Hơn 1/3 dân số Mỹ sống trong khu vực ô nhiễm không khí
Theo một báo cáo công bố ngày 19/4, gần 120 triệu người Mỹ, tương ứng hơn 1/3 dân số nước này, đang sống trong khu vực chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe và người da màu bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Ô nhiễm không khí tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo Tình trạng không khí năm 2023 của Hiệp hội Phổi Mỹ công bố ngày 19/4 cho thấy sau nhiều thập kỷ tiến bộ trong việc làm sạch các nguồn gây ô nhiễm không khí, khoảng 119,6 triệu người Mỹ hiện vẫn sống ở những nơi có mức ô nhiễm ozone hoặc ô nhiễm bụi không tốt cho sức khỏe.
Theo báo cáo, California là bang chiếm một số lớn trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất nước Mỹ. Thành phố Los Angeles vẫn là thành phố ô nhiễm ozone nhất. Trong 24 năm báo cáo được thực hiện chỉ có 1 năm thành phố này không bị điểm kém ô nhiễm ozone. Cũng tại bang California, Bakersfield thay thế Fresno là khu vực đô thị ô nhiễm bụi mịn ngắn hạn nhiều nhất. Ngoài ra, Bakerfield tiếp tục là nơi ô nhiễm bụi quanh năm tồi tệ nhất, cùng với Visalia.
Hiệp hội Phổi Mỹ – tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe phổi và ngăn ngừa các bệnh về phổi thông qua giáo dục, vận động và nghiên cứu – đã phân tích dữ liệu từ năm 2000 từ các máy giám sát chất lượng không khí chính thức để tổng hợp báo cáo Tình trạng không khí. Báo cáo theo dõi và xếp hạng mức độ tiếp xúc của người Mỹ với 3 mức độ không khí không tốt cho sức khỏe, bao gồm ô nhiễm ngắn hạn về bụi mịn, ô nhiễm hằng năm về bụi mịn và tầng ozone mặt đất trong mỗi giai đoạn 3 năm. Báo cáo năm nay tổng hợp số liệu từ năm 2019-2021.
Trong báo cáo năm nay, các nhà nghiên cứu đề cập chênh lệch tỷ lệ người da màu và da trắng sống trong khu vực không khí ô nhiễm. Cụ thể, người da màu sống ở địa phương có cả 3 mức độ không khí không tốt cho sức khỏe nêu trên cao gấp 3,7 lần so với người da trắng. Mặc dù chiếm 41% dân số Mỹ, người da màu chiếm tới 54% trong số 120 triệu người sống tại các địa phương có ít nhất một chỉ dấu ô nhiễm xấu.
Tại các địa phương có chất lượng không khí tồi tệ nhất có cả 3 chỉ dấu ô nhiễm, người da màu chiếm 72% trong khi người da trắng chiếm 28% trong số 18 triệu người bị ảnh hưởng.
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Chiang Mai
Ngày 7/4, chính quyền thành phố Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan đã kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài và làm việc tại nhà để bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã tăng lên mức nguy hiểm.
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thành phố Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan ngày 10/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trang giám sát không khí IQAir ngày 7/4 đã xếp hạng Chiang Mai là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt xa các "điểm nóng" ô nhiễm thông thường như Delhi và Lahore (Ấn Độ). Tại Chiang Mai, IQAir đo được mật độ bụi mịn PM2.5 cao hơn 66 lần so với ngưỡng trong hướng dẫn hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới về chất lượng không khí. Thành phố du lịch nổi tiếng này trong những tuần gần đây bị bao phủ trong khói từ các vụ cháy rừng và việc nông dân đốt rơm rạ.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết từ đầu năm tới nay có gần 2 triệu người phải nhập viện điều trị các bệnh về đường hô hấp do ô nhiễm không khí.
Hồi tháng 2, giới chức nước này đã cảnh báo người dân thủ đô Bangkok hạn chế ra ngoài và làm việc tại nhà khi thủ đô bị khói mù độc hại bao phủ.
Quan chức Bangkok kêu gọi người dân làm việc tại nhà để tránh ô nhiễm Các nhà chức trách đã kêu gọi người dân Bangkok làm việc tại nhà và đeo khẩu trang khi ở ngoài trời do mức độ ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở thủ đô của Thái Lan. Ô nhiễm không khí tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời thị trưởng Bangkok Chadchart Sittipunt ngày...