Hối hả chạy bão Mangkhut
18 giờ bão Mangkhut áp sát vùng biển Thanh Hóa. Trên thân đê, bà con khẩn trương thu dọn đồ đạc, nhiều thanh niên hối hả vác bao tải cát, dây thừng trèo lên mái nhà chằng chống nhà cửa…trái ngược với cảnh trước đó vài giờ.
Biển động dữ dội do bão Mangkhut áp sát.
Một cây gỗ bị sóng đánh dạt lên bờ kè.
Người dân bắt đầu gia cố lều quán ven biển.
Dùng bao cát chèn thêm trên mái.
Thu dọn đồ đạc, ngư cụ…
Video đang HOT
Gia cố thêm lối đi ven biển. Tại vùng biển phía bắc Thành Hóa giáp Ninh Bình, nước biển đang dâng cao, gió giật mạnh cấp 6-7, mưa xối xả.
Lê Hoàng
Bão Mangkhut đổ bộ Thanh Hóa - Ninh Bình
20h tối 7/8, tâm bão đổ bộ vào Thanh Hóa - Ninh Bình kèm mưa lớn. Nhiều khu vực đã bị mất điện. Từ đêm đến sáng 8/8, khu vực Thanh Hóa và đồng bằng Bắc Bộ sẽ có mưa lớn.
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho hay, bão đổ bộ vào đất liền vào khoảng 20h kèm mưa lớn. Tâm bão đi vào khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Tuy nhiên, ở khu vực này chỉ ghi nhận gió cấp 5, cấp 6.
Từ đêm nay đến sáng 8/8, khu vực Thanh Hóa và đồng bằng Bắc Bộ có mưa lớn.
Trong khi đó, cách đó không xa, ở địa bàn tỉnh Nam Định, cơ quan khí tượng đo được gió cấp 8, giật tới cấp 11.
Với cấp bão này, theo ông Hải bão sẽ nhanh chóng suy yếu khi vào bờ. Từ đêm nay đến sáng 8/8, khu vực Thanh Hóa và đồng bằng Bắc Bộ có mưa lớn. Đến trưa 8/8, mưa sẽ ngớt.
Thủy triền dâng cao kết hợp với gió mạnh gây nhiều con sóng lớn. Ảnh: Lê Hoàng
Tại Thanh Hóa, trước khi bão đổ bộ, trời chuyển mưa lớn kèm gió mạnh. Nhiều địa phương bị mất điện như khu vực thành phố, huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc. Tới 21h, điện vẫn bị mất trên diện rộng tại tỉnh này.
Tại Ninh Bình, tuy chưa bị cắt điện song nhiều nơi, đặc biệt là huyện ven biển Kim Sơn đang có mưa lớn kèm gió mạnh cấp 6.
Văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, khoảng 19 giờ tối nay, 1 sà lan đang thi công nạo vét các công trình biển tại Nhà máy Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) đã bị đứt dây neo và trôi dạt vào vùng biển Nghệ An. Trên sà lan có 3 thủy thủ, hiện vẫn giữ liên lạc với đất liền nhờ sóng điện thoại di động.
Ông Hoàng Minh Luyện, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Phó Chánh văn phòng thường trực tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa cho biết: Bộ đội biên phòng Thanh Hóa đang khẩn trương liên lạc với lực lượng Bộ đội biên phòng và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cử tàu lớn (4.500 tấn) phối hợp để tìm kiếm chiếc xà lan và 3 thủy thủ nói trên. Tuy nhiên, các thủy thủy trên xà lan không thể xác định được phương hướng cũng như vị trí của mình đang trôi dạt ở đâu do trời tối, sóng biển quá to, gió ngày càng mạnh.
Ông Luyện cho biết, Bộ đội biên phòng Thanh Hóa vẫn giữ liên lạc với 3 thủy thủ này, đồng thời hướng dẫn họ giữ vững bánh lái, không để gió bão làm lật xà lan, chờ đợi thời tiết nguy hiểm qua đi và các lực lượng cứu nạn đến cứu.
Ngoài ra, một tàu vận tải của công ty Hoàng Sơn đang trên đường đi Hải Phòng, gặp gió bão đã tìm cách neo đậu tại cửa biển Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa), đây là tàu lớn trọng tải 2.000 tấn nên không thể vào sát bờ mà phải neo đậu cách bờ 2 hải lý, trên tàu có 8 thuyền viên. Bộ đội biên phòng Thanh Hóa đang hướng dẫn lái tàu này chèo chống với bão, không để trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Đến 21h30 ngày 7/8, bão số 6 đã đổ bộ vào 2 huyện ven biển Hậu Lộc và Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa gây mưa to, gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Lượng mưa đo được đến 19 giờ cùng ngày là 40-70mm. Sóng biển cao 3-4 mét.
Người dân giao cố lều quán ven biển trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Lê Hoàng
Đến 23h ngày 7/8, tại bờ biển các huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa nơi tâm bão Mangkhut đi qua, gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, sóng biển dữ dội liên tục táp vào bờ. Nhiều cây cối, lều quán ven đê và các tấm biển quảng cáo đã bị gãy, đổ. Hàng nghìn hộ dân vẫn sống trong cảnh mất điện.
Các hộ dân sinh sống gần mép nước tại xã bãi ngang Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đã được lệnh đóng kín cửa, một số người sống trong các ngôi nhà bán kiên cố không đảm bảo an toàn đã di chuyển vào sâu trong đất liền tránh rủi ro bất ngờ. Lực lượng công an, biên phòng, dân quân tự vệ và chính quyền địa phương vẫn đang túc trực trên đê theo dõi sát sao diễn biến của bão. Loa phát thanh ở các thôn liên tục phát đi những bản tin mới nhất về mưa bão. Lệnh di dân chưa được ban bố.
Khuya cùng ngày, trao đổi với VnExpress.net, đại tá Hoàng Minh Luyện, cho biết, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận chiếc sà lan gặp nạn ở khu vực Nghi Sơn và tàu vận tải Hoàng Sơn do sóng to, gió lớn. "Chúng tôi chưa thể cử đoàn cứu hộ ra biển vì sóng biển hiện rất lớn, có thể gây nguy hiểm cho những người tìm kiếm", đại tá Luyện nói và cho biết thêm, có thể đến sáng mai phương án cứu hộ cụ thể mới được triển khai.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra nhận định về tình hình lũ trên khu vực sông Bôi và sông Hoàng Long do đợt mưa lớn từ bão Mangkhut. Từ ngày 8/8 đến 9/8, trên hai hệ thống sông này có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa, với biên độ lũ lên từ 2 đến 3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Bôi tại Hưng Thi có khả năng lên mức báo động 3, sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng lên mức báo động 2.
Các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ; các đô thị tại các tỉnh đồng bằng như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội... đề phòng ngập úng ở các vùng trũng.
Tại thành phố Hà Tĩnh nhiều tuyến đường đã bị ngập do mưa lớn. Ảnh: Hải Bình
Do ảnh hưởng của bão, từ gần trưa 7/8 trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra mưa to. Tại thành phố Hà Tĩnh và thành phố Vinh, nhiều tuyến đường đã bị nước ngập 40-50cm do nước tiêu không kịp. Các huyện trung du đồng bằng lượng mưa cũng đang tăng cao. Các huyện miền núi phía tây có nguy cơ xảy ra lũ quét.
Chiều 7/8, khi tàu cá mang số hiệu NA-93044 TS của ông Trương Văn Thức (trú tại Hoàng Mai, Nghệ An) cùng 11 thuyền viên đang trên đường di chuyển vào bờ tránh bão thì bị hỏng máy trên vùng biển cách Cửa Lò khoảng 20 hải lý. Nhận được tin báo, ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã điều động 1 tàu của Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp cận. Tuy nhiên, do thời tiết xấu và sóng to nên tàu không đủ sức cứu nạn. Ngay sau đó Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã báo cáo Bộ Tư lệnh Hải quân cho phép tàu của Hải đội 2 quay trở về. Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều 1 tàu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tham gia cứu nạn. Đến khoảng 18h tàu cứu nạn BP34-1901 của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã tiếp cận thành công và lai dắt con tàu gặp nạn vào bờ.
Theo VNE
Bản đồ in thiếu Hoàng Sa, Trường Sa bị phạt tới 50 triệu đồng Đây là một trong những nội dung nằm trong Dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố. Trong dự thảo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với hành...