Hồi sinh loài hươu cao cổ Angola sau một thời gian dài vắng bóng
Theo dự án hợp tác, 14 con hươu cao cổ đã trải qua hành trình dài, đi từ một trang trại thú săn tư nhân ở miền Trung Namibia trở về vùng đất tổ tiên của chúng ở Angola.
14 con hươu cao cổ đã trải qua hành trình dài. (Nguồn: Africa Parks)
Trong nỗ lực nhằm khôi phục sự đa dạng ở Công viên quốc gia Iona tại Angola, African Parks – Tổ chức Phi chính phủ về Bảo tồn Công viên châu Phi, Chính phủ Angola và Tổ chức Bảo tồn Hươu cao cổ đã hợp tác để hồi sinh loài hươu cao cổ Angola sau một thời gian dài vắng bóng tại quốc gia miền Nam châu Phi này.
Theo dự án hợp tác, 14 con hươu cao cổ đã trải qua hành trình dài, đi từ một trang trại thú săn tư nhân ở miền Trung Namibia trở về vùng đất tổ tiên của chúng ở Angola. Việc vận chuyển những con hươu này được Quỹ Wyss và Quỹ Bảo tồn Hươu cao cổ tài trợ.
Bộ trưởng Môi trường Angola Abias Huongo nêu rõ: “Việc đưa hươu cao cổ trở lại Công viên quốc gia Iona là một cột mốc đáng chú ý trong hành trình bảo tồn của Angola. Nỗ lực quan trọng này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên của đất nước chúng tôi.”
Hươu cao cổ Angola là một phân loài của hươu cao cổ ở miền Nam châu Phi, có 2 xương nổi trên đầu. Được cho là có số lượng hơn 20.000 con, chúng chủ yếu được tìm thấy ở miền Bắc Namibia, cũng như Zambia và Botswana, một số sinh sống ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Phi.
Thông tin về những gì đã xảy ra với hươu cao cổ ở Angola còn hạn chế, tuy nhiên các nhà bảo tồn tin rằng hươu cao cổ ở Angola có thể đã biến mất khỏi Iona ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước mà không rõ nguyên nhân.
Số lượng hươu cao cổ trên khắp Angola giảm đáng kể vào những năm 70 và không còn con nào vào những năm 90 cho đến khi các chủ đất tư nhân bắt đầu đưa chúng trở lại trang trại và khu bảo tồn của họ.
Số liệu cho thấy cho đến thời điểm hiện tại, ở Angola không có con hươu cao cổ nào trong vườn quốc gia. 14 con hươu cao cổ từ Namibia là những con đầu tiên được chuyển đến Iona kể từ khi African Parks tiếp quản quyền quản lý hồi năm 2019.
Việc đưa hươu cao cổ Angola trở lại Công viên quốc gia Iona được cho là sẽ góp phần khôi phục các chức năng hệ sinh thái của vườn quốc gia cũng như thiết lập lại các quá trình sinh thái của khu vực. Hươu cao cổ hỗ trợ hình thành thảm thực vật thông qua việc tìm kiếm và phát tán hạt giống do thói quen kiếm ăn có chọn lọc.
Trở thành công viên quốc gia vào năm 1964, Iona trải dài trên một khu vực rộng lớn 15.150km2 và tạo thành mũi phía Bắc của tỉnh Namibe (Angola) được gọi là sa mạc Moçâmedes – sa mạc lâu đời nhất trên thế giới. Iona giáp với công viên quốc gia Skeleton Coast của Namibia và ở phía Bắc của Iona là khu bảo tồn một phần Namibe.
Các công viên quốc gia này cùng nhau tạo nên một trong những khu bảo tồn xuyên biên giới (TFCA) lớn nhất trên thế giới với diện tích gần 50.000 km2.
Sự trở lại của hươu cao cổ Angola chỉ là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm hồi sinh công viên, với những loài khác được dự đoán sẽ tái xuất hiện, trong đó có tê giác đen, sư tử và các loài săn mồi chính./.
Tổ tiên chung giữa con người và các loài khỉ đột, đười ươi trông như thế nào?
Theo thuyết tiến hóa của Darwin, con người tiến hóa từ loài khỉ. Chỉ có điều, cho đến giờ, hình dáng tổ tiên chung gần nhất giữa con người và loài vượn, tinh tinh, khỉ đột, đười ươi vẫn là ẩn số chưa lời đáp?
Từ trái qua phải: Khỉ đột, người thông minh, tinh tinh, đười ươi, vượn
Họ hàng gần gũi nhất của con người là các loài linh trưởng như tinh tinh, khỉ đột, đười ươi và vượn. Tất cả đều có cùng một tổ tiên chung sống trong thế Miocen (23 triệu đến 5 triệu năm trước). Trong khi các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ dấu tích nào sót lại của tổ tiên chung bí ẩn này, thì chúng ta có thể hình hình dung tổ tiên của mình thời đó trông như thế nào?
Nói cách khác, tổ tiên chung gần nhất (LCA) của chúng ta với các loài linh trưởng kể trên có kích thước lớn đến mức nào? Hộp sọ, não, chân, cánh tay và thậm chí cả ngón tay của chúng trông như thế nào, dựa trên bằng chứng hiện có?
Các nhà khoa học hiện vẫn không thể trả lời tất cả các câu hỏi. Nhưng những loài tương tự nhất còn tồn tại ngày nay có thể là khỉ đột và tinh tinh.
Christopher Gilbert, nhà cổ sinh học tại Đại học Hunter thuộc Đại học Thành phố New York, cho rằng kích thước của LCA là một ẩn số lớn. Đó là bởi vì hóa thạch vượn người từ thời kỳ LCA sinh sống rất khan hiếm.
Gilbert cho biết các loài vượn người thời sơ khai (vẫn còn đuôi) có nhiều kích thước cơ thể khác nhau, từ các loài có kích thước như vượn nhỏ đến các loài linh trưởng có kích thước lớn gần bằng khỉ đột. Điều gây khó khăn cho việc xác định kích thước của LCA nếu không hiểu rõ hơn về các mối quan hệ tiến hóa và lịch sử của những loài này.
Từ leo trèo chuyển sang đi trên mặt đất?
Bằng chứng hiện tại cho thấy LCA có thể là một loài động vật bốn chân. Các hóa thạch chỉ ra rằng vượn người sơ khai có khả năng leo trèo theo chiều dọc và thường đu từ cành này sang cành kia, giống như con người hiện đại có thể sử dụng cánh tay để treo mình trên xà. Tuy nhiên, không giống như tất cả các loài vượn sống thích sống đu bám giữa các cành cây, ít nhất một số loài vượn người sơ khai lại không tiến hóa để hoàn hảo cho cuộc sống treo lơ lửng như vậy. Đó là do cấu tạo cơ thể thiếu sự thích nghi như ngón tay và ngón chân dài với độ cong lớn trong khi khớp cổ tay, vai và hông rất linh hoạt. Theo Gilbert, điều này có nghĩa là LCA khi đó cũng có thể chưa thích nghi cho việc đứng thẳng.
Thomas Cody Prang, nhà cổ sinh học tại Đại học Washington ở St. Louis, cho rằng một số nhà nghiên cứu đôi khi suy đoán "có thể LCA là một sinh vật hai chân", di chuyển bằng hai chân như con người. Tuy nhiên, vì "LCA là loài đi bốn chân, giống như các loài linh trưởng khác", nên có khả năng nó không đi bằng hai chân mà vẫn sử dụng cả bốn chân.
Hóa thạch đầu, vai, đầu gối và ngón chân LCA tiết lộ gì?
Hóa thạch hộp sọ vượn người sơ khai có một loạt các hình dạng. Một số có hộp sọ giống vượn với khuôn mặt ngắn trong khi những con khác có khuôn mặt dài hơn giống vượn nguyên thủy và khỉ Cựu thế giới, chẳng hạn như khỉ đầu chó và khỉ Macaca. Tuy nhiên, Prang cho biết: "chúng tôi biết gần như chắc chắn rằng kích thước não của LCA nhỏ hơn kích thước não của con người. Bởi vì nó là loài bốn chân nên đầu sẽ không nằm trên cơ thể như của loài đi hai chân mà hướng về phía trước nhiều hơn, giống như khỉ đột hoặc tinh tinh.
Hóa thạch tay và chân của loài vượn người sơ khai thường không trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, "các chi trên của chúng dường như to lớn và có cấu trúc nặng nề vì có liên quan đến các vận động do chi trước chi phối - đó là leo trèo và đu cành. Đối với chân, các vượn người sơ khai dường như có các chi sau ngắn, giống như loài vượn lớn - khỉ đột (Gorilla gorilla và Gorilla beringei), tinh tinh (Pan troglodytes), đười ươi (Pongo) và tinh tinh lùn (Pan paniscus) - hơn là con người. Về bản chất, vượn người sơ khai dường như vẫn thích nghi cho việc sống trên các tán cây chứ không phải trên đất bằng.
Về bàn tay, trong một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Science Advances, Prang và các đồng nghiệp đã phân tích hóa thạch Ardipithecus, một loài vượn người 4,4 triệu năm tuổi và nhận thấy bàn tay của nó "giống với tinh tinh và tinh tinh lùn nhất trong số tất cả các loài linh trưởng còn sống ngày nay. Điều này chứng tỏ LCA có thể sở hữu xương ngón tay dài và cong. Prang phân tích con người, tinh tinh, khỉ đột và tinh tinh lùn đều có động tác di chuyển chi sau với gót chân chạm đất nên LCA cũng vậy.
Hình thức di chuyển này cũng thường được liên kết với các đặc điểm khác được thấy ở loài vượn châu Phi ngày nay như khỉ đột, tinh tinh và tinh tinh lùn. Chẳng hạn như chúng sử dụng đầu ngón tay để giúp đi lại và tiến hóa để thích nghi leo trèo theo chiều dọc. Prang cho biết: "Tất cả các đặc điểm mà chúng ta có thể nghiên cứu một cách hợp lý đều cho thấy rằng các loài vượn người sơ khai và có lẽ là LCA, được đặc trưng bởi các đặc điểm thích ứng giống nhau này. LCA không phải là khỉ đột hay tinh tinh, nhưng có khả năng giống với khỉ đột và tinh tinh nhất trong số tất cả các loài linh trưởng mà chúng ta đã biết".
Gilbert kết luận: "Nói chung, sự xuất hiện của LCA "vẫn còn khá nhiều tranh cãi". Để làm sáng tỏ hoàn toàn sẽ cần thêm các khám phá hóa thạch mới".
Lộ diện loài người cổ 'ăn thịt người', từng sống cùng tổ tiên chúng ta Một loài người cổ từng chung sống hòa bình với tổ tiên Homo sapiens chúng ta, thậm chí hôn phối dị chủng và cùng nhau phát triển nhiều kỹ thuật, hóa ra có những tập tục rất rùng rợn. Phát hiện rùng mình đến từ Cuevas del Toll de Moìa, một hệ thống hang động nằm giữa các đô thị Moìa và Tona...