Hội thảo quốc tế Mobile Game Asia 2015 thu hút 2000 người
Hôm nay (9/7/2015), Hội thảo quốc tế Mobile Game Asia 2015 đã chính thức được khai mạc vào 9h00 tại Windsor Plaza, lầu 7, số 18 An Dương Vương, quận 5, TP.HCM. Theo thông tin từ Ban tổ chức – GMGC (Hiệp hội trò chơi di động toàn cầu), sự kiện đã thu hút 2000 người đăng ký tham dự, tăng gấp 05 lần so với lần tổ chức tại Singapore vào năm ngoái.
Ông Lê Hồng Minh với bài thuyết trình về vai trì của NPH ở Việt Nam
Chào mừng các doanh nghiệp, cá nhân, trong và ngoài nước đến tham dự, ông Lê Hồng Minh Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, Kiêm Tổng Giám đốc VNG cũng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui khi được gặp gỡ các doanh nghiệp, các nhà phát triển, phát hành mobile trong nước và quốc tế tới tham dự hội thảo Mobile Game Asia lần đầu tiên được tổ chức tại Tp.HCM, Việt Nam.
Với 40 triệu người dùng Internet, trong đó phần lớn là người dùng trẻ và dành phần lớn thời gian sử dụng smartphone (169 phút), Việt Nam đang trở thành thị trường lớn của ứng dụng nội dung trên smartphone.
Là doanh nghiệp Internet hàng đầu Việt Nam, VNG tin rằng thị trường lớn này tại Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng mức và triệt để. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có VNG, sẽ có cơ hội hợp tác, học hỏi từ các doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới, nhằm mục đích khai thác thị trường tốt hơn, hay nói cách khác, có thể phục vụ người dùng tốt hơn.
Internet là môi trường mở, dịch vụ nội dung trên Mobile Internet lại càng là một mội trường mở. Vì thế, dịp này cũng là lúc để VNG giới thiệu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước hệ thống phát triển và phát hành game online số 1 Việt Nam của chúng tôi, bao gồm Platform Zalo với 30 triệu người dùng cùng hàng loạt các game online có số lượng người chơi lớn như Dota Truyền kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Khu Vườn Trên Mây, Gunny, Dead Target…
Tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp khác cũng như VNG cùng giới thiệu với nhau những sản phẩm, hệ thống tốt nhất mà mình có, để có thể cùng đến những hợp tác mang lại lợi ích chung.”
Video đang HOT
Đông đảo người tham dự GMGC
Hội thảo quốc tế Mobile Game Asia 2015 diễn ra trong 02 ngày. Ngoài 16 bài diễn thuyết và 8 chủ đề thảo luận, “Mobile Game Asia 2015″ tại Việt Nam lần này cũng có các 40 gian hàng của các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu mình cùng các đối tác khác. Theo đó, các lãnh đạo có tên tuổi tại Việt Nam như: ông Lê Hồng Minh (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần VNG), ông Vương Vũ Thắng (Sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành Soha Game), ông Lê Giang Anh (Sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành JOY Entertainment), ông Ngô Văn Luyến (Sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành Divmob)… cũng tham gia diễn thuyết và thảo luận về thị trường trò chơi di động và cách phát hành game tại Việt Nam.
Mobile Game Asia là hội thảo – triển lãm quốc tế về trò chơi di động lớn nhất Đông Nam Á. Đây là sự kiện dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất và phát triển trò chơi di động trên toàn cầu. Việt Nam là nước thứ 3 ở Đông Nam Á được chọn làm địa điểm tổ chức, sau 2 lần được tổ chức tại Singapore và Thái Lan.
Theo VNE
Thị trường game di động: Sẽ có nhiều xáo trộn
Với mobile game, cơ hội thành công không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp lớn cả nghìn người hay một startup chỉ vài người. Sắp tới, sẽ có nhiều "chiến binh" phải hy sinh nhưng cũng sẽ có nhiều "anh hùng" mới xuất hiện trong làng game di động Việt Nam.
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của làng game sắp tới là hội thảo Mobile Game Asia 2015 được tổ chức vào ngày 9-10/7 sắp tới. Để tìm hiểu thêm về lĩnh vực game di động, ICTnews đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nhật Tuyên, Giám đốc bộ phận sản xuất game của VNG, sau đây là nội dung cuộc trao đổi này.
Ông đánh giá thế nào về việc GMGC chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội thảo Mobile Game Asia 2015 lần này. Phải chăng đây là năm đánh dấu sự lên ngôi của game di động tại Việt Nam?
Đầu tiên, ở vai trò và góc nhìn người sản xuất game Việt, tôi đánh giá đây là một cơ hội - một cơ hội rất tốt - để học hỏi, để hợp tác cũng như quảng bá sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu Game Việt ra thị trường quốc tế.
Tiếp đến, việc Việt Nam được chọn tổ chức Mobile Game Asia lần này cũng cho thấy thị trường Mobile Game Việt đã phát triển đủ lớn, năng lực sản xuất game đủ tốt để nhận được sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Và, đây cũng sẽ là năm bản lề để đánh dấu sự "lên ngôi" hay - bị "xâm chiếm" - của các nhà làm game Việt (cười).
Sau những bước khởi đầu chủ yếu là sản xuất game trên mạng xã hội (Zing Me), VNG bước vào lĩnh vực phát hành game di động khá muộn tại Việt Nam, theo ông đâu là nguyên nhân?
Khu vườn trên mây, một game di động do VNG sản xuất rất thành công hiện nay
Quả thật là chúng tôi đã rất thận trọng trong chiến lược với mobile nói chung và game mobile nói riêng. VNG đã quyết định tập trung đầu tư chiến lược cho lĩnh vực di động một cách bài bản, đơn giản chúng tôi không muốn tham gia vào "chiến trường mobile" một cách tự phát theo luật cung-cầu tự nhiên. Có như vậy chúng tôi mới có thể đi xa được. Chúng tôi đã bỏ ra nhiều năm để xây dựng những nền tảng, mà sau đó đã thành công và trở thành nền tảng hàng đầu cho di động tại Việt Nam. Tiêu biểu là Zalo, hệ thống thanh toán (payment), hệ thống traffic acquisition, nền tảng công nghệ và cả sự chuẩn bị tốt nhất về năng lực con người nữa.
Năm nay, sẽ là năm chiến lược của hàng loạt sản phẩm mobile game rất chất lượng cũng như phù hợp với thị trường do VNG sản xuất và phát hành. Với những kinh nghiệm kèm với sự thấu hiểu thị trường bản địa, tôi tin VNG sẽ tiếp tục có nhiều sản phẩm dẫn đầu thị trường như dòng game Khu Vườn Trên Mây, Dead Target, Dota Truyền kỳ... đã làm được với hàng chục triệu người dùng tích cực hàng tháng.
Ông Nguyễn Nhật Tuyên
Liệu làm game di động có khó hơn so với các thể loại game khác như game PC hay Webgame tại Việt Nam hay không? Mấu chốt để làm một game di động thành công theo ông cần những yếu tố nào?
Làm game trên di động có 2 cái khó. Tôi không đề cập đến việc có khó hơn game PC hay không.
1. Khó khăn để thích nghi/đáp ứng nhanh chóng với sự thay đổi: Thay đổi về công nghệ, thay đổi về hành vi người dùng, thay đổi về các nền tảng tiếp cận người dùng, thay đổi về nhận thức về các bản chất tự nhiên của mobile, và thay đổi cả về "luật chơi" business trên thế giới phẳng nữa.
2. Khó khăn trong vấn đề hiệu quả kinh doanh / mức độ đầu tư. Để cập đến vấn đền này, chắc hẳn nhiều công ty cũng khá đau đầu (cười). Chi phí lớn và vòng đời ngắn là 2 vấn đề rất khó giải của game mobile.
Do đó, để có thể "sống được" với mobile game, tôi cho rằng doanh nghiệp cần tập trung giải quyết 3 vấn đề mấu chốt như sau (ngoài việc phải có sản phẩm tốt và con người tốt): Có khả năng làm chủ nội dung (game content) và làm chủ thời điểm ra mắt sản phẩm (pipelines); Có nền tảng hỗ trợ tốt (platform); Có khả năng thấu hiểu người dùng, nắm rõ quy mô của thị trường và "service mindset" (cung cách phục vụ khách hàng).
Cả 3 vấn đề trên - có thể thấy - hoàn toàn không khác gì với Web game hay PC game. Có điều với Mobile game, mọi thứ diễn ra nhanh hơn và quyết liệt hơn rất nhiều.
Ông đánh giá thế nào về các doanh nghiệp làm game di động tại Việt Nam, những doanh nghiệp nào đang nắm vai trò chủ đạo ở lĩnh vực này?
Theo tôi, mobile game mở ra 1 sân chơi rất thú vị. Trong đó điểm thú vị nhất là công bằng. Với mobile game, thì cơ hội thành công không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp lớn cả nghìn người hay một startup chỉ vài người. Điểm thú vị thứ nhì là doanh nghiệp làm game mobile VN có cơ hội liên tục cạnh tranh với game ngoại chất lượng rất cao. Dẫn đến năng lực sản xuất cạnh tranh cũng ngày càng được nâng cao một cách nhanh chóng.
Vì 2 điểm thú vị đó, tôi cho rằng việc liệt kê những doanh nghiệp mạnh - yếu hay chỉ ra doanh nghiệp nắm vai trò chủ đạo ở một thời điểm không có nhiều ý nghĩa lắm.
Suy cho cùng, đây cũng là điểm rất riêng của Mobile game. Một doanh nghiệp có thể từ 1 game thành công trở thành "biểu tượng" của ngành game ở thời điểm đó, nhưng cũng có thể chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, doanh nghiệp không còn game nào khác tiếp theo, và game cũ cũng chẵng còn ai chơi nữa, dĩ nhiên cũng chẵng còn ai nhớ đến doanh nghiệp đó nữa.
Theo ông cuộc chiến tiếp theo trên thị trường game tại Việt Nam sắp tới có phải là cuộc chiến ở lĩnh vực game di động hay không?
Chắc chắn. Thực tế cho ta thấy: đã đang và sẽ có nhiều "chiến binh" hy sinh cũng như sẽ có thêm rất nhiều "anh hùng" mới.
Theo Gamek