“Học thế này sao con trở thành người bình thường?”
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự hoang mang lẫn bức xúc trước áp lực học tập của con trẻ hiện nay tại buổi nói chuyện chuyên đề về dạy con do Trường THCS-THPT Đức Trí, Phú Nhuận, TPHCM tổ chức. Có người mẹ còn thốt lên: “Học thế này sao các con thành người bình thường?”.
Buổi nói chuyện mới đây với chủ đề “Hãy đón nhận con như chính bản thân con”. Diễn giả, ThS Đinh Thanh Phương (Hội quán Các Bà Mẹ) đề cập đến những áp lực mà con trẻ đang phải gồng gánh. Người lớn, đặc biệt là cha mẹ đòi hỏi ở các em quá nhiều nên làm mọi cách “ép chín”, bắt trẻ già trước tuổi. Họ muốn con phải giỏi hơn nữa hay giỏi cái này rồi thì phải giỏi thêm cái khác…
ThS Đinh Thanh Phương cho hay người lớn đang đòi hỏi vô lý ở con trẻ
Trong quá trình tương tác, tư vấn với phụ huynh, bà gặp rất nhiều tình cảnh con trẻ ám ảnh việc học vì kỳ vọng của bố mẹ. Có em đến mùa thi là đổ bệnh, sốt, nôn ói, đau bụng… mà đi bác sĩ kiểm tra thể chất thì lại không có vấn đề gì. “Bà mẹ nói, chị không hề la hay đánh mắng con. Vậy nhưng, chỉ một ánh mắt buồn phiền, tiếng thở dài thất vọng của ba mẹ cũng có thể hạ gục con trẻ”, ThS Đinh Thanh Phương nói.
Không chỉ những em học kém mà bà Phương lưu ý phụ huynh cần chú ý đến cả các em học giỏi, đạt thành tích tốt. Những lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người làm các em không dám dừng lại, luôn phải giồng mình để đạt kết quả tốt hơn nữa hoặc ít nhất giữ được thành tích cũ. Điều này là một sự căng thẳng vô hình lên tinh thần con trẻ. Nhiều bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng như rất tươi sáng.. kết cục các em lại chọn cái chết.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh cũng hoảng sợ, hoang mang trước cảnh con trẻ học không có thời gian để nghỉ nhưng họ lại không gỡ bỏ được những áp lực học tập trong nhà trường.
Chị Kim Thư, một phụ huynh ở Gò Vấp, TPHCM cho hay con cái quay cuồng vì học thì làm sao có thể làm người bình thường
Chị Kim Thư, một phụ huynh ở Gò Vấp cho hay, con chị cũng nhiều đứa trẻ khác, quay trong vòng học tập. Đến một ngày vợ chồng chị cùng giật mình nghĩ “Học thế này con mình không thể làm người bình thường được”.
Mà rõ ràng các cháu đang không bình thường. Bình thường sao được khi hết học ở trường rồi lại đi học thêm, đêm về làm bài, thời gian ngủ không đủ, không có thời gian vui chơi, đến ăn uống cũng phải vội vàng. Đúng như diễn giả Đinh Thanh Phương nói: “Chúng ta đang quá đáng với con trẻ. Người lớn đi làm 8 tiếng về còn phải nghỉ ngơi”.
Video đang HOT
Biết vậy nhưng chính chị Thư cũng không biết phải tháo gỡ áp lực như thế nào vì nếu để buông bỏ, không kỳ vọng thì lo con sẽ không có động lực để cố gắng. Chị cũng như nhiều phụ huynh cũng lúng túng không biết làm cách nào để kỳ vọng của bố mẹ trở thành động lực chứ không phải áp lực cho con.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, công tác trong ngành y nói rằng gia đình bà, nhiều đời làm trong ngành y nhưng quan điểm rất rõ ràng, con cái sẽ chọn lựa nghề nghiệp mà các con yêu thích nên họ cố gắng xem việc học của con thật nhẹ nhàng.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cũng cho biết, ngày nào bà cũng nhận được tin nhắn từ giáo viên, nhà trường nhắc nhở con làm bài tập
Nhưng rồi, bà nói rằng buông bỏ làm sao được khi mà ngày nào cũng như ngày nào, bà cũng nhận được tin nhắn từ nhà trường, từ giáo viên thông báo hôm nay con phải hoàn thành những bài tập nào, nội dung gì, môn này đến môn khác. Mình chỉ đọc tin đã hoảng hỏi con trẻ làm sao. Đi học về con ăn uống đại khái rồi ôm lấy sách vở để làm bài tập.
Theo bà, giáo viên cũng bị áp lực ở trên xuống nên chúng ta phải xem lại chương trình học. Người mẹ đề xuất, các cháu học hai buổi rồi thì làm sao để buổi sáng là học chương trình chính, buổi chiều xem lại bài tập rồi tham gia câu lạc bộ, năng khiếu, vui chơi. Về nhà là để các em tham gia vào sinh hoạt gia đình.
“Ngày xưa chúng ta phải xếp hàng để đi mua gạo nhưng giờ chúng ta phải xếp hàng đi chữa bệnh. Trong đó có nhiều bệnh vì học. Các con bây giờ khổ quá!”, bà Hạnh nghẹn lời.
Chia sẻ tâm can của người mẹ đã thay lời cho phụ huynh tham gia chương trình, mọi người gật gù rồi vỗ tay liên tục.
Sau khi phát biểu, bà Hạnh bấm điện thoại, mở cho PV Dân trí xem hàng chục tin nhắn từ giáo viên, nhà trường gửi qua hệ thống liên lạc điện tử cho phụ huynh để nhắc nhở con làm bài tập.
ThS Đinh Thanh Phương đồng tình, việc để bố mẹ tháo bỏ được áp lực cho con là chuyện không dễ dàng. Cha mẹ phải xách định rõ mình muốn con như thế nào. Nếu bị áp lực, đứa trẻ có thể thành công như chưa chắc đã hạnh phúc. Điều cần thiết nhất là cha mẹ cần phải dành thời gian, có những khoảnh khắc sống chung với con để hiểu con thật sự muốn gì, đừng đòi hỏi quá nhiều ở con mà hãy chấp nhận một số điểm nào đó chưa hoàn thiện của con.
Theo Hoài Nam (Dân trí)
Khó giảm tải khi chương trình quá nặng
Theo tinh thần giảm tải chương trình học ở cấp THCS, giáo viên sẽ được phép rà soát toàn bộ chương trình sách giáo khoa, cắt giảm và cập nhật kiến thức mới hơn.
Các trường THCS của Hà Nội đang giảm tải chương trình học tập cho học sinh thông qua Hướng dẫn 791 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo đánh giá của nhiều giáo viên, chủ trương giảm tải của bộ là hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của xã hội nói chung đối với giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Bớt nặng nề, trùng lắp
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thịnh Liệt, cho rằng chủ trương giảm tải của Bộ GD&ĐT cũng như sở GD&ĐT là rất tốt cho học sinh.
"Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện giảm tải đúng theo hướng dẫn của bộ, sở. Nhà trường bám vào văn bản của cấp trên để triển khai đến các giáo viên, bài nào cắt bỏ phần nào, chuyển đổi nội dung ra sao thì chúng tôi đều tập huấn cho các giáo viên. Nội dung kiểm tra cũng đổi theo nội dung giảm tải nên bớt nặng nề mà học sinh cũng đỡ vất vả hơn", ông Thành nói.
Là một trong bảy trường phổ thông trên cả nước được thí điểm chương trình phát triển giáo dục nhà trường theo Hướng dẫn 791/HD-BGD ĐT của Bộ GD&ĐT, từ nhiều năm nay, trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành đã thiết kế nội dung dạy học và các hoạt động giáo dục.
"Dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, mỗi tổ chuyên môn của trường đã tiến hành rà soát chương trình và sách giáo khoa để xây dựng các môn học theo định hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với bối cảnh của nhà trường.
Chúng tôi chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học. Học sinh được tạo điều kiện để bày tỏ quan điểm của bản thân trước tập thể, trong các giờ học.
Ngoài ra, chúng tôi còn đổi mới kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực. Chú trọng đánh giá quá trình dạy học, đánh giá qua phiếu đánh giá, thống nhất các yêu cầu về ma trận đề kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống", bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, thông tin.
Học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) trong một tiết học tích hợp về lịch sử và mỹ thuật qua tranh dân gian. Ảnh: Người Lao Động.
Thiếu sự thống nhất
Không phải trường nào cũng dễ triển khai thực hiện việc giảm tải. Không ít lãnh đạo các trường cho rằng việc giám sát giảm tải chương trình học còn nhiều khó khăn và cũng chưa có sự thống nhất thực hiện giảm tải giữa các trường.
Trên thực tế, cấp THCS còn quá nhiều môn học nặng nề về kiến thức. Hầu hết trường học đều quen với việc đánh giá học sinh dựa trên kiến thức và chưa quen với cách đánh giá theo năng lực.
Mặc dù Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những hướng dẫn và tập huấn cho giáo viên nhưng nhiều người vẫn chưa nắm rõ được mức độ giảm tải chương trình học để phù hợp, đầy đủ về khối lượng kiến thức cũng như hiệu quả khi thực hiện.
Thực tế, rất nhiều giáo viên chưa quen chủ động giảm tải chương trình học nên việc thực hiện hiệu quả giảm tải chưa cao. Giáo viên một trường THCS đóng tại quận Ba Đình thừa nhận bản thân cũng chưa chủ động để cắt bỏ những bài học, kiến thức hay bổ sung kiến thức ngoài chương trình sách giáo khoa vào bài giảng trên lớp.
Trước những khó khăn khi thực hiện giảm tải chương trình học, bà Lê Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm Hà Nội, bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý giáo dục có thể trao nhiều quyền chủ động giảm tải chương trình học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá học sinh cho nhà trường và giáo viên hơn.
Theo bà Hương, cách lên lớp kiểu "thầy đọc - trò chép" chỉ là truyền thụ kiến thức nên chưa tạo được sự hứng thú trong học tập cho học sinh.
Lãnh đạo một trường THCS của quận Cầu Giấy cho rằng ở nhiều trường, các giáo viên đã và đang được tiếp cận những kiến thức mới, từ đó có thể xây dựng những chủ đề để cho học sinh đi học thực tế ở nhiều nơi khá hiệu quả. Vì thế, nếu bộ, sở trao thêm quyền tự chủ cho các trường để giáo viên mạnh dạn thay đổi cách thức giảng dạy mới thì nhân rộng.
Thế nhưng, để các trường THCS khác thực hiện cách thức giảng dạy, sáng tạo bài học, cắt giảm những phần kiến thức trùng lặp, kết quả giảm tải sẽ rất khả quan.
Hiện nay, giáo viên vẫn giảng dạy theo một khuôn mẫu trong sách giáo khoa, chưa dám xây dựng chương trình học mới mẻ, việc đánh giá học sinh vẫn nặng về kiến thức thì việc giảm tải sẽ không có ý nghĩa nhiều.
Theo Zing
Ăn tối trên xe máy: Ai là người làm khổ trẻ? Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội), cho rằng phụ huynh gây áp lực học tập khiến con phải ăn tối trên xe máy ngay giữa sân trường. Những tranh luận về tình trạng quá tải trong giáo dục vài năm nay chưa đi đến hồi kết. Bộ GD&ĐT cố gắng cắt giảm...