Học giả Trung Quốc: Phải “phản đòn” Mỹ tại ARF
Trung Quốc cần phải chiến đấu chống lại áp lực của Mỹ và Philippines tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Myanmar, ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, tuyên bố trên báo Trung Quốc Global Times.
Ông này cáo buộc Mỹ có thể tới ARF với “tấm áo choàng đạo đức”, nhưng thực tế là đang tập trung nỗ lực chống Trung Quốc.
Phát biểu của ông Shi trực tiếp nhắm vào thông tin Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự định đề xuất tại ARF sáng kiến “ tự nguyện đóng băng” mọi hành động làm trầm trọng thêm các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
Giáo sư Shi Yinhong thuộc Viện Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc
Nội dung đề xuất nhận được sự ủng hộ của Philippines, quốc gia cũng tuyên bố sẽ đề nghị áp dụng bộ quy tắc ứng xử và trọng tài để giải quyết các tranh chấp, cho dù Trung Quốc phản đối.
Trước đó, ngày 5/8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, cho rằng, các bên đòi chủ quyền trên biển Đông “cần tự nguyện lùi lại, xác định các hành động mang tính chất gây hấn và ngừng các hành động đó”.
Video đang HOT
Ông nêu rõ, dù Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng việc hạ đặt giàn khoan trước đó đã dẫn tới căng thẳng, giận dữ và “những câu hỏi nghiêm túc của các nước láng giềng về chiến lược dài hạn của Trung Quốc”.
Ông Shi lớn tiếng tuyên bố: “Trung Quốc phải chiến đấu chống trả”. Theo trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 7/8, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi quan điểm hung hăng về các tranh chấp lãnh thổ, đòi khoảng 90% chủ quyền biển Đông.
Ngày 4/8, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố Bắc Kinh có thể làm bất cứ việc gì mình muốn trên các đảo đang nắm giữ. “Trung Quốc làm gì hay không làm là việc của chính phủ Trung Quốc”, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo – Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dịch Tiên Lương, trịch thượng phát biểu. Trung Quốc phản đối đề xuất “đóng băng” tranh chấp của Mỹ và Philippines vì cho rằng nó phản ánh “tiêu chuẩn kép”.
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) ngày 7/8 nhận định, vấn đề tranh chấp ở biển Đông có nguy cơ lái các cuộc họp của ASEAN tại Myanmar thành cuộc chiến giằng co.
Theo Thục Ninh
Tiền phong/The Diplomat, Want China Times
Iran giới thiệu vũ khí tối tân mới
Iran vừa cho trình làng hệ thống điều khiển tên lửa mới cùng một loại áo giáp thông minh sau khi khéo léo "để lộ" hợp đồng bán vũ khí và đạn dược cho Iraq với tổng trị giá lên tới 195 triệu USD, bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc.
Hệ thống điều khiển tên lửa mới và áo giáp thông minh được đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Tướng Hossein Dehghan, giới thiệu.
Theo đó, hệ thống điều khiển mới được dùng để điều khiển tên lửa đạn đạo, có khả năng xác định chính xác các mục tiêu trên biển cũng như đất liền và giúp tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của quân đội Iran.
Hệ thống điều khiển tên lửa này không chỉ có công nghệ đạt độ chính xác cao hơn các hệ thống điều khiển cũ, mà còn được thiết kế rất "thông minh" giúp vượt qua các hệ thống đánh chặn tên lửa và có sức công phá lớn.
Ngoài hệ thống điều khiển tên lửa trên, quân đội Iran còn giới thiệu một loại áo giáp sử dụng chất liệu hỗn hợp mới, được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế tân tiến và có thể chống lại mọi loại đạn xuyên giáp hiện nay.
Những thiết bị và công nghệ tên lửa mới này cho thấy Iran là một trong số ít các nước sở hữu công nghệ vũ khí tối tân. Trong thời gian qua, Tehran được cho là đang tất bật chế tạo những công nghệ vũ khí mới để tăng cường sức mạnh quân sự.
Ngoài việc phát triển vũ khí tăng cường tiềm lực quân sự, Iran cũng đang đẩy mạnh các hợp đồng bán vũ khí ra bên ngoài, bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc (LHQ) về việc cấm buôn bán vũ khí với Iran. Theo một số nguồn tin thân cận ở Trung Đông, mới đây Nhà nước Hồi giáo đã ký thỏa thuận bán vũ khí và đạn dược cho Iraq với tổng trị giá lên tới 195 triệu USD.
Thỏa thuận đạt được cuối tháng 11 năm ngoái, chỉ vài tuần sau khi Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki thất vọng trở về từ chuyến thăm Washington. Trong chuyến thăm này, ông al-Maliki đã tìm cách vận động chính quyền Mỹ cung cấp thêm vũ khí quân sự cho Iraq để chống lại các lực lượng nổi dậy đang liên kết với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Tuy nhiên, Washington đã không đáp ứng yêu cầu này do nhận thấy Bagdad đang xích lại gần Tehran.
Một số nghị sỹ Iraq cho rằng ông al-Maliki đã ký thỏa thuận với Iran vì "chán ngán" việc Mỹ trì hoãn chuyển giao vũ khí. Trong khi đó, người phát ngôn của ông al-Maliki giải thích thương vụ mua bán này có ý nghĩa rất cần thiết trong bối ảnh an ninh ngày càng xấu đi ở Iraq hiện này.
"Chúng tôi đang phát động cuộc chiến chống khủng bố và chúng tôi muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Không gì có thể ngăn cản chúng tôi mua vũ khí và đạn dược để chống khủng bố', người phát ngôn Ali Mussawi khẳng định.
Nếu những thông tin về hợp đồng là đúng, thì đây là hợp đồng mua bán vũ khí đầu tiên được ký kết giữa hai chính phủ Iran và Iraq đều do người Shi'ite kiểm soát kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq cách đây 2 năm. Điều này càng làm tăng thêm lo ngại của Mỹ về sự quay trở lại của vòng cung Shi'ite ở khu vực Trung Đông, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực ngoại giao của Washington trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran và đi đến thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Nhà nước Hồi giáo.
Trong phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang đánh giá về những thông tin liên quan đến hợp đồng mua bán vũ khí giữa Iran và Iraq.
"Mọi hoạt động chuyển giao vũ khí từ Iran đến nước thứ ba đều vi phạm nghị quyết 1747 của Hội đồng Bảo an LHQ. Chúng tôi đang xác minh lại với chính phủ Iraq để đảm bảo rằng giới chức nước này hiểu đúng về giới hạn lệnh cấm trong hợp đồng vũ khí với Iran. Nếu hợp đồng này là có thật, nó sẽ gây ra những quan ngại nghiêm trọng", nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định.
Đức Vũ
Theo Dantri