Học sinh sợ đến trường vì bị bắt nạt: Nước mắt người mẹ
Sau hàng loạt những bất thường của con cả về kết quả học tập và thói quen sinh hoạt, chị Nguyễn Thu Hường tìm hiểu và được biết con đã bị bắt nạt trong một thời gian dài. Chị ngồi sụp và òa khóc ngay trước cửa lớp học.
Ảnh minh họa cắt từ clip
Là mẹ của hai người con trai, con lớn học lớp 5, con nhỏ học lớp 2, cũng là một người quan tâm đến các vấn đề giáo dục, chị Nguyễn Thu Hường (tên nhân vật đã được thay đổi), 35 tuổi, đang sinh sống tại Đồng Nai chia sẻ với PV Báo Thanh Niên câu chuyện mà chính chị và con trai lớp 5 mới trải qua. “Con tôi cũng là nạn nhân của vấn nạn bắt nạt học đường. Trước khi kết thúc kỳ nghỉ hè của lớp 4, con tôi ở bên bờ vực trầm cảm, phải đi gặp bác sĩ tâm lý. Để cân bằng lại cho con, tôi xin cho con nghỉ học một tháng ở nhà”, chị Hường nghẹn ngào.
Chị Hường cho hay từ khi con vào lớp 1, cứ nửa buổi chị lại tới trường xem con học ra sao thì thường xuyên thấy một bạn gái tên B. cầm chiếc thước loại 40 cm đập vào nhiều bạn. Chị về hỏi con và biết bạn B. được cô giáo giao quyền quản lớp, ai nói chuyện, làm việc riêng thì cứ thẳng tay vụt thước nên các bạn trong lớp rất sợ, phải gọi bạn là “chị hai”.
Chị Hường nói chuyện với cô giáo và lên tiếng không nên để trẻ con đánh nhau như vậy. Mọi chuyện có vẻ êm ả cho tới lớp 2, con trai chị về kể chuyện lớp nhận thêm 10 bạn mới, được ngồi xen kẽ với 20 bạn cũ. “Chị hai” lúc này ra luật, bạn mới vào không ngoan, bạn cũ cứ vả vào miệng bạn mới, ai lên tiếng sẽ bị tẩy chay nên các bạn rất sợ hãi.
“Khi con tôi vào lớp 3, con là lớp trưởng, bạn B. lúc này là lớp phó, đầu giờ thường lớp phó cho cả lớp ôn bài, riêng lớp trưởng bị đứng lên bục, để 5 bạn khác cầm thước đứng xung quanh đặt các câu hỏi, nếu lớp trưởng không trả lời được thì cuối giờ phải ở lại xếp ghế cho cả lớp. Cả tháng trời, tôi đến đón và phải chờ rất lâu thì con mới xuất hiện. Tôi hỏi thì con bảo ở lại úp ghế giúp bác bảo vệ, tôi thường dạy con làm những việc tốt nên không suy nghĩ gì. Cho đến một khoảng thời gian về sau, từ học rất giỏi, con tụt dốc đến bất ngờ. Tôi kín đáo hỏi các bạn trong lớp mới ngã ngửa rằng triền miên nhiều tháng, con bị đứng trước bục giảng để 5 bạn khác hỏi những câu cắc cớ, không thể trả lời, rồi bạn B. lớp phó tuyên bố lớp trưởng ở lại xếp ghế cho cả lớp”, người mẹ kể.
Sau khi có ý kiến với cô giáo, con chị Hường không phải đi xếp ghế cho cả lớp nữa, nhưng bị ăn hiếp trong giờ ra chơi, bị cô lập với cả lớp. Chị tâm sự: “Con vào lớp 4, tôi thấy con lề mề đi thấy rõ, thường xuyên bị ghi vào sổ là vào lớp muộn. Sau này con kể tôi nghe, mẹ đưa đến trường sớm nhưng con không dám vào, cứ đứng đợi ở hành lang, chờ thầy cô vào rồi mới vào, vì vào là bị kiếm chuyện, bị tát. Suốt gần một năm học lớp 4, con bị cô lập hoàn toàn, đến mức gần như trầm cảm”.
Chị Hường cũng chia sẻ với chúng tôi, không chỉ con chị mà nhiều bạn bè đồng trang lứa với con cũng là nạn nhân của tệ nạn bắt nạt học đường, nhưng phần đông im lặng, không dám chia sẻ với cha mẹ vì lo sợ bị bắt nạt trầm trọng hơn, hoặc sợ bị tẩy chay, nên thói bắt nạt càng có đất sống.
“Đó là lớp trưởng của con tôi lúc học lớp 4, cô bé tên T. học rất giỏi, ngoại hình xinh xắn, tính cách dễ thương nên được thầy yêu bạn mến. Tuy nhiên, có một bạn gái trong lớp xưng là “chị đại” thường xuyên bắt nạt T. Nếu T. muốn yên ổn, mỗi ngày phải nộp tiền cho “chị đại”. Câu chuyện phải gần hết một năm học mới bị phát giác, lúc này T. đã nộp cho “chị đại” gần 1,5 triệu đồng”, chị Hường kể lại.
Video đang HOT
Cô lập bạn
Cô Trần Tú Quyên, giáo viên Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM), cho biết có nhiều bạn lấn át bạn khác bằng cách giành, đánh, nhéo, cắn ngay lúc bị cô phát hiện; có những bé chờ cô quay đi mới đánh bạn hay có bé mắt thì nhìn về phía cô nhưng tay thì luồn xuống dưới chân nhéo bạn. Có những bạn chứng tỏ vai trò “thủ lĩnh” bằng cách “cô lập kẻ yếu”.
Còn chị Nguyễn Bích Chi, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), thì kể: “Hồi con gái học lớp 1, tôi hay để sữa vào cặp để bé mang theo uống. Cho đến một ngày, trước khi đi ngủ, con gái ôm tôi và khóc “mấy ngày nay con nói dối mẹ, con không uống sữa, con đưa bạn A. uống”.
Khi hỏi ra mới biết con gái lỡ tay làm rơi bút của bạn xuống đất, bạn dọa phải mang sữa cho bạn uống, nếu không bạn mách cô và phải đền bút cho bạn”.
Bích Thanh
Theo Thanh niên
Học sinh sợ đến trường vì bị bắt nạt
Bắt nạt học đường là hiện tượng không mới nhưng vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, phụ huynh.
Các vụ bạo lực, bắt nạt học đường diễn ra trong thời gian gần đây - Ảnh: Cắt từ clip
Lý do gì cũng khiến học sinh bị bắt nạt
Theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu y học - xã hội học phối hợp Tổ chức Plan thực hiện, trong số 3.000 học sinh (HS) tại Hà Nội được hỏi, có tới hơn 2.000 em cho biết từng bị bắt nạt với các hình thức: mắng chửi, đe dọa, đặt điều, sỉ nhục, bắt phạt. Còn theo điều tra của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ có khoảng 40% trẻ chia sẻ với bố mẹ, người thân về những rắc rối mà mình gặp phải ở trường học. Chính việc không nói ra được những khó khăn của mình đã khiến các em rơi vào trạng thái lo lắng, chán nản, sợ đến trường.
"Sẽ rất hiệu quả nếu chúng ta có luật chống bắt nạt ở trường học cũng như có một chương trình tuyên truyền và hướng dẫn việc thi hành luật này."
Thạc sĩ Lê Thanh Hà, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2
Bất cứ lý do gì cũng có thể khiến một đứa trẻ bị bắt nạt ở trường học: gầy quá, béo quá, cao quá, lùn quá, tóc ngắn quá, ít nói, ít cười...
Chị T.H, có con học lớp 7 ở một trường THCS ở Hà Nội, cho hay từ khi con đi học mầm non đến nay, điều khiến chị phiền lòng và lo lắng nhất là con đến lớp thường không có bạn bè. Khi hỏi thì con bảo "các bạn không chơi với con". Lý do bé bị tẩy chay chỉ vì cháu bé nhất lớp, ăn chậm, nói nhỏ... "Cháu không bị bạn đánh nhưng việc bị cả tập thể cô lập cũng khiến cháu sợ đi học, bố mẹ rất xót xa", chị T.H nói.
Nhẹ thì học hành sa sút, nặng là trầm cảm, tự tử
Theo nghiên cứu của thạc sĩ Lê Thanh Hà, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, hầu hết HS từng trải qua ít nhất một hình thức bắt nạt trong suốt quá trình đi học.
Qua quá trình nghiên cứu hành vi bắt nạt ở 583 HS cấp THCS, thạc sĩ Lê Thanh Hà nhận thấy HS nhận thức rất rõ về các đối tượng để bắt nạt và lựa chọn những đối tượng yếu thế hơn để dễ dàng thực hiện hành vi của mình. Trong các hình thức bắt nạt, mắng chửi, trêu chọc, chế nhạo nhiều hơn so với các hình thức còn lại. 18,5% HS thường xuyên bị bắt nạt bằng các hình thức này.
Đáng chú ý, khảo sát cho thấy 26,4% HS được khảo sát không bao giờ hoặc hiếm khi muốn giúp đỡ các bạn đang bị trêu chọc. Tỷ lệ HS bị bắt nạt cao hơn so với số HS đi bắt nạt bạn khác. Tỷ lệ HS đi bắt nạt và là nạn nhân của hành vi bắt nạt ở HS nam cao hơn nữ.
Với HS bắt nạt, hậu quả thường là những hành vi bạo lực, nguy cơ phạm tội, học hành sa sút... Với nạn nhân của bắt nạt thì hậu quả rất đa dạng, từ những biểu hiện sợ sệt, lo hãi, sợ đến trường/không muốn đi học, trầm cảm, ý định tự tử...
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, có nhiều năm nghiên cứu về nạn bắt nạt học đường, chia sẻ câu chuyện của một HS ở Hà Nội. Do em này thừa cân, các bạn cùng lớp thường đưa hình thể xấu xí ấy ra trêu đùa và chế nhạo. HS này không hoạt động tập thể. Em ăn kiêng quá mức và thường móc để nôn nếu trót ăn nhiều. Em hoạt động bằng mọi cách để tiêu tốn calo, tự rạch tay để làm mất máu. Trong thời gian dài, em không còn đủ sức khỏe để học tập. "Khi mẹ đưa em đến gặp bác sĩ tâm lý, gia đình chỉ biết con đã rạch tay mà không hề biết nguyên nhân sâu xa của sự việc này là do trước đó, em bị bạn bè chế nhạo ở trường khiến tinh thần suy sụp", PGS Thành Nam cho hay.
Giải pháp gốc rễ là yêu thương và tôn trọng
Trở lại câu chuyện của con gái chị T.H, phụ huynh này cho hay sau nhiều lần đề nghị giáo viên giúp đỡ không thành, chị đã mời các bạn của con đến nhà chơi, làm vài món ngon mà các cháu thích; liên lạc với một nhóm phụ huynh trong lớp để cùng tổ chức một lớp học nấu ăn, bóng rổ... cho các cháu để con mình được tham gia hoạt động tập thể vào cuối tuần, giúp các con gần gũi và hiểu nhau hơn... Nhờ vậy, tình hình đã cải thiện khá nhiều.
Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên chủ nhiệm Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), chia sẻ: Có những HS có cá tính thích "ăn vạ", thích bắt nạt người khác, khiến bị tập thể quay lưng lại. Nhắc nhở chung trên lớp không hiệu quả, cô Thảo gặp riêng, ân cần giải thích, có như thế thì mới hóa giải được khoảng cách giữa con với các bạn trong lớp.
Về giải pháp hạn chế nạn bắt nạt học đường, thạc sĩ Lê Thanh Hà nhấn mạnh: Ngăn ngừa vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất thay vì khắc phục hậu quả bởi có những hậu quả quá muộn để khắc phục như những chấn thương tâm lý, những vụ tự tử...
Trước hết, cần nâng cao nhận thức về giáo dục trẻ cho các gia đình. Cha mẹ phải làm cho con cái nhận thức được việc những trẻ có điểm khác biệt so với số đông là chuyện bình thường; dạy trẻ biết cách tôn trọng người khác, tránh soi mói, chế giễu những điểm khác biệt của người khác; đồng thời, càng phải thương yêu, giúp đỡ khi họ yếu thế hơn và thiệt thòi hơn mình.
Phía nhà trường, theo bà Lê Thanh Hà, cần có những biện pháp phòng ngừa, cần có những quy định hay luật cụ thể về bắt nạt trong trường học. "Sẽ rất hiệu quả nếu chúng ta có luật chống bắt nạt ở trường học cũng như có một chương trình tuyên truyền và hướng dẫn việc thi hành luật này. Cần có chương trình tập huấn hoặc sách hướng dẫn cha mẹ, thầy cô, nhân viên trường học nhận ra những dấu hiệu trẻ bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt người khác, hậu quả của vấn đề và cách giải quyết", bà Hà nhấn mạnh. (còn tiếp)
Chiến dịch Chấm dứt bắt nạt
Quỹ Nhi đồng LHQ - UNICEF VN vừa phát động chiến dịch Chấm dứt bắt nạt - Stop bullying. Trong video đăng tải trên fanpage chính thức của UNICEF VN đầu tháng 10.2019, những nghệ sĩ như Tóc Tiên, Châu Bùi, Quỳnh Anh Shyn, Jun Phạm, Đức Phúc, Chi Pu... đã lên tiếng, nhiều người trong số họ đã từng bị bắt nạt ở trường học và bị ám ảnh.
Các nghệ sĩ nhắn gửi thông điệp, hậu quả của nạn bắt nạt học đường gây ra là vết sẹo sẽ mang theo cả cuộc đời, đừng xem bắt nạt học đường là điều hiển nhiên, hãy chung tay để không có trẻ em nào sợ đến trường vì bị bắt nạt.
Thúy Hằng
Theo Thanh niên
Số học sinh bị bắt nạt học đường cao kỷ lục ở Nhật Bản Hơn 540.000 trương hơp bị băt nat hoc đương trong năm 2018 là con số kỷ lục tại Nhật Bản. Japan News ngày 19/10 dẫn kết quả cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công bố mới đây khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Theo thống kê năm 2018, Nhật Bản có...