Hối hận muộn màng của kẻ sát nhân mang án chung thân
“Về đi em, hãy về đi, giã từ những tháng năm lầm lỗi, bao bàn tay nhân ái đón em về…”, Đức vừa dứt câu hát, phía dưới sân khấu nhiều phạm nhân nước mắt rưng rưng.
Người trút lòng vào ca khúc “Về đi em” của thượng tá Nguyễn Văn Vân, Ban Giám thị trại giam số 5 (Thanh Hóa) là phạm nhân 30 tuổi Trần Hữu Đức. Vì lòng tham mà từ một sinh viên, anh ta đã thành kẻ sát nhân suýt cướp đi mạng sống của hai người lao động.
Vội lau nước mắt trên má, Đức tâm sự chọn ca khúc này bởi thấy có sự đồng cảm, thể hiện được khao khát tự do và niềm tin vào tương lai khi mức án của mình còn quá dài.
“Với án chung thân đằng đẵng, không biết đến khi nào em mới có thể làm lại cuộc đời được. Những ngày trong lao tù, em mới thấu hiểu sự tự do quý giá đến nhường nào”, Đức nhẹ giọng, bàn tay xiết chặt vào nhau.
Video đang HOT
Đức trong cánh gà của hội thi “Tiếng hát tình đời”.
Không giấu giếm quá khứ, Đức kể là con út trong một gia đình có 6 anh chị em ở Phủ Lý, Hà Nam nên được bố mẹ và anh chị rất chiều chuộng. Bố mẹ Đức đầu tư cho anh học hành, mong đứa con út thoát khỏi cảnh làm ruộng như các anh trai mình. Đức thi đậu vào Đại học Văn hóa trong niềm vui của gia đình. Nhưng khi trở thành sinh viên, Đức không còn tu chí học hành như kỳ vọng của cha mẹ.
Đức bập vào lô đề, cá độ bóng đá với mức độ “nghiện” ngày càng tăng. “Có lần em đánh bạc bằng cả tháng bố mẹ chắt bóp gửi tiền nuôi ăn học. Càng đánh, càng thua thì ham hố gỡ gạc càng lớn và không dừng lại được”, Đức nhớ lại.
Năm 2002, khi đang học năm thứ ba, số tiền Đức vay nợ để chơi cờ bạc lên tới 40 triệu đồng. Để xoay tiền, cậu ta mượn xe máy của người này mang cầm cố, rồi trả nợ cho người khác… Cái vòng nợ nần cứ luẩn quẩn khiến Đức ngày càng lún sâu vào tội lỗi khi cùng Đào Minh Nhật lập kế hoạch đi giết người cướp của.
Khoảng tháng 7/2002, Đức và Nhật dùng dây thít cổ, lấy tuýp nước đánh một người lái xe ôm. Chúng đẩy nạn nhân xuống mương nước ven đường, cướp xe máy. Người lái xe ôm sau đó may mắn thoát chết.
Tưởng qua mặt được cảnh sát, hai tháng sau, bộ đôi này lại theo “kịch bản cũ”, lừa thuê xe ôm rồi thít cổ người lái, hòng giết người cướp tài sản. Trước sự tấn công của hai gã thanh niên, nạn nhân kịp hô hoán nên người dân phát hiện và xông ra vây bắt.
Với tội giết người, cướp tài sản, Đức bị TAND Hà Nội phạt chung thân; Nhật bị xử 18 năm tù do lúc gây án còn chưa thành niên.
Những ngày đầu thụ án ở Trại giam số 5, không ít lần Đức nghĩ đến cái chết vì cho rằng không có cơ hội trở về. Nhưng được cán bộ quản giáo gần gũi, động viên và sự quan tâm của người mẹ, Đức đã vượt lên cải tạo tốt.
“Cả nhà chỉ có một mình em được học đại học nhưng em đã phụ công của bố mẹ…”, phạm nhân mang tội giết người tỏ ra ân hận.
“Tháng nào mẹ cũng viết thư cho em, những lời “gan ruột” của bà đã khiến em tỉnh ngộ. Em luôn nuôi hy vọng cố gắng cải tạo tốt để cơ hội được về nhà”, Đức nói. Nhưng người mẹ già đã không chờ được ngày đứa con lầm lỗi được tự do, năm 2009, bà mãi mãi ra đi do căn bệnh ung thư vòm họng.
Phạm nhân này nghẹn ngào kể tiếp, trong lá thư cuối cùng mẹ dặn dò nhiều thứ, mong ước lớn nhất là em cải tạo tốt rũ được quá khứ tội lỗi, làm lại cuộc đời.
“Bố em năm nay đã 80 tuổi, chắc ông không thể đợi được đến ngày em ra trại. Nhưng em sẽ cố gắng trở thành người tốt, như mong muốn của mẹ”. Nói xong, Đức lại hát “ Về đi em/hãy về đi/ bao vết bùn dơ nay hãy rời xa…” trước khi chia tay trở lại buồng giam.
Theo VNExpress