Hội Lim, đến hẹn lại… buồn
Bất chấp tiết trời âm u, sáng sớm còn có mưa phùn cùng với giá rét cắt da cắt thịt, hôm qua 13 tháng Giêng, hàng vạn người dân và du khách vẫn đổ về tham dự Hội Lim 2014 diễn ra tại đồi Lim và các thôn thuộc thị trấn Lim ( Tiên Du, Bắc Ninh). Không phủ nhận sự cố gắng của BTC, nhưng đến hội Lim năm nay vẫn thấy… buồn!
Dù BTC đã cấm, hát văn vẫn xuất hiện ở nhiều điểm tại hội Lim năm nay
Quan họ không ngả nón vẫn… xin tiền
Ấn tượng đầu tiên chưa phải là cái ống hơi bong bóng màu vàng mang thông điệp “Hội Lim kính chào quý khách” vắt ngang đường, rất thiếu bản sắc Kinh Bắc, mà bởi sự mất trật tự trong việc để các bãi gửi xe tự phát dọc mọi ngả đường. Lượng ôtô, xe máy của du khách đổ về đông, bởi thế, các bãi gửi xe lấn hết ra cả vỉa hè, có nơi còn tràn xuống lòng đường khiến lực lượng công an, cảnh sát giao thông khá vất vả để điều tiết giao thông trên tuyến đường chính đi qua thị trấn Lim.
Về dự hội Lim, du khách được “hưởng” cái giá trông giữ các phương tiện đắt đỏ ở mức kỷ lục. Trung bình 20.000đ/xe máy, có chỗ thu tới 200.000 đồng một chiếc ô tô. “Từ đầu năm đến giờ, tôi đi nhiều nơi, thường chỉ là 70 đến 100 nghìn đồng, chứ thu 200 nghìn thì chỉ có ở hội Lim. Thật quá đáng”, lái xe Lê Hùng đưa một đoàn 20 khách về Lim than thở.
Trước khi lễ hội diễn ra, Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội Lim 2014 – ông Lê Xuân Lợi (Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du), cho biết: Ngoài lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống, các hoạt động văn hoá văn nghệ, hát quan họ, trò chơi dân gian cũng được tập trung tổ chức nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá lâu đời của quê hương Kinh Bắc. Phần hội của các địa điểm đều có chương trình hát quan họ và các trò chơi dân gian như đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, chọi gà, tổ tôm điếm, dệt cửi… “Chúng tôi đã yêu cầu các câu lạc bộ quan họ ký cam kết không ngửa nón nhận tiền của du khách”, ông Lợi nhấn mạnh.
Video đang HOT
Quyết tâm của BTC không chỉ thể hiện trên giấy, mà còn cương quyết không cho các liền anh liền chị mang nón xuống thuyền. Nhưng các liền anh liền chị quan họ chứng tỏ mình là những người “có móng tay nhọn” dù “vỏ quýt dày” cỡ nào. Xuống thuyền ngay giữa ao thiêng trong đình Lim, chị hai quan họ lập tức “ngửa… đĩa xin tiền”. Nói đúng hơn, khi thấy du khách đưa tiền, liền chị liền anh quan họ đã mang đĩa nhận tiền ngay không một chút đắn đo. Thậm chí, trong làng Lũng Sơn của thị trấn Lim, liền chị không có đĩa thì chìa tay nhận tiền vô tư. Những chiếc thuyền rồng cứ đi sát sạt vào bờ, như một lời gợi ý, một sự chờ đợi khiến không gian quan họ tan biến đi cái lúng liếng tháng Giêng.
Vẫn biết rằng đây là một ngày hội, một ngày vui của người quan họ, và du khách vì mê tiếng hát của liền anh liền chị mà thưởng tiền nhưng khi “cuộc chơi” đã có quy định, khi BTC đã trả tiền thù lao cho mỗi buổi hát thì hành vi nhận tiền của các liền anh liền chị quan họ ở hội Lim là rất phản cảm.
Có lẽ những năm sau, nếu muốn triệt để, BTC lễ hội Lim phải quyết liệt hơn bằng hình thức lập “hàng rào” để các thuyền quan họ luôn có một khoảng cách đủ xa với du khách.
Liền chị quan họ thản nhiên nhận tiền, bất chấp quy định của BTC
Về Lim nghe… hát văn?
Rút kinh nghiệm từ những mùa hội trước, năm nay BTC hội Lim đã khá quyết liệt khi giữ được “âm lượng” của các dàn loa khủng vừa lấn át tiếng hát quan họ vừa làm ồn lễ hội. Đêm trước khi diễn ra lễ hội chính thức, BTC phải cảnh cáo một cửa hàng trong khu vực lễ hội đã mở loa công suất lớn với những bài hát “không ăn nhập”. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, người phát ngôn tại hội Lim cũng khẳng định, ngay từ đầu, BTC hôi Lim đã nghiêm cấm các trò cờ bạc ăn tiền, trò chơi điện tử, xiếc, mô tô bay, quảng cáo… gây ảnh hưởng không gian lễ hội. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều những gian hàng phi tiêu bóng bay, chọi gà, cờ thế.
Một điểm đáng kinh ngạc nữa, đó là bất chấp quy định của BTC lễ hội, những màn hát văn diễn ra ngay giữa “vùng lõi” hội Lim vẫn át đi làn điệu của những “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Chín nhớ mười thương”, “Mời trầu”, “Giã bạn”… Sáng qua, có lúc đi trong làng Lim, làng Lũng Sơn của miền quan họ mà chúng tôi cứ ngỡ mình đang đi lạc vào một giá đồng nào đó, bởi những lời hát về Mẫu Thượng Ngàn cùng chập chờn ánh lửa hầu đồng…
Khi chúng tôi phản ánh điều này với một thành viên BTC lễ hội Lim 2014 vị này tỏ ra ngạc nhiên. “Chúng tôi đã có quy định không được hát văn trong hội Lim. Đồng thời cũng đã cương quyết dẹp một vài điểm, không ngờ vẫn còn như thế à?”. Và vị này đề nghị phóng viên cung cấp địa điểm để “kịp thời xử lý”.
Chiều qua (12-2) lượng khách đổ về hội Lim rất đông, có lúc xảy ra tắc đường. Điều đó cho thấy sức hút của hội Lim ngày càng lớn, và đã vượt khỏi lễ hội của mấy làng quan họ, thậm chí vượt khỏi cả xứ Kinh Bắc. Chính điều này là một bài toán khó, cần có phương án giải thông minh để không chỉ gìn giữ những nét hay nét đẹp của một lễ hội miền quan họ mà còn có thể tiếp biến, nâng lên ở một giá trị văn hóa mới.
Theo ANTD
Hội Lim 2013: Quan họ... lách luật
Đến hẹn lại lên, ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Hội Lim đã khai hội tại thị trấn Lim và các xã Nội Duệ và Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trong đó trung tâm là núi Hồng Vân (núi Lim).
Các liền anh, liền chị đang gân cổ hát chay phục vụ du khách
Quan họ "rút kinh nghiệm"
Xét về tổng thể, sau nhiều năm lộn xộn, thiếu quy hoạch, Hội Lim 2013 đã có chuyển biến tích cực. Tất cả những màn quảng cáo bán hàng, trò chơi điện tử đều được di chuyển ra khu vực vòng ngoài của lễ hội. Tại đồi Lim chỉ bố trí những trò chơi dân gian truyền thống như tổ tôm điếm, đu tiên, vật, đập niêu, chọi gà... thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, những trò cờ bạc trá hình bị dẹp bỏ, trả lại cho Hội Lim không gian lễ hội lý tưởng. Để làm được điều này, cứ mỗi mùa Hội Lim đi qua, các nhà tổ chức lại tìm cách rút kinh nghiệm để tránh những biến tướng. Trước mùa Hội Lim 2003, tỉnh Bắc Ninh cũng như các cấp quản lý trong tỉnh đã kịp đề ra những quy định mới, để "bảo tồn" và "phát huy" giá trị của Quan họ. Năm nay chuyện "rút kinh nghiệm" được thực hiện nghiêm túc và cẩn trọng. Tại đồi Lim hiện chỉ có lán trại của 4 CLB Quan họ được biểu diễn. Đặc biệt, tại các lán không được sử dụng loa đài. Để đảm bảo tính truyền thống và bảo vệ Quan họ, các liền anh liền chị bị cấm "tiếp xúc với công nghệ". Quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Tiên Du, thành viên Ban Chỉ đạo Hội Lim 2013 nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thành lập nhiều tổ kiểm tra tại mỗi địa bàn, năm nay nghiêm cấm các liền anh, liền chị ngả nón xin tiền, nhận tiền của du khách".
Cách ly với công nghệ
Quả thật, nếu để một không gian với hàng nghìn người, hàng chục lán Quan họ cùng chĩa loa ra để phô trương thanh thế như mọi năm không khác gì giết chết Quan họ. Cấm loa đài ở một khía cạnh nào đó cũng là điều đúng. Nhưng cứ nhìn cảnh các liền anh liền chị gân cổ đến khản đặc cả giọng trên đồi Lim chiều 21-2 có lẽ cũng nên xem xét lại. Bảo tồn Quan họ là điều nên làm, phải làm, nhưng làm khổ nghệ nhân như vậy xem ra không phải cách hay. Như ông Nguyễn Văn Đặng - Chủ nhiệm CLB Quan họ thôn Lũng Giang ngán ngẩm: "Cứ phải theo hàng trăm thứ quy định như thế này, anh chị em thấy gò bó lại rút hết". Không riêng gì chuyện "cách ly" các liền anh, liền chị với "công nghệ", để bảo tồn Quan họ, các nhà nghiên cứu quyết định đưa Quan họ vào dạy tại các trường học. Các em thiếu nhi biết hát Quan họ liền được đưa ra để phục vụ du khách. Tiếc thay, người ta cũng kịp nhồi nhét cho các em suy nghĩ hát phải được tiền. Đành rằng, việc xin tiền, nhận tiền của du khách làm xấu đi bộ mặt của Hội Lim và nghiêm trọng hơn nữa chính là bôi xấu Quan họ. Thế nhưng, các liền anh, liền chị cũng có cái khó khăn của mình. Ông Đặng chua xót: "Chúng tôi không kiếm sống nhờ vào việc đi hát Quan họ. Nhưng được đưa vào danh sách các CLB được trình diễn Quan họ tại Hội Lim chúng tôi cũng phải bỏ tiền đầu tư, thuê trang phục, loa đài. Đặc biệt là bơm nước vào ao đình... UBND huyện cũng có hứa sẽ hỗ trợ nhưng cũng còn tùy thuộc vào kinh phí địa phương".
Có du khách sẵn sàng ủng hộ các liền anh, liền chị hàng trăm nghìn đồng
Cái khó ló cái "khôn"
Bị cấm ngả nón xin tiền từ đầu mùa hội, năm nay nhiều CLB nghĩ ra cách "lách luật" mới kiểu như: "Người ta cấm chúng tôi ngả nón xin tiền, nhận tiền thì chúng tôi không ngả nón. Năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị cơi đựng trầu, bó hoa, ai có lòng thì cứ thả xuống chứ chúng tôi không xin". Và thế là, thay vì ngửa nón, các chị ngửa cơi mời trầu, ai muốn giúp đỡ nghệ nhân thì tự thả vào đó. Lại có liền chị tay cầm bó hoa e thẹn mỗi khi thuyền Quan họ đang mấp mé mép bờ. Ai đó "vô tình" cũng kịp làm rơi vài đồng tiền ủng hộ vào bó hoa. Đến Hội Lim mà xem cảnh này ai dám bảo là không văn minh. Xem ra, Quan họ cũng biết lách luật rất khéo.
Ngẫm cho cùng, việc cho tiền còn cả ở phía du khách. Được thưởng thức Quan họ tại chính cái nôi của Quan họ, chứng kiến lao động nghệ thuật vất vả của các liền anh, liền chị ai cũng muốn bày tỏ một chút tấm lòng của mình. Ông Nguyễn Văn Vinh (Hải Dương) cho biết: "Tôi có nghe đến chuyện cấm nhận tiền, nhưng chẳng thấy ai nhắc đến chuyện bồi dưỡng cho những liền anh, liền chị. Chẳng nhiều nhặn gì, tôi vẫn muốn có một chút tấm lòng với họ. Nhưng giá như có hẳn một chiếc hòm của BTC để gây quỹ bảo tồn Quan họ thì văn minh biết bao".
Theo ANTD
Liền anh liền chị "lách" quy định cấm "ngả nón" Mặc dù đã có quy định cấm ngả nón xin tiền tại hội Lim, nhưng năm nay hình ảnh đó vẫn còn nhan nhản tại lễ hội xuân nổi tiếng nhất vùng Kinh bắc. Đến hẹn lại lên, hội Lim (diễn ra vào ngày 12,13 tháng Giêng âm lịch tại Tiên Du, Bắc Ninh) năm nay thu hút đông đảo du khách gần...