Hồi ức của người tham gia bảo vệ Lễ tuyên ngôn Độc lập
Tốt nghiệp bậc Thành chung Trường Bưởi, vừa tròn 18 tuổi, người thanh niên Hà Nội Trần Thái Vĩnh gia nhập tổ chức Thanh niên cứu quốc…
Từng tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc, tham gia kháng chiến ở chiến trường Khu V, khu VI thời kỳ chống Pháp; tham gia giải phóng Sài Gòn, làm trong văn phòng Quân ủy T.Ư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi làm thư kí cho Đại tướng Văn Tiến Dũng; sau sang làm cán bộ cao cấp của ngành Dầu khí Việt Nam nhưng đối với Đại tá Trần Thái Vĩnh, những ngày được tham gia giành chính quyền và bảo vệ Lễ tuyên ngôn Độc lập vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm cách mạng của ông….
Chúng tôi tìm gặp ông trong ngôi nhà nằm khiêm nhường ở khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội) khi ông đang cùng ông Phạm Thạch Tâm- một cán bộ lão thành cách mạng- ôn lại kỉ niệm của những ngày sôi sục giành chính quyền vào mùa thu của 68 năm về trước.
Tốt nghiệp bậc Thành chung Trường Bưởi, vừa tròn 18 tuổi, người thanh niên Hà Nội Trần Thái Vĩnh gia nhập tổ chức Thanh niên cứu quốc và hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh chính trị như in tài liệu, rải truyền đơn, dự các buổi mít tinh, biểu tình.
Đại tá Trần Thái Vĩnh cùng bạn ôn lại kỉ niệm vào mùa thu của 68 năm về trước
Ngôi nhà số 57 phố Phùng Hưng của gia đình ông lúc đó đã trở thành một trong những cơ sở in truyền đơn và cất giấu súng, đạn cho cách mạng. Ông bảo: “Thời ấy chỉ cần khám thấy có một tờ truyền đơn trong người là cũng bị địch bắt nên gia đình tôi đã bố trí sẵn cửa ở phía sau nhà để thoát hiểm nếu không may bị địch khám xét”.
Ông nhớ lại: “Càng gần đến những ngày khởi nghĩa, tinh thần đấu tranh ngày càng dâng cao. Không khí ở khắp Hà Nội rất sôi động. Việt Minh đã biểu tình công khai, diễn thuyết công khai tại rạp Chuông Vàng, rạp Olympia, chợ Hàng Da…”.
Ngày 17/8/1945, Trần Thái Vĩnh đã tham gia trong đoàn người đi phá cuộc mít tinh của Trần Trọng Kim ở Nhà hát lớn. Đại diện của Việt Minh đã gí súng, cướp micro kẻ đang diễn thuyết. Tổ của ông Trần Lâm còn treo một lá cờ đỏ sao vàng khổ to ở nhà hát. Đoàn người đứng ngoài hô vang những khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “ủng hộ Việt Minh”…
Ngày 19/8, biết tin xứ ủy Bắc Kỳ ra lệnh khởi nghĩa, ông cùng tổ nội thành tranh thủ xuống kho vũ khí ở Nhị Khê, Hà Đông lấy mấy thanh kiếm đem về. Đội thanh niên cứu quốc được triệu tập đến khu Giảng Võ, ông được phân công cùng cánh quân biểu tình diễu qua Hàng Gai, Bờ Hồ rồi tiến đến Bắc Bộ phủ.
Đến nơi, thấy cánh cổng vẫn chưa kịp mở khóa, anh em công nhân cứu quốc trèo cổng xông vào tòa nhà lớn. Đồng chí Trần Tử Bình- Thường trực của xứ ủy Bắc Kỳ – ra lệnh giải khâm sai Nguyễn Xuân Chữ về Vạn Phúc. Ngụy quyền Bắc kì sụp đổ, ngụy quyền các tỉnh đến nhận lệnh đầu hàng Việt Minh. Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Những tiếng hô bị kìm nén lâu ngày, giờ vỡ òa như sóng cuộn….
Video đang HOT
Sau khi tập trung ở Bắc Bộ phủ, ông được lệnh cùng một số anh em sang hỗ trợ Việt Minh đang chiếm trại Bắc Bộ Phủ. Ở đó, phát xít Nhật đã đưa một số xe tăng sang, hạ nòng đại bác nhằm án ngữ và uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Ông cùng đông đảo quần chúng dàn hàng ngang ngay trước cổng trại, đối đầu những cỗ xe hung tợn. Trước khí thế sôi sục và hiên ngang của quần chúng cách mạng lẫm liệt vây kín xung quanh, viên chỉ huy quân Nhật đành ra lệnh rút quân sau khi thống nhất với phái viên đại diện Việt Minh.
Sáng mùng 2/9, ông Thái Vĩnh nhận lệnh tham gia Lễ tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Lần đầu tiên nhìn thấy Bác Hồ, cũng như mọi người, ông vui mừng khôn tả. Với chiếc quần âu, cái áo ngắn tay và đôi giày của bảo án binh, lại tự trang bị thêm súng ngắn cầm tay, ông lặng lẽ quan sát xung quanh và thực hiện nhiệm vụ.
Nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, Trần Thái Vĩnh thấy tâm đắc và thấm thía mỗi câu, mỗi lời Bác nói. Khi Bác kêu gọi nhân dân, đồng bào quyết tâm bảo vệ chính quyền non trẻ vừa giành lại được, ông cùng cả rừng tay giơ lên nhiệt liệt hưởng ứng. Quyết tâm được thể hiện rất rõ trên mỗi gương mặt, mỗi cánh tay đưa lên quyết liệt.
Tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ, vinh dự của một người được trực tiếp tham gia giành chính quyền trong mùa thu lịch sử năm 1945 đã hun đúc nhiệt huyết cách mạng suốt mấy mươi năm sau. Hình ảnh Bác Hồ giản dị cùng với sức mạnh to lớn được thể hiện trong phong thái và giọng nói ấm áp đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam DCCH và hiệu triệu quốc dân, đồng bào trước Quảng trường năm ấy vẫn theo Đại tá Trần Thái Vĩnh đến tận bây giờ. Đã ở tuổi 86, ông vẫn luôn gương mẫu học tập và làm theo gương Bác để lớp lớp cháu con soi vào đó mà tự răn mình…
Theo Pháp luật Việt Nam
Thăm nơi bản Tuyên ngôn độc lập ra đời
Nằm giữa trung tâm của phố cổ Hà Nội, trên một khu phố thương mại sầm uất, ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang có một "lý lịch" đặc biệt. Đây chính là ngôi nhà Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập và ở từ ngày 25/8 đến 2/9 năm 1945.
Đây là ngôi nhà của cụ Trịnh Phúc Lợi, chủ cửa hàng tơ lụa Phúc Lợi nổi tiếng Hà Nội từ những năm đầu thế kỉ 20. Cụ Trịnh Phục Lợi là một nhà tư sản yêu nước, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do trí sĩ yêu nước Lương Văn Can lãnh đạo.
Ban đầu, cửa hiệu tơ lụa Phúc Lợi là căn nhà hai tầng nhưng sau khi cụ Trịnh Phúc Lợi trao quyền thừa kế cho vợ chồng người con trai cả là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Ninh Hồ, ngôi nhà được cải tạo thành 4 tầng. Ông bà Trịnh Văn Bô chính là những người đã hiến 5.000 lượng vàng cho Chính phủ lâm thời kêu gọi Tuần lễ vàng ủng hộ kháng chiến.
Với uy tín của một cơ sở cách mạng tiền khởi nghĩa, sau khi giành chính quyền, Trung ương Đảng quyết định chọn ngôi nhà này làm nơi làm việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian từ ngày 25/8 đến 2/9/1945, căn nhà này chính là nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập, họp với Trung ương Đảng đề ra những quyết sách quan trọng như: Nội dung bản Tuyên ngôn độc lập, tổ chức Lễ Quốc khánh và thành lập chính phủ lâm thời.
Hiện tại, ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang trở thành di tích cách mạng quan trọng của Hà Nội. Với những người dân Hà Nội, ngôi nhà cũng trở thành niềm tự hào và chứng nhân lịch sử quan trọng. Nơi đây từ lâu cũng trở thành nơi trưng bày những kỉ vật về Bác Hồ.
Tầng 1 thường trưng bày theo chuyên đề để người dân hiểu hơn về những giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác Hồ và Tư tưởng Hồ Chí minh. Tầng 2 của căn nhà lưu giữ toàn bộ những kỷ vật, từ chiếc bàn bác viết bản Tuyên ngôn, bàn ăn, phòng tiếp khách quốc tế...
Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Quốc khánh, cùng ngắm lại những hình ảnh đặc biệt ở ngôi nhà nơi bản Tuyên ngôn độc lập ra đời:
Căn nhà 48 phố Hàng Ngang nép mình trên con phố thương mại sầm uất. Với người Hà Nội và người dân cả nước nó luôn có giá trị đặc biệt thiêng liêng
Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang luôn mở cửa chào đón mọi người đến tham quan
Tầng 1 căn phòng được thiết kế như một triển lãm trưng bày các chuyên đề về Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hình ảnh Bác Hồ toả sáng ấm áp ngay khi du khách bước vào căn nhà
Phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng trên tầng 2 của căn nhà
Căn phòng Bác đã viết Tuyên ngôn hiện lưu giữ gần như nguyên vẹn các kỷ vật của Bác Hồ giai đoạn đó
Phòng tiếp khách quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bàn ăn của Bác Hồ giai đoạn sống tại căn nhà này
Những hình ảnh về Bác Hồ ngập tràn trong ngôi nhà
Bút tích và những tác phẩm của Bác Hồ cũng được trưng bày thường xuyên tại đây
Ngôi nhà Hà Nội cổ của nhà tư sản Trịnh Văn Bô đã trở thành di tích cách mạng quan trọng
Theo Mạnh Duy
Gặp người ở bên Bác Hồ tại Tân Trào lịch sử Ông là Đại tá Nguyễn Việt Cường, người y tá từng dám liều chích thuốc cứu Bác Hồ lúc Người trong cơn nguy kịch tại lán Nà Lừa ngày 15/7/1945, người được cử làm Trưởng ban hậu cần lo nấu cơm phục vụ Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày 16/8/1945. Nay đã 89 tuổi song ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, tràn...