Hồi sinh đồng trà trăm tuổi Phú Hội
Đã có lúc gần như tan tác do sự cạnh tranh giá, đô thị hóa, nhưng đến giờ “ trà Phú Hội” (xã Phú Hội, Nhơn Trạch, Đồng Nai) vẫn trường tồn với “nước mạch bà”…
Trước khi trở lại Phú Hội, tôi vẫn nghĩ đồng trà Phú Hội đã “khai tử” trước sự cạnh tranh giá mãnh liệt của các loại trà khác và mức độ đô thị hóa của “thành phố mới Nhơn Trạch”. Tuy nhiên, khi gọi anh Ba Ly (Nguyễn Thái Ly – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội), thì anh cười hề hề trong máy: “Chết sao được, giờ trà Phú Hội làm ra không đủ bán”.
Về “mạch bà” tìm “trà Phú Hội”
Trà Phú Hội kết hợp với “nước mạch bà” sẽ cho ra sản phẩm tuyệt hảo: thơm lừng và ngọt thanh. Ảnh: Trần Đáng
Chúng tôi len lỏi trên những con đường nhỏ lót đan quanh co trong những vườn cây ăn trái. Xã Phú Hội đang làm nông thôn mới, nên có những con đường dân trồng hoa hai bên đẹp tuyệt. Thi thoảng lại xuất hiện những ngôi nhà cổ chữ Đinh thấp thoáng trong vườn. Đây là những kiểu nhà truyền thống của cư dân Việt ở Trung Bộ đưa vào trong quá trình di cư vài trăm năm trước.
Đi ngang một “mạch bà”, anh Ba Ly dừng lại lấy tay vốc một bụm nước trong vắt, mát lạnh rửa mặt. Nghe đâu, kể cả thời điểm khô hạn nhất trong năm, nước ở “mạch bà” vẫn chảy, vẫn tưới tắm cho đồng trà Phú Hội xanh tốt quanh năm. Anh Ba chia sẻ, trà Phú Hội ngon là nhờ thổ nhưỡng. Nơi đây, đất đỏ pha sỏi cộng với nguồn nước mạch quanh năm nên lá trà xanh, dày. Trà khô hãm nước sôi có màu đỏ sậm, thơm nức. Uống xong ngụm trà đắng, trong cổ đọng lại vị ngòn ngọt thơm thơm… nên mới có câu truyền miệng: “Nước mạch bà, trà Phú Hội”.
Men theo một lối nhỏ quanh co của ấp Đất Mới, chúng tôi tìm đến nhà ông Tư Nô (Trà Văn Pháp) -một lão nông trồng trà nức tiếng. Có khách, ông Tư vội ra vườn hái nắm lá pha nước mời khách. Vừa hớp ngụm trà xanh thơm lừng, nghe tôi hỏi mua vài ký trà khô, ông Tư giãy nảy: “Trời đất, còn đâu mà bán. Tui còn nợ chục ký trà của một Việt kiều Úc kìa, từ đây tới tết chưa biết làm kịp hàng không để giao khách”.
Theo ông Tư Nô, sở dĩ trà ông trồng ngon hơn nhiều hộ khác là do trồng trên gò cao, nơi có một “mạch bà” chảy vắt qua nên búp lên đều, ngọn mập, lá không bị héo kể cả mùa khô. Đồng trà này có từ thời ông nội ông. Trước đây, đồng trà có vài ngàn gốc, thợ hái búp hàng ngày. Giờ đồng trà chỉ còn hơn 300 gốc, mười ngày hay nửa tháng mới hái búp một lần. Vợ chồng lão nông “thất thập” này thay nhau làm các công đoạn cho đến khi ra sản phẩm. “Sáng sớm khi sương còn chưa tan hết phải ra vườn hái những búp trà non. Sau đó, đem phơi búp chừng 1 – 2 giờ. Khi búp trà vừa teo thì vò để xoăn lại, càng xoăn nhiều trà càng giữ được lâu. Vò xong đem trà phơi nắng đến khi khô hẳn” – ông Tư kể.
Cùng với thời gian, công thức chế biến trà thủ công vẫn được người dân nơi đây lưu giữ nguyên vẹn từ đời này sang đời khác. Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay, không dùng lò để sấy khô, không sử dụng máy vò… Để làm tăng mùi thơm của trà, người dân Phú Hội trộn một ít lá ren khô (lá ren là một loại lá thơm, phơi khô, thái sợi dùng để uống chung với các loại trà), sau đó đem sao (rang) trên chảo cho vàng, đổ ra nong chờ nguội, sàng phân loại trà rồi đóng vào từng bịch nylon đem giao khách. Cứ khoảng 4 – 5 ký búp xanh thì được 1 ký trà thành phẩm.
Video đang HOT
Ông Tư “cam kết” trà ông làm là trà sạch vì không bón phân hóa học cho cây mà dùng phân chuồng, không tẩm trà bằng hóa chất… “Mấy năm nay, trà tui làm một nửa là bán ra nước ngoài. Việt kiều Úc, Mỹ về mua nhiều lắm” – ông Tư cho hay.
Tháo “nút thắt” cho đồng trà
Một “mạch bà” chảy qua ấp Xóm Hố. Ảnh: Trần Đáng
Không ai ở đồng trà Phú Hội biết nghề trồng và chế biến trà ở đây có từ khi nào. Chỉ biết rằng, khi họ lớn lên đã thấy những gốc trà từ vài chục đến hàng trăm tuổi. Ngày trước, nhà ít cũng có vài công (1 công là 1.000m2), nhiều hơn thì vài chục công, thậm chí cả hecta trà. Trà trồng khắp vườn trước, vườn sau, ven lối đi, có nhà còn trồng nguyên cả đồi. Tổng diện tích trà ở Phú Hội và các khu lân cận lên đến cả trăm hecta. Trà trở thành cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình. Trà sau khi chế biến được tiểu thương thu gom bỏ mối tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.HCM, sang Trung Quốc…
Nhiều người nói, giống trà trên đất Phú Hội thường được gọi là trà quế với lá nhỏ, dài, dày, có màu xanh đậm. Dù uống lá tươi hay trà khô đều rất thơm, ngon, vị ngọt thanh. Những năm 1980, trà từ miền Bắc vào, từ Tây Nguyên xuống, giá rẻ nên người trồng trà Phú Hội càng lúc càng khó khăn. Gần đây, khu công nghiệp và đô thị ở Nhơn Trạch phát triển mạnh, nên diện tích cây trà ngày càng teo tóp, có lúc chỉ còn khoảng chục gia đình giữ lại vườn trà xen canh cây ăn quả.
Hôm gặp tôi, ông Huỳnh Văn Chiến – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch cho biết, đồng trà Phú Hội giờ đang hồi sinh khi khoảng 100 hộ quay lại trồng trà với gần 10 ha. Phòng kinh tế huyện cũng đang làm đề án phục hồi đồng trà Phú Hội.
Theo bà Nguyễn Thị Lít (ấp Xóm Hố), trước đây đồi trà của bà có cả chục công đất. Thời “khủng hoảng”, bà đã phá trà để trồng cây ăn quả. Nay bà đã gầy dựng lại được 5 công, là một trong những hộ có diện tích trà lớn nhất Phú Hội. Trong đó có những cây trà gần cả 100 năm tuổi, cao bằng 2 thân người, thợ hái trà phải dùng ghế cao hoặc thang mới hái được búp non.
Năm 2015, bà Lít thu khoảng 1 tạ trà khô, trừ chi phí bà lời khoảng 200 triệu đồng. “Trên thị trường, trà Phú Hội hiện có giá gấp đôi các loại trà khác. Trà búp khô bán sỉ với giá 300.000 – 350.000 đồng/kg, trà lá xòe khoảng 150.000 – 180.000 đồng/kg. Nếu tẩm ướp các loại lá, hoa thơm, giá bán trà Phú Hội có thể tăng lên từ 50.000 – 100.000 đồng/kg. Thời điểm cận Tết, hiếm hàng, giá trà có thể tăng gấp đôi” – bà Lít cho biết.
Hiện các cơ quan chức năng địa phương đang tìm cách đẩy nhanh việc phát triển giống trà Phú Hội nhằm mở rộng diện tích cho nông dân. Xưa nay, để trồng trà Phú Hội, nông dân chỉ có cách là ươm hạt. Với phương pháp này, cây phải mất 3 – 4 năm mới cho thu hoạch. “Tui đã nhiều lần bỏ công sức thử chiết cành, nhưng với cây trà Phú Hội thì vô phương” – kỹ sư Võ Xuân Lũy – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Nhơn Trạch cho hay.
“Xã đang vận động bà con trồng trà mở rộng diện tích. Tuy nhiên, nhân giống trà chỉ với phương pháp ươm hạt là không ổn, nông dân rất mất thời gian để có thu hoạch, chưa nói tỷ lệ ươm hạt thành công cũng chỉ đạt khoảng 50%. Chúng tôi sẽ nhờ các viện nghiên cứu cấy mô nhân giống trà Phú Hội”- ông Chiến chia sẻ.
Theo Dantri
"Miền đất chết" sinh nhiều triệu phú
Nằm lọt giữa dãy Pu Ta Cao và Pu Tếnh Hươn, vùng Noong Lào, Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, Sơn La), trước đây vốn được mệnh danh là "miền đất chết", nhưng nay đã khoác lên một bức tranh hoàn toàn khác. Họ, những người "mở đường" ngày ấy, đã trở thành những triệu phú và là những hạt nhân đem lại cho Noong Lào màu xanh trù phú, hưng thịnh!
Khai sáng đất nghèo
Ở tỉnh Sơn La, đặc biệt là khu vực huyện Thuận Châu, Noong Lào vốn được coi là miền đất hiểm, hình thành bởi sự "cùm kẹp" của 2 dãy núi có tên Pu Ta Cao và Pu Tếnh Hươn. Nghiệt thay, hai dãy này lại nằm xuôi theo hướng mà vào kỳ cao điểm gió Lào cứ thông thốc thổi về. Những cơn gió nóng, khô và lấy nhiều nước nên cỏ cây vào mùa nóng héo hon, xơ xác; mùa đông thì gió lạnh thổi buốt rạt nên muông thú cũng phải bỏ đi.
Nhờ việc đầu tư đúng đắn mà ông Lò Văn Bun đã có nguồn thu trăm triệu đồng từ chè, cà phê và chăn nuôi gia súc. Ảnh: Đ.T
Xót xa trước miền đất rộng hàng trăm ha bị bỏ hoang, hơn nữa, trước tình trạng "người sinh nhưng... đất không nở", nhiều người đã quyết dấn thân về vùng đất này kiếm kế sinh nhai, tiêu biểu là các ông Lò Văn Pâng, Lò Văn Bun, Lò Văn Chum, Lò Văn Thưng...
Ngoài chè, cà phê đang tạo nguồn thu giúp người dân Noong Lào thoát nghèo và đạt ngưỡng triệu phú, nhiều hộ dân còn tích cực xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, với tổng đàn bò 1.500 con, gần 7.000 con lợn, hơn 30.000 con gia cầm, hứa hẹn đem lại thu nhập cao và giúp đồng bào phát triển kinh tế bền vững.
Đến với Noong Lào ngày nay, nói về những tấm gương tỷ phú, người đầu tiên hay được nhắc đến là ông Lò Văn Pâng. Trong ngôi nhà khá bề thế cùng những vật dụng hiện đại để phục vụ cuộc sống gia đình, ông Pâng ngược lại thời cơ cực đi mở đất.
Ông bảo: "Lên Noong Lào, sức lực bỏ ra, người dân vỡ đất mở ruộng trồng lúa, mở đồi trồng ngô. Nhưng do khí hậu khắc nghiệt, nên có "khéo co" thì người dân cũng chỉ đủ ăn. Không chấp nhận cảnh giẫm chân tại chỗ, ông và nhiều người dân ở đây đã suy tính về một hướng đi mới để đem lại bứt phá cho mình".
Đang lúc loay hoay, may mắn, một chủ trương về cây chè và cây cà phê đã được cấp trên đưa về. Tuy nhiên, để các thứ cây xa lạ ấy cắm chân, sống lại và làm giàu cho dân đất này như hiện nay thì ban đầu cũng không đơn giản. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đoán định được lợi nhuận, ông Pâng đã thuyết phục vợ con để lấy đất canh tác của gia đình trồng chè và cà phê. Chè và cà phê trồng ở Noong Lào hợp khí hậu thổ nhưỡng đã bám đất phát triển nhanh chóng.
Thung lũng xanh Noong Lào
Khoát tay một vòng chỉ những diện tích cà phê, chè xanh mướt hiện có, ông Pâng vui vẻ nói: "Mỗi năm, nó đem về cho gia đình tôi cả trăm triệu đồng đấy. Nhà này, xe này, đồ dùng này, lại cả tiền cho con cái đi học nữa..., đều nhờ nó cả. Nếu không mạnh dạn, nếu không dám phá cách mà chỉ nhìn vào cây lúa, cây ngô thì chả bao giờ có được đâu".
Miền đất hoang vu Noong Lào giờ đã thành thung lũng xanh. ảnh: Đ.T
Ngoài gia đình ông Pâng, đến Noong Lào ngày nay, khách xa phải ngạc nhiên về những mô hình kinh tế trang trại và chăn nuôi ở đây. Cùng với màu xanh của chè, cà phê và tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng chuông bò rình rang là ngày càng nhiều gia đình triệu phú ra đời. T
rong đó có gia đình ông Lò Văn Bun. Sở dĩ ông Bun là người dẫn đầu về kinh tế của bản do là người đầu tiên mạnh dạn "xui" vợ con đem chè và cà phê về đây trồng trước nhất. Từ vài nghìn m2 đất hoang cằn ban đầu, nay quỹ đất đai nhà ông đã phủ xanh màu chè và cà phê. Hiện nay, với gần 5ha chè và cà phê kết hợp với chăn nuôi gia súc, mỗi năm gia đình ông đã có thu đến cả trăm triệu đồng. "Ngang ngửa" với gia đình triệu phú Lò Văn Pâng, Lò Văn Bun, ở đất Noong Lào hiện nay còn có các tên tuổi khác nữa như Lò Văn Chum, Lò Văn Thưng...
Từ miền đất "vứt đi", bằng sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm của nhiều người dân, hiện nay cây chè và cây cà phê đang trở thành cây trồng có thế mạnh, lan tỏa và để nhiều gia đình học theo để làm giàu. Từ những cá nhân ban đầu, hiện nay hai thứ cây trồng này đang ngày lan rộng và phủ xanh cho đất nghèo một thời có tên Noong Lào.
Theo Danviet
Lợi ích của phân bón Lâm Thao với cây chè Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực góp phần phát triển kinh tế cho người dân tỉnh Thái Nguyên. Nhiều năm qua, việc quy hoạch, nâng cao chất lượng, năng suất chè có sự hỗ trợ đắc lực của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Tiếp tục đồng hành cùng nông dân sản xuất chè,...