Học ở Bác để không bao giờ bỏ cuộc…
Anh Lưu cho biết: ‘Trong quá trình nghiên cứu, mình cũng gặp những thất bại và rút được nhiều bài học kinh nghiệm hơn và tìm giải pháp khắc phục. Bản thân luôn tự động viên là tuyệt đối không được chán nản, không bao giờ bỏ cuộc’.
Nguyễn Hoàng Duy Lưu bên mô hình nông nghiệp công nghệ cao – LÊ THANH
Chia sẻ về cách vận dụng những bài học của Bác, anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu kể hồi còn nhỏ đã sưu tầm được tờ lịch có ghi lời dạy của Bác: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh; học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu” ( Hồ Chí Minh). Tâm đắc lời dạy này, anh đã không ngừng vươn lên trong cuộc sống…
Sau khi tốt nghiệp ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Nguyễn Hoàng Duy Lưu về làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM).
Lưu đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng như những sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhằm giúp bà con nông dân và thanh niên nông thôn vận dụng vào trồng trọt để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều sáng kiến vì cộng đồng
Nguyễn Hoàng Duy Lưu (31 tuổi, quê Ninh Thuận) hiện là Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, vừa được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương gương “Thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác” năm 2020.
Trong chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện, Lưu trực tiếp tham gia hướng dẫn 58 chuyên đề tập huấn chuyển giao, phổ biến kỹ thuật sản xuất các loại rau ăn lá, rau mầm, dưa lưới, hoa lan, cây cảnh, nấm bào ngư, nấm linh chi, kỹ thuật nuôi tôm, cá cảnh… và mô hình hệ thống tưới tự động cho thanh niên nông thôn, bà con nông dân tại 5 huyện ngoại thành TP.HCM và các tỉnh Đắk Nông, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An với số lượng người thụ hưởng khoảng 1.800 người.
Lưu còn là đầu mối liên hệ, sắp xếp, hỗ trợ tiếp đón các “Chuyến xe tri thức” của Thành đoàn và tổ chức các chương trình cho thanh thiếu nhi tham quan, trải nghiệm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.
Lưu đã có sáng kiến “Xây dựng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn tại Cần Giờ”. Sáng kiến đem lại hiệu quả rõ rệt với năng suất là 3,5 tấn/1.000 m2. Mức độ làm lợi bằng tiền gần 128 triệu đồng/1.000 m2/năm. “Điều này góp phần làm thay đổi nhận thức của thanh niên nông thôn vì giúp họ khai thác quỹ đất bị nhiễm phèn tại nơi trước đó họ để hoang phí từ năm này qua năm khác với ý nghĩ không làm được gì”, anh Lưu cho biết.
Nguyễn Hoàng Duy Lưu được tuyên dương gương “Thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác” năm 2020
Video đang HOT
Hay như sáng kiến “Sử dụng dung dịch tảo và khoáng trong quy trình gieo ươm các giống cà tím, ớt, rau ăn lá, bầu, bí và khổ qua trong nhà màng” đã giúp tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt giống, giúp bộ rễ phát triển khỏe, tăng khả năng kháng bệnh khi xuất vườn và giảm thời gian từ trồng đến thu hoạch, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường, cung cấp cây con giống các loại; giảm thiệt hại cho bà con nông dân khi gieo hạt trực tiếp ngoài đồng ruộng…
Để có những sáng kiến được ứng dụng vào thực tế, Lưu cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, mình cũng gặp những thất bại và rút được nhiều bài học kinh nghiệm hơn và tìm giải pháp khắc phục. Bản thân luôn tự động viên là tuyệt đối không được chán nản, không bi quan và không bao giờ bỏ cuộc”.
Mỗi thanh niên làm nông nghiệp cần phải tìm tòi, chịu khó để vận dụng các phương pháp nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất ngày càng nhiều hơn để nâng cao hiệu quả, tăng năng suất về trồng trọt và chăn nuôi. Phải sản xuất sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ngày càng chất lượng hơn, có sức cạnh tranh không chỉ trong và ngoài nước.
Nguyễn Hoàng Duy Lưu
Theo Lưu, để nền nông nghiệp phát triển hơn, thanh niên nông thôn có thể làm giàu từ nông nghiệp, cần phải có mức độ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhiều hơn. Đặc biệt, mỗi thanh niên làm nông nghiệp cần phải tìm tòi, chịu khó để vận dụng các phương pháp nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất ngày càng nhiều hơn để nâng cao hiệu quả, tăng năng suất về trồng trọt và chăn nuôi. Phải sản xuất sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ngày càng chất lượng hơn, có sức cạnh tranh không chỉ trong và ngoài nước.
Phấn đấu thực hiện 4 chữ “cần, kiệm, liêm, chính”
Nói về những lời dạy của Bác, Lưu tâm đắc: “Vì thấy Bác nói chí lý quá, mình cũng có cảm nhận để đạt được thành công là rất gian nan. Để giữ được những thành quả đó mà không bị cám dỗ, tự mãn, thoái hóa còn phải cố gắng rất nhiều. Khi mình học THPT, anh trai mình thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cả gia đình tự hào lắm, vì cả làng chỉ có mình anh trai đậu trường đó. Nhưng rồi vì cám dỗ, tự mãn với những thành quả đạt được ban đầu, anh mình đã để việc học hành dở dang. Từ đó, mình càng thấy câu nói của Bác đúng với mọi hoàn cảnh”.
Lưu suy ra: “Mặc dù anh trai của mình cố gắng rất nhiều mới vào được đại học nhưng chỉ vì ham chơi lại bị đuổi học. Từ đó, mình rút ra được những điều cho bản thân để tránh đi vào vết xe đổ ấy, đó là phải luôn cố gắng và quyết tâm nhiều hơn nữa để cho dù chưa leo lên đến đỉnh núi nhưng cũng đừng để trượt chân té nhào. Phấn đấu thực hiện 4 chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính theo lời Bác Hồ dạy”, Lưu chia sẻ.
Không chỉ luôn vận dụng để học hỏi theo tấm gương của Bác mà với vai trò là Bí thư Đoàn Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Lưu còn thường xuyên triển khai nội dung học tập và làm theo lời Bác để làm sao lan tỏa đến nhiều bạn trẻ tại đơn vị. “Hằng năm, mình vận động 100% đoàn viên, thanh niên trong đơn vị đăng ký và thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các nội dung gần gũi, sát với thực tế của đơn vị”.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nguyễn Hoàng Duy Lưu từng đạt những giải thưởng tiêu biểu như: Giải thưởng Lương Định Của năm 2013 của T.Ư Đoàn; Bằng khen của T.Ư Đoàn vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019; Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi của Thành đoàn TP.HCM năm 2016; có thành tích xuất sắc trong tham gia chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện TP.HCM” năm 2018; giải thưởng Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện năm 2016 của Đoàn khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM.
Bỏ lại hào quang, 9X trồng nấm, vừa đi vừa khóc khi làm được điều này
Sau nhiều bài học thất bại trong kinh doanh thương mại, chàng trai 9X Nguyễn Anh Võ vẫn kiên trì với con đường trồng nấm hữu cơ. Có lẽ chính sự kiên trì đó là chìa khoá mang lại thành quả là doanh thu 800 triệu đồng mỗi năm, cung cấp 15 tấn nấm ra thị trường TP HCM mỗi tháng.
Đứng dậy sau vấp ngã
Là một người con của vùng đất Quảng Ngãi, nhưng gia đình Nguyễn Anh Võ lại sớm chuyển đến sinh sống và lập nghiệp tại TP.HCM. Từ nhỏ, Võ đã ấp ủ khao khát được kinh doanh, khởi nghiệp. Vì vậy, khi còn đang theo học khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Võ đã tự thành lập công ty riêng chuyên kinh doanh giày, dép.
Nguyễn Anh Võ - CEO trang trại Nấm Xanh tại TP.HCM. Nguyễn Anh Võ đang thu hái nấm bào ngư-1 trong những loại nấm ăn trồng với sản lượng lớn tại trang trại.
Tiếp cận với phương thức bán hàng online từ những ngày đầu, nên công việc kinh doanh của Võ khá thuận lợi, doanh thu công ty lên tới 2 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, do thành công đến quá sớm, cộng với việc thiếu kinh nghiệm quản lý, nhất là xem thường tài chính công ty nên Võ sớm thất bại. "Trắng tay ở tuổi 25, tôi nhận ra rằng, thành công nếu đến quá dễ dàng thì ta thường không biết trân trọng" - Võ chia sẻ.
Năm 2017, bỏ lại những hào quang quá khứ, chàng trai trẻ chân ướt chân ráo tiến vào lĩnh vực nông nghiệp với việc trồng nấm ăn, nấm dược liệu và kinh doanh nấm.
Hơn 1 năm học hỏi, năm 2018, Võ hợp tác với 2 người bạn thành lập trang trại mang tên Nấm Xanh tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Tại đây, Võ bắt đầu làm từ những công việc nhỏ nhất từ trộn mùn, vào bịch phôi, cấy meo, đi giao nấm... Công việc ngày nào cũng lặp đi lặp lại từ 5h30 sáng đến tận 1h đêm.
Võ cho biết: "Lúc đó rất mệt mỏi, nhưng trong tôi chỉ suy nghĩ một điều duy nhất là không có thành công nào trải đầy hoa hồng, vạn sự khởi đầu nan. Tôi cùng anh em cố gắng, xây dựng nông trại Nấm Xanh theo tiêu chuẩn VietGAP để mang lại nguồn nấm ăn, nấm dược liệu tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng".
Phôi nấm tại nhà xưởng của nông trại Nấm Xanh.
Việc tham gia trực tiếp vào các công việc trong xưởng giúp anh tiết giảm chi phí nhân công và quản lý được chất lượng sản phẩm nấm các loại. Tuy nhiên, do chưa nắm chắc kỹ thuật trồng nấm và việc thay đổi thời tiết môi trường, nên những mẻ nấm đầu tiên của Nấm Xanh hỏng tới 60%, khiến Võ thua lỗ khoảng 600 triệu đồng. Đây là số vốn rất lớn với nhóm bạn trẻ 9X, nhưng Võ và các cộng sự vẫn không nản chí, cả nhóm xác định theo con đường nông nghiệp là phải lâu dài.
Chủ động trong cuộc chơi khởi nghiệp
Ngoài việc duy trì trại nấm, Nguyễn Anh Võ còn đầu tư thời gian đi học hỏi thêm kỹ thuật trồng nấm. Sau khi tìm hiểu thị trường, anh nhận ra rằng, điều quan trọng nhất đối với nấm là chất lượng. Do đó, anh đầu tư công nghệ trồng nấm sạch.
Bên cạnh đó, Võ tập trung phát triển thị trường tiêu thụ nấm. Anh cho rằng, trồng nấm thì có nhiều người làm được, tuy nhiên, hầu hết nông dân mới chỉ tập trung vào kỹ thuật trồng nấm mà hoàn toàn bị động ở mảng thị trường tiêu thụ, hay nói cách khác là chưa biết làm thị trường cho nấm. Do đó, nhiều người thất bại và sớm bỏ cuộc giữa chừng.
Để chủ động ở cuộc chơi này, người sản xuất phải trả lời được 5 câu hỏi: Who - Where - When - What - How? (tức là khách hàng là ai? Họ ở đâu? Bán cho họ bằng cách nào? Khi nào họ lấy hàng? Đặc biệt là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm rao sao?). Khi xác định được 5 điều này sẽ không còn lo đầu ra nữa.
Trồng nấm heo tiêu chuẩn VietGAP và biết cách đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ, sản phẩm nấm sạch của Nguyễn Anh Võ đã vào được hệ thống siêu thị hiện đại. Những lứa nấm ăn, nấm dược liệu tại trang trại ngày càng nâng cao về sản lượng và chất lượng, trong đó có nấm bào ngư.
Không "ngồi im" đợi khách hàng, Võ lên kế hoạch đi chào hàng tại các chợ đầu mối. Sau khi chọn được các chợ mục tiêu, mỗi ngày Võ trực tiếp mang nấm đi chào từng sạp hàng, mỗi sạp hàng Võ đều tặng 1kg nấm để họ thấy được chất lượng của mình, kèm với đó là xin thông tin chủ sạp. "Việc chào hàng này đã giúp tôi giải quyết được 2 vấn đề, thứ nhất là có thông tin các mối lấy hàng, thứ 2 là ước lượng được lượng nấm đem về kho mỗi ngày" - Võ nói.
Ngoài ra, Võ còn tăng cường viết bài giới thiệu ở các trang mạng, đẩy nấm lên bán tại các sàn thương mại điện tử, tới chào hàng tại các hệ thống siêu thị lớn.
Công việc khởi sắc khi tháng 10/2019, Nấm Xanh nhận được hợp đồng cung cấp nấm cho một tập đoàn lớn sau khi vượt qua các kỳ kiểm tra chất lượng sản phẩm.
"Khi đó tôi đã không tin vào mắt mình. Chỉ biết rằng, trong suốt quãng đường về 20km tôi đã khóc như một đứa trẻ, khóc vì quá sung sướng và hạnh phúc, khóc vì nhóm đã đạt được thành công bước đầu, vì những cố gắng trong suốt hơn một năm đã có thành quả" - Võ bồi hồi nhớ lại.
Tiếp nối thành quả đầu tiên đó, Nấm Xanh vẫn kiên trì với phương thức sản xuất nấm sạch. Hiện nay, Nấm Xanh có 2 nông trại lớn tại khu vực huyện Hóc Môn (TP HCM) và tỉnh Long An, mỗi nông trại trồng nấm quy mô 2.500 m2, và đang cung cấp sỉ các loại nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm rơm và bột nấm cho một số nơi chuyên kinh doanh cùng một số chuỗi thương hiệu siêu thị và cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch.
Hiện nay, Nấm Xanh đang dồn lực, tập trung phát triển các sản phẩm nấm chế biến, trong đó có nấm linh chi.
Võ phân tích, phân khúc khách hàng của nấm rất lớn. Tuy nhiên, nhược điểm của sản phẩm nấm này là thời gian bảo quản ngắn và khó bảo quản khi vận chuyển xa. Do đó, các sản phẩm từ nấm chế biến sẽ khắc phục được toàn bộ những hạn chế này. Ngoài các sản phẩm trên, Võ còn có dự định sản xuất thêm các sản phẩm chế biến từ nấm như nấm đóng lon, ruốc nấm, giò chả nấm...
"Nấm Xanh sẽ phát triển trang trại theo hình thức liên kết chuỗi trong sản xuất, và tập trung vào mảng sản phẩm chế biến, ngoài chiếm lĩnh thị phần khách hàng trong nước, mục tiêu xa hơn là thị trường nước ngoài." - CEO Nấm Xanh Nguyễn Anh Võ chia sẻ.
Hồng Ân
Tìm việc làm sau dịch Covid-19: Hồi hộp chờ từng tin nhắn, cuộc gọi... Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều bạn trẻ mất việc đến các trung tâm việc làm tìm kiếm công việc mới, mong ổn định cuộc sống. Các bạn trẻ đến trung tâm xin việc để được tư vấn về ngành nghề mà mình lựa chọn - TẤN ĐẠT Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ không đi theo "lối mòn xin việc" ở các...