Học giả TQ nóng mặt công kích TT Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Trước bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản tại Đối thoại Shangri-La chỉ trích Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế, một số học giả quân sự Trung Quốc phản pháo ông Abe rằng không xứng đáng để phát biểu về luật pháp quốc tế và cáo buộc ngược rằng chính Nhật bản mới gây đe dọa an ninh khu vực.
Phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe đêm 30.5 tuy không đề cập trực tiếp Trung Quốc nhưng được hiểu ngầm là muốn nhắm vào Trung Quốc. “Nhật Bản ủng hộ tối đa với nỗ lực của các nước ASEAN trong công tác bảo vệ an ninh lãnh hải và bầu trời, duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không” – ông Abe nói.
Các học giả Trung Quốc vin vào câu nói của ông Abe rằng “quan hệ Nhật – Mỹ là nền tảng của an ninh châu Á, các nước ASEAN hãy kiên quyết phản kháng bất kỳ hình thức cưỡng ép đe dọa nào trong tranh chấp hàng hải” để chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore.
Đại tá Xu Qiyu, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc, nói: “Thủ tướng Abe muốn sử dụng Trung Quốc như khẩu hiệu để huy động các nước khác liên kết với Nhật Bản, cải thiện vai trò quốc tế của nước này”.
“Nhưng thực tế, một liên minh quân sự như vậy là thứ còn sót lại từ sau Chiến tranh Lạnh. Nó được thành lập với mục đích ban đầu để đối đầu chống lại một khối quân sự đối thủ. Trong thế kỉ 21, chiêu tâm lý cùng chiến đấu chống loại kẻ thù tiềm tàng không còn phù hợp” – Thiếu tướng Yao Yunzhu (Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc) nhận xét.
Video đang HOT
Các học giả và quan chức Trung Quốc đều phản pháo rằng chính Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, mới là nước đang có động thái đe dọa an ninh khu vực khi muốn xóa bỏ những giới hạn vai trò quân sự của Nhật Bản thời hậu chiến, củng cố sức mạn quân đội.
Trong khi đó, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Wang Guanzhong kịch liệt phản đối bài phát biểu sáng nay 31.5 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La, khi ông Hagel cáo buộc Trung Quốc “gây bất ổn, có hành động đơn phương để khẳng định yêu sách chủ quyền trên biển Đông”.
Theo AFP, Phó tổng tham mưu Wang chỉ trích bài phát biểu của ông Hagel là “vô căn cứ”, lên án Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra những bình luận như vậy tại một diễn đàn công cộng với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, nhà ngoại giao, chuyên gia an ninh…
“Bài phát biểu này sặc mùi hiếu chiến, kích động, đe dọa, thể hiện quyền bá chủ” – ông Wang phát biểu trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc. “Chúng hoàn toàn không thể hiện tinh thần xây dựng, và hơn thế nữa là nhiều lần công khai chỉ trích Trung Quốc, mà những cáo buộc này hoàn toàn không có cơ sở, không có nguyên nhân”.
Như tin đã đưa, sau bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 31.5 cáo buộc Trung Quốc có những “hành động bất ổn định” trên biển Đông và cảnh báo rằng Washington sẽ không làm ngơ nếu trật tự thế giới bị đe dọa.
Bộ trưởng Hagel thể hiện lập trường cứng rắn tại diễn đàn Shangri-La ngày 31.5, cảnh báo những hành động gần đây của Bắc Kinh muốn chiếm quyền kiểm soát các quần đảo và vùng lãnh hải thuộc chủ quyền nước láng giềng có nguy cơ phá vỡ trật tự thế giới.
“Không chỉ là chủ quyền của các bãi đá, rạn sang hô hay hải đảo, hay thậm chí là nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh và bên dưới chúng. Vấn đề là sự duy trì bền vững của một trật tự châu Á – Thái Bình Dương thiết lập dựa trên luật lệ” – Bộ trưởng Hagel nói.
Bộ trưởng Hagel cáo buộc Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đe dọa và cưỡng ép, đồng thời liên tục chỉ trích Trung Quốc là bên gây hấn. “Trung Quốc đang cố gắng gây bất ổn, sử dụng những hành động đơn phương để củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển Đông”.
Theo Một Thế Giới
Đối thoại Shangri-La nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình
Một nguyên tắc của Luật Biển là các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền
Trong ngày làm việc thứ 2, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 tại Singapore đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chiến lược tại khu vực bằng con đường hòa bình.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề "Đóng góp của Mỹ cho sự ổn định của khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và ba nguyên tắc liên quan tới luật biển, đó là các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền và các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera (Ảnh AP)
Ông Onodera đồng thời kêu gọi Trung Quốc đối thoại để giải quyết những căng thẳng trên biển: "Đây không chỉ là vấn đề có thể đối thoại hay không, mà vấn đề là Trung Quốc là một nước láng giềng quan trọng. Từ quan điểm của Nhật Bản, chúng tôi đã nói với phía Trung Quốc rằng, dù có những khác biệt về lập trường song chúng ta cần tạo bầu không khí để thúc đẩy các cuộc đối thoại đúng đắn."
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong việc duy trì an ninh, hòa bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đề cập đến tình hình gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Mỹ phản đối bất kỳ nước nào đi ngược lại nguyên tắc này.
Ông Hagel nói: "Tất cả các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc, phải lựa chọn: hoặc cùng thống nhất và tái cam kết về một trật tự bình ổn trong khu vực, hoặc bỏ ra ngoài cam kết và gây nguy hiểm cho hoà bình và an ninh vốn đang mang lại lợi ích cho hàng triệu người ở châu Á - Thái Bình Dương và hàng tỉ người trên thế giới."
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc về hành vi giải quyết tranh chấp không qua biện pháp ngoại giao cũng như luật pháp quốc tế mà bằng hành vi khiêu khích, đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời cảnh báo nước Mỹ không làm ngơ trước việc trật tự và luật pháp quốc tế đang bị thách thức nghiêm trọng.
Tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 này, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc cùng Việt Nam đàm phán để giữ quan hệ hữu nghị hai nước. Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đề cập vụ Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Khẳng định lại chủ trương của Việt Nam là kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển ĐÔng (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và quan hệ hữu nghị giữa hai nước./.
Theo VOV
Trung Quốc lộ điểm yếu tại Shangri-La Phát biểu của quan chức Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2014 đã chỉ ra hội chứng sợ "công lý" của giới lãnh đạo quốc gia luôn kêu gọi "hòa bình" này. Bà Phó Oánh, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc (giữa) tại Đối thoại an ninh khu vực Shangri-la khai mạc trong ngày thứ sáu 30/5 ở Singapore....