Hội đồng Nhân quyền LHQ kêu gọi ngừng bắn ở dải Gaza
Trước tình hình bạo lực ngày càng leo thang, gây ra nhiều thương vong cho thường dân tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và Israel, theo yêu cầu của 22 nước thành viên và 17 nước quan sát viên, ngày 23/7/2014, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành Phiên họp Đặc biệt về tình hình nhân quyền tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Phiên họp có sự tham gia của đại diện 193 nước thành viên Liên hợp quốc, và Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về nhân đạo, và nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ khác.
Khai mạc Phiên họp, Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc và Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về nhân đạo đã phát biểu về tình hình nhân đạo và bảo đảm quyền con người trong bối cảnh bạo lực leo thang từ giữa tháng 6/2014 tại các vùng lãnh thổ Palestine, đặc biệt là tại Gaza, và tại Israel, gây ra nhiều thương vong cho thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, phá hoại nhiều cơ sở, dịch vụ phục vụ người dân như y tế, giáo dục, nước sạch…
Dù có ý kiến đa chiều về nguồn gốc của bạo lực và trách nhiệm của các bên liên quan, phát biểu của đại diện từ gần 80 quốc gia và gần 30 tổ chức quốc tế đều chia sẻ sự quan ngại sâu sắc trước sự leo thang của bạo lực, khẳng định yêu cầu cấp bách hiện nay là chấm dứt ngay bạo lực để tạo điều kiện cho công tác hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời tạo thuận lợi cho việc nối lại hòa đàm tìm giải pháp cơ bản và lâu dài cho cuộc xung đột trên cơ sở hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nêu rõ, Việt Nam đang theo dõi sát sao và chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình bạo lực tại các vùng lãnh thổ Palestine, như đã được thể hiện trong phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 20/7.
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế về nhân đạo và nhân quyền, chấm dứt bạo lực chống lại thường dân, ngừng bắn, sớm nối lại các cuộc đàm phán hoà bình và tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đối đầu, cùng với cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại, hợp tác chân thành để Phiên họp Đặc biệt đạt được kết quả xây dựng, góp phần giải quyết thực chất vấn đề trên thực địa.
Video đang HOT
Với 29 phiếu thuận, trong đó có Việt Nam,17 phiếu trắng và 01 phiếu chống của Hoa Kỳ, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua nghị quyết về tình hình nhân quyền tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng với nội dung chính là lên án các hành vi bạo lực chống lại thường dân của tất cả các bên, yêu cầu chấm dứt bạo lực, và quyết định thành lập một Uỷ ban có nhiệm vụ tìm hiểu thông tin tại thực địa để báo cáo tại Khoá 28 Hội đồng Nhân quyền (dự kiến sẽ họp vào tháng 3/2015).
Theo_VnMedia
Hy vọng ngừng bắn tại Dải Gaza còn xa vời
Hiện Qatar đang nổi lên với vai trò là bên trung gian hòa bình ở Dải Gaza, sau khi phong trào Hamas từ chối đề xuất ngừng bắn của Ai Cập.
ảnh minh họa
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (23/7) rời Trung Đông, sau chuyến thăm 1 ngày không báo trước đến Israel và Palestine để thuyết phục các nhà lãnh đạo 2 bên nhất trí về 1 lệnh ngừng bắn.
Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng các bên đang đạt được những tiến bộ nhất định song thực tế, phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza tuyên bố không chấp nhận 1 lệnh ngừng bắn toàn diện khi chưa đàm phán, trong khi quân đội Israel cũng khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh tấn công Dải Gaza.
Nhà đàm phán Palestine Saeb Erekat cho biết, tại cuộc gặp giữa ông Kerry và Tổng thống Mahmoud Abbas, 2 bên đã tập trung thảo luận về việc tìm một giải pháp cân bằng giữa 1 lệnh ngừng bắn và gỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza.
Ông Abbas đã thông báo với Ngoại trưởng Mỹ rằng, có đến 99% nạn nhân các vụ tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza là phụ nữ, trẻ em và người già.
Nhà đàm phán Palestine Saeb Erekat nhấn mạnh: "Đây không phải là một cuộc chiến nhằm vào Dải Gaza hay phong trào Hamas, mà là cuộc chiến chống lại người dân Palestine. Đây không phải là hành động tự vệ mà là nhằm dung túng cho việc mở rộng các khu định cư, cũng như các chiến dịch xâm lược và phong tỏa".
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá cao vai trò lãnh đạo, cũng như những cam kết của Tổng thống Abbas trong những nỗ lực tìm kiếm 1 lệnh ngừng bắn. Ông Kerry cho rằng, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hiểu rõ con đường đi đến 1 giải pháp hòa bình và 2 bên cần phải tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt bạo lực ở Dải Gaza.
"Ông Abbas đã làm việc không mệt mỏi và tiếp xúc với các nhóm lợi ích, các phe phái để hối thúc mọi người thể hiện tính trách nhiệm và quay trở lại bàn đàm phán, không chỉ nhằm mục đích đạt được thỏa thuận ngừng bắn mà sau đó còn thảo luận về những vấn đề cấp bách khác".
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng các bên đang đạt được những tiến bộ nhất định hướng đến 1 lệnh ngừng bắn. Các quan chức Ai Cập, nước đóng vai trò trung gian hòa bình Trung Đông cũng bày tỏ hy vọng rằng, lệnh ngừng bắn vì mục đích nhân đạo ở Dải Gaza có thể có hiệu lực vào cuối tuần này nhân dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo được tổ chức sau tháng Ramadan.
Tuy nhiên, thực tế Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon hôm qua (24/7) tuyên bố, quân đội nước này sẽ đẩy mạnh tấn công Dải Gaza bất chấp các nỗ lực tìm kiếm lệnh ngừng bắn của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Lãnh đạo Hamas Khaled Meshaal cho biết, phong trào này sẵn sàng chấp nhận 1 lệnh tạm ngừng bắn để tạo điều kiện viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, song kiên quyết không đồng ý với 1 thỏa thuận ngừng bắn đầy đủ mà chưa qua đàm phán.
Lãnh đạo phong trào Hamas nêu rõ: "Mọi người đều muốn chúng tôi nhanh chóng chấp nhận lệnh ngừng bắn, nhưng sau đó thì sao? Họ cho rằng sau đó chúng tôi có thể đàm phán yêu cầu của mình. Nhưng chúng tôi từ chối ý kiến này ngay từ đầu. Đối với những ai chỉ muốn câu giờ, tôi tuyên bố rằng chúng tôi sẽ tiếp tục từ chối ý kiên đó trong tương lai".
Hiện Qatar đang nổi lên với vai trò là bên trung gian hòa bình ở Dải Gaza, sau khi phong trào Hamas từ chối đề xuất ngừng bắn của Ai Cập. Ông Khaled Meshaal cũng cho biết, chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã liên hệ với 2 người đồng cấp Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ để yêu cầu họ thuyết phục phong trào Hamas chấp nhận lệnh ngừng bắn. Những yêu cầu mà Hamas đưa ra đàm phán bao gồm việc thả hàng trăm người ủng hộ phong trào này vừa bị bắt giữ ở gần Bờ Tây cũng như chấm dứt sự phong tỏa của Israel và Ai Cập đối với Dải Gaza.
Lúc này, chiến sự ở Dải Gaza vẫn tiếp tục leo thang và các bệnh viện ở đây đang quá tải sau các cuộc không kích của Israel hôm qua làm khoảng 80 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết vì bạo lực kéo dài hơn 2 tuần qua lên đến 687 nạn nhân. Trong 1 động thái nhằm gây áp lực với Israel, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Navi Pillay cho rằng, nhiều khả năng tội ác chiến tranh đang diễn ra ở Dải Gaza, nơi 687 người Palestine, phần lớn là dân thường đã thiệt mạng vì các cuộc không kích của Israel.
Bà Pillay lên án các vụ bắn rocket không phân biệt mục tiêu của phong trào Hamas nhằm vào lãnh thổ Israel. Ngay sau những phát biểu của bà Pillay, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc đã họp khẩn phiên họp đặc biệt và nhất trí tiến hành 1 cuộc điều tra quốc tế về những vi phạm nhân quyền có thể đã xảy ra trong các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza.
Với 29 phiếu thuận, 17 phiếu trắng và 1 phiếu chống của Mỹ, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua nghị quyết về tình hình nhân quyền tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng với nội dung chính là lên án các hành vi bạo lực chống lại thường dân của tất cả các bên, yêu cầu chấm dứt bạo lực, và quyết định thành lập một Ủy ban có nhiệm vụ tìm hiểu thông tin tại thực địa để báo cáo tại Khoá 28 Hội đồng Nhân quyền (dự kiến sẽ họp vào tháng 3/2015)./.
Diệu Hương
Theo_VOV
Ukraine: Giờ G sắp điểm, người dân tháo chạy Chiến sự ác liệt sắp bùng nổ ở Donetsk khi quân đội Kiev thề diệt trừ lực lượng ly khai miền đông trong khi lực lượng này tuyên bố quyết chiến đến cùng với quân chính phủ. Viễn cảnh này đã khiến hàng ngàn người dân miền đông ồ ạt tháo chạy, biến Donetsk giống như thành phố "ma" vì vắng bóng người....