Hôn nhân hạnh phúc của NSND Quốc Trượng và vợ kém 13 tuổi
“Chúng tôi cùng làm nghề nên quá hiểu nhau rồi, còn về tuổi thì dù có hơn cô ấy 13 tuổi nhưng chúng tôi vẫn nhịp nhàng, hoà quyện, cuộc sống gia đình cũng rất vui vẻ”, NSND Quốc Trượng nói.
NSND Quốc Trượng và vợ.
Vợ chồng rất hiểu nhau
- Được biết bà xã kém anh 13 tuổi, anh có bí quyết gì để duy trì hạnh phúc gia đình?
Thực ra duy trì hạnh phúc không phải một mình tôi làm mà cả vợ tôi nữa. Chúng tôi cùng làm nghề nên quá hiểu nhau rồi, còn về tuổi dù có hơn cô ấy nhưng chúng tôi vẫn nhịp nhàng, hoà quyện, cuộc sống gia đình cũng rất vui vẻ. Quan trọng là hiểu nhau cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Vì nhà tôi ở ngay gần nhà hát nên hàng ngày hai vợ chồng đi bộ đi làm. Buổi trưa chúng tôi sẽ cùng về nhà ăn cơm. Thời gian rảnh hiếm hoi vợ chồng tôi sẽ đưa các con đi du lịch để gắn kết tình cảm. Tuy nhiên năm nay do dịch nên chúng tôi cũng chưa đi được đâu.
- Anh có định hướng các con theo nghiệp của bố mẹ?
Thú thực làm nghề này cũng vất vả. Các cháu nhà tôi cũng không có năng khiếu gì nên chúng tôi cũng không định hướng theo nghề này.
- Ở cơ quan anh là cấp trên của vợ, còn ở nhà thì sao?
Cũng như trên sân khấu, cái gì cũng phải rạch ròi, rõ ràng, sân khấu là sân khấu đời thường là đời thường. Bà xã ở nhà là vợ nhưng ở cơ quan vẫn là cấp dưới của tôi theo đúng tính chất công việc thôi.
Video đang HOT
Bận rộn với việc quản lý nên NSND Quốc Trượng từ lâu không xuất hiện trên sân khấu.
Không có thời gian làm diễn viên
- Rời xa sân khấu đã lâu và đảm nhận vị trí đạo diễn cho nhiều vở chèo cũng như là GĐ Nhà hát chèo Quân đội, có khi nào anh thấy nhớ việc diễn xuất?
Năm 2001 tôi đi học đạo diễn sân khấu văn bằng hai, đến năm 2007 bước sang quản lý, làm Phó đoàn trưởng đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu Cần. Từ đó tôi cũng ít lên sân khấu hẳn mà chuyển sang quản lý. Năm 2010 tôi làm Phó Giám đốc nhà hát Chèo Quân đội, tiền thân là đoàn nghệ thuật Chèo của Tổng cục Hậu Cần. Khi chuyển sang làm quản lý tôi ít tham gia biểu diễn nên luôn nhớ sân khấu, nhớ cảm giác được biểu diễn cho khán giả xem những vở chèo hay. Làm quản lý công việc nhiều hơn nên tôi không có thời gian để quay lại làm diễn viên.
- Trong suốt những năm làm nghề, anh có câu chuyện nào đáng nhớ?
Làm nghề này có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đây là nghề không có ngày nghỉ, thậm chí ngày Chủ nhật vẫn phải làm. Nhất là thời còn làm diễn viên, tôi chứng kiến anh Doãn Hoàng Giang đến đạo diễn cho nhà hát, cho đoàn chèo của Tổng cục Hậu Cần thậm chí còn làm đến 1-2h sáng. Làm đến 2-3h sáng thầy trò làm bát cháo gà, rồi loanh quanh đến sáng luôn và lại tiếp tục công việc của ngày mới. Nghề này nó khắt khe thế đấy, làm ngày đêm nhưng chỉ được nghỉ ngơi chút thôi. Vất vả là thế nhưng khi đi biểu diễn lại rất xứng đáng.
- Anh nghĩ sao khi Chèo hiện đang dần mất ưu thế với khán giả so với các loại hình nghệ thuật khác?
Bây giờ có rất nhiều loại hình nghệ thuật, nghệ thuật chèo cũng ít khán giả hơn. Điều quan trọng vẫn là ít tác phẩm hay, ít vở diễn hay. Chính vì ít vở diễn hay và không đưa hơi thở cuộc sống và thời đại vào những tác phẩm của mình nên khán giả ít đến với chèo hơn. Diễn viên sân khấu chèo cũng ít đi học về sân khấu chèo và không có tâm huyết. Sự quan tâm của sân khấu dân tộc chưa được đúng mức và việc sáp nhập các đoàn chèo vào một nhà hát khiến quân số giảm nên khi dựng vở hoặc đi hội diễn phải lấy quân của các tổ chức khác vào khiến bị nghiệp dư hóa.
Tuy nhiên với Nhà hát Chèo Quân đội chúng tôi vẫn giữ truyền thống yêu chèo, say chèo và có trách nhiệm với chèo. Trong mỗi cuộc thi của Bộ Văn hóa hay của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Nhà hát Chèo quân đội đều tham gia 100%.
- Với cương vị là GĐ Nhà hát Chèo Quân đội, anh có giải pháp gì để thu hút khán giả đi xem chèo nhiều hơn?
Chúng tôi luôn có một bộ phận khán giả riêng của Chèo Quân đội rồi. Chúng tôi luôn ý thức phải xây dựng được những tác phẩm hay. Mỗi năm Nhà hát Chèo Quân đội đều được thủ trưởng Bộ Quốc Phòng cũng như Thủ trưởng Tổng Cục Chính trị QĐNDVN cho phép mở cuộc vận động sáng tác kịch bản về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thu hút được rất nhiều tác phẩm hay đến với chiếu chèo người chiến sĩ. Chúng tôi hơn ai hết phải dựng được những tác phẩm hay, đưa hơi thở cuộc sống vào tác phẩm ấy để đông đảo khán giả yêu thích và đón nhận chèo.
Những bài xẩm, chèo...'chống en-cô-vy'
Những bài xẩm, chèo mượt mà truyền tải thông điệp an toàn mùa dịch Covid-19 do các bạn trẻ thể hiện đã chạm trái tim của nhiều người.
Nghệ sĩ, trung úy Phạm Quang Duy hát xẩm về dịch Covid-19 - NVCC
Những bài xẩm, chèo này không chỉ là sự sáng tạo, nó còn cho thấy tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam của người trẻ.
"Cô Vy lan tới nước mình. Khi Tổ quốc gọi nhiệt tình xông pha. Cách ly có gì xấu xa. Tránh em cô vít thì chúng ta an toàn...". Đó là đoạn mở đầu trong bài xẩm Ở nhà cách ly chống en-cô-vy do trung úy Phạm Quang Duy, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội, vừa hát vừa chơi đàn nguyệt. Video này nhận được gần 40.000 lượt xem trên YouTube cá nhân của riêng anh và lượt chia sẻ rất lớn trên mạng xã hội.
Trao đổi với PV, trung úy Phạm Quang Duy (biệt danh Duy chèo) cho hay qua theo dõi các thông tin trên báo đài về diễn biến dịch bệnh, anh nghĩ mình nên làm việc gì nho nhỏ để tuyên truyền phòng, chống dịch.
"Tôi chọn bài xẩm và thức đêm làm hai bài thơ, ngày hôm sau thì hát và đưa lên kênh của mình. Sự ủng hộ của bạn bè, khán giả là nguồn động lực đối với tôi, nhất là niềm vui lớn rằng âm nhạc dân gian vẫn còn hơi thở", trung úy Duy chia sẻ.
Hay như cậu bé 11 tuổi Lê Quang Vinh, học Trường tiểu học Trần Lãm, TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình), người vừa thể hiện bài hát chèo chống Covid-19 với chất giọng mượt mà, truyền cảm... Video Vinh hát nhận được hơn 17.000 lượt chia sẻ. Mới đây, với nỗi nhớ trường lớp, thầy cô sau thời gian dài chưa được đến trường, Vinh cũng thể hiện bài hát chèo Nhớ lắm trường ơi, đạt gần 24.000 lượt thích và chia sẻ.
Cậu bé Lê Quang Vinh (chụp với mẹ) có sở thích hát chèo
"Vinh học hát mọi lúc mọi nơi. Đi xem chèo ở đâu về, con tự vẽ lại tất cả sân khấu với từng chi tiết sống động. Trong đợt Covid-19 này, chúng tôi gợi ý con có thể hát các bài chèo về chủ đề này và chủ đề nhớ trường lớp, thầy cô, không ngờ nhận được nhiều mến mộ của khán giả như vậy", chị Nguyễn Thị Cúc, mẹ của Vinh, nói thêm.
Không chỉ là những bài xẩm, chèo về Covid-19, nhớ trường lớp, những tác phẩm của các nghệ sĩ còn cho thấy tấm lòng của người trẻ với âm nhạc dân gian, văn hóa truyền thống Việt Nam.
Là nghệ sĩ chèo, khoác trên người màu xanh áo lính, trung úy, nghệ sĩ Phạm Quang Duy tham gia nhiều hội diễn và cùng với nhà hát giành nhiều huy chương vàng, bạc. Duy chia sẻ: "Trọng trách của mỗi nghệ sĩ trẻ cũng cần gắn hiện đại với dân tộc, luôn cập nhật phản ánh các tin tức nóng của xã hội bằng âm nhạc dân tộc và đưa âm nhạc truyền thống nhiều hơn vào các bản phối ca khúc mới".
Nghệ sĩ chèo Lê Anh Khoa, cựu diễn viên tại Nhà hát Chèo Thái Bình, cho hay: "Những thông tin kịp thời, nóng hổi của tình hình dịch bệnh đã vào lời ca tiếng hát chèo, xẩm, chầu văn... khích lệ tinh thần mọi người".
Trong khi đó, NSƯT Đức Hải, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, cho rằng việc hát về Covid-19 bằng âm nhạc dân gian như xẩm, chèo, chầu văn... cho thấy mỗi người trẻ, ở bất cứ ngành nghề nào cũng có thể dùng năng lực sở trường của mình cùng góp vào công cuộc chống dịch.
"Thế giới đã dành sự ngưỡng mộ cho Việt Nam, đồng thời khen ngợi sự sáng tạo đặc biệt của Việt Nam cho việc truyền tải thông điệp chống dịch. Bên cạnh các ca khúc nhạc trẻ vốn được yêu thích như Ghen Cô Vy, những tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam như bài xẩm, chèo, chầu văn... về Covid-19 càng minh chứng điều này rõ ràng hơn", NSƯT Đức Hải nói.
Thúy Hằng