Hội nghị Cấp cao ASEAN: Khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam
Ngày 15/11, trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, các hội nghị diễn ra trong ba ngày từ 12-14/11, tại thủ đô Manila của Philippines, với những thảo luận sôi nổi và kết quả thực chất, đã tạo dấu ấn tốt đẹp, khép lại một năm thành công rực rỡ của năm kỷ niệm “vàng” 50 năm thành lập ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 12. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết đã diễn ra 11 hội nghị cấp cao, gồm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31, Hội nghị cấp cao ASEAN 1 với các đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Liên minh châu Âu – EU, Liên hợp quốc), Hội nghị Cấp cao ASEAN 3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), cùng nhiều hoạt động bên lề như Gala đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, tiếp xúc của các lãnh đạo với doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, những nét nổi bật đáng chú ý nhất là Hội nghị đã thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, nỗ lực đạt tiếng nói chung của các nước ASEAN cũng như cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước đối tác đối với sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo đã bàn thảo những nội dung thực chất, tập trung vào các thách thức và xu hướng đang nổi lên ở khu vực và thế giới.
Với các nội dung chính được thảo luận gồm Biện pháp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: vấn đề kinh tế số, nhân lực chất lượng cao, an ninh mạng; Đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế, chống lại xu thế bảo hộ, thúc đẩy đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực – RCEP); Đẩy mạnh các hoạt động hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm, phát triển bền vững và bao trùm, thu hẹp khoảng cách phát triển; Đề cao và tôn trọng pháp luật trong xây dựng cộng đồng cũng như trong giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực (như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, tình hình trên Biển Đông, tình hình tại Myanmar; chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia,…).
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết Hội nghị lần này có thể coi là một vụ mùa “bội thu” về văn kiện. Các lãnh đạo đã ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư và thông qua/ghi nhận 55 văn kiện khác thuộc nhiều lĩnh vực (trong đó, 23 văn kiện của ASEAN và 32 văn kiện giữa ASEAN và đối tác). Các văn kiện này đều mang tính thực tiễn cao, là những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lợi ích của người dân, từ các vấn đề xã hội về quyền của người lao động, cơ hội việc làm, bình đẳng giới, sức khỏe, y tế, giảm nghèo đến thuận lợi hóa doanh nghiệp, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau như phụ nữ, trẻ em, thanh niên. Đáng chú ý, văn kiện về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư được khởi động đàm phán từ cách đây 10 năm và đã gặp không ít trở ngại, do đó, việc lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng ký vào văn kiện dịp cấp cao lần này đã cho thấy tinh thần làm việc cao độ, sự thiện chí và nỗ lực dung hòa lợi ích để đi đến đồng thuận về một mẫu số chung.
Đề cập đến sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị với tinh thần trách nhiệm và có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và với các đối tác cũng như thành công chung của các hội nghị. Thủ tướng đã tham dự tổng số hơn 30 hoạt động đa phương và song phương. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng với những đề xuất theo 3 trọng tâm hợp tác: Làm mới bản sắc Cộng đồng ASEAN trên nền tảng của gắn kết và hội nhập toàn diện, tạo dựng thành quả chung mang tên ASEAN; Đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phát huy vai trò trung tâm, vị thế và tự cường của ASEAN. Thay mặt các nước ASEAN, trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng đã có bài phát biểu chung về tiến triển trong quan hệ hai bên và định hướng tương lai quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Tại các hội nghị cấp cao khác, Thủ tướng đều có phát biểu đóng góp, chia sẻ các đánh giá và đề xuất phương hướng, biện pháp thiết thực để làm sâu sắc hơn hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác; chia sẻ các quan điểm, lập trường của Việt Nam về Biển Đông cũng như về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và tình hình tại bang Rakhine của Myanmar. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương rất hiệu quả với nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Nhìn tổng thể, những đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, đã cho thấy sự trưởng thành về năng lực hội nhập cũng như vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Thêm vào đó, các hội nghị ASEAN lần này diễn ra ngay sau Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam tại các hội nghị đã cho thấy Việt Nam không chỉ chủ động, tích cực khi ở cương vị nước chủ nhà, mà trên bất kỳ cương vị nào, ở bất kỳ diễn đàn nào, Việt Nam đều có tinh thần trách nhiệm và đóng góp xây dựng vì thành công chung. Những kết quả tham gia của Việt Nam tại các hội nghị cấp cao ASEAN, tiếp nối thành công của APEC Việt Nam 2017, đã góp phần hoàn thiện bức tranh về ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2017.
Theo TTXVN/VIETNAM
Đông Nam Á "nóng" với hàng loạt hội nghị cấp cao ASEAN
Hàng loạt cuộc họp song phương và đa phương trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan với sự tham gia của các lãnh đạo thế giới đã diễn ra sôi nổi tại Philippines trong những ngày vừa qua.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN-31) và các hội nghị cấp cao liên quan là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN. Tham dự các hội nghị này không chỉ có lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á mà còn có lãnh đạo của các nước đối tác và đều là những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, hay các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong ảnh: Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN dự Gala đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (1967-2017) vào tối 12/11 ở Manila, Philippines.
Video đang HOT
Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutierres chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN ở Trung tâm Văn hóa Philippines ngày 13/11.
Từ ngày 13-14/11, hàng loạt hội nghị cấp cao đã diễn ra sau khi lễ khai mạc kết thúc gồm hội nghị cấp cao ASEAN-31, hội nghị cấp cao ASEAN 3, hội nghị cấp cao ASEAN 1 với các đối tác, hội nghị cấp cao Đông Á,... Trong ảnh: 10 nhà lãnh đạo ASEAN (từ trái qua phải) gồm: Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, bắt tay theo nghi thức truyền thống của ASEAN trước khi bắt đầu phiên họp của Hội nghị cấp cao ASEAN-31.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự phiên họp của Hội nghị cấp cao ASEAN-31 tại thủ đô Manila, Philippines. Đại diện nước chủ nhà, Tổng thống Duterte chủ tọa phiên họp.
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN dự phiên họp với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) ngày 13/11.
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và Tổng thống Mỹ Donald Trump chụp ảnh tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 5 và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Mỹ.
Tổng thống Donald Trump phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản tại Philippines.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 5 từ trái sang) bắt tay các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 20.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (thứ 5 từ trái sang) bắt tay các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 19.
Tổng thống Moon Jae-in (thứ 5 từ trái sang) bắt tay các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc.
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN chụp ảnh tại hội nghị với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (thứ 4 từ trái sang).
Ngoài các hội nghị đa phương, các cuộc gặp song phương cũng diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Philippines. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tổng thống Donald Trump hội đàm cùng người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte.
Tổng thống Donald Trump hội đàm 3 bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng có cuộc gặp song phương với lãnh đạo nước chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN-31 - Tổng thống Rodrigo Duterte.
Thủ tướng Ấn Độ phát biểu tại Hội nghị Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS)
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN chụp ảnh cùng lãnh đạo 3 nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Hội nghị cấp cao ASEAN 3.
Thành Đạt
Ảnh: Reuters
Theo Dantri
Việt Nam nỗ lực nêu cao tinh thần đoàn kết trong ASEAN về vấn đề Biển Đông Việt Nam luôn nỗ lực nêu cao tinh thần đoàn kết, đề cao lập trường và tiếng nói chung trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, tránh để những quan điểm khác biệt ảnh hưởng đến không khí hợp tác cũng như kết quả của hội nghị, đồng thời kiên định bảo vệ lợi ích của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao...