Hội chứng hô hấp chết người giống SARS lan nhanh
Hơn 400 ca được ghi nhận nhiễm loại virus chết người gây hội chứng hô hấp Trung Đông MERS, được cho là có họ hàng với SARS.
Ngày 2/5, ca nhiễm hội chứng hô hấp do coronavirus Trung Đông (MERS) được ghi nhận đầu tiên ở Mỹ. Bệnh nhân làm việc trong ngành y tế, bộc lộ triệu chứng sốt, ho, thở dốc sau khi di chuyển từ Saudi Arabia về Mỹ.
Hiện bệnh nhân được cách ly để điều trị tại bang Indiana. Giới y tế Mỹ đang cố gắng liên hệ để xác định xem những người khác tiếp xúc với bệnh nhân này có nhiễm virus hay không.
Một loạt ca nhiễm mới được ghi nhận ở Trung Đông trong những tuần gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại lớn. Ảnh minh họa: gannett-cdn.
Trường hợp đầu tiên nhiễm MERS ở Mỹ và một loạt ca nhiễm mới được ghi nhận ở Trung Đông trong những tuần gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại lớn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, từ khi MERS khởi phát vào tháng 9/2012 đến nay đã có hơn 400 ca nhiễm ở 12 quốc gia, làm chết hơn 100 người, chủ yếu là ở Saudi Arabia. Đa số người nhiễm bệnh tại các quốc gia châu Âu là từ Trung Đông trở về. Bệnh tương đối ổn định trong nhiều tháng trước nhưng gần đây bất ngờ gia tăng trở lại.
Video đang HOT
MERS là hội chứng hô hấp gây ra bởi coronavirus, được cho là có liên quan chặt chẽ với hội chứng SARS làm chết hàng trăm người trên thế giới cách đây một thập kỷ.Các triệu chứng của MERS tương tự như bệnh cúm, bao gồm ho, sốt, khó thở, đau nhức cơ thể và tiêu chảy.
Hiện chưa có phương pháp điều trị hoặc văcxin dành cho MERS. Nguồn gốc gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Theo một số nghiên cứu, virus này không gây bệnh trực tiếp nhưng có thể ẩn náu và tồn tại ở lạc đà. Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết 75% ca nhiễm mới không hề tiếp xúc với lạc đà trước đó.
Lê Phương (Theo Reuters)
Sắp có thuốc chữa sởi
Các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công một loại thuốc mới trên chồn sương bị nhiễm virus CDV, loại virus tương tự như sởi.
Đây là nghiên cứu quốc tế mới công bố trên tạp chí Translational Medicine. Các chuyên gia cho biết, CDV là loại virus nguy hiểm đối với loài chồn, khiến những con bị mắc bệnh có thể chết trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tất cả con chồn sương được sử dụng thuốc sau 3 ngày bị lây nhiễm đã sống sót và virus bị loại trừ hoàn toàn khỏi cơ thể.
Mặc dù cần nghiên cứu thêm trước khi thuốc được thử nghiệm trên người, nhưng nếu thành công, loại thuốc này có thể giúp diệt trừ sởi bằng cách giảm sự lây lan của nó trong các vụ dịch tại địa phương.
Trong tương lai, các loại thuốc uống kháng virus mới này có thể được sử dụng để điều trị cho những người tiếp xúc với bệnh sởi, chẳng hạn gia đình hay bạn bè của một bệnh nhân sởi. Điều này giúp duy trì hạn chế sự lây lan của virus.
Một loại thuốc mới có thể giúp giảm sự lây lan của bệnh sởi. Ảnh minh họa: Flickr.
Ông Ian Barr, Trung tâm Tham khảo và nghiên cứu về cúm hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong khi các loại thuốc chống virus vẫn đang được phát triển thì số được đưa ra thị trường thực sự còn thấp. "Nhiều loại thuốc kháng virus có thể thành công trong việc ức chế sự phát triển của virus, nhưng các tác dụng phụ khiến chúng bị loại bỏ", ông Barr nói.
Ông nhấn mạnh rằng, với loại thuốc mới, ngoài việc xác định hiệu quả của thuốc trên người nhiễm sởi, các nhà nghiên cứu cũng cần khắc phục các vấn đề kháng thuốc. Khi virus kháng thuốc, thuốc luôn có nguy cơ trở nên vô tác dụng.
Sởi quay trở lại
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sởi vẫn là một trong số nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ, mặc dù đã có văcxin ngừa bệnh an toàn và hiệu quả. Virus sởi rất dễ lây lan trong không khí qua đường hô hấp, ho và hắt hơi. Nếu ở cùng không gian với người bị sởi, 90% người không có miễn dịch sẽ nhiễm bệnh. Để bảo vệ khỏi bệnh này, 95% dân số cần được tiêm chủng để cung cấp miễn dịch.
Lyn Gilbert, giáo sư lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm tại ĐH Sydney (Australia) cho biết, sởi đã được ngăn chặn, nhưng gần đây tái xuất, nhất là ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia, nơi có tỷ lệ tiêm ngừa cao.
Năm 2010, hơn 30.000 trường hợp mắc sởi được báo cáo dọc các nước châu Âu - nơi trước đây bệnh đã được kiểm soát, 21 ca tử vong liên quan tới sởi. Năm 2012, ước tính 122.000 người chết vì sởi trên toàn cầu, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi.
Giáo sư Gilbert cho rằng có một số lý do gây tái xuất hiện bệnh sởi, bao gồm:
- Giảm tỷ lệ tiêm văcxin.
- Tỷ lệ du lịch cao tới các quốc gia nơi bệnh sởi vẫn phổ biến.
- Nỗi sợ hãi và quan niệm sai lầm về văcxin MMR ngừa sởi.
- Trẻ di cư, từ các nước có tỷ lệ tiêm ngừa thấp.
Giáo sư Michael Wise, chuyên gia sinh học tại ĐH Western Australia, cho biết nếu được đưa vào sử dụng, loại thuốc mới sẽ không ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm văcxin sởi ở các nước đang phát triển. Tại các nước đã phát triển, thuốc có thể cung cấp cho những người không tiêm ngừa.
Giáo sư Gilbert cho rằng, giá trị chủ yếu của thuốc là giúp những người không tiêm chủng vì lý do nào đó. "Chúng ta vẫn cần tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao - việc cần thiết để chống lại không chỉ sởi mà cả rubella và quai bị cũng như các bệnh trẻ em có thể mắc trong thời thơ ấu", ông nói.
Vương Linh (theo Livescience.com)
Cách đo thân nhiệt đơn giản khi trẻ nóng sốt Các loại nhiệt kế hồng ngoại, điện tử đều cho kết quả nhanh, chính xác nếu như bạn biết cách lựa chọn, sử dụng sản phẩm đúng cách. Dùng nhiệt kế hồng ngoại Nhiệt kế hồng ngoại đo nhiệt độ ở lỗ tai hoặc vùng trán. Đây là cách đo nhanh nhất (không quá 3 giây), rất thuận tiện và ít xâm lấn...