“Hội ngộ” Battambang
33 năm, những ký ức kinh hoàng trên con đường máu lửa 508 tỉnh lỵ Battambang (Campuchia) như còn hiển hiện trong tâm trí người lính Việt Nam đi làm nhiệm vụ quốc tế. Giữa cuộc sống bộn bề, họ vẫn tìm đến với nhau, một cái bắt tay, một nụ cười, và họ tìm được niềm vui sống…
Với những người lính chiến trường K, ngày 7.1, không chỉ là ngày kỷ niệm 38 năm chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia, mà còn hơn thế nữa, vẫn còn đó thời gian kéo dài, 8 hay 10 năm sau năm 1979.
Cựu binh C19 thăm lại Ta Haen – nơi từng là chiến địa đẫm máu. Ảnh: N.C
Đêm định mệnh
Video đang HOT
Cứ điểm Ta Haen những ngày hè đổ lửa năm 1984 nóng sùng sục như lòng chảo rang. Hơn 30 năm sau ngày hội ngộ của những cựu binh Đại đội công binh 19, Trung đoàn 31 (thuộc Sư đoàn 309, mặt trận 479 miền Đông Nam Bộ) tràn ngập những ký ức không bao giờ phai mờ về một Battambang hầm hập. Súng đạn, mìn, xác người và cả những tấm chân tình đồng đội, sinh tử có nhau.
Sau hàng chục năm trời kiếm tìm đồng đội, cựu binh chiến trường Campuchia Lê Duy Hào (Đăk Lăk) cùng nhiều cựu binh Đại đội 19 cũng ngồi lại với nhau, cùng để tâm trí trôi về đêm 9.7.1984, đêm định mệnh ở cứ điểm Ta Haen (huyện Bavel). Cứ điểm Ta Haen – một điểm chốt quan trọng trên Tỉnh lộ 508 xuyên Battambang, là nơi thường xuyên diễn ra những giao tranh ác liệt giữa tàn quân Polpot Iengxari với bộ đội Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trước đêm định mệnh khoảng 1 tháng, cứ điểm Ta Haen được chốt giữ bởi lực lượng chiến đấu Z25. Tuy nhiên, sau đó đơn vị này được điều động làm nhiệm vụ đặc biệt ở biên giới, Ta Haen tạm thời giao lại cho Đại đội công binh C19. Thời điểm này, C19 đang còn là đại đội thiếu với chỉ 20 người.
Những cái bắt tay thật chặt của cựu binh C19 ngày hội ngộ. Ảnh: N.C
Anh Hoàng Mẫu (hiện ở TP. HCM) – 1 trong 20 người chốt điểm Ta Haen năm xưa, bần thần nhớ lại: Ban ngày, trời Battambang nóng như thiêu, về đêm thì lạnh lẽo u ám. Toàn bộ khu vực chìm trong đêm đen, thỉnh thoảng, từng ánh chớp sáng lòa xa xa của pháo, tiếng súng đì đùng. Chiến sự khắp nơi ở Battambang vẫn chưa dứt. Cống Ta Haen như một thung lũng ven Tỉnh lộ 508. Sau lưng là quả đồi, nơi đó có pháo binh của ta luôn sẵn sàng yểm trợ. Khoảng 3 giờ sáng, đồng chí Định đi kiểm tra bốt gác, phát hiện Phước (người Đại Lộc, Quảng Nam) – một chiến sĩ đứng gác nằm gục dưới vũng máu. Lúc này, hơn 1.000 quân địch chia thành hai vòng vây tiến thẳng vào điểm chốt của đơn vị. Kẻng báo động vang liên hồi, 19 chiến sĩ công binh còn lại nhanh chóng vào vị trí. Cuộc chiến không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt, kéo dài đến tận 6 giờ sáng hôm sau. Hơn 1.000 quân địch hung hãn bao vây Ta Haen nhưng không thể chiếm nổi căn cứ dưới sức chiến đấu kiên cường của 19 chiến sĩ C19.
Ngày tụ họp sau 30 năm không còn nguyên vẹn, bởi 7 chiến sĩ hy sinh và nhiều người khác vẫn đang mất liên lạc với đồng đội, song ký ức về đêm định mệnh vẫn rõ mồn một trong tâm tưởng anh Nguyễn Văn Đã – nguyên Đại đội trưởng C19. “19 anh em mình chọn vị trí bảo vệ cứ điểm rất tốt, nói một cách văn vẻ là địch ngoài sáng, ta trong tối. Dù hơn 1.000 quân, nhưng hễ chúng tiến vào, lập tức anh em nổ súng, diệt gọn từng tên một. Một điểm nữa mà sau này anh suy luận lại, rất có thể trận tập kích lần này chỉ là một trong những đòn thù của tàn quân Polpot. Mục tiêu của chúng chỉ là làm tiêu hao lực lượng ta nên dù đông quân, chúng vẫn không dám ồ ạt tiến vào, chỉ dùng pháo kích nã từ xa” – anh Đã nhớ lại.
Đến gần sáng, khi trời Battambang rõ mặt người, dẫu quân địch vẫn đông, nhưng với pháo binh yểm trợ, C19 bắt đầu phản công, vẫn bằng những đường đạn bắn tỉa chính xác. 6 giờ sáng 9.7.1984, màn đấu súng chênh lệch và đáng kinh ngạc diễn ra. 12 tay súng C19 đánh giạt hàng trăm tàn quân Polpot tháo chạy khỏi cứ điểm Ta Haen. Lúc này, 7 chiến sĩ ta đã hy sinh tại chỗ. “Bom đạn ác liệt, sinh tử là câu chuyện vô thường ngày đó. Nhưng 3 tiếng đồng hồ, đó là trận đánh đáng nhớ nhất trong đời, tôi không thể nào quên” – anh Hoàng Mẫu bồi hồi. Ác liệt, theo anh Lê Duy Hào là bởi lính công binh với nhiệm vụ dọn dẹp bom mìn, mở đường cho bộ đội chủ lực hành quân chiến đấu. Nhưng đêm định mệnh Ta Haen 9.7, chỉ với 20 quân, C19 đã đẩy lùi gần 1.000 quân Polpot với đầy đủ súng ống, kể cả đại liên. Trận chiến kết thúc, mục tiêu của đội quân Polpot là làm tiêu hao sinh lực công binh của ta đã thất bại hoàn toàn. Kết cục của họ lại trái ngược, khi gần trăm quân bị hạ.
Anh Hoàng Mẫu bật laptop, chỉ tôi xem những tấm hình ngày xưa, những kỷ vật thời lính chiến, cuốn lưu bút giấy đã ố vàng theo thời gian, bần thần: “Đây, một bầu trời kỷ niệm ở Battambang. Ngày anh em chia tay, cũng ở cống Ta Haen, nơi 7 đồng đội của tôi hy sinh. Ngày đó, anh em cùng thề, mãi không quên Ta Haen, nhất định sẽ có ngày hội ngộ”.
Chuyện những người tháo gỡ thần chết
Anh Lê Duy Hào kể, trận chiến Ta Haen thực sự ác liệt, nhưng thường trực sinh tử đối với những người lính công binh ở chiến trường Battambang chính là hàng loạt cái chết oan nghiệt trong các lần đi gỡ bom mìn. “Đó thực sự là những màn tra tấn khủng khiếp, ngoài thao tác chính xác, lạnh lùng, độ lỳ của lính công binh đòi hỏi phải cao hơn bất kỳ ai. Chỉ một giây run tay, xác phơi ngoài chiến địa” – anh Hào nói.
Mùa khô năm 1982, nhóm công binh 6 chiến sĩ dưới sự chỉ huy của anh Hào thọc sâu vào biên giới Thái Lan, cách Ta Haen khoảng 50km. Đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Nhóm 6 người cần phải gỡ một bãi mìn của tàn quân Polpot, đồng thời gài mìn của ta vào vị trí cách đó không xa với mục đích “tương kế tựu kế”. Lúc đó, đã gỡ xong bãi mìn của địch, Bình và Đốn một nhóm, mang 4 quả mìn DH đi gài. Nguyên tắc gài mìn xong phải ngụy trang bằng cách dùng chân dẫm nhè nhẹ lên phía trên hố. “Không được quá sâu, không quá nông, giẫm chân không mạnh, cũng không nhẹ, cốt làm sao che mắt địch” – anh Hào kể. Nhưng không ngờ, Bình hơi mạnh chân một tí, lúc đó nhóm anh Hào vừa gài xong quả mìn cuối cùng thì một tiếng nổ long trời vang lên. Tất cả đều lăn vào chỗ núp, rút súng chờ đợi. Ai cũng nghĩ đó là một cuộc tập kích. Nhưng không, khi khói bụi mờ tan, anh Hào đau đớn nhìn xác hai đồng đội chỉ còn là những miếng thịt vụn vương vãi. Mất mấy tiếng đồng hồ, những người còn lại mới đưa được thi thể Bình và Đốn trở về trong sự bàng hoàng, tức tưởi. Anh Hào nghẹn giọng: “Tôi không thể nhớ được bao nhiêu cái chết như thế. Gỡ bom mìn, khi gặp họa may mắn lắm mới cụt tay chân. Giờ đây, mỗi đêm, cảnh hy sinh của những Bình, Đốn, rồi Tiến, Vinh, Hoàng… vẫn nhập nhòe trong tôi”.
“Trận chiến này mình hy sinh 7 anh em, giữ được căn cứ bằng sự quả cảm ngoan cường. Song cũng phải thừa nhận rằng, chiếm lĩnh vị trí thuận lợi và sự yểm trợ pháo binh là hai yếu tố then chốt giúp C19 đứng vững sau khi quân Polpot rút lui”. Nguyễn Văn Đã
- nguyên đại đội trưởng C19
Cuộc hội ngộ sau 30 năm vỡ òa vì sự hiện diện của anh Võ Văn Đến – từng là Trưởng tiểu ban công binh E81 (thuộc Sư 309), người chỉ huy của C19 năm xưa. Anh Đến mất một chân, đi lại khó khăn nhưng chất giọng hào sảng. “Cụt một chân là kỷ niệm đáng nhớ nhất sau đêm định mệnh Ta Haen” – anh Đến kể. Khoảng 7 giờ sáng 9.7.1984, sau trận chiến Ta Haen, anh Đến từ căn cứ xuống thăm anh em ở Ta Haen cùng với một công binh. Do công binh này dò mìn không kỹ, anh Đến vấp một quả mìn, bị hất văng, cụt một chân, máu chảy như xối. Dùng dây súng AK băng garô xong vết thương, người lính tiếp tục cõng anh Đến đi. Được khoảng 15m, đang nằm trên lưng chiến sĩ Trung, anh Đến phát hiện một quả mìn ngay dưới chân. “Tôi quát Trung dừng chân ngay, chỉ cần nhấc ra, cả hai tan xác. Từ từ, cúi xuống, chân vẫn giữ nguyên. Lúc này anh Đến gần như đã kiệt sức, còn Trung là lính mới, không biết cách gỡ loại mìn này. Phải mất 30 phút hướng dẫn tỉ mỉ từ vị trưởng tiểu ban, anh lính Trung mới gỡ xong, mồ hôi túa ra như tắm mà vẫn nói đùa: Giữ quả mìn làm kỷ niệm! “Căng thẳng như trong phim, chỉ một động tác sai thì mìn nổ. Giờ đây, một chân của mình vẫn nằm ở Battambang” – anh Đến vui vẻ.
Cuộc hội ngộ của những người lính công binh ở chiến trường Battambang năm xưa có thể gọi với cái tên: Một nỗi nhớ. Chính xác thì họ chưa bao giờ quên quãng thời gian hào hùng ác liệt, giữ mặt trận hòa bình ở nước bạn Campuchia. Ký ức Battambang vẫn sống mãi…