Hôn nhân của tôi là một con thuyền
Khi bước vào hôn nhân cũng như lúc con thuyền ra khơi sẽ không tránh khỏi những lúc sóng to, gió cả nhưng đừng ngã tay chèo.
Cho đến nay, cuộc sống hôn nhân của tôi đã trải qua một chặng đường gần 6 năm – quãng thời gian đủ dài để tôi có thể nếm trải những cảm giác ngọt ngào, hạnh phúc xen lẫn những đau khổ, đắng cay. Còn gì hạnh phúc hơn khi được lấy người mình yêu nhưng cuộc sống hôn nhân cũng luôn tiềm ẩn những bất trắc mà mình không ngờ tới. Nó đòi hỏi mỗi người trong cuộc phải có nghị lực để vượt qua tất cả.
Với gần 4 năm yêu nhau và gần 6 năm thành vợ chồng, giờ đây, chúng tôi đã có hai con: một trai và một gái, công việc cũng ổn định, sự nghiệp của hai chúng tôi cũng đã bắt đầu có những thành quả đầu mùa nhưng thành quả lớn nhất mà một người vợ, một người mẹ, một người con dâu mà tôi nhận được là niềm hạnh phúc gia đình. Tôi coi đó là những điều tuyệt vời nhất muốn chia sẻ với các bạn.
1. Sự hy sinh cho tình yêu
Đây chính là điều tuyệt vời đầu tiên vì có nó, tôi mới có cuộc hôn nhân này và mới có thể duy trì được nó cho đến ngày hôm nay. Tôi tốt nghiệp đại học với hai sự lựa chọn sáng sủa: Vào Đà Nẵng làm báo với người cậu – một nghề mà tôi luôn yêu thích từ trước và ở lại Hà Nội để làm giảng viên một trường đại học. Thú thực, tôi không thích nghề giáo viên lắm vì tôi vốn là một đứa con gái hiếu động từ nhỏ, thích được bay nhảy.
Lúc này, tôi đang yêu anh – một chàng trai Hà Nội, là sĩ quan ở một đơn vị cách nhà 60km. Tôi hỏi ý kiến anh, anh bảo: “Hãy là cô giáo của các con anh vì đời bộ đội nay đây mai đó, nếu em làm báo nay đây mai đó thì ai sẽ dạy các con anh học?”. Thế là tôi mềm lòng. Tôi trở thành giáo viên từ khi đó. Chồng tôi luôn tự hào vợ mình là cô giáo. Có lúc anh thủ thỉ: “Vợ chồng mình là bộ đội, cô giáo thì rau cháo nuôi nhau em nhỉ?”. Tôi nhận thấy niềm vui đong đầy trong ánh mắt anh.
Video đang HOT
2. Biết đặt chữ “nhẫn” lên đầu
Tôi là một người con gái ở quê nên ban đầu về làm dâu nhà anh cũng gặp không ít khó khăn. Mẹ anh là người thành phố, tính tình có phần “đồng bóng”, hay nói nhiều, lại có ít máu “chỉ huy” vì trước đây bà là trụ cột chính kiếm tiền nuôi cả gia đình. Ban đầu, khi tôi về làm dâu, bà có vẻ không hài lòng lắm. Bà còn nói bóng gió rằng tôi lấy được con trai bà như chuột sa chĩnh gạo. Lúc đó tôi tức lắm, cứ hậm hực gây sự với chồng vì tôi tuy ở quê nhưng cũng đâu thua kém ai. Tôi về nhà anh làm dâu với công việc cũng đàng hoàng, lại vừa bảo vệ thạc sĩ. Anh chỉ cười bảo: “Thôi em ạ, tất cả vì anh, mẹ đang thử thách em đấy”.
Chồng tôi thì đi vắng thường xuyên, ở nhà hầu như chỉ có tôi với bà. Nếu tôi cứ mặt sưng mày xỉa, tỏ vẻ khó chịu với bà thì không ổn. Tôi thay đổi chiến thuật, nhẹ nhàng với bà, lúc nào bà thích nói cứ để bà nói, lúc nào bà thích “chỉ đạo” cứ để bà chỉ đạo. Những lúc đó, tôi chỉ hoặc là im lặng, hoặc là cười… Thế là quan hệ mẹ chồng nàng dâu không mấy khi căng thẳng.
Bây giờ nhiều khi bà hay nói với mọi người là tôi khôn khéo, không hay cãi lại bà nên bà quý tôi như con gái. Đúng thật, bây giờ thì bà chẳng còn soi xét tôi nữa, mọi việc trong nhà dù to nhỏ bà cũng hỏi ý kiến tôi. Tôi nhận ra rằng đừng nên thắng thua với mẹ chồng làm gì vì đơn giản, bà ấy sinh ra chồng mình.
Ảnh minh họa
3. Cơm sôi bớt lửa
Vợ chồng sống với nhau thì không thể tránh khỏi những lúc xô xát. Chồng tôi là một người hiền lành, lại thương vợ, chiều con. Biết là mình thường xuyên vắng nhà nên những lúc được ở nhà, anh chẳng nề hà bất cứ việc gì, từ chuyện cơm nước, giặt giũ đến chuyện tắm gội cho con… Nhiều khi vì sức ép công việc, tôi cũng hay nói, hay tìm anh để trút giận. Thường thì anh hay lắng nghe nhưng những lúc tôi quá lời, anh chỉ nhìn tôi vằn mắt và nói: “Anh hiểu những bức xúc của em nhưng đừng đi quá giới hạn đấy!”. Không hiểu sao lúc đó tôi lại im bặt, không thể nói thêm được nữa, cơn nóng giận cũng dần lắng xuống. Có lẽ tôi sợ cái uy trong câu nói và ánh mắt của anh (anh cũng là người chỉ huy của một đại đội ở đơn vị).
Tôi thầm tự hào vì điều đó lắm bởi đó là cái uy riêng của một người chồng. Tôi coi đó là một danh giới và luôn tự nhủ không cho phép mình được bước qua nên khi chồng tôi đã giận thì tôi lại dịu giọng xuống và tìm cách khác, dịp khác để nói với chồng. Vì vậy, đã gần 6 năm chung sống nhưng chưa lần nào chúng tôi có những cãi vã đáng tiếc.
4. Biết chia sẻ với chồng
Có nhiều người bạn tôi quan niệm dù đã lấy nhau nhưng hai vợ chồng vẫn phải có thế giới riêng, không can thiệp quá sâu vào công việc của nhau. Chồng tôi là một người tình cảm, hay trò chuyện nên đôi lúc mang cả chuyện cơ quan về nhà. Nhiều lúc, có những bực dọc ở cơ quan, chồng tôi cũng kể cho tôi nghe và hỏi tôi xem nên giải quyết thế nào. Lúc đó, dù đang bận rộn chuyện gì, tôi cũng ngồi lại, lắng nghe chồng nói, cùng chồng phân tích đúng sai và tìm phương hướng giải quyết. Vì vậy, dù chồng tôi thường xuyên đi xa nhưng nhờ có những chia sẻ đó, chúng tôi luôn thấy được gần nhau. Anh còn bảo: “Không hiểu sao bất cứ có chuyện gì, người anh nghĩ đến đầu tiên chính là em”. Với tôi, chỉ ngần ấy câu nói thôi là đủ để tôi hạnh phúc vì thấy mình được là bạn của chồng.
5. Dạy con nịnh bố
Khác với những đứa trẻ thường có bố ở bên, các con tôi thường xuyên phải xa bố vì đơn vị chồng tôi là một đơn vị chiến đấu, kỷ luật rất nghiêm ngặt nên cuối tuần chồng tôi mới được về. Nếu tuần nào trực thì phải nửa tháng mới được về nhà. Vì vậy, đứa nào cũng nhớ bố, mong bố lắm. Khi chúng còn nhỏ, mới tập nói, tôi cũng thường xuyên dạy chúng gọi bố, lấy ảnh bố cho con ngắm và kể chuyện về bố cho chúng nghe. Vậy nên, đối với chúng, bố rất gần gũi.
Ảnh minh họa.
Tối nào trước khi đi ngủ, 2 đứa cũng tranh nhau gọi điện cho bố, kể cho bố nghe chuyện ở trường, ở nhà, có khi còn mách tội nhau với bố. Những lúc đó chắc bố thích lắm nên không tối nào bố không gọi về. Bố còn bảo nếu không được nghe giọng các con, bố không ngủ được. Khi bố về nhà, cả hai chị em đều tranh nhau nhờ bố việc nọ việc kia vì mẹ bảo việc này phải bố mới làm được, bố giỏi lắm, việc gì cũng làm được hết. Thế là hai ngày cuối tuần, bố chẳng đi đâu được, chỉ quanh quẩn ở nhà dạy con học, tắm gội cho con, chơi với chúng. Đến khi đi, bố vẫn “thòm thèm” bảo hai ngày ở bên con sao nhanh thế. Tôi tự nhủ đó cũng là cách giữ chồng bên gia đình, bên vợ con để tránh khỏi những cuộc nhậu nhẹt, chơi bời.
Còn nhiều, còn nhiều những điều tuyệt vời nữa mà mỗi ngày tôi nhận được từ cuộc hôn nhân của mình như những lời thủ thỉ của chồng, những lần ba bố con tranh nhau được nằm bên cạnh mẹ hay những lần dành chút thời gian để nhổ tóc bạc cho mẹ chồng… Những lúc đó, tôi thấy mình thật hạnh phúc, thấy cuộc hôn nhân của mình thật nhẹ nhàng và bay bổng. Lúc đó, những khó khăn, vất vả dường như tan biến.
Tôi nhận thấy hôn nhân cũng giống như một con thuyền, khi bước vào hôn nhân cũng như lúc con thuyền ra khơi sẽ không tránh khỏi những lúc sóng to, gió cả. Chúng ta hãy luôn có ý thức cố gắng để đừng để con thuyền bị đắm. Mệt mỏi là điều không thể tránh khỏi nhưng bạn đừng buông tay, hãy vững tay chèo để con thuyền được cập bến bình yên.
Theo VNE