Hơn 150.000 ca tử vong trên thế giới, “cơn bão” Covid-19 vẫn chưa qua?
Dù một số nước tuyên bố “đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm” và chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế, song các số liệu thống kê hàng ngày vẫn rất cao.
Số người tử vong do đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới hôm qua (17/4) đã vượt mốc 150.000 người, trong đó châu Âu chiếm tới hơn 1 nửa. Dù một số nước tuyên bố “đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm” và đang rậm rịch mở cửa trở lại nền kinh tế, song các số liệu thống kê hàng ngày về số người tử vong và mắc Covid-19 vẫn lên tới con số hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn, đặc biệt là tại Mỹ, Tây Ban Nha, Anh hay Italy.
“Cơn bão” Covid-19 vẫn chưa qua trên thế giới. Ảnh: Reuters
Kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc đại lục hồi cuối năm ngoái, virus SARS-CoV-2 đã lây lan ra khắp thế giới, gây trì trệ hầu khắp các châu lục và buộc hơn 4 tỷ người, tức gần 60% dân số toàn cầu phải cách ly ở những cấp độ khác nhau. Theo số liệu thống kê mới nhất của hãng tin AFP, dịch Covid-19 tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người trên thế giới và làm ít nhất 2,2 triệu người nhiễm bệnh tại 193 quốc gia.
Buộc phải đứng trước lựa chọn khó khăn giữa sức khỏe và kinh tế, chính phủ nhiều nước đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế bất chấp cảnh báo rằng bất kỳ bước đi vội vàng nào trong thời điểm hiện nay cũng có nguy cơ dẫn đến một làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới Han Kluge nhấn mạnh: “Xin đừng nhầm lẫn, bất chấp thời tiết mùa xuân, song chúng ta vẫn ở giữa cơn bão. Nhiều nước vẫn chưa cảm nhận được tác động đầy đủ của dịch bệnh. Tình hình này buộc chúng ta không được phép mất cảnh giác, mà nới lỏng giãn cách xã hội, phong tỏa hay các biện pháp khác nhằm làm giảm sự lây lan của dịch bệnh đang gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sinh kế”.
Châu Âu, nơi chiếm tới tới hơn 1 nửa số người tử vong và các ca mắc bệnh toàn cầu, vẫn là “tâm dịch” của thế giới. Mặc dù tình hình dịch bệnh đã có sự cải thiện nhẹ tại các nước Nam Âu, song Tổ chức Y tế thế giới vẫn ghi nhận những số liệu không thay đổi và thậm chí là gia tăng ở Anh và các nước Đông Âu. Như tại Anh, quốc gia vừa phải kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 3 tuần, nước này hôm qua ghi nhận thêm 847 ca tử vong mới tại bệnh viện, chỉ giảm đôi chút so với ngày trước đó (861), nâng tổng số nạn nhân lên hơn 14.500. Tuy nhiên, con số này có thể thấp hơn nhiều so với thực tế, bởi nó không tính đến những ca tử vong bên ngoài bệnh viện.
Video đang HOT
Tây Ban Nha ghi nhận hơn 19.400 ca tử vong do Covid-19, trong đó tăng 585 ca trong 24 giờ qua và báo cáo cũng chưa tính đến hàng nghìn người tử vong có triệu chứng song không được xét nghiệm.
Tại Bỉ, số ca tử vong tiếp tục gia tăng đáng lo ngại với 313 ca tử vong mới trong 1 ngày, nâng tổng số nạn nhân lên hơn 5.000 người kể từ đầu dịch bệnh. Phần lớn các ca tử vong là tại các nhà dưỡng lão và theo các chuyên gia tình hình này sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới.
Tại Nga, nơi có 273 ca tử vong, Tổng thống Vladimir Putin hôm qua cảnh báo, nguy cơ lây lan của dịch bệnh vẫn rất cao không chỉ ở thủ đô Moscow, mà cả những khu vực khác của nước Nga. Sự bùng nổ số ca mắc Covid-19 (thêm 4.000 ca trong 24 giờ qua, trên tổng số 32.000 ca mắc) được giải thích là do số lượng người được xét nghiệm nhiều hơn. Theo phó Thị trưởng Moscow Anastasia Rakova, thủ đô sẽ bước vào đỉnh dịch trong 2-3 tuần tới.
“Rất có khả năng, chúng tôi sẽ bước vào đỉnh dịch trong 2 đến 3 tuần tới. Các bạn đang gánh trên vai trọng trách của cuộc chiến chống Covid-19. Làm thế nào để Moscow chiến thắng dịch bệnh, điều này phụ thuộc vào các bạn, các y bác sĩ và toàn thể người dân, với việc tôn trọng các quy định tự cách ly và cả chúng tôi, với trách nhiệm đưa ra các quyết sách kịp thời và phù hợp”.
Viện dẫn sự giảm mạnh số ca phải chăm sóc đặc biệt và nhập viện, các chính phủ châu Âu khác đã bắt đầu chuẩn bị cho việc khôi phục dần cuộc sống thường nhật như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Áo hay mới đây nhất là Slovenia. Dự kiến mở lại một số cửa hàng và bắt đầu từ ngày 4/5 tới là các trường đại học và trung học, Chính phủ Đức khẳng định dịch bệnh đã được kiểm soát, với tỷ lệ nhiễm bệnh giảm xuống còn 0,7%.
Đáng chú ý tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Vũ Hán, nơi đầu tiên virus xuất hiện hồi cuối năm ngoái mới đây điều chỉnh lại các số liệu, với việc bổ sung thêm 1.290 ca tử vong, nâng tổng số nạn nhân chính thức tại nước này lên 4.632. Trong số những ý do mà cơ quan y tế đưa ra có nhiều bệnh nhân Covid-19 chết tại nhà, không được điều trị tại bệnh viện; bệnh viện quá tải lúc đầu nên nhân viên y tế bỏ sót, báo cáo chậm hoặc có sự nhầm lẫn về số liệu…
Các số liệu mới được công bố trong bối cảnh chính phủ nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp và Anh những ngày qua hoài nghi về tính xác thực trong những báo cáo của Trung Quốc. Sau khi công bố sự điều chỉnh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, chưa bao giờ có bất kỳ sự che đậy nào và Trung Quốc cũng không bao giờ cho phép một hành vi như vậy đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này. Tuy nhiên, ông thừa nhận sự chậm trễ và thiếu sót trong việc đăng ký khai tử./.
Thu Hoài
TT Trump: Có 'nhiều điều kỳ lạ' về nguồn gốc virus corona
Tổng thống Trump nói "rất nhiều điều kỳ lạ đang xảy ra" liên quan đến nguồn gốc của virus corona chủng mới, sau khi truyền thông Mỹ có những tiết lộ gây xôn xao những ngày qua.
Nguồn gốc của virus corona chủng mới đến nay vẫn là một bí ẩn. Cộng đồng khoa học đồng thuận một cách rộng rãi rằng virus có nguồn gốc từ loài dơi, theo Reuters.
"Rất nhiều điều kỳ lạ đang xảy ra nhưng nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành. Và chúng tôi sẽ tìm ra", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 17/4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 17/4. Ảnh: Reuters.
Báo Washington Post tuần này đăng bài viết nói hai năm trước, các quan chức Mỹ sau khi đến thăm Viện Virus học Vũ Hán đã gửi điện cảnh báo cho Washington về sự thiếu an toàn trong hoạt động ở đây, nơi đang nghiên cứu về các chủng virus corona ở dơi.
Giờ đây, các bức điện tín ngoại giao này dẫn đến tranh luận trong chính phủ Mỹ về việc liệu viện nghiên cứu Vũ Hán có liên quan gì đến virus corona chủng mới hay không, dù chưa có đầy đủ bằng chứng thuyết phục về giả thuyết này.
Viện nghiên cứu được nêu tọa lạc tại địa điểm chỉ cách vài cây số so với chợ hải sản Hoa Nam, nơi ghi nhận các ca nhiễm virus đầu tiên tại Trung Quốc.
Trung Quốc phủ nhận giả thuyết trên, nói Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định không có bằng chứng cho thấy virus corona xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: "Trung Quốc tin rằng nguồn gốc của virus là vấn đề khoa học cần được xử lý một cách nghiêm túc".
Tổng thống Donald Trump cho biết chính phủ Mỹ đang tìm cách xác định xem liệu virus có liên quan gì với cơ sở nghiên cứu ở thành phố Vũ Hán này hay không.
Ông Trump cũng nghi ngờ về số ca tử vong do virus mà Trung Quốc công bố, đã được sửa lại hôm 17/4. Trung Quốc cho biết 1.300 người chết vì virus tại thành phố Vũ Hán đã không được thống kê, nhưng bác bỏ các cáo buộc che đậy.
Trung Quốc ghi nhận chính thức 4.632 người chết vì virus corona tại đại lục. Theo thống kê của Đại học John Hopkins, số người chết tại Mỹ đã đứng đầu thế giới với hơn 37.000 ca hôm 17/4.
Washington và Bắc Kinh đã công khai khẩu chiến về nguồn gốc virus nhiều lần. Ông Trump ban đầu ca ngợi phản ứng của Trung Quốc trước dịch bệnh, nhưng sau đó ông và các quan chức hàng đầu Mỹ đã gọi đây là "virus Trung Quốc", khiến Bắc Kinh giận dữ.
Đông Phong
Trung Quốc mượn lời WHO bác nCoV 'từ phòng thí nghiệm' Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định WHO từng nói không có bằng chứng nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán sau các cáo buộc từ phía Mỹ. "Quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần nói rằng không có bằng chứng nào về việc nCoV được tạo ra trong phòng thí nghiệm và nhiều chuyên gia...