Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL): Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khởi kiện
Tại buổi họp báo do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng 11-6, ông Jitendra Sharma – Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch danh dự Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) đã trả lời những câu hỏi của phóng viên về những vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi sai phạm của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Ông nghĩ gì về việc tàu của Trung Quốc liên tục đâm va làm hư hỏng tàu cá, gây bị thương một số ngư dân và cán bộ Kiểm ngư Việt Nam những ngày qua?
- Ông Jitendra Sharma: Qua theo dõi các đoạn clip trên mạng internet có thể thấy rõ thái độ hung hăng của tàu Trung Quốc khi tấn công tàu Việt Nam trên chính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc không thể chấp nhận được và không có lý lẽ gì để biện hộ.
- Ông nghĩ thế nào về các biện pháp Việt Nam đang sử dụng nhằm bảo vệ quyền chủ quyền trên Biển Đông và quan điểm của IADL về sự việc này?
Video đang HOT
- Ông Jitendra Sharma: Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình nên tôi luôn tin tưởng Chính phủ và người dân Việt Nam sẽ vận dụng các quy định của luật pháp quốc tế để giải quyết sự việc này bằng biện pháp hòa bình. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm ngang nhiên và trắng trợn, nên Việt Nam có quyền tiến hành các biện pháp để bảo vệ chủ quyền. Dù Việt Nam lựa chọn con đường nào, IADL luôn sát cánh cùng người dân Việt Nam, ủng hộ hết mình trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp đang diễn ra trên Biển Đông. Cụ thể là ngày 28-5 vừa qua, chúng tôi đã có văn bản gửi phía Trung Quốc bày tỏ quan điểm của mình về sự việc này.
- Ngoài Tuyên bố về tình trạng vi phạm leo thang tại Biển Đông, IADL có hỗ trợ gì cho Việt Nam trong trường hợp Việt Nam tiến hành khởi kiện
- Ông Jitendra Sharma: Bất cứ khi nào Chính phủ Việt Nam có yêu cầu về hỗ trợ pháp lý, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ. Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế do Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, vi phạm quyền chủ quyền của quốc gia khác. Việc khởi kiện hay không là một quyết định quan trọng và tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra quyết định phù hợp. Mặc dù, phán quyết của toà quốc tế có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, nhưng những cơ sở pháp lý, chính trị mà Việt Nam hiện có tương đối mạnh nên khả năng thành công là khá cao. Những luật sư của IADL sẵn sàng hỗ trợ khi Việt Nam có yêu cầu.
- Việt Nam có đủ bằng chứng về lịch sử, pháp lý để khẳng định quyền chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, Trung Quốc chưa có một tài liệu nào chứng minh về tính pháp lý của “đường lưỡi bò”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Ông Jitendra Sharma: Việt Nam có bằng chứng lịch sử, pháp lý chắc chắn và đầy đủ nhất về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, sai phạm trong việc hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc trên Biển Đông là điều có thể thấy rõ. Về vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ra tòa quốc tế, so với vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông tuy có điểm tương đồng song lại có khá nhiều khác biệt. Dù Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế, ra Liên hợp quốc hay đưa vụ việc ra Trọng tài quốc tế thì những bằng chứng lịch sử, pháp lý hiện có tạo cho Việt Nam có thế mạnh hơn rất nhiều so với Philippines trong vụ kiện của họ.
- Vậy nếu Trung Quốc cố tình chây ỳ, không thực hiện phán quyết, Việt Nam có thể làm gì để khẳng định chủ quyền của mình ở khu vực Biển Đông?
- Ông Jitendra Sharma: Trên thực tế, có một số phán quyết của Tòa quốc tế không được thực thi vì bản thân Toà quốc tế chỉ là cơ quan phán quyết chứ không có cơ quan chức năng đảm bảo thực thi, cưỡng chế những phán quyết của họ, trừ khi Liên hợp quốc có cơ chế rõ ràng với các thành viên rằng: “Nếu anh không tuân thủ phán quyết sẽ bị khai trừ hay tẩy chay”. Cho dù vậy, những phán quyết này có tác dụng vô cùng mạnh mẽ đối với dư luận thế giới, tạo ra niềm tin cho những nước thắng kiện, giúp họ có những hành động mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của mình.
Ông Lê Minh Tâm – Ủy viên Ban Thường vụ IADL, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết, được thành lập từ năm 1946, IADL có vai trò ủng hộ và duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng về kinh tế… Dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và mục đích đặt ra, IADL ủng hộ tất cả các quốc gia thành viên có đề nghị giúp đỡ với điều kiện: Các vụ việc cần hỗ trợ của IADL là đúng đắn, phải có đề xuất của quốc gia thành viên, hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Do IADL hiện có hơn 100 quốc gia thành viên nên sự giúp đỡ, những phát ngôn của tổ chức này dựa trên cơ sở của lẽ phải, của đạo đức, phù hợp với luật pháp quốc tế có ảnh hưởng lớn đối với dư luận quốc tế, để các quốc gia bị xâm phạm tự tin sử dụng các biện pháp tiếp theo và đấu tranh đến cùng.
Theo ANTD
Tàu Việt Nam kiên trì bám trụ
Chiều 11-6, tin từ Cục Kiểm ngư cho biết, trong ngày Trung Quốc duy trì lực lượng khoảng 39 tàu Hải cảnh, 14 tàu vận tải, 20 tàu kéo, 35 tàu cá và 6 tàu quân sự hoạt động trong khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Các tàu Trung Quốc tổ chức ngăn cản, sử dụng tốc độ cao vây ép, hú còi, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu của Việt Nam, ngày 11-6
Trong đó, các tàu quân sự tiếp tục được bố trí bảo vệ xung quanh giàn khoan ở 3 phía Đông, Tây, Nam, mỗi phía 2 tàu. Theo ghi nhận, không còn quan sát thấy máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu hoạt động quanh khu vực giàn khoan.
Diễn biến tại thực địa, tàu cá Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh hung hăng, manh động, tiếp tục vây ép, chạy máy lùi vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. Tại khu vực giàn khoan, các tàu Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, Hải tuần, tàu vận tải và tàu kéo đã tổ chức thành từng nhóm cách giàn khoan 7-8 hải lý và 9-11 hải lý để ngăn cản quyết liệt và sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu Việt Nam nhằm đẩy phạm vi hoạt động của các tàu Kiểm ngư của ta ra xa khu vực giàn khoan.
Đại diện Cục Kiểm ngư thông tin, trước hành vi hung hăng, manh động của tàu Trung Quốc, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ hiện trường, tổ chức đấu tranh với cường độ cao tại khu vực cách giàn khoan 7 - 10 hải lý yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Các tàu cá Việt Nam tiếp tục bám trụ tại ngư trường cách giàn khoan khoảng 30 - 40 hải lý, tổ chức đánh bắt thủy sản, đấu tranh đòi ngư trường truyền thống và phản đối hành động ngang ngược của tàu cá, tàu Hải cảnh Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, từ ngày 11-6, Trung tâm phát hành bản tin dự báo thời tiết cụ thể cho khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, thời tiết khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 12-6 được dự báo có mưa rào và rải rác có giông. Trong cơn giông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Sóng biển cao từ 1,25-2,25m. Dự báo, từ ngày 13 đến 14-6 trên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) tồn tại một rãnh áp thấp tiếp tục gây mưa giông và gió mạnh.
Theo ANTD
Chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó tình hình Biển Đông Chiều 12-6, chốt lại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn các vị ĐBQH. Báo cáo Quốc hội về tình hình Biển Đông và biện pháp ứng phó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các Bộ, cơ quan chức...