Hôn mắt, môi, mũi, má, trán… đều có thể là dâm ô
Dự thảo nghị quyết lần ba hướng dẫn áp dụng tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi đã cụ thể, rõ ràng và phản ánh đúng bản chất của tội phạm này.
Ngày 24-7, TAND Tối cao phối hợp cùng UNICEF tổ chức tọa đàm tham vấn dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 2015 về các tội xâm hại tình dục. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đặc biệt hướng tới việc hướng dẫn áp dụng tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Hôn vào môi đích thị là dâm ô
Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết lần ba vừa được công bố đã có sự điều chỉnh cơ bản khi quy định về hành vi dâm ô so với dự thảo trước đó. Cụ thể, dâm ô (được quy định tại khoản 1 Điều 146 BLHS) là một trong các hành vi sau đây nhằm kích thích tình dục nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:
a) Dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của người phạm tội để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng các đồ vật để tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực của người dưới 16 tuổi;
c) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng tay, chân, miệng, lưỡi hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (trực tiếp hoặc qua lớp quần áo) vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng của người phạm tội hoặc của người khác.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Nguyễn Chí Công cho hay: Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết có ý kiến cho rằng không cần quy định “vì mục đích tình dục khác” để xác định hành vi “quan hệ tình dục khác” hay “nhằm kích thích tình dục” để xác định hành vi dâm ô. Tuy nhiên, nhóm soạn thảo cho rằng việc quy định mục đích là cần thiết để phân biệt các hành vi phạm tội này với các hành vi làm nhục, tra tấn hoặc hành hạ người khác được quy định tại một số điều luật tương ứng của BLHS.
Cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc quy định mục đích đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải chứng minh người phạm tội đã thỏa mãn (đã đạt được mục đích) thì mới xử lý được. “Chúng tôi cho rằng với việc quy định mục đích như trên, cơ quan tố tụng chỉ cần chứng minh khi thực hiện hành vi, người phạm tội nhằm hướng đến mục đích đó là xử lý được, chứ không đòi hỏi phải chứng minh người phạm tội đã thỏa mãn (hay đã đạt được mục đích)” – ông Công nêu quan điểm.
Trong phiên thảo luận giữa nhóm soạn thảo và các chuyên gia sau đó, bà Shelley Casey, chuyên gia luật pháp và giới của UNICEF, cho rằng nếu dùng thuật ngữ “nhằm kích thích tình dục” sẽ buộc phải có bằng chứng. Bà đề nghị sử dụng cụm từ “có tính chất tình dục” để thay thế và cho rằng quy định như vậy sẽ dễ dàng hơn khi giải quyết các vụ án sau này. Khi đó thẩm phán sẽ quyết định hành vi của bị can/bị cáo có mục đích tình dục hay không, sau khi cân nhắc về bối cảnh và tình huống xảy ra hành vi.
Tại buổi tọa đàm ngày 24-7, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo nghị quyết lần ba hướng dẫn áp dụng tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi đã rõ ràng, cụ thể và khoa học hơn. Ảnh: Đ.MINH
Ôm, hôn vào má có phải là dâm ô?
Video đang HOT
Trong tham luận gửi tới hội thảo, bà Lê Thị Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư pháp), nhận xét các hành vi nêu trên “rõ ràng, cụ thể và phản ánh đúng bản chất của tội phạm này”. Tuy nhiên, bà băn khoăn trường hợp một người đã thành niên ôm và thơm vào má người dưới 16 tuổi (có thể là cháu bé 9-10 tuổi) nhưng không tiếp xúc vào bộ phận sinh dục, hậu môn, háng, đùi, mông, ngực, miệng thì có bị coi là dâm ô không.
“Nếu theo cách giải thích của dự thảo nghị quyết này thì trường hợp đó sẽ không bị coi là dâm ô nhưng xét về bản chất, hành vi ôm, thơm vào má người dưới 16 tuổi là sự tiếp xúc về thân thể không trong sáng, gây nên sự hoảng loạn về tâm sinh lý cho cháu” – bà Vân Anh nêu quan điểm và đề nghị nhóm soạn thảo cân nhắc thêm trường hợp này.
Trung tướng Trần Văn Độ, cựu phó chánh án TAND Tối cao, cho biết ông đã nghiên cứu cả ba dự thảo và thấy càng về sau hướng dẫn càng rõ ràng, đầy đủ hơn. “Chúng ta không nên quy định về “bộ phận, vùng nhạy cảm” bởi có những bộ phận không nhạy cảm nhưng vẫn là dâm ô. Nếu lấy tay sờ tai thì không phải là dâm ô nhưng nếu dùng lưỡi để liếm mút tai là dâm ô. Hay người đàn ông ôm hôn ngấu nghiến cháu bé lạ, dù là hôn mắt, môi, mũi, má, trán đều có thể là dâm ô cả” – ông Độ nói.
Muốn bênh ông Nguyễn Hữu Linh cũng không được!
Chúng ta không phải chạy theo dư luận xã hội để xét xử. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể làm lơ được dư luận.
Tôi công tác trong ngành tư pháp ở Đà Nẵng 18 năm sáu tháng. Ông Nguyễn Hữu Linh là một trong những người bạn của tôi và tôi rất hiểu con người này. Nhưng khi xem clip đó, tôi muốn bênh vực cũng không thể bênh vực được. Bây giờ hai người hoàn toàn xa lạ, đứa trẻ chỉ mới mấy tuổi, 9 giờ tối ở trong thang máy, vồ con người ta tới ba lần như vậy, cháu bé đã phản kháng, sợ sệt rồi. Tại sao lại có những hành vi như vậy?!
Tôi đề nghị nghị quyết hướng dẫn phải trao cho thẩm phán một quyền nhất định và có biện pháp bảo vệ khi họ thực hiện quyền được giao.
Bà NGUYỄN THỊ KIM THÚY, Ủy viên Thường trực Ủy ban
Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Thủ dâm trước người dưới 16 tuổi cũng là dâm ô
“Rất nhiều trường hợp người đàn ông chat sex với bé gái. Hoặc cho người chưa thành niên xem phim đồi trụy, cho xem tranh, ảnh khỏa thân, cho xem thân thể lõa lồ của mình hoặc bắt cháu bé lõa lồ thân thể… cũng là dâm ô” – Trung tướng Trần Văn Độ nói và đề nghị cần mở rộng hơn khái niệm về dâm ô.
Đồng tình, bà Lê Thị Vân Anh cho rằng đối với người đủ 16 tuổi trở lên có thể tâm sinh lý phát triển tương đối ổn định, họ có đủ nhận thức để phòng tránh hoặc phản ứng lại. Nhưng với những em dưới 16 tuổi, non nớt về mọi mặt thì việc thường xuyên dùng lời nói hoặc gửi tin nhắn, hình ảnh đồi trụy cũng nên cân nhắc coi là hành vi dâm ô để có chính sách xử lý phù hợp.
“Hành vi thủ dâm trước mặt người chưa thành niên cũng cần được coi là dâm ô” – bà Shelley Casey bổ sung.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, đánh giá cao sự chuẩn bị của nhóm soạn thảo. Tuy nhiên, ông nói dự thảo nghị quyết vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. “Tôi sẽ có buổi làm việc riêng với cơ quan tham mưu để kết cấu lại dự thảo nghị quyết cho hợp lý hơn trước khi trình Hội đồng Thẩm phán” – ông Bình nói và cho biết sau khi có ý kiến của Hội đồng Thẩm phán, dự thảo tiếp tục được hoàn thiện, đăng tải trên mạng để lấy ý kiến đóng góp.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình sau đó nhắc lại mốc thời gian dự kiến ban hành nghị quyết là tháng 9 tới. “Đây là vấn đề rất khó, khó đến mức cơ quan soạn thảo dự án luật trình Quốc hội đã không làm được cụ thể mà chuyển việc này cho Hội đồng Thẩm phán trong khi lẽ ra việc này phải thể hiện trong điều luật. Vấn đề khó mà thời gian gấp, Quốc hội thì đòi hỏi. Năm 2020, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề chống xâm hại trẻ em, Hội đồng Thẩm phán không ra được nghị quyết này là chúng ta có khuyết điểm” – ông Bình nhấn mạnh.
Thế nào là “nhằm kích thích tình dục”?
Ông Nguyễn Văn Tất, Phó vụ trưởng Vụ 2 – VKSND Tối cao, cho biết thực tế áp dụng đang vướng một số vấn đề. Ví dụ như thế nào là nhằm kích thích tình dục trong trường hợp ôm, vỗ, sờ mông, sờ đùi, trong khi kẻ xâm hại không thừa nhận có ý kích thích tình dục.
Ông Tất đề nghị phân biệt hai dạng. Thứ nhất, cố ý gí sát vào cơ thể nạn nhân hoặc dùng tay, chân, dụng cụ khác sờ, bóp, chặn vào bộ phận sinh dục hoặc vú của người nữ; thủ dâm trước mặt nạn nhân. Các trường hợp này biểu hiện rõ của hành vi dâm ô, dù đối tượng khai không rõ về mục đích thì trên thực tế các vụ án xảy ra như vậy vẫn buộc được tội.
Còn đối với những hành vi hôn, sờ, nắn, bóp vào mông, háng, đùi hoặc sử dụng những vật khác chọc vào mông, háng, đùi thì rất khó xác định. Trong trường hợp này, xác định như thế nào là nhằm mục đích kích thích tình dục cần phải đưa hành vi này đi kèm với hành vi khác. Chẳng hạn, một hoặc cả hai người ở trong hoàn cảnh không mặc quần áo, hoặc chỉ mặc áo hoặc quần nhưng đụng chạm, sờ mó nhau. Hoặc đối tượng có nhiều hành vi mà bình thường ai cũng có thể xác định đó là dâm ô.
Ông Tất cũng cho hay thực tế có nhiều vụ các cơ quan tố tụng không xử lý được. “Ở một số địa phương có những vụ thầy giáo dạy lớp 6, lớp 7 cấu vào bộ phận sinh dục học sinh. Các em lại cười coi đó là vui, gia đình cũng nói như vậy. Nếu hành vi đó mà không xử lý thì không xử lý được hành vi khác” – ông Tất dẫn chứng.
Cũng theo ông Tất, thực tế đang tồn tại một số thói quen giống hành vi dâm ô, có thể làm ảnh hưởng ít nhiều đến đứa trẻ nhưng không nhằm thõa mãn tình dục.
“Nhiều người có người thân, người quen, bạn bè đến nhà chơi đã cưng nựng, muốn xem bộ phận sinh dục của các cháu bé, nhất là cháu nam. Các cháu cũng vẫn vạch ra cho xem, thậm chí họ còn sờ mó vào bộ phận sinh dục của cháu. Những trường hợp đó không phải là tội phạm, hành vi dù lệch chuẩn nhưng có tình cảm yêu thương ở trong đó” – ông Tất nói.
ĐỨC MINH
Theo PLO
Xử Nguyễn Hữu Linh 'dâm ô' trẻ em: Vì sao Tòa triệu tập giám định viên?
Theo tòa, việc triệu tập các giám định viên là để làm rõ các kết luận giám định, đảm bảo công tác xét xử khách quan, công bằng và nghiêm minh.
Nguyễn Hữu Linh đến phiên xét xử sáng 25/6. Ảnh: Thanh Niên
Nguyễn Hữu Linh đến tòa bằng ô tô
Sáng nay 25/6, TAND Q.4 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng, đang cư trú Q.2, TP.HCM) tội "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".
Nguyễn Hữu Linh bị Viện KSND Q.4 truy tố theo khoản 1 điều 146 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Vụ án do Phó chánh án TAND Q.4, thẩm phán Nguyễn Hải Nam làm chủ tọa, được xét xử kín theo yêu cầu của đại diện bị hại. Ngoài ra, phía gia đình bị hại cũng có đơn xin xét xử vắng mặt vì không muốn việc xét xử ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé.
Theo Infonet thông tin: Ngay từ sớm 25/6, hàng chục phóng viên của các cơ quan báo chí đã có mặt tại TAND quận 4. Khoảng hơn 7h, ông Nguyễn Hữu Linh đến TAND quận 4 bằng một chiếc xe hơi biển trắng. Ngay khi xe vừa dừng, ông Linh vội mở cửa, chạy nhanh vào phía trong tòa án và đi lên trên. Thậm chí, khi thấy có một số phóng viên chạy theo, ông Linh đã chạy lên tầng 4 và đi thẳng vào...nhà vệ sinh.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong buổi sáng và được xử kín. Theo quy định, các phóng viên chỉ có mặt ở phần tuyên án. Trước khi phiên tòa diễn ra, đại diện bị hại đã có đơn xin vắng mặt.
Theo cáo buộc, chiều 2/4/2019, mạng xã hội lan truyền video về người đàn ông có hành vi ôm hôn một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 (Q.4, TP.HCM). Cơ quan CSĐT Công an Q.4 vào cuộc, xác định người đàn ông đó là Nguyễn Hữu Linh.
Theo đó, khoảng 21h ngày 1/4, cháu N.K.C (8 tuổi) đi mua đồ giùm mẹ từ tầng trệt tòa nhà đi lên, vào thang máy thì gặp Linh cũng bước vào. Khi cửa thang máy đóng lại, Linh đã 3 lần ôm, hôn khiến cháu bé hoảng sợ, bỏ chạy suýt té lúc thang máy vừa mở cửa.
Vì sao tòa triệu tập giám định viên?
Báo Thanh Niên thông tin: Sau khi nghe cháu C. kể lại sự việc, bố cháu bé đã xuống Ban quản lý chung cư yêu cầu trích xuất camera. Làm việc với Ban quản lý chung cư và gia đình cháu C., Linh thừa nhận hành vi của mình là sai nhưng lại khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng...
Quá trình tòa thụ lý hồ sơ vụ án, luật sư bào chữa cho Nguyễn Hữu Linh cho rằng hành vi của Linh chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội dâm ô. Theo luật sư này, kết luận giám định pháp y về ADN của trung tâm pháp y Sở Y tế TP.HCM nêu ADN của Nguyễn Hữu Linh không hiện diện trong trang phục của cháu C.; kết luận giám định liên quan đến video cũng xác định Nguyễn Hữu Linh ngoài hành vi "hôn vào má" bị hại thì không còn bất cứ hành vi nào khác...
Vì vậy, luật sư kiến nghị TAND Q.4 trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau đó, TAND Q.4 trả hồ sơ đề nghị Viện KSND Q.4 yêu cầu làm rõ lúc ôm hôn bàn tay trái của ông Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của cháu bé hay không...
Ngay sau khi tòa trả hồ sơ, Viện KSND Q.4 có văn bản trả lời khẳng định cáo trạng đã nêu rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Linh...
Theo tòa, việc triệu tập các giám định viên là để làm rõ các kết luận giám định, đảm bảo công tác xét xử khách quan, công bằng và nghiêm minh.
(Tổng hợp)
Theo vietnamdaily
Sáng mai xử kín Nguyễn Hữu Linh dâm ô : Bị hại có đến phiên xử? Trong phiên xét xử kín vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô, gia đình bị hại có đơn yêu cầu được xét xử vắng mặt, không yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi. TAND quận 4 sẽ xét xử kín và tuyên án công khai. Sáng mai (25/6), TAND quận 4 (TP.HCM) sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Hữu...