Hơn 728.000 tỷ đồng dư của quỹ bảo hiểm xã hội được dùng làm gì?
Hơn 728.000 tỷ đồng số dư các quỹ bảo hiểm xã hội đang được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho vay, gửi tại các ngân hàng thương mại.
Kết quả kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố ghi nhận đến hết năm 2018 có hơn 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số thu bảo hiểm xã hội năm 2018 khoảng 223.000 tỷ đồng, đạt 99,36% dự toán Thủ tướng giao. Tổng số thu 3 quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến hết năm 2018 đạt hơn 728.000 tỉ đồng, tương đương 31 tỷ USD.
Nguồn tiền này đang được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đầu tư vào trái phiếu chính phủ khoảng 620.800 tỉ đồng, đầu tư vào các ngân hàng thương mại 107.200 tỉ đồng.
Năm 2018, BHXH Việt Nam đầu tư các quỹ bảo hiểm và phân bổ lãi đầu tư đúng quy định, đảm bảo an toàn và tăng trưởng quỹ. Trong năm 2018, lãi phải thu từ hoạt động đầu tư 42.755 tỷ đồng, lãi đã thu 41.977 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tuy vậy, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng gặp rủi ro khi sử dụng quỹ để đầu tư tài chính.
Cụ thể, với khoản đầu tư vào Công ty cho thuê tài chính ALC II – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gặp rủi ro khi Công ty cho thuê tài chính ALC II tuyên bố phá sản vào tháng 7/2018. Nhưng đến nay Công ty cho thuê tài chính ALC II vẫn nợ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hơn 1.600 tỷ đồng (gốc 769 tỷ đồng, lãi 882 tỷ đồng) và chấm dứt thực hiện tính lãi từ 31/7/2018.
Ngoài ra, qua kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018, Kiểm toán Nhà nước kết luận một số bảo hiểm xã hội tỉnh chưa rà soát chặt chẽ đối tượng hưởng một lần. Kiểm toán phát hiện 1.695 trường hợp hưởng BHXH một lần nhưng vẫn tham gia đóng BHXH trong thời gian một năm kể từ ngày nghỉ việc với số tiền hưởng 38,68 tỷ đồng.
Tình trạng này xảy ra ở 58/63 tỉnh thành. Trong đó, nhiều nhất là Bắc Giang với 398 trường hợp và tổng số tiền 6,5 tỷ đồng; Bắc Ninh 126 trường hợp với số tiền 2,6 tỷ đồng; Thanh Hóa 110 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,9 tỷ đồng.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu bổ sung cam kết của người đề nghị được hưởng chế độ BHXH một lần vào đơn đề nghị để đảm bảo tính pháp lý và nâng cao trách nhiệm của người đề nghị; rà soát 1.695 trường hợp hưởng BHXH một lần không đúng quy định để tổ chức thu hồi về các quỹ bảo hiểm theo quy định.
Kết quả thanh, kiểm tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cũng phát hiện, từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2019 có 105.095 lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm nhưng chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng của cả 3 quỹ là 280 tỷ đồng.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tình trạng nợ đọng, chậm đóng các quỹ bảo hiểm còn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khối doanh nghiệp. Đến hết năm 2018, các doanh nghiệp nợ khoảng 10.100 tỉ đồng tiền bảo hiểm (86% tổng nợ).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng tới nền hành chính phục vụ
Xác định cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và khu vực, trong thời gian qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH. Ảnh: XC/Báo Tin tức
Giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, từ tháng 1/2019 đến nay, 100% doanh nghiệp đã giảm được thời gian và nhân lực để cập nhật và lưu trữ sổ bảo hiểm xã hội. Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, người lao động có quyền được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội. Do đó, doanh nghiệp không phải thực hiện lưu giữ, quản lý sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Để triển khai thực hiện quy định này, từ tháng 10/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rà soát và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đến hết năm 2018, ngành đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát và bàn giao 13,3 triệu sổ đến tận tay người lao động (đạt 99,28% tổng số người lao động đang tham gia).
Việc bàn giao sổ bảo hiểm xã hội giúp người lao động có đầy đủ thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của mình, đồng thời, hàng năm được cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi thông báo về mức đóng và thời gian tham gia bảo hiểm trong năm. Bên cạnh đó, người lao động có thể tự tra cứu thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của mình trên Cổng Thông tin điện tử bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Không chỉ giảm thời gian, nhân lực trong việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, từ năm 2018, doanh nghiệp còn tiếp tục được "hưởng lợi" khi không phải rà soát, lập danh sách đề nghị đổi thẻ bảo hiểm y tế hàng năm cho người lao động. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, thẻ bảo hiểm y tế của người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội gia hạn tự động. Những thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt, doanh nghiệp được cắt giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục đề nghị gia hạn thẻ, nhận thẻ, chuyển thẻ bảo hiểm y tế đến từng người lao động.
Các tiêu chí cần kê khai trong thủ tục đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, giản lược. Thành phần hồ sơ được đơn giản hóa, biểu mẫu kê khai được thiết kế lại theo hướng lựa chọn đánh dấu vào các ô có chứa nội dung phù hợp đối với thủ tục đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động mà không phải viết rõ nội dung như trước đây, bỏ xác nhận của người lập biểu và công đoàn cơ sở, chỉ yêu cầu duy nhất một chữ ký xác nhận của đơn vị trong danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe...
Những sửa đổi này cùng với việc bãi bỏ thành phần hồ sơ: bản sao Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản khám nghiệm hiện trường, đo đạc môi trường lao động có yếu tố độc hại (theo quy định tại Điều 57, 58 Luật An toàn vệ sinh lao động), sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đang làm việc bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, đã góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian khi xử lý những công việc liên quan đến đề nghị giải quyết các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng cho người lao động.
Đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những bước đột phá trong tứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Từ năm 2017, ngành bảo hiểm xã hội bắt đầu triển khai hình thức kê khai nộp bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại, chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội. Theo đó, thời hạn nhận thông báo xác nhận hồ sơ giao dịch điện tử và thời gian chờ đợi chấp nhận việc hoàn tất hồ sơ đã được rút ngắn, chỉ còn tối đa 2 giờ trong ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử của tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, với việc đẩy mạnh phát triển hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp, việc thực hiện thông báo về quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của ngành đến người dân, doanh nghiệp ngày càng được rút ngắn về thời gian và đa dạng về hình thức, như gửi thư điện tử, tin nhắn văn bản.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức nâng cấp và cung cấp miễn phí phần mềm kê khai nộp bảo hiểm xã hội lên phiên bản web để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội từ ngày 12/8/2019. Theo đó, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần sử dụng phương tiện điện tử có kết nối internet là có thể thực hiện kê khai nộp bảo hiểm xã hội trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.
Cá nhân cũng có thể nộp hồ sơ đối với 8 thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, trường hợp thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp. Điều này giúp người dân có thể gửi yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính trực tiếp trên môi trường mạng, giảm thời gian đi lại, chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận "một cửa".
Với việc quy định cụ thể thời gian tối đa gửi thông báo chấp nhận đã hoàn tất việc nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử, đa dạng cách thức gửi thông báo tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và nâng cấp kê khai nộp bảo hiểm xã hội lên phiên bản web đã giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn trong việc thực hiện kê khai nộp bảo hiểm xã hội, qua đó góp phần giảm bớt tình trạng nghẽn mạng khi thực hiện, giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, cá nhân.
Theo Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh, năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến thêm một bước trong việc tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội. Việc này rút ngắn thời gian thụ lý, giải quyết quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, việc đẩy mạnh chi trả qua tài khoản cá nhân của người lao động đã góp phần giảm thời gian của doanh nghiệp và người lao động khi doanh nghiệp nhận và trực tiếp chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích hợp để thực hiện dịch vụ công cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ ngày 09/12/2019, mọi cá nhân khi có yêu cầu cấp lại thẻ bảo hiểm y tế mà không thay đổi thông tin, chỉ cần có một thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại) có kết nối internet, truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia là có thể thực hiện đề nghị cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng hoặc mất.
"Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tích hợp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành bảo hiểm xã hội", ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Ủy ban Kinh tế nói gì với chính sách tiền tệ "thời Covid-19"? Hiệu quả hỗ trợ của chính sách tiền tệ cho doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19 được đánh giá là chưa đạt như mong muốn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa gửi báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó khái quát, tại Việt Nam, đến nay ước tính quy mô...