Hơn 7.000 tỉ đồng đầu tư gần 36 km Vành đai 4
Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án có thể khởi công vào quý III-2020 và hoàn thành vào quý I-2023.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vừa trình nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần đoạn Bến Lức – Hiệp Phước thuộc đường Vành đai 4 lên Bộ GTVT chờ thông qua.
“Chúng tôi đã trình Bộ GTVT về nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 đoạn Bến Lức – Hiệp Phước với tổng mức đầu tư khoảng 7.075 tỉ đồng” – ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM ngày 17-4.
Theo ông Thi, nghiên cứu tiền khả thi trên đưa ra hình thức đầu tư dự án là PPP, hiện Bộ GTVT chưa có phản hồi về báo cáo của Tổng Công ty Cửu Long. “Khi có thông tin từ Bộ GTVT, chúng tôi sẽ thông báo cho báo chí biết” – ông Thi nói.
Theo đó, dự án có điểm đầu ở nút giao Bến Lức (gần nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương), điểm cuối kết nối với khu quy hoạch cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8 km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32 km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc), TP.HCM dài 3,8 km (đi qua huyện Nhà Bè).
Sau khi hoàn thành, đường Vành đai 4 sẽ tạo kết nối giao thông liên hoàn từ miền Tây vào TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ảnh: KC
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ có tám làn xe cao tốc, bốn làn đường đô thị và vỉa hè hai bên, bề rộng 74,5 m. Trên tuyến có 10 cầu vượt sông và một cầu vượt nút giao tại nút giao quốc lộ 1.
Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án có thể khởi công vào quý III-2020 và hoàn thành vào quý I-2023. Theo phương án tài chính thì dự án có thể hoàn vốn trong vòng 19 năm bảy tháng.
Video đang HOT
Đây là dự án rất cần thiết không chỉ để phát triển cảng Hiệp Phước mà còn cả khu đô thị Hiệp Phước ở TP.HCM.
Sau khi hình thành đường Vành đai 4 cùng với dự án đường Vành đai 3, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ tạo sự đồng bộ kết nối giao thông liên hoàn từ miền Tây vào TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tuyến đường có vai trò tiếp nhận và giải tỏa lưu lượng giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TP.HCM. Đồng thời, tuyến đường cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối khu vực ĐBSCL và khu vực miền Đông Nam bộ với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An; góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.
Trước đó, trong buổi làm việc với TP.HCM cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết theo quy hoạch TP.HCM có bốn đường vành đai, đã và đang thi công nhưng chưa khép kín (còn khoảng 13 km). “Đường Vành đai 3 và 4 là cực kỳ quan trọng, nếu không sớm hình thành thì giao thông TP sẽ vô cùng hỗn độn, bởi không có đường vành đai thì xe cộ phải chạy xuyên tâm” – ông Thể phát biểu.
PHAN CƯỜNG
Theo PLO
Bỏ trần phí trạm BOT: Doanh nghiệp hào hứng, chuyên gia băn khoăn
Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, sửa đổi quy định thu phí tại các trạm BOT đặt trên dự án xây mới, cao tốc theo hướng, Nhà nước không quy định mức trần, tuỳ doanh nghiệp quyết định theo kiểu "lời ăn lỗ chịu".
Theo quy định hiện nay, việc thu phí qua các trạm BOT do Nhà nước quản lý giá trần. Doanh nghiệp BOT muốn ấn định mức thu phí phải có văn bản đề xuất với Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp BOT muốn tăng phí qua trạm BOT cũng phải xin ý kiến từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ nghiên cứu, chỉnh sửa quy định theo hướng, bỏ trần mức phí tại các dự án BOT xây mới, dự án đường cao tốc. Mức trần phí BOT tùy doanh nghiệp quyết định, Nhà nước chỉ quy định mức trần tại các dự án BOT đường độc đạo.
Chỉ quy định trần tại các dự án BOT độc đạo?
Xung quanh nội dung này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho rằng, theo quy định hiện hành, Bộ GTVT là cơ quan ban hành mức phí giá dịch vụ đường bộ tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Trước đây, khi Bộ GTVT chưa ban hành Thông tư 35, Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính quy định, định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 sẽ xem xét, điều chỉnh tăng phí một lần. Hiện nay, trong các hợp đồng BOT đã ký, tạm ký với nhà đầu tư đều quy định như vậy.
"Quan điểm của chúng tôi là khi sửa đổi Nghị định 149/2016 và Thông tư 35, cần bỏ trần giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án đường cao tốc, dự án đường BOT có tuyến song hành cho người dân lựa chọn, mức giá sẽ do thị trường quyết định.
Bộ GTVT muốn sửa đổi mức phí qua trạm BOT xây mới sẽ do nhà đầu tư quyết định
Nhà đầu tư đưa ra giá cao, người dân sẽ không lựa chọn, nếu giá thấp, hợp lý, phương tiện sẽ đi vào. Cơ quan Nhà nước chỉ kiểm soát giá trần đối với các dự án đường độc đạo.
Trên thế giới, nhiều nước đã thực hiện thu giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc theo giờ cao điểm với mức cao, giờ thấp điểm họ giá xuống rất thấp để người tham gia giao thông lựa chọn. Đây là giải pháp hiệu quả để điều tiết giao thông"- ông Huy nói.
Từng loại công trình nên có mức giá riêng
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, vướng mắc lớn nhất trong Thông tư 35 của Bộ GTVT là quy định trần giá sử dụng dịch vụ cho các dự án đường bộ. Các dự án không phân biệt là cầu, hầm hay dự án đường bộ đều bị khống chế bởi trần giá vé.
"Khi sửa đổi Thông tư 35 sắp tới, việc bỏ trần giá dịch vụ tại các dự án đường bộ sẽ khó khả thi vì bị ràng buộc bởi nhiều quy định hiện hành, nhất là từ phía Bộ Tài chính.
Bất cập khi quy định trần giá vé là chúng ta khống chế giá vé bên trên nhưng giá vé dưới đáy là bao nhiêu thì không quy định. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, Bộ GTVT có thể đưa ra khung giá dịch vụ cho từng loại công trình đường cao tốc, hầm đường bộ, cầu... Trong đó, sẽ quy định mức giá thấp nhất và cao nhất về phí sử dụng dịch vụ cho từng loại công trình" - ông Ngô Trí Long chia sẻ.
Là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về đầu tư dự án đường cao tốc trên cả nước, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đều là những tuyến xây mới và có đường song hành để người tham gia giao thông lựa chọn.
Tuy nhiên, mức giá sử dụng dịch vụ của các tuyến đường này đều đang chịu ảnh hưởng của Thông tư 35.
"Với các tuyến xây mới, có đường song hành, mức giá cần phải được điều chỉnh linh hoạt chứ không thể chốt cố định như hiện nay tại Thông tư 35. Trước đây, chúng tôi cũng đã từng đề xuất điều chỉnh mức giá trên cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây theo khung giờ thấp điểm, cao điểm. Phương tiện đi vào giờ cao điểm sẽ trả phí cao, thấp điểm trả phí thấp.
Đây là hình thức điều tiết giao thông bằng kinh tế khuyến khích các phương tiện đi vào các khung giờ thấp điểm nhằm giảm thiểu ùn tắc. Tuy nhiên, do vướng phải những quy định trong Thông tư 35 nên phương án trên đã không thể được thực hiện.
Hơn nữa, đối với những dự án cao tốc làm mới, hiệu quả rất cao, nếu chúng ta cứ giới hạn mức giá sử dụng dịch vụ sẽ dẫn tới việc hoàn vốn của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng, khó thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Mức giá dịch vụ của các dự án đường cao tốc này cần tuân theo cơ chế nền kinh tế thị trường, phương tiện đi đường tốt được phục vụ với chất lượng cao thì phải trả giá cao"- ông Tuấn Anh phân tích.
Theo ANTD
"Không đẩy nhanh các tuyến vành đai, giao thông TP.HCM sẽ hỗn loạn" Bộ trưởng Bộ GTVT đã có những phân tích chuyên sâu về tình hình giao thông của TP.HCM, cũng như của khu vực xung quanh TP. Người đứng đầu ngành giao thông vận tải nhận định "nếu không đẩy nhanh, sớm hoàn thành các tuyến vành đai, giao thông TP có nguy cơ rơi vào hỗn loạn, ùn tắc". Vành đai là huyến...