Hơn 400 doanh nghiệp Hàn Quốc dự Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2020″
Tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao hôm nay phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc”.
Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp của các tỉnh/thành trên cả nước… với hơn 500 đại biểu.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: Hà Nội mới
Về phía Hàn Quốc có Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan, đại diện các cơ quan kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, lao động, du lịch, các hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và hơn 400 doanh nghiệp Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã điểm lại những bước phát triển nhanh chóng trong mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc trong gần 30 năm kể từ khi thiết lập. Thứ trưởng cũng khẳng định hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc nói chung và hợp tác cấp địa phương hai nước nói riêng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển, mang lại những lợi ích cho nhân dân hai nước.
Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” lần này do Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tạo điều kiện giúp chính quyền và doanh nghiệp địa phương Việt Nam tích cực kết nối, trao đổi và thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các đối tác Hàn Quốc. Tại Hội nghị, các bên tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác như: hợp tác phát triển (ODA), hợp tác nguồn nhân lực, lao động, du lịch, thương mại, đầu tư, y tế, giao lưu nhân dân …
Nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của Hội nghị lần này, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Park Noh-wan chia sẻ ý nghĩa của sự kiện trong bối cảnh hai nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và đang bước sang giai đoạn phối hợp chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh ở mỗi nước, duy trì mối quan hệ tốt đẹp và đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Đại diện cho phía Hàn Quốc, Đại sứ Park Noh-wan nhận định, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc không chỉ còn là đối tác thông thường mà đã là quan hệ ‘thông gia’ của nhau, nhân dân hai nước ngày càng hiểu nhau hơn. Có được điều này là nhờ vào những nét tương đồng trong văn hóa, lịch sử cũng như những lợi ích phát triển bền vững. Đại sứ Park cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn thuận lợi và lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hai nước đang bước ra khỏi đại dịch Covid-19, bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế.
Video đang HOT
Ba phiên thảo luận chính đã giải đáp nhiều vấn đề doanh nghiệp Hàn Quốc và các địa phương của Việt Nam quan tâm. Ảnh: Hà Nội mới
Phát biểu tại Hội nghị, các Bộ, ngành Trung ương của Việt Nam và các cơ quan, tổ chức Hàn Quốc đã chia sẻ về chính sách của hai nước trong hợp tác phát triển, thương mại – đầu tư và hợp tác cấp địa phương trong thời gian tới; cũng như cơ hội, phương hướng hợp tác để đạt được hiệu quả của hai Bên. Các diễn giả địa phương Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các hoạt động hợp tác với các đối tác Hàn Quốc và kêu gọi đầu tư Hàn Quốc vào địa phương mình.
Hai bên đồng thời cần tiếp tục mở rộng hợp tác giữa các tổ chức nhân dân hai nước, góp phần hỗ trợ phát triển cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống, làm việc và học tập ổn định, lâu dài tại mỗi nước. Việt Nam hiện có tiềm năng phát triển lớn trong nhiều ngành khác nhau, như chế tạo, sản xuất vật liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính, dược, công nghệ thông tin, hậu cần, rất thích hợp với thế mạnh của các công ty Hàn Quốc như nguồn vốn dồi dào, trình độ kỹ thuật cao, khả năng quản lý tốt.
Hàn Quốc hiện có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại và quan trọng hơn hết là sự nhiệt thành và háo hức của họ muốn được tới làm ăn ở một đất nước có sự ổn định chính trị và đang phát triển nhanh như Việt Nam. Với một nền kinh tế năng động, hội nhập quốc tế, lực lượng lao động trẻ, dồi dào và có kỹ năng, chính phủ kiến tạo phát triển, hai bên có thể tin rằng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đồng thời, các cơ quan hai Bên cũng cam kết tạo điều kiện hỗ trợ các hoạt động hợp tác, giao lưu trong đa dạng các lĩnh vực giữa địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Hàn Quốc.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Tọa đàm “Gặp gỡ Nghệ An – Hàn Quốc”. Tọa đàm tập trung trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, giáo dục – đào tạo, thương mại, du lịch, thu hút được khoảng 100 đại biểu tham dự. Bên cạnh đó, đã có hơn 40 cuộc gặp làm việc giữa các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc.
Hà Nội cần vươn tầm, cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực
Đánh giá cao những thành tích Hà Nội đã đạt được trên mọi lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Hà Nội cần nâng tầm, cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực
Phát biểu tại hội nghị "Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị lần này của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Tại hội nghị này, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm"- Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm hợp tác được đề cao, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong tầm nhìn dài hạn. Đây cũng là quan điểm quan trọng trong thu hút đầu tư của Việt Nam và Hà Nội.
Hội nghị lần này cũng là định hướng để thực hiện cụ thể hơn Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Thủ tướng cho rằng, quan điểm trước đây "Hà Nội không vội được đâu" giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
"Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1.000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.
"Vì vậy, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" trong phát triển"- Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng cho rằng, chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay. Hội nghị là cơ hội để Hà Nội tìm "cổ đông chiến lược" để phát triển, đồng thời là nơi để các doanh nghiệp đặt niềm tin và phát triển vùng đất rồng bay này.
Nhấn mạnh "nhân hòa" chính là yếu tố then chốt nhất của Hà Nội, Thủ tướng khẳng định, hơn 20 năm trước, Hà Nội được vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình". Đây chính là giá trị "nhân hòa" của Hà Nội. Với những giá trị của niềm tin và hy vọng, ứng xử và tinh thần Hà Nội trong dịch Covid-19, sau hơn 20 năm, Hà Nội tiếp tục khẳng định xứng đáng với danh hiệu đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, để tiếp tục toả sáng giá trị "nhân hòa", Hà Nội phải làm tất cả để bật ra được hình ảnh trong trí nhớ và trái tim mọi người về "Thành phố Vì hòa bình"; xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp; nuôi dưỡng giá trị đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp...
Thủ tướng cũng giao Hà Nội phải có giải pháp để các dự án được trao chứng nhận đầu tư ngày hôm nay được sớm triển khai.
Phát biểu cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội đưa vào thực hiện được 60% số dự án được trao chứng nhận đầu tư tại hội nghị, nhưng thành phố phấn đấu sẽ thực hiện 100% số dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố, của các quận, huyện, thị xã; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn Thủ đô như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường; các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề...
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh Hà Nội sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư.
Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ chia sẻ: Có câu "Muốn đón được đại bàng thì phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu", Hà Nội sẽ chuẩn bị thật tốt để có thể thu hút được những nhà đầu tư lớn; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vừa và nhỏ...
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: "Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, thành phố vì hòa bình, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế;
Có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000 -14.000 USD; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao. Đây là chiến lược rất tham vọng và nhiều thách thức, nhưng thành phố sẽ quyết tâm thực hiện bằng những nỗ lực ngay từ bây giờ" .
Bộ Y tế tặng bằng khen các cá nhân, tập thể về chống dịch COVID-19 Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Qua cuộc chiến chống dịch COVID-19, chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn vai trò và mức độ quan trọng của các cơ quan truyền thông." Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao Bằng khen cho nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)...