Học sinh Mỹ sợ đến trường khi bạo lực súng đạn leo thang
Các nhà chức trách Mỹ đang đề xuất biện pháp quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực súng đạn khi số học sinh tử vong ngày càng tăng.
Joshua Corneilius, 17 tuổi, đáng lẽ đang tận hưởng năm cuối cấp trung học phổ thông, nhưng thay vào đó, cậu mang nỗi lo lắng thường trực về bạo lực đang xảy ra ở cả trong và ngoài trường học của cậu ở Bắc Philadelphia.
Năm ngoái, có chín học sinh THPT Simon Gratz bị bắn chết, ba trong số đó bị bắn hồi tháng trước, Hiệu trưởng Leyondo Dunn nói với ABC News.
“Đây là một vùng chiến sự, giống như với ma túy, có súng đạn, bạo lực, đây thực sự là vùng chiến sự. Đây là nơi mà họ sát phạt lẫn nhau, nơi đây không dành cho những kẻ yếu đuối”, Corneilius nói. “Nếu bạn sống ở Philadelphia, tự nhiên bạn sẽ trở nên cứng rắn… giống như bạn luôn sẵn sàng để mặc giáp sắt, sẵn sàng cầm theo khiên”.
Từ năm 2015, hơn 10.000 người đã bị bắn chết ở Philadelphia, và trong số đó, 3/4 là nam giới da màu. Hơn 80% nạn nhân bị giết ở thành phố này trong năm qua là đàn ông da màu, theo thống kê của thành phố.
Trẻ em nam da màu cũng chiếm 96% số nạn nhân của các vụ giết hại trẻ em ở thành phố này, và hầu hết án mạng xảy ra ở Bắc Philadelphia, theo số liệu của Action News.
“Án mạng vẫn cứ xảy ra, ngay cả khi chúng ta đã thực sự ngồi lại và cố gắng giải quyết vấn đề”, Kaliyah Fletcher, 17 tuổi, học sinh chuẩn bị vào năm cuối, cho biết.
“Bạn vẫn phải suy nghĩ về chuyện ‘phải làm gì để đảm bảo rằng mình không ở trong tình cảnh đó?’ hoặc ‘phải làm gì để chuẩn bị cho tương lai và cuộc đời, để có thể thoát ra khỏi thành phố này?’”.
Video đang HOT
Với tình trạng bạo lực đang diễn ra trong thành phố và ở các trường học, học sinh luôn cảm thấy căng thẳng và lo âu, hiếm khi thực sự tập trung được vào bài vở, kỳ thi tốt nghiệp và việc chọn trường đại học.
Cảnh sát làm việc tại hiện trường một vụ xả súng gần đây ở Bắc Philadelphia, ngày 22/10. Ảnh: WPVI.
Akea Williams, nhà trị liệu sinh ra và lớn lên ở Philadelphia, đang cố gắng mang tinh thần hoà bình về với thành phố.
Hồi đầu tháng 7, Williams, người có bằng thạc sĩ ngành rèn luyện sức khoẻ tinh thần, bắt đầu chương trình “Liệu pháp thay vì Trả thù”. Bà cung cấp các buổi trị liệu miễn phí cho những người từng trải qua hoặc chịu ảnh hưởng bởi bạo lực súng đạn. Bên cạnh những lời khuyên khác, bà dạy cho họ kỹ năng đưa ra quyết định và các giải pháp đối phó. Đến nay, bà đã cung cấp các buổi trị liệu cho hơn 350 người.
“Các học sinh nói chung đang trong tình trạng sợ đến trường, hoặc thậm chí là sợ ra khỏi nhà”, Williams nói về các bệnh nhân học sinh của bà. “Và nếu chúng không sợ, hoặc ra vẻ không sợ, chúng sẽ ra ngoài cùng khẩu súng và sẵn sàng tham chiến”.
Năm 2019, trẻ em và thanh thiếu niên da màu chỉ chiếm 14% tổng số trẻ em và thanh thiếu niên trong thành phố này, và khi ấy nhóm này chiếm 43% trường hợp tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên do súng đạn. Nhóm này cũng có khả năng bị sát hại bằng súng nhiều hơn gấp 4 lần so với bạn bè da trắng, số liệu từ Quỹ Bảo hộ trẻ em cho thấy.
“Bọn trẻ gặp phải tình trạng rối loạn căng thẳng… nhiều trẻ em đang từ chối đến trường. Có rất nhiều cuộc gọi vào đường dây nóng khủng hoảng và nhiều cuộc gọi từ các học sinh vừa liên tiếp mất đi bạn bè”, Williams nói.
“Tôi cho rằng chúng ta cần thay đổi động thái”, bà bổ sung. “Cần cung cấp nhiều chương trình trị liệu hơn, cần có nhiều nơi trú ẩn an toàn hơn, cần tạo điều kiện nhiều hơn để các chuyên gia sức khoẻ tinh thần có thể nói chuyện với học sinh”.
Dunn, hiệu trưởng THPT Simon Gratz, rất cương quyết trong việc giúp đặt một dấu chấm hết đối với tình trạng bạo lực.
“Tôi nhận thấy rằng bạo lực súng đạn ở Bắc Philadelphia đã tồn tại từ trước cả thị trưởng hiện tại của chúng ta, tồn tại trước cả cảnh sát trưởng hiện tại, và nó sẽ còn tồn tại lâu hơn thế”, Dunn nói. “Trong cuộc chiến chống lại súng đạn, mỗi nhà lãnh đạo, hiệu trưởng, nhân viên, các quan chức được bầu ra cần họp lại và dành ưu tiên cho vấn đề này, làm tất cả những gì có thể nhằm bảo vệ và giữ an toàn cho những người trẻ”.
Philadelphia không phải là nơi duy nhất chứng kiến bạo lực học đường gia tăng ở Mỹ. Nhiều nơi khác như New York, Louisiana cũng báo cáo trạng tương tự, đặc biệt từ khi các trường học mở cửa trở lại. Đã có hàng chục video ghi lại tình trạng ẩu đả giữa học sinh với nhau được tung lên mạng gần đây, khiến nhiều trường phải tăng cường nhân viên bảo vệ an ninh. Một số nơi, các ông bố thậm chí còn tự thành lập Dads on Duty – nhóm các bố chia ca thay nhau đưa đón học sinh lúc đến và tan trường nhằm ngăn chặn bạo lực, đảm bảo cho các em yên tâm học tập
Thành phố Mỹ trả 300 USD/tháng cho thành viên băng đảng để 'rửa tay gác súng'
Thành phố San Francisco ở Mỹ sẽ thực hiện một sáng kiến táo bạo để giảm bạo lực súng đạn: trả tiền cho những cá nhân "nguy cơ cao" để họ gác súng, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Cảnh sát tại hiện trường một vụ xả súng ở San Francisco năm 2017. Ảnh: AFP
Theo đài RT (Nga), sáng kiến trên có tên "Dream Keeper Fellowship" (tạm dịch: chi phí giữ gìn ước mơ). Đây là một chương trình thí điểm được thực hiện trong tháng 10 tới. Ý tưởng của chương trình rất đơn giản: những người mà chính quyền cho rằng có nguy cơ cao sẽ bắn người khác được trao một khoản tiền 300 USD mỗi tháng để gặp "huấn luyện viên cuộc sống", trong đó huấn luyện viên sẽ thuyết phục họ từ bỏ phạm tội liên quan súng đạn.
Khoản tiền này tăng lên 500 USD hàng tháng khi các cá nhân này hoàn thành nhiệm vụ, ví dụ như gặp người huấn luyện và xin việc làm.
Tính tới tháng 7, các vụ xả súng ở San Francisco đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, các vụ giết người bằng súng tăng 1/3, và số người bị thương do súng đạn tăng lên hơn 100%.
Thị trưởng thành phố London Breed không tuyển thêm cảnh sát hay ra lệnh trấn áp tội phạm mà cam kết giảm ngân sách cảnh sát 120 triệu USD, phân bổ số tiền này cho phúc lợi xã hội, doanh nghiệp của người da đen, chương trình tập trung vào công bằng xã hội. Tất cả đều nằm trong khuôn khổ chương trình "Dream Keeper Fellowship".
Chương trình này là một cách để xử lý tình trạng tội phạm từ nhiều góc độ hơn. Cảnh sát cho rằng xung đột giữa 12 băng đảng Latinh và da đen gây ra phần lớn vụ giết người ở San Francisco. Do đó, chương trình mới này sẽ nhằm vào các thành viên băng đảng nguy hiểm nhất.
Ông David Muhammad thuộc Viện Cải cách Tư pháp Hình sự Quốc gia nói: "Chúng tôi sẽ đầu tư nguồn lực vào một người, ví dụ như một thanh niên 25 tuổi có 8 lần bị bắt, người đang được tạm tha... Đây là điều phải làm để giảm bạo lực súng đạn".
Bình luận về chương trình này trên mạng, ông David Freddoso viết trên tờ Washington Examiner: "Tội phạm bạo lực cần phải bỏ tù. Họ không cần tiền. Người bắn người khác cần bị cách ly trong tù, tránh xa những người còn lại".
Các sáng kiến tương tự ở Mỹ đạt kết quả khác nhau. Một chương trình ở Richmond, California đã giúp số người chết vì súng đạn giảm nhưng số người chết không liên quan súng đạn lại tăng.
Một chương trình khác ở Stockton, California cho biết có 71% người tham gia hoàn thành khóa học huấn luyện không bị bắt vì súng đạn. Tuy nhiên, gần 1/3 bị bắt trong quá trình khóa học và Stockton cho biết tỷ lệ giết người tăng 60%, gần gấp đôi mức trung bình toàn quốc.
Mặc dù bị chỉ trích nhưng chương trình của San Francisco vẫn có người tin tưởng. Ông Muhammad nói rõ rằng người tham gia sẽ được đưa tiền dưới dạng thẻ trả trước và sẽ không thể tiêu nó để mua hàng hóa cấm và sẽ buộc phải tham gia tích cực vào các dịch vụ xã hội, chứ không chỉ đơn giản là kiềm chế giết người.
Bé 6 tuổi thiệt mạng trong vụ xả súng ở Mỹ Vụ xả súng tại thủ đô Washington (Mỹ) khiến một bé gái 6 tuổi thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Sở Cảnh sát thủ đô Washington thông báo về vụ nổ súng mới đây khiến một bé gái 6 tuổi thiệt mạng - Ảnh chụp màn hình Twitter Đài CNN dẫn lời cảnh sát ngày 16-7 (giờ Mỹ) xác nhận vụ...