Hôn mê nghi do ngộ độc thuốc nam
Bệnh nhân nam, 40 tuổi, ở Bắc Giang, sau nhiều ngày uống thuốc nam chữa viêm gan B đã lâm vào tình trạng hôn mê, chức năng gan rất kém.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết người đàn ông này bị viêm gan B mạn tính, điều trị bằng thuốc kháng virus hai năm nay. Gần đây anh uống thuốc nam bán trên mạng. Nhiều ngày sau, bệnh nhân vàng da, vàng mắt, không thể đi tiểu, lơ mơ, hôn mê, xét nghiệm chức năng gan rất xấu, nhập viện hôm 26/9.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc xơ gan do viêm gan B mạn tính, nghi ngộ độc do uống thuốc nam. Hiện, tình trạng tiên lượng nặng, bác sĩ cố gắng tìm căn nguyên gây ngộ độc để cứu bệnh nhân.
Theo bác sĩ Cấp, rất nhiều người bệnh viêm gan B tăng nặng do tự ý sử dụng thuốc nam, có trường hợp tử vong, bác sĩ không thể cứu chữa.
“Bệnh viêm gan B mạn tính rất khó điều trị dứt điểm. Những lời quảng cáo nói rằng sẽ điều trị khỏi bệnh viêm gan B mạn tính là không đáng tin”, bác sĩ Cấp cảnh báo.
Video đang HOT
Bác sĩ Cấp khám cho nam bệnh nhân ngày 28/9. Ảnh: Chi Lê
Bác sĩ Mai Đình Cửu, Phó Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết người tự ý sử dụng thuốc nam, bỏ thuốc điều trị viêm gan thường nhập viện trong tình trạng nặng. Hậu quả rất đáng tiếc, ví dụ bị xơ gan mất bù, ung thư…
Về nguyên tắc, khi bệnh nhân bỏ thuốc điều trị, virus đang bị ức chế nay không còn được kiểm soát, bệnh bùng phát và nặng hơn nhiều lần. Nguy cơ virus kháng thuốc tăng, góp phần tăng nặng xơ gan và ung thư hóa gan, đặc biệt với bệnh nhân tiền sử viêm gan B.
Vì vậy bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân mắc viêm gan B, C cần tuân thủ điều trị, khống chế tiến triển của virus để ngăn chặn nguy cơ xơ hóa gan, loại bỏ nguy cơ đề kháng kháng thuốc, tổn thương gan nặng nề.
Những người đã mắc viêm gan virus cần tuân thủ điều trị, khám bệnh định kỳ, chủ động kiểm soát bệnh, tránh để lâu, bệnh nặng mới chữa. Khi đã điều trị, người bệnh không được bỏ uống thuốc.
Hôn mê do hạ natri máu
Bệnh nhân nữ, 48 tuổi, được bệnh viện tuyến dưới chuyển tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng hôn mê.
Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi từ đầu tháng 6, không đi khám mà tự bốc thuốc nam uống. Tới khi bị nôn nhiều, li bì, hôn mê, chị mới được đưa đến bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị hạ natri máu nên rơi vào hôn mê. Chị đồng thời bị rụng lông mày, nách, mu, gương mặt vô cảm, tuyến vú teo, bác sĩ chẩn đoán hội chứng Sheehan (suy tuyến yên).
Người nhà cho biết sau khi sinh con thứ ba, bệnh nhân bị xuất huyết, phải truyền máu. Do mẹ không có sữa, con phải ăn sữa ngoài. Chị mãn kinh sớm khi mới 25 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết natri giúp duy trì huyết áp bình thường, hỗ trợ hoạt động của dây thần kinh, cơ bắp, điều chỉnh cân bằng lượng nước trong và ngoài tế bào. Thiếu natri trong một thời gian dài khiến cơ thể suy yếu. Ngưỡng natri bình thường trong máu là 135-145 mEq/L, người bệnh thì lượng natri thấp hơn, chỉ 103 mEq/L.
Khi bị hạ natri máu, bệnh nhân thường chán ăn, buồn nôn, nôn, sợ nước. Nặng hơn, bệnh nhân mệt mỏi, đau đầu, lẫn lộn, u ám, mê sảng, rối loạn ý thức, hôn mê, cơn co giật. Cơ thể tích nước ngoài tế bào gây phù, cổ chướng hoặc mất nước ngoài tế bào như giảm cân, da khô, nhăn nheo.
Người bệnh mạn tính như suy thận, suy tim, xơ gan, hoặc mất dịch cấp như nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, say nóng, sử dụng thuốc lợi niệu, mắc bệnh liên quan đến hormone, đều có nguy cơ cao bị hạ natri.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Phác đồ điều trị dựa vào nguyên nhân, tính chất và mức độ của bệnh. Nếu bệnh nhân bị ứ nước, suy tim, suy thận thì hạn chế nước và muối. Bệnh nhân bị hạ natri nặng, mất nước, phải bù dung dịch muối...
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo hạ natri máu xảy ra trong nhiều bệnh lý, biểu hiện không điển hình hoặc tình cờ đi khám mới phát hiện. Do đó, người bệnh nên kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tổng quát thường xuyên, đặc biệt với người có bệnh mạn tính hoặc điều trị nhiều thuốc. Những người nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, có thể bù dịch và điện giải bằng oresol.
Khi có các biểu hiện lâm sàng như mất nước hoặc triệu chứng nặng, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim 10 phút Chiều 23-9, bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa cấp cứu, điều trị bình phục hoàn toàn một bệnh nhân bị ngưng tim 10 phút trước khi nhập viện. Bệnh nhân H. sau khi hồi phục, đang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Cụ thể,...