc Diệp giữ niềm tự hào huyễn hoặc từ quá khứ. Còn chị Hồng Thắm thì đánh đổi cuộc đời mình vì muốn giữ "ngôi chính thất", và tệ hơn là giữ "ngôi", chỉ để người phụ nữ khác phải sống không danh phận. Không ai hạnh phúc trong những cuộc hôn nhân đó, trong gia đình đó, kể cả những đứa trẻ.
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Trong hàng ngàn ca tư vấn ở phòng Hạnh Dung của Báo Phụ nữ TPHCM, chúng tôi rất hiếm khi đưa ra lời khuyên ly hôn với bạn đọc. Nhưng chúng tôi cũng không ấn xuống bạn đọc cái nguyên tắc "không bao giờ ly hôn". Giữ hôn nhân luôn là điều nên làm, nhưng đem tuyên bố "không bao giờ ly hôn" để án ngữ trước cuộc hôn nhân, là tự chôn đời mình.
Thông thường, khi hôn nhân bế tắc, người ta sẽ đứng trước quyết định ly hôn hay không ly hôn. Nhưng chuyện giải thoát khỏi bi kịch hôn nhân không chỉ xoay quanh chuyện ly hôn. Mọi bi kịch cần được giải quyết từ chính nó, với những vấn đề cần kiểm tra lại, những mối gắn bó cần xem xét, sửa chữa dần để tiến tới 1 cuộc "chữa lành" toàn diện.
Hành trình đó, nói thì dễ, nhưng nó luôn bao gồm những cơn tuyệt vọng, đau khổ, những lần phải dũng cảm đối diện và bền bỉ đến cùng với những điều mình tin là đúng, là xứng đáng. Người phụ nữ cần tin rằng mình xứng đáng được sống trong tin tưởng của bạn đời, để kiên quyết phản kháng với sự lăng mạ, nghi ngờ và xúc phạm riêng tư. Họ cũng cần tin rằng mình xứng đáng được sống với người chồng chung thủy, để đấu tranh đến cùng với sự lừa dối của bạn đời.
Như vậy, câu chuyện của chị Diệp, chị Thắm hay chị Lan không còn là "có ly hôn hay không", mà là từng câu chuyện rất riêng rẽ cần phải đối diện và giải quyết gốc rễ. Ly hôn hay không ly hôn, là điều sẽ đến sau.
Người trong cuộc phải trả lời liệu mình có nên ở lại cuộc hôn nhân này, giữa 2 người có còn sự gắn kết, sự đồng lòng và sự chung thủy hay không, rằng từng người có hạnh phúc hay không...?
"Kiên quyết không ly hôn" đôi khi chính là án chung thân, nhốt đời người vào những sai lệch, trái khoáy. Bởi khi đã "chốt" là không ly hôn, người ta thường có xu hướng chấp nhận, sống lay lắt và không nỗ lực giải quyết vấn đề.
Cuối cùng, hôn nhân luôn đáng giá, nhưng đôi khi, người ta phải dám xé bỏ những lớp vỏ "ngụy hôn nhân" để đến được với phiên bản đích thực của hôn nhân.
Ấn Độ: Những phụ nữ tự hào vì là người độc thân Ở một đất nước thường được mô tả là "ám ảnh bởi hôn nhân" như Ấn Độ, ngày càng nhiều phụ nữ đang vượt qua kỳ thị độc thân, góa bụa hoặc ly dị. Họ tự hào vì là người độc thân. Ảnh minh họa Theo truyền thống, trẻ em gái ở Ấn Độ được nuôi dạy để trở thành những người vợ,...