Hơn 45.000 loài sinh vật biển bị đe dọa bởi nhiệt độ Trái đất tăng
Một nhóm các chuyên gia thuộc Đại học Queensland (UQ) của Australia mới đây đã hoàn tất danh sách hơn 45.000 loài sinh vật biển đang bị đe dọa, cho thấy mức độ tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu và các nhân tố khác đối với các sinh vật biển.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hiệp hội sinh thái học Mỹ (ESA) và công bố ngày 16/2, trong đó lập ra một khuôn khổ xác định địa điểm và cách thức cần phải tập trung các nỗ lực bảo tồn.
Tiến sĩ Nathale Butt từ Khoa Khoa học môi trường và Trái Đất thuộc UQ nêu rõ nghiên cứu đã phân cấp các mối đe dọa đối với các loài sinh vật biển khác nhau.
Video đang HOT
Theo đó, san hô và các sinh vật không xương sống khác gắn với san hô thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những điều kiện nước như độ acid và độ muối, với mức độ nguy cơ từ 0,4 đến 0,5 trên thang đánh giá từ 0 đến 1. Tiến sĩ Butt cho biết nhiệt độ nước đang tăng có liên quan đến việc độ acid của đại dương tăng lên, tạo môi trường không thuận lợi cho quá trình hình thành lớp vỏ của một số động vật thân mềm hoặc giáp xác. Trong khi đó các động vật lớn hơn có độ nhạy cảm lớn hơn với tác động trực tiếp như hủy hoại môi trường và hoạt động đánh bắt cá. Cá heo, rùa, cá mập và chim biển đều có độ nhạy cảm từ 0,5 đến 0,6 trước hoạt động đánh bắt cá. Nhìn chung, ô nhiễm do các chất vô cơ và nhiệt độ nước tác động đến nhiều loài nhất, lần lượt ảnh hưởng tới 31% và 27% trong tổng số 45.000 loài.
Nghiên cứu được đánh giá là đã cung cấp những hiểu biết “có một không hai” về lĩnh vực bảo tồn đại dương, thông qua việc phân loại các loài và nguy cơ đối với từng loài, xét theo các đặc điểm sinh học chung và các tác nhân môi trường.
Theo Phó Giáo sư Carissa Klein, một thành viên nhóm nghiên cứu, các nhà bảo tồn có thể sử dụng danh sách này để xác định ưu tiên nguồn lực bảo tồn và xác định cách thức quản lý và địa điểm tốt nhất để bảo vệ các loài, nhóm cụ thể. Nhóm nghiên cứu hy vọng dự án này sẽ đóng vai trò cơ sở dữ liệu lõi và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Đánh bắt quá mức trên toàn cầu - mối đe dọa lớn đối với các đại dương
Cùng với sự ấm lên toàn cầu và ô nhiễm chất thải nhựa, đánh bắt quá mức là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các đại dương, trong bối cảnh tiêu thụ cá của người dân trên thế giới ngày càng tăng.
Ngư dân đánh cá ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam nước Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đại dương (One Ocean Summit) diễn ra từ ngày 9-11/2 tại thành phố biển Brest của Pháp, tờ Les Echos đã cảnh báo việc đánh bắt quá mức trên toàn cầu đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các đại dương. Theo báo này, thế giới đang tỏ ra chậm trễ trong việc thống nhất chấm dứt tình trạng khai thác quá mức này, khiến hoạt động đánh bắt cá bền vững bị ảnh hưởng.
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ước tính tỷ lệ trữ lượng cá bị đánh bắt hiện nay ở mức hơn 1/3 trữ lượng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này trong những năm 1970 chỉ là 10%. Theo các chuyên gia, tại những nơi mà việc quản lý đánh bắt hải sản kém hiệu quả hoặc không quản lý đánh bắt, trữ lượng cá đang rơi vào tình trạng cạn kiệt. Khai thác chuyên sâu cũng dẫn đến việc đánh bắt ồ ạt và dẫn đến tình trạng một số loài như cá heo, cá mập và cá đuối chết hàng loạt.
Để ngăn chặn việc khai thác quá mức một cách hiệu quả, nhiều nhà quan sát cho rằng cần phải xác định chính xác sản lượng đánh bắt để quản lý trữ lượng một cách bền vững. Một thành viên của Tổ chức Công lý môi trường, bà Jenny Calder, cho rằng không thể đặt ra hạn ngạch phù hợp nếu không xác định được hoặc đánh giá không chính xác mức độ đánh bắt.
Chủ đề đánh bắt quá mức tuy không có trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh One Ocean Summit - lần đầu tiên do Pháp đăng cai - nhưng theo các hiệp hội môi trường, Paris "cần phải làm gương" về quản lý đánh bắt cá bền vững. Trong một chuyên mục đăng trên tờ "Le Monde" hôm 7/2, khoảng 20 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Greenpeace France, LPO và Sea Shepherd France, cho rằng Pháp cần phải ủng hộ "việc khai báo sản lượng khai thác một cách nhất quán và chính xác trong quy định kiểm soát đánh bắt cá của Liên minh châu Âu". Bà Calder khẳng định: "Quyết định này là cần thiết để đảm bảo giới hạn đánh bắt là có cơ sở khoa học và bền vững".
Chấm dứt tình trạng đánh bắt quá mức trên biển vào năm 2020 là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, nhưng mục tiêu này đã bị chậm lại so với kế hoạch. Tháng 11 năm ngoái, các lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết sẽ thực hiện "các biện pháp cụ thể". Vấn đề cũng đã trở lại bàn hội nghị tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nơi các cuộc đàm phán đã được khởi động vào năm 2001 để làm rõ và cải thiện các quy định hiện hành về trợ cấp đánh bắt cá.
Theo WTO, nguồn tài trợ công - ước tính khoảng từ 14 tỷ đến 54 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu - cho phép nhiều đội tàu đánh cá hoạt động lâu hơn và xa hơn trên biển, gây nhiều tổn hại đối với sinh vật biển. Các cuộc thảo luận đã tăng tốc trong những tháng gần đây và WTO có thể sớm đạt được một thỏa thuận. Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng "tình trạng đánh bắt cá quá mức đã diễn ra trong 20 năm. Đã đến lúc phải hành động để bảo vệ nguồn lợi hải sản".
Cảnh báo về tiểu hành tinh rơi xuống Trái đất có thể ngang với '50 quả bom Hiroshima' Chuyên gia về khoa học vũ trụ Brian Cox đã cảnh báo rằng ngoài không gian chứa hàng chục nghìn tiểu hành tinh có thể gây ra hậu quả tàn khốc nếu va phải Trái đất. Brian Cox cảnh báo về mối nguy từ các tiểu hành tinh. Ảnh: Getty Trong một video Youtube thảo luận về bộ phim "Dont Look Up" mới...