Học sinh mắc bệnh tâm thần gia tăng
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trong năm 2011 có 25.000 lượt trẻ trong độ tuổi đi học (từ 3 – 15 tuổi) đến khám và điều trị. Năm 2012 con số này là 28.000, năm 2013 hơn 32.000 và từ đầu năm nay số lượng bệnh nhân là học sinh đến khám tăng liên tục.
Minh họa: DAD
Thấy số 4 là bỏ chạy
Theo bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó trưởng khoa Tâm lý tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), những năm trước, thường đến thời gian thi cử thì lượng trẻ đến khám và điều trị tăng lên nhưng kể từ đầu năm 2014 đến nay, phòng khám này luôn trong tình trạng đông đúc, trung bình mỗi tuần tiếp nhận từ 600 – 700 ca. Với tốc độ tăng như vừa nêu, theo bác sĩ Minh, trong khoảng 5 năm nữa, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM sẽ quá tải bệnh nhân trẻ.
Cũng theo bác sĩ Minh, trẻ đến đây có rất nhiều biểu hiện bệnh lý tâm thần khác nhau, có em bị rối loạn chứng lo âu, có em bị trầm cảm… Đáng nói, trong đó có nhiều học sinh (HS) giỏi, học trường chuyên.
Điển hình là trường hợp của N.V.M. Là HS lớp 10 tại TP.HCM, M. đã đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Trong quá trình ôn tập để giành một suất vào đội tuyển HS giỏi của TP chuẩn bị kỳ thi HS giỏi cấp quốc gia thì M. rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần.
“Khi thăm khám, chúng tôi phát hiện em mắc chứng rối loạn lo âu. Em thường run tay chân, đổ mồ hôi liên tục. Những lúc thấy sách vở là em sợ hãi, hoảng loạn”, bác sĩ Minh nói.
Hay như trường hợp nam sinh một trường chuyên tại TP.HCM vì không hài lòng trong quyết định chọn nguyện vọng của mình mà dẫn đến tình trạng rối loạn hành vi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nam sinh này là một HS giỏi, từng dự định chọn nguyện vọng vào một trường chuyên khác với trường chuyên em đang theo học. Nhưng sau đó, gia đình khuyên em nên chọn nguyện vọng vào trường em đang học. Sau khi thi, em cảm thấy tiếc vì điểm số của em đủ đậu vào trường chuyên em thích. Không hài lòng với nguyện vọng trúng tuyển, em dần bực bội, thay đổi tính cách, dẫn đến rối loạn hành vi trong học tập và sinh hoạt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề HS giỏi bị rối loạn tâm thần, bác sĩ Minh cho biết ông đã từng khám và điều trị cho một học sinh THPT luôn bị ám ảnh và sợ… số 4. “Trong rất nhiều cuộc thi, em chỉ toàn đạt hạng tư. Và cũng từ đó, em càng áp lực mình phải đạt thành tích tốt hơn, nhưng sau nhiều lần như vậy, cuối cùng em vẫn chỉ hạng tư. Từ đó em sợ số 4. Mỗi lần nhìn thấy số 4 là em bỏ chạy”, bác sĩ Minh nói.
Sợ đến mức tiểu luôn trong quần
Video đang HOT
Ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho thấy có rất nhiều HS hiện nay rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu, căng thẳng…
H. là HS lớp 8 của một trường THCS tại TP.HCM, bị trầm cảm suốt một thời gian dài nhưng mẹ em không hề phát hiện. Mãi đến khi giáo viên nhận thấy em có nhiều biểu hiện lạ như ít nói, không giao tiếp với ai… thì mới yêu cầu phụ huynh đưa em đi khám. “Cháu gái này do bị ảnh hưởng từ nhiều chuyện buồn của gia đình, cộng với việc bị bạn bè ăn hiếp, cô lập… dần em bị trầm cảm. Ban đầu em ấy định vào phòng tư vấn tâm lý học đường của trường, nhưng sợ bạn bè thấy và trêu ghẹo là mình có vấn đề nên thôi. Với trường hợp này chúng tôi phải điều trị đến 6 tháng”, bác sĩ Minh cho biết thêm.
Ở phòng khám, bác sĩ Minh cũng từng tiếp nhận một nam sinh THCS bị áp lực vì bị cô giáo la rầy quá nhiều trong học tập. Cứ mỗi lần em nhìn thấy cô giáo là sợ run lên. Có lần, em rất mắc tiểu, nhưng lại không dám xin đi vì sợ cô giáo. Cuối cùng em tiểu luôn trong quần.
Theo bác sĩ Minh, HS bị các bệnh lý liên quan đến tâm thần có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu từ áp lực học tập, gia đình. Chẳng hạn cha mẹ ép buộc con phải học thật giỏi, luôn áp đặt, la rầy con cái vô cớ. Có trường hợp HS sợ thầy cô giáo, sợ đến trường do bị giáo viên la rầy quá mức. “Điều đáng nói là có nhiều trường hợp con cái bị các chứng liên quan đến tâm thần nhưng phụ huynh không phát hiện kịp thời nên khi các em đến phòng khám thì bệnh tình đã nặng”, bác sĩ Minh nói.
Cần thời gian chuyện trò, chia sẻ với con cái
Theo bác sĩ Minh, phụ huynh nên quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Hiện nay, phần đông cha mẹ thường ít khi ăn cơm chung và tâm sự với con. Tối về nhà, cha mẹ cũng không trò chuyện với con nên không nắm bắt được các thay đổi tâm lý của các em. “Phụ huynh cần có thời gian nói chuyện, chia sẻ với con cái về vấn đề học tập, những muộn phiền trong cuộc sống, để từ đó giúp con giải tỏa được áp lực tâm lý”, bác sĩ Minh khuyên.
Bác sĩ Minh tư vấn khi phát hiện con có các triệu chứng sau thì nên đưa trẻ đến phòng khám chuyên về tâm thần: Thay đổi thói quen, ít biểu hiện cảm xúc, tắm thưa đi, mất ngủ, chơi game nhiều, ít nói, chân tay run… Một số triệu chứng khác cũng có thể liên quan đến bệnh tâm thần, như: đột nhiên cáu gắt, có thái độ chống đối với những người xung quanh, hay thể hiện những hành vi bạo lực.
Thiếu giáo viên tư vấn học đường
Hiện nay có gần 120 giáo viên tư vấn chuyên trách tư vấn học đường trong các đơn vị giáo dục tại TP.HCM. Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD-ĐT TP.HCM) thì lực lượng giáo viên tư vấn chuyên trách của các trường vẫn còn rất ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do các chế độ đãi ngộ, lương, chế độ làm việc còn hạn chế, chưa thu hút được giáo viên tư vấn chuyên trách làm việc. Theo phản ánh của nhiều giáo viên, mức lương của họ hiện tại ở các trường chỉ vào khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng. Cũng theo ông Huy, hiện nay một số đơn vị trường học chưa thực sự quan tâm và cũng chưa hiểu rõ các quy định về công tác tư vấn trường học nên việc thực hiện còn mang tính đối phó. Có trường phân công giáo viên tư vấn làm luôn công tác giám thị nên nhiều học sinh không gần gũi, không tâm sự, chia sẻ được với giáo viên tư vấn, nên kém hiệu quả.
Minh Lân
Theo TNO
Giải tỏa stress, sang chấn tâm lý mùa thi
Học sinh lơp 12 sắp bươc vao ky thi tôt nghiêp THPT, và kỳ thi tuyển sinh ĐH cũng đang gần kề, khiến thí sinh thấp thỏm lo âu,... stress nặng nề.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tâm lý An Việt Sơn
"Không ít bậc phụ huynh kỳ vọng và đặt quá nhiều niềm tin lên vai con. Họ muốn con cái họ phải là người giỏi nhất, phải thi đỗ với điểm số cao nhất, phải làm rạng danh cho gia đình, dòng họ. Họ ép buộc con học triền miên sớm tối, không có thời gian nghỉ ngơi và khi con không đạt được những kỳ vọng như mong muốn, họ buồn phiền, trách móc con cái.
Sự kỳ vọng quá cao của bố mẹ vô hình chung đặt lên vai trẻ những áp lực tâm lý quá lớn. Có nhiều thí sinh tìm đến với chúng tôi tâm sự rằng, nếu thi không đạt điểm cao sẽ làm bố mẹ đau lòng lắm và là đứa con bất hiếu.
Điều đáng nói hơn là áp lực từ gia đình khiến các em dần mất đi sự tự chủ, tự tin của bản thân, gây tổn thương sâu sắc trong suy nghĩ và nhận thức. Khi trẻ sống mãi trong sự áp đặt và áp lực sẽ phải cố gắng "gồng mình" lên để đáp ứng, hoặc mặc kệ, hoặc miễn cưỡng làm chống đối.
Không những thế, trẻ còn mất dần hưng phấn, bị dập tắt mọi đam mê của bản thân, sống không có chủ kiến và quen dần với thói chỉ đâu đánh đó..."
Cũng theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, cha mẹ thay vì tạo áp lực cho con cái hãy biết lắng nghe con, động viên, khích lệ con kịp thời trước những thời điểm bước ngoặt của cuộc đời.
Các bậc cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con để hiểu được những lo lắng trong mùa thi cần giải tỏa nhằm chia sẻ cùng con. Cha mẹ hãy sát cánh với con trong mùa ôn thi bằng những việc làm cụ thể, cần thiết như nhắc nhở con dậy sớm học bài, ngủ nghỉ đúng giờ, không nên học ôn quá khuya ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi...
Ảnh minh họa
Không ép trẻ "nạp" đến "quá tải"
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, trước 18 tuổi, cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và biệt hóa hoàn toàn. Bộ não, cơ bắp, mạch máu... chưa hoàn chỉnh. Thời điểm này, tâm sinh lý của trẻ đang là lúc nhạy cảm, dễ xúc động, bồng bột nhất...
Các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc con, nắm bắt những thay đổi về mặt tâm sinh lý để có những uốn nắn kịp thời.
"Trước các kỳ thi, các thí sinh nên duy trì chế độ sinh hoạt điều độ. Học, ăn, ngủ theo giờ. Không nên học khuya quá 12 giờ đêm, ngủ đảm bảo 8 tiếng/ngày để cho bộ não khỏe mạnh và hoạt động tốt. Chế độ ăn nên vừa phải để tránh trì trệ cho bộ não và ì ạch cho cơ thể.
Khi ôn tập, thí sinh nên chủ động thay đổi không gian, vị trí để tạo cảm giác thư giãn, thoải mái cho bản thân. Trước ngày thi nên đi ngủ sớm để giữ tinh thần sảng khoái..." Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất nhấn mạnh.
Đừng cho trẻ thấy mình là người vô dụng, kém cỏi
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cũng đặc biệt nhấn mạnh, trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên dễ nhạy cảm và xúc động. Một lời nói, một hành động quá đáng của người lớn cũng dễ khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc.
Khi gặp những tổn thương về tinh thần, phần lớn trẻ phải tự vượt qua những căng thẳng và tự hồi phục. Tuy nhiên, những việc này sẽ tác động không tốt về sau. Những biểu hiện thường thấy là trẻ sẽ rơi vào trầm cảm lo âu, buồn phiền, giao tiếp xã hội kém đi, kết quả học suy giảm mạnh...
Không những thế, việc trẻ cảm thấy thua kém với bạn bè, tự ti với bản thân, cảm thấy mắc tội với gia đình vì mình là người vô dụng sẽ dẫn đến việc tự tử.
Trong các nghiên cứu về tâm lý, tâm thần ở Việt Nam, cho thấy áp lực học tập là một trong những nguyên nhân cao nhất đưa đến việc tự tử ở trẻ.
Trí Thức Trẻ
Hỏi - đáp về hội chứng suy nhược thần kinh Câu hỏi: Em (27 tuổi) hiện đang làm nhân viên công chức nhà nước. Gần đây do công việc nhiều nên em luôn cảm thấy rất đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, trí nhớ bị suy giảm rõ rệt. Xin hỏi đây có phải là biểu hiện của suy nhược thần kinh không? Em đọc báo thấy tại một hội thảo điều trị...