Hơn 2.000 F0 ở TP HCM phải hỗ trợ hô hấp
2.070 người bệnh cần được hỗ trợ hô hấp, 1.331 ca nặng, trong số hơn 33.300 F0 đang điều trị tại các bệnh viện TP HCM, ngày 5/8.
Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 5/8.
Trong số 1.331 bệnh nhân nặng, có 1.277 trường hợp thở máy, 39 người bệnh cần lọc máu và 15 ca can thiệp ECMO. Số ca tử vong tại TPHCM tính đến nay là 2.105 (tỷ lệ 1,94%).
Theo ông Hưng, thành phố đang có 193 cơ sở cách ly F0, tại TP Thủ Đức và các quận huyện. Các cơ sở này đảm nhận nhiệm vụ cách ly và điều trị F0 tại tầng một trong mô hình điều trị tháp 5 tầng, với 53.617 giường. “Những cơ sở này góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid-19″, bác sĩ Hưng nói.
Bốn tầng còn lại gồm 55 cơ sở, bao gồm các bệnh viện ngoài công lập đã chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ sang điều trị Covid-19). Cụ thể, tầng hai có 16 bệnh viện dã chiến thu dung (đang tiếp nhận 23.305 người bệnh), tầng ba gồm 20 bệnh viện (4.385 người bệnh), tầng 4 có 15 bệnh viện (4.238 F0) và tầng 5 gồm 4 bệnh viện (1.450 F0).
Hôm 3/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi trong cuộc họp báo nhìn nhận F0 nặng, tử vong là vấn đề của thành phố, hệ thống y tế đang quá tải và khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 trong tháp 5 tầng điều trị đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị.
Để liên thông chuyển bệnh giữa các tầng điều trị, Sở Y tế TP HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn quy trình trong các trường hợp mắc Covid-19 đến bệnh viện. Theo đó, tầng một chăm sóc và theo dõi sức khỏe các F0 không có triệu chứng, không bệnh nền. Tầng hai điều trị F0 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo. Tầng ba điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp có triệu chứng trung bình và nặng. Tầng 4 điều trị F0 có kèm bệnh lý nền nặng hoặc bệnh lý đi kèm như bệnh thận, viêm gan, tai biến mạch máu não. Tầng 5 có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch.
Bộ Y tế đang cùng TP HCM thiết lập nhiều trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch, do các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế… phụ trách, với mục tiêu lớn nhất là giảm số tử vong.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM hôm nay cũng gửi văn bản hỏa tốc, đề nghị các bệnh viện không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR dương tính nCoV mới tiếp nhận bệnh. “Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh”, ông Bỉnh nêu. Tùy tình trạng người bệnh mà bệnh viện quyết định việc tiếp tục điều trị hay cần chuyển tuyến.
Ông Bỉnh yêu cầu các cơ sở y tế luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu; đồng thời đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận khi người dân đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm.
Video đang HOT
Lãnh đạo Sở Y tế cũng đề nghị bệnh viện chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, không để người bệnh diễn biến nặng hơn do phải chờ đợi lâu.
“Những việc này nhằm đến mục tiêu giảm thấp tỷ lệ tử vong, không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh”, ông Bỉnh nêu. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Tại cuộc họp báo, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, thành phố đang tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, bao gồm cả công dân nước ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ đầu đợt tiêm thứ 5 cho tới nay (không bao gồm số lượng tiêm tại các cơ quan y tế trung ương trên địa bàn thành phố, được cấp vaccine trực tiếp từ Bộ Y tế), thành phố đã tiêm hơn 1,3 triệu người. Trong đó, 207.297 người trong nhóm 65 tuổi trở lên và có bệnh lý nền.
Theo ông Đức, số lượng tiêm chủng liên tục tăng dần trong những ngày qua. Riêng trong ngày 4/8, có 184.256 người được tiêm, ghi nhận 501 trường hợp phản ứng nhẹ, không có trường hợp phản ứng nặng.
“Các loại vaccine đang cấp phép sử dụng tại TP HCM gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Vero Cell đều ghi nhận tỷ lệ hiệu quả bảo vệ khá giống nhau”, ông Đức cho biết. Theo đó, những người tiêm đủ hai liều có thể có tỷ lệ nhỏ mắc Covid-19 nhưng tỷ lệ trở nặng rất thấp, tỷ lệ tử vong gần như bằng 0 . Đây là lý do quan trọng để thành phố đẩy mạnh tiêm vaccine.
Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chạy đua với 'tử thần' để cứu F0 nguy kịch
Xe cứu thương lao đi trong đêm, đưa kíp bác sĩ Hồi sức Covid-19 cùng máy ECMO đến Bệnh viện Trưng Vương - nơi vừa báo động đỏ vì người phụ nữ mang song thai 25 tuần suy hô hấp, nguy kịch.
Khẩn cấp kết nối hệ thống ECMO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) vào thai phụ, các bác sĩ chuyển cả người lẫn máy móc lên xe cứu thương đưa về Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Hơn 3h sáng, ê kíp mới ổn định xong máy lọc máu, máy thở, thiết lập các đường truyền thuốc.
Sau hơn một tuần điều trị tích cực, ngày 28/7, dù bệnh nhân còn thở máy nhưng tiên lượng khả quan hơn, tình trạng oxy máu cải thiện, tim thai hoạt động tốt. "Nếu không thực hiện ECMO ở thời điểm cấp cứu ấy, chắc chắn sẽ không có cơ hội cho cô ấy và thai nhi", bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nói.
Khu Hồi sức Cấp cứu (ICU) bao trùm bởi tiếng máy thở, máy monitor theo dõi dấu hiệu sự sống. Bên kia bức tường ngăn cách phòng bệnh, sinh mệnh của sản phụ khác cũng đang được các bác sĩ giành giật với tử thần nhờ hệ thống ECMO. Chị vừa mổ sinh vài ngày thì rơi vào nguy kịch, vừa được chuyển đến trong đêm.
Đây là hai trong hơn 400 bệnh nhân nguy kịch mà Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đang điều trị, sau hơn hai tuần hoạt động. Cơ sở này thuộc tầng cuối trong hệ thống điều trị 5 tầng của TP HCM. Trong số các bệnh nhân có hơn 300 người đang dùng máy hỗ trợ hô hấp mức độ thấp hơn. Bác sĩ phải tính toán, dự trù cho những ca đang thở oxy qua mask, thở oxy dòng cao HFNC, nếu thất bại phải chuyển qua đặt nội khí quản thở máy.
Bác sĩ Trần Thanh Linh trao đổi về tình trạng bệnh nhân 33 tuổi đang can thiệp ECMO, thở máy, lọc máu liên tục. Ảnh: Thành Nguyễn.
Trong bộ đồ bảo hộ trùm kín từ đầu đến chân, bác sĩ Trần Thanh Linh liên tục qua lại các phòng bệnh để ra y lệnh. Điện thoại của anh dồn dập cuộc gọi từ tuyến dưới, đề nghị tiếp nhận thêm bệnh nặng. Đôi mắt trũng sâu khó đoán cảm xúc, anh trả lời: "Bên đó đang cho thở máy thì cố gắng tiếp tục theo dõi. Bên này đã kín giường nên sẽ ưu tiên những ca nguy kịch chưa có máy thở từ trước. Chiều anh gọi lại nếu điều tiết được mới có thể tiếp nhận". Ở cuộc gọi khác, bác sĩ Linh hướng dẫn, dặn dò ê kíp theo xe cứu thương "cố gắng không để bệnh nhân ngưng tim dọc đường".
Thay phiên giữ điện thoại đường dây nóng hội chẩn, tiếp nhận bệnh 24/24, bác sĩ Linh và đồng nghiệp nhận hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày liên quan các ca chuyển nặng. Bệnh viện đang ưu tiên tiếp nhận bệnh nhân nặng từ những đơn vị dã chiến, cách xa trung tâm thành phố. Các bệnh viện có điều kiện hơn được khuyến khích điều trị bệnh nhân nặng tại chỗ, "chia lửa" cho nơi này.
Phòng bệnh theo tiêu chuẩn chỉ một người, song lượng bệnh nhân quá đông khiến các bác sĩ phải cho 2 người cùng thở máy vào một phòng. Với trường hợp khẩn cấp, bác sĩ thậm chí phải kê thêm giường nhận ngay vì chỉ cần chậm trễ có thể nguy kịch tính mạng bệnh nhân.
Từng tham gia thiết lập các khu điều trị bệnh nhân nặng trong những đợt bùng phát dịch lớn tại Đà Nẵng, Bắc Giang, bác sĩ Linh cho rằng áp lực điều trị ở những nơi đó lớn nhưng "chẳng là gì" so với thực tế tại TP HCM lúc này. Với hơn 75.000 ca bệnh tính đến ngày 28/7, thành phố ghi nhận lượng lớn F0 trên 60 tuổi với nhiều bệnh nền, bên cạnh một số ca trẻ tuổi trở nặng nhanh. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã có 14 người không thể qua khỏi, trong đó nhiều trường hợp vào viện đã rất nguy kịch. Các bác sĩ nhìn nhận đây là "điều khó tránh khỏi" do số bệnh quá nặng, quá nguy kịch, hơn 2/3 bệnh nhân trên 50 tuổi và có nhiều bệnh nền.
Ngày rời Chợ Rẫy bước vào "trận đánh lớn nhất" này, bác sĩ Linh dù đã tiên lượng mức độ khủng khiếp nhưng không tránh khỏi cảm giác xót xa khi chứng kiến cường độ làm việc của anh em. Bác sĩ khi rảnh tay có thể gồng gánh công việc điều dưỡng, điều dưỡng choàng công việc của hộ lý, không còn phân biệt nhiệm vụ nào là của ai. Có những lúc bệnh nhân này diễn tiến nguy kịch, bệnh nhân kia cần đặt nội khí quản gấp, tất cả cùng lao vào cuộc, dốc sức níu giữ sự sống người bệnh.
Cũng từng vào các tâm dịch trước đó, cùng nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 như anh Linh, bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện y bác sĩ chuyên về hồi sức không nhiều nên đội điều trị phải kết hợp nhân lực nhiều chuyên khoa khác. Mỗi kíp trực, bác sĩ hồi sức sẽ là trưởng tua để điều hành công việc, phối hợp mọi người hỗ trợ lẫn nhau, trên tinh thần vừa làm vừa đào tạo.
"Chuyện không mong muốn xảy ra ở thành phố mình, ai cũng phải gắng sức nhiều hơn nữa", bác sĩ Đại nói.
Chưa từng tham gia điều trị Covid-19 trước đó, điều dưỡng Nguyễn Thị Thuý Liên (Khoa Nội Tiêu Hoá, Bệnh viện Chợ Rẫy) đang dần thích nghi với áp lực ở mức cao nhất. Chịu trách nhiệm theo dõi 4 phòng bệnh trong ca trực, nữ điều dưỡng 29 tuổi quay cuồng giữa các công việc theo dõi monitor, máy thở, hút đàm nếu bệnh nhân thở máy nội khí quản, tiêm truyền thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vệ sinh răng miệng bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn, thay drap giường, ghi ghép tình hình sức khỏe từng ca...
Đưa tay chỉnh lại mask thở cho nữ bệnh nhân 65 tuổi nằm thiêm thiếp, chị Liên cho biết nhiều bệnh nhân đang ổn thì chỉ số oxy trong máu SpO2 tụt ngay. Nguy hiểm là vậy nên chị và các đồng nghiệp rất áp lực, phải theo dõi xử lý liên tục. "Niềm vui của chúng tôi đơn giản lắm. Như trường hợp bác này, chỉ số SpO2 đã tăng từ 80 lên 90% (mức bình thường khoảng 95-100%), khả năng phục hồi nhiều", chị nói.
Điều dưỡng Phương ghi chép lại tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chiều hai hôm trước, 17 người từng nguy kịch đã phục hồi, được Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho về nhà cách ly. Khoảng 100 người khác chuyển sang trạng thái nhẹ hơn, được đưa về bệnh viện tuyến trước điều trị.
Đến lúc rời viện, bà Xuân Loan, 52 tuổi, vẫn chưa tin mình có thể khỏi bệnh trở về nhà gặp lại người thân. "Lúc nhập viện tôi không thở được, cứ nghĩ sẽ chết. Giờ chiến thắng tử thần, tôi không biết làm gì để trả ơn các y bác sĩ", bà nói.
Còn ông Piers Birtwistle (53 tuổi, quốc tịch Anh) liên tục bày tỏ hạnh phúc. Khi vào viện, ông thở oxy qua mask. Sau ba ngày, tình trạng diễn tiến nặng, ông phải chuyển sang thở oxy dòng cao, điều trị kháng đông tích cực, dùng corticoid theo phác đồ và nhanh chóng hồi phục ngoạn mục.
"Đây là những tín hiệu lạc quan, tiếp thêm nhiều động lực giúp đội ngũ y tế tiếp tục chiến đấu với rất nhiều khó khăn phía trước. Sau cơn đại dịch này, anh em sẽ trưởng thành hơn rất nhiều, không chỉ là chuyên môn mà còn nhiều thứ khác", bác sĩ Linh nói.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hình thành từ việc chuyển đổi công năng thần tốc từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, hôm 13/7. Nơi này sẽ có 1.000 giường hồi sức tích cực (ICU) điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch, góp phần lớn trong việc thực hiện chiến lược "hạn chế bệnh nhân tử vong" của TP HCM.
Trong giai đoạn một, bệnh viện đã trang bị 460 giường. Hơn 650 nhân viên y tế đang tham gia điều trị, đến từ các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Thống Nhất, Ung bướu, 71 Trung ương, 74 Trung ương và một số tỉnh thành. Nơi này đang huy động nhân lực, trang thiết bị như máy thở, ECMO, máy lọc máu... để nâng công suất lên 700 giường trong thời gian tới.
Người khỏi Covid-19: 'Tôi đã nghĩ mình không thể sống' Bà Xuân Loan, 52 tuổi, chia sẻ không nghĩ có thể khỏi bệnh trở về nhà gặp lại người thân, khi ngồi đợi xe đón xuất viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chiều 26/7. Bà Loan buôn bán tại một chợ nhỏ ở quận Tân Phú. Trong đợt xét nghiệm tầm soát tiểu thương của chợ, khoảng đầu tháng 7, bà nhận...