Học giả Ấn Độ kỳ vọng Việt Nam nâng cao vai trò và uy tín
Theo học giả Ấn Độ, việc được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ giúp nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa trái) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước. (Ảnh: THX/TTXVN)
Việc được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách quốc gia đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối (192/193), thể hiện sự tin cậy mà các nước khác dành cho Việt Nam và cũng sẽ giúp nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đây là bình luận của giáo sư Shankari Sundararaman, Giám đốc Trung tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học JNU, New Delhi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Ấn Độ ngày 9/6, bà Sundararaman khẳng định xét về khía cạnh kinh tế, Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chuyển hướng về phía Đông, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang lâm vào cuộc chiến tranh thương mại.
Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 6,8% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh từ nay đến năm 2030.
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN. Khi đó, với vai trò ở cả khu vực và toàn cầu, tiếng nói của Việt Nam sẽ càng có sức nặng.
Bình luận về vai trò của Việt Nam với tư cách ủy viên Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, bà Sundararaman cho rằng Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm của mình để góp phần giải quyết cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực bị chia cắt với nhiều gia đình bị ly tán.
Trong quan hệ lịch sử với Mỹ, Việt Nam đã có thể gác lại quá khứ và hướng tới tương lai. Hiện hai nước đang là Đối tác Toàn diện và mối quan hệ song phương không ngừng phát triển. Đây là một bài học có thể được vận dụng cho mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên hiện nay.
Video đang HOT
Trên thực tế, hồi tháng Hai vừa qua, Việt Nam đã đóng vai trò là nước đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, thể hiện được vai trò và uy tín của mình bằng việc tổ chức thành công sự kiện.
Ngoài ra, là một ủy viên của Hội đồng Bảo an, Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề duy trì an ninh hàng hải, khi nước này đang kiên trì thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc.
Cũng theo bà Sundararaman, một trong những vấn đề thách thức nhất mà Việt Nam và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an phải đối mặt trong những năm tới là việc cải tổ cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc này.
Bà Sundararaman cho rằng Liên hợp quốc cần phải điều chỉnh cho phù hợp với các thực tiễn của thế giới ngày nay, thông qua việc mở rộng số ghế của cả ủy viên thường trực lẫn ủy viên không thường trực để mang tính đại diện cao hơn./.
Theo Huy Lê (TTXVN/Vietnam )
Các cơ quan LHQ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ở Hội đồng Bảo an
Liên Hợp Quốc (LHQ) sẵn sàng đứng cạnh hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ.
- Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
Ông Kamal Malhotra: Tôi nghĩ rằng đây là một sự kiện rất có ý nghĩa bởi vì nó đã chứng tỏ Việt Nam đạt được sự tin cậy của tất cả các quốc gia thành viên LHQ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương để trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ trong giai đoạn thách thức để trả lời cho các câu hỏi "nóng" trong quan hệ quốc tế.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. (Ảnh: VGP/Thuỳ Dung)
Tôi nghĩ rằng sự kiện này đã thể hiện nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của Việt Nam nói chung và nỗ lực của Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ và những nhà ngoại giao Việt Nam nói riêng, những người đã làm việc rất tích cực và vất vả để đạt được mục tiêu này.
- Xin ông đưa ra những đánh giá về công tác chuẩn bị của Việt Nam trong việc trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021?
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Khoảng 10 năm trước đây, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và như vậy Việt Nam đã có những kinh nghiệm cho vị trí này và hiểu vai trò này có những ý nghĩa thế nào.
Tuy nhiên trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay có nhiều thách thức hơn so với 10 năm trước đây và bản thân Hội đồng Bảo an LHQ cũng bị chia rẽ nhiều hơn trước đây, tôi tin chắc Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị cho điều này.
Tôi được biết là Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo và mời những chuyên gia đến để chia sẻ kinh nghiệm. Như vậy Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho cơ hội này cũng như trong việc phân định các mục tiêu ưu tiên.
Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn sau cuộc bầu cử. Sau ngày bầu cử, những sự chuẩn bị này sẽ được khởi động. Và tất nhiên LHQ sẵn sàng đứng cạnh Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ tới này.
- Xin ông hãy chỉ ra những thách thức và cơ hội cho Việt Nam khi trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang trỗi dậy hiện nay?
Trong bối cảnh của thế giới hiện nay có nhiều thách thức khi mà chủ nghĩa đa phương hiện nay cũng đang bị đe dọa. Một trong những đóng góp rất đáng ghi nhận là Việt Nam là sự ủng hộ rất mạnh mẽ và nhất quán chủ nghĩa quan hệ đa phương.
Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì quan điểm này của mình một cách nhất quán trong tất cả các cuộc bầu cử khi trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Một thách thức lớn nữa mà tôi đã nói là hiện nay Hội đồng Bảo an LHQ đang rất chia rẽ do đó Việt Nam cần thể hiện năng lực của mình để trở thành cầu nối giữa các bên có quan điểm khác nhau. Đấy chính là giá trị của Việt Nam khi đảm nhận vai trò này.
Một thực tế nữa là Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020. Đây chính là một cơ hội giúp cho việc tương trợ nhất quán bổ sung cho nhau giữa hai vai trò cấp toàn cầu và khu vực, giữa LHQ và những tổ chức khu vực như là ASEAN. Tôi nghĩ là Việt Nam có một vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo sự bổ sung, mạch lạc, nhất quán và hiệp lực giữa hai vai trò này.
Tôi cũng nghĩ rằng đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc giải quyết xung đột trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi mà những xung đột này có tác động rất lớn trên thế giới. Vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là một thách thức lớn. Việt Nam đã rất thành công khi đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều và cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Các vấn đề về Bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết sớm ngày một ngày hai trong chương tình nghị sự của Hội đồng Bảo an LHQ. Do đó Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tiếp tục thể hiện vai trò tích cực trong vấn đề này.
Một vấn đề nữa là khủng hoảng nhân đạo và thách thức chính trị ở Myanmar, trong đó có làn sóng người tị nạn Rohingya. Đây không chỉ là vấn đề cấp bách cho ASEAN mà còn là thách thức cho Hội đồng Bảo an. Việt Nam, với vai trò kép của mình vừa là Chủ tịch luân phiên của ASEAN và là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, hướng đến giúp cho cả hai thể chế này có quan điểm nhất quán trong các vấn đề "nóng" này.
Việt Nam cũng có thể đóng góp rất tích cực vì Việt Nam có mối quan hệ truyền thống và tin tưởng lẫn nhau rất lớn với Myanmar trong nhiều năm. Do đó có thể thấy Việt Nam có thể đóng góp nhiều vai trò khác nhau.
Một lĩnh vực nữa là tham gia vào việc gìn giữ hòa bình LHQ. Chúng ta thấy rõ Việt Nam đã có những đóng góp và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ với quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã đạt được sự tin cậy nhiều hơn sau khi tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như gia tăng vai trò của mình khi tham gia vào các thảo luận về hòa bình trên thế giới trong Hội đồng Bảo an. Tôi nghĩ trong hai năm tới Việt Nam cần phải tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Như vậy sự tin cậy cũng như kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ ngày càng được củng cố.Xin cám ơn ông!
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA lần 2: Củng cố uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam Việt Nam đang chứng tỏ uy tín và tiếng nói có trọng lượng của mình trong cộng đồng quốc tế và các diễn đàn đa phương Ngày 7/6/2019, theo giờ Mỹ, Việt Nam đã trúng cử cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, với số phiếu gần như tuyệt đối: 192/193 phiếu bầu. Đây là lần...