Học giả Trung Quốc: Kim Jong-un ngày càng có xu thế “thoát Trung”
Ngưu Tự Vũ cho rằng tư duy “thoát Trung” hiện nay trong giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên là rất đáng lo ngại.
Ông Jang Song-thaek hội kiến với ông Hồ Cẩm Đào trong một chuyến công du Bắc Kinh.
Tờ Đa Chiều ngày 10/10 đăng bài phân tích của Ngưu Tự Vũ, một học giả Trung Quốc chuyên về các vấn đề chính trị bình luận, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ cách chức, tử hình ngay lập tức Jang Song-thaek đã mở đầu một thời kỳ mới, thời kỳ “thoát Trung”. Ông Jang Song-thaek là Đại tướng – Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, người được cho là cầu nối Bình Nhưỡng với Bắc Kinh, chủ trương học tập mô hình Trung Quốc.
Video đang HOT
Điều này đã được không ít học giả bình luận sau khi xảy ra sự kiện chấn động dư luận thế giới vào cuối năm ngoái, khi ông Jang Song-thaek bị tử hình. Bình Nhưỡng kết tội ông kéo bè kéo đảng, âm mưu lật đổ, tham nhũng, bán đất bán khoáng sản vô tội vạ cho Trung Quốc gây thiệt hại nghiêm trọng…Tuy nhiên nhiều người cho rằng đó chỉ là cái cớ, mà thực chất là Kim Jong-un muốn loại bỏ hòn đá tảng đầu tiên là Jang Song-thaek khi khởi động chính sách đối ngoại “thoát Trung”.
Ý tưởng “thoát Trung” bắt đầu kể từ khi Trung Quốc tuyên bố ủng hộ nghị quyết 2094 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc trừng phạt Bắc Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân đầu năm 2013.
Ngưu Tự Vũ bình luận, trong hơn nửa năm qua sau cái chết của Jang Song-thaek, quan hệ Trung – Triều gần như đóng băng toàn diện. Choe Ryong-hae sau khi làm đặc sứ đại diện Kim Jong-un sang Trung Quốc về cũng bị thất sủng, mất chức.
Mấy tháng gần đây, Bình Nhưỡng lại đột ngột xúc tiến các hoạt động ngoại giao phá băng và tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Triều Tiên và Nhật Bản đã đạt được nhận thức chung về vấn đề bắt cóc con tin trong tháng 7, quan hệ Nhật – Triều đang phát triển khá ổn định.
Jang Song-theak bị bất ngờ cách chức, tử hình vì bị cho là thân Trung Quốc?
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong đã đến Mỹ tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, sau đó đi thăm Nga. 3 quan chức hàng đầu Triều Tiên đã bất ngờ sang Hàn Quốc hôm Thứ Bảy tuần trước. Trong khi đó không có bất cứ hoạt động nào trong quan hệ đối ngoại Trung – Triều. Kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức cũng không có bất cứ hoạt động chúc mừng nào được tổ chức ở cả 2 nước.
Cơ chế thăm viếng trao đổi các đoàn cấp Bộ trưởng giữa Trung Quốc và Triều Tiên năm nay hoàn toàn đình trệ. Thậm chí bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay, Vương Nghị – Ngoại trưởng Trung Quốc và Ri So-yong không hề gặp mặt cho thấy quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đang lạnh nhạt đến mức nào.
Ngày 11/7 là ngày kỷ niệm 53 năm ký Điều ước hữu nghị Trung – Triều không được tổ chức, ngày 26/7 Triều Tiên tổ chức đại hội kỷ niệm Ngày Chiến thắng cũng không nhắc tới một chữ Trung Quốc nào. Trung Quốc kỷ niệm 87 năm ngày thành lập quân đội hôm 1/8, Tùy viên Quân sự Triều Tiên không tham gia mà phái trợ lý đi thay.
Điện mừng quốc khánh Triều Tiên của Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang năm nay cũng bị Triều Tiên xếp sau các nước khác, động thái chưa từng có tiền lệ.
Ngưu Tự Vũ cho rằng tư duy “thoát Trung” hiện nay trong giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên là rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chiến lược quay trở lại châu Á.
Ngoại giao lâu nay vẫn là cánh tay nối dài của nội chính, sự thay đổi trong chính sách của Bình Nhưỡng với Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là xu thế “thoát Trung” phản ánh sự chuyển biến trong nội bộ nền chính trị Triều Tiên dưới áp lực của các bện pháp trừng phạt.
Theo Giáo Dục