Học được gì từ kinh nghiệm truy vết, xét nghiệm Covid-19 của Singapore?
Hiểu và học hỏi chiến lược ứng dụng công nghệ truy vết và xét nghiệm nhanh để kiểm soát dịch hiệu quả như Singapore.
Tính đến ngày 16/8, 78% dân số Singapore đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều, và 82% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Với tốc độ này, Singapore có thể sớm đạt miễn dịch cộng đồng ngay trong tháng 9 năm nay. Kết quả chống dịch thuận lợi không chỉ đến từ chương trình tiêm chủng đang đạt hiệu quả tốt, mà còn nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao vào việc truy vết và xét nghiệm.
Truy vết hiệu quả nhờ kết hợp đồng bộ 2 công nghệ
Một yếu tố khác góp phần tới thành công của nỗ lực đối phó với dịch bệnh của Singapore thời gian qua chính là việc kết hợp hệ thống truy vết tiếp xúc gần qua ứng dụng TraceTogether và công nghệ SafeEntry đánh dấu sự có mặt của người dân tại từng địa điểm. Nhờ đó, khi xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, chính phủ có thể thực hiện truy vết nhanh hơn, đồng thời người dân Singapore có thể chủ động theo dõi nguy cơ lây nhiễm bệnh của bản thân.
Cụ thể, ứng dụng TraceTogether sử dụng công nghệ bluetooth để ghi lại các tiếp xúc gần giữa người dân, từ đó có thể truy vết F1 nhanh chóng khi xuất hiện một ca mắc Covid-19. Đặc biệt hơn cả, TraceTogether không giới hạn tính năng dưới dạng ứng dụng điện thoại, mà còn có thể được sử dụng trên phiên bản phần cứng – thiết bị token phát miễn phí cho người dân.
Singapore quy định tất cả các trụ sở cơ quan, nhà ga, sân bay, siêu thị, nhà hàng đều phải cài đặt SafeEntry, yêu cầu sử dụng ứng dụng TraceTogether (Ảnh: Straitstimes.com).
SafeEntry giúp theo dõi lịch trình di chuyển của người sử dụng thông qua việc ghi lại số định danh và số điện thoại di động của các cá nhân khi họ đến một địa điểm nào đó. Ngay khi phát hiện một ca nhiễm bất kỳ, người dân sẽ ngay lập tức được thông báo và có thể tự đối chiếu lịch trình di chuyển của bản thân với ca lây nhiễm, từ đó có thể theo dõi hoặc tiến hành xét nghiệm theo khuyến cáo của Chính phủ. Tính đến đầu tháng 6, đã có trên 90% dân số Singapore cài đặt ứng dụng TraceTogether và sử dụng hàng ngày như một phần của nhịp sống bình thường mới.
Bên cạnh đó, Singapore còn sử dụng công nghệ phát hiện Covid-19 qua nước thải tại các chung cư, tòa nhà bằng cách kiểm tra sự khác biệt trong trình tự di truyền của virus SARS-CoV-2, từ đó xác định được biến thể Covid-19. Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) hiện đang tiến hành theo dõi nước thải của hơn 200 địa điểm, bao gồm các viện dưỡng lão, khu nhà ở, ký túc xá của công nhân nhằm giám sát và phát hiện Covid-19.
Công nghệ mới này còn giúp hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho các cán bộ y tế xét nghiệm, bởi virus SARS-CoV-2 gần như không xuất hiện trong máu và nước tiểu. (Ảnh: Straitstimes.com).
Tăng cường công nghệ xét nghiệm nhanh bên cạnh PCR
Video đang HOT
Hiện tại, xét nghiệm tiêu chuẩn PCR được xem là phương pháp cho kết quả chính xác nhất đối với Covid-19, song thường mất 1-2 ngày mới cho ra kết quả. Vì vậy, để nhanh chóng phát hiện và cách ly các trường hợp lây nhiễm, Singapore đã áp dụng thêm công nghệ xét nghiệm nhanh kháng nguyên ART cho kết quả trong vòng 30 phút. Phương pháp này chính là một trong những biện pháp kiểm soát hữu hiệu cho phép Singapore tái tổ chức các hội nghị, sự kiện đông người, thay vì phải hạn chế tất cả mọi hoạt động như trước.
Đồng thời, công nghệ xét nghiệm qua hơi thở cho kết quả trong 60 giây do Công ty Breathonix thuộc Đại học Quốc gia Singapore phát triển, đã được đưa vào áp dụng từ cuối tháng 5/2021. Phương pháp này bước đầu được triển khai tại Causeway và Sân bay Changi – những cửa ngõ quan trọng của Đảo quốc Sư Tử.
Đáng chú ý, trong tháng 6 vừa qua, các bộ kit xét nghiệm nhanh cũng đã bắt đầu được bày bán tại các hiệu thuốc Singapore. Biện pháp này cho phép cán bộ y tế tuyến đầu và bất cứ người dân nào có thể tự làm xét nghiệm tại nhà, qua đó có thể chủ động phát hiện những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Singapore đang tiếp tục ứng dụng các phương pháp xét nghiệm huyết thanh và phương pháp phân tích bộ gen virus có thể trợ giúp các nhà khoa học trong việc xác định “bệnh nhân số 0″ của một cụm dịch.
Không chỉ đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm Covid-19, việc đa dạng hóa các phương pháp xét nghiệm nhanh còn cho phép Singapore sớm tái thiết các hoạt động bình thường ngay trong bối cảnh dịch bệnh (Ảnh: Straitstimes.com).
Có thể thấy, chiến lược kiểm soát dịch Covid-19 của Singapore kết hợp nhuần nhuyễn nhiều biện pháp khác nhau, từ công nghệ truy vết đồng bộ đến ứng dụng nhiều phương pháp xét nghiệm Covid-19. Nhờ đó, nước này đã bước đầu tiến hành mở cửa nền kinh tế theo “4 giai đoạn”, bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm soát từ ngày 10/8, cho phép các quán ăn, nhà hàng và một số hoạt động cộng đồng mở cửa trở lại. Trong đó đáng chú ý, Singapore không bắt buộc đo nhiệt độ tại nơi công cộng. Theo Bộ Y tế Singapore dù số lượng ca nhiễm vẫn đang cao nhưng việc tăng cường xét nghiệm nhanh, xét nghiệm định kỳ giúp phát hiện các ca lây nhiễm nhanh hơn.
Đặc biệt, ngày 21/6 trong buổi tọa đàm với vừa qua đã diễn ra buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan khẳng định Singapore sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong tiếp cận nguồn vắc xin cũng như kỹ thuật áp dụng công nghệ cao trong truy vết, xét nghiệm nhanh mà nước này đang áp dụng. Đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu để Việt Nam học hỏi và áp dụng kiểm soát dịch Covid-19, sớm đưa nhịp sống của người dân tiến tới trạng thái bình thường mới.
Bí quyết của Singapore trên trận tuyến chống dịch COVID-19
Singapore đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 70% dân số đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và 79% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Bất chấp nắng nóng, người dân xếp hàng bên ngoài phòng khám Wee HealthFirst chờ tiêm vaccine. Ảnh tư liệu: CNA
Thành quả này giúp Singapore thực hiện kế hoạch từ ngày 10/8 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, nối lại nhiều hoạt động hơn và chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại nền kinh tế. Chính phủ Singapore ngày 11/8 cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm lên khoảng 6-7%, so với 4-6% trước đó.
Trong bức tranh châu Á, Singapore được xem là một trong những "điểm sáng" hiếm hoi vẫn khống chế được sự lây lan của COVID-19 nhờ triển khai sớm chương trình tiêm chủng cho người dân. Điều này cũng giúp "đảo quốc Sư tử" dần chủ động hơn để có thể linh hoạt và tạo tiền đề cho việc trở lại các hoạt động kinh tế.
Nhìn nhận từ thực tế, có thể thấy Singapore dường như đã có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều trước làn sóng COVID-19 mới do biến thể Delta gây ra, với năng lực truy vết và xét nghiệm được nâng cao và đặc biệt chương trình tiêm vaccine cho người dân có những tiến triển vượt bậc. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại "đảo quốc Sư tử" vẫn duy trì bình quân gần 100 ca/ngày trong tuần qua, song là mức rất thấp so với các nước khác. Việc tiêm vaccine đã giảm nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh nặng dẫn tới tử vong, hơn 90% số ca nhiễm mới ở Singapore là những người chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi vaccine.
Dù kết quả đạt được chưa hẳn là hoàn hảo nhưng có thể nói những gì thu được là đáng ghi nhận. Trong số các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay, vaccine vẫn được xem là tấm lá chắn hiệu quả nhất. Tiêm chủng là giai đoạn tiếp theo của một giải pháp lâu dài và bền vững để đối phó với dịch bệnh, hướng đến miễn dịch cộng đồng. Nhìn từ góc độ này, Singapore rõ ràng đã có sự chuẩn bị khá chủ động, với việc sớm phê duyệt và triển khai sử dụng các loại vaccine của Moderna và Pfizer.
Vấn đề nguồn cung và phương cách tiếp cận có thể xem là yếu tố góp phần cho sự thành bại của chương trình tiêm chủng mà quốc gia này thực hiện. Chính phủ Singapore đã có chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và trấn an những lo ngại về tác dụng phụ của việc tiêm vaccine, thông qua sự hậu thuẫn của các phương tiện truyền thông. Sự đồng bộ trong công tác quản lý, với một chiến lược cụ thể và minh bạch đã giúp Chính phủ Singapore có được lòng tin của người dân.
Là một quốc gia phát triển, Singapore có hệ thống hậu cần phục vụ cho công tác tiêm phòng và xét nghiệm khá hiệu quả. Quá trình đăng ký tiêm diễn ra đơn giản và nhanh chóng, trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ tiêm chủng được triển khai tại nhiều trung tâm cộng đồng trên khắp cả nước. Giới chuyên gia nhận định "thiên thời-địa lợi-nhân hòa" là những yếu tố đã đem lại kết quả tốt cho chương trình tiêm chủng của Singapore.
Người lao động được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại làm việc tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Singapore cũng đã triển khai các xét nghiệm nhanh kháng nguyên, gồm cả tự xét nghiệm. Cũng có những bộ kit xét nghiệm thậm chí nhanh hơn, chẳng hạn qua khí thở, mất khoảng 1-2 phút để đưa ra kết quả và không cần biện pháp lấy dịch mũi họng thông thường. Các sân bay, cảng biển, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện và các cơ sở giáo dục dự kiến sẽ sử dụng các bộ công cụ này để sàng lọc nhân viên và khách.
Bên cạnh đó, với nền tảng là hệ thống y tế hiện đại, Singapore đã triển khai các phương pháp điều trị hiệu quả và đó là một trong những lý do giúp tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Singapore thuộc diện thấp nhất thế giới. Mới nhất, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Dean Ho, Giám đốc Viện Y học Kỹ thuật số - Đại học Quốc gia Singapore, dẫn đầu đã sử dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) có tên IDentif.AI và thử nghiệm với virus sống để tạo ra sự kết hợp tối ưu giữa các loại thuốc với liều lượng chính xác để điều trị COVID-19. Phương pháp này hứa hẹn sẽ phát huy hiệu quả trong chống lại các biến thể Beta và Delta.
Thực tế và thận trọng là cách Singapore lựa chọn để đương đầu với COVID-19 và thúc đẩy sự phát triển của chính mình. Sau làn sóng lây nhiễm đầu tiên, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng COVID-19 không biến mất mà có thể trở thành mầm bệnh theo mùa, bởi vậy quốc gia này phải chuẩn bị cho việc "chung sống" lâu dài. Ông nhấn mạnh người dân cần xác định cuộc sống trong điều kiện "bình thường mới" là như thế nào và Singapore sẽ làm gì để thích nghi, phát triển cùng tình hình mới.
Singapore đang tiến tới việc biến xét nghiệm COVID-19 thành công cụ để sàng lọc những người muốn vào các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, hoặc nhiều khu vực khác thay vì đưa đi cách ly tập trung. Việc cập nhật số ca lây nhiễm cũng sẽ không còn được chú trọng, thay vào đó sẽ tập trung hơn vào kết quả điều trị, như có có bao nhiêu bệnh nhân bị ốm nặng và cần được chăm sóc đặc biệt, giống như cách theo dõi bệnh cúm thông thường.
Với cách làm này, các doanh nghiệp có thể sẽ không phải lo lắng về việc bị phong tỏa, dẫn tới gián đoạn hoạt động. Người dân có thể đi du lịch trở lại với giấy chứng nhận tiêm chủng, đến các quốc gia cũng đã kiểm soát được dịch bệnh, và thậm chí có thể còn được miễn xét nghiệm.
Quan điểm của Lực lượng đặc nhiệm (EST), cơ quan liên ngành về phòng chống COVID-19 tại Singapore, là việc "sống chung" với COVID-19 có khả thi hay không sẽ phụ thuộc vào sự chấp nhận của người dân về vấn đề này cũng như hành vi của cả cộng đồng. EST được thành lập tháng 5/2020, dưới sự điều hành của Hội đồng Kinh tế tương lai (FEC), để đánh giá cách thức Singapore có thể duy trì khả năng phục hồi kinh tế và xây dựng các nguồn năng lượng mới để trở nên mạnh mẽ hơn hậu COVID-19.
Không để những diễn biến dịch bệnh đẩy đất nước vào thế bị động, EST nhanh chóng định vị 6 thay đổi then chốt phát sinh từ đại dịch, cụ thể là trật tự toàn cầu, xu hướng hợp nhất ngành, tái cân bằng giữa hiệu quả và khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng và sản xuất, đà tăng tốc trong chuyển đổi kỹ thuật số và cách tân, thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng và xu thế phát triển môi trường-xã hội bền vững.
Video Player is loading.
PauseUnmute
Remaining Time 7:59
Loaded: 8.64%
X
Với tầm nhìn "mang lại những khả năng và cơ hội vô hạn cho đất nước, doanh nghiệp và người dân", EST tập trung thúc đẩy thương mại điện tử và số hóa chuỗi cung ứng, phát triển bền vững, an ninh lương thực dựa trên ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy "Liên minh Singapore Phối hợp hành động" (AfA) - đại diện cho một "mô hình hợp tác công tư mới", và củng cố quan hệ đối tác quốc tế, đặc biệt tại Đông Nam Á.
Có thể nói, cách tiếp cận chủ động và đồng bộ như vậy đem lại thành quả. Số liệu của Bộ Thương mại Singapore công bố ngày 11/8 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2021 tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái và đó là cơ sở để chính phủ nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm. Các chuyên gia nhận định đà phục hồi của nền kinh tế Singapore sẽ mạnh mẽ hơn từ tháng 8/2021, thời điểm đại đa số người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục phục hồi cũng như lĩnh vực xây dựng được duy trì ổn định.
Singapore bắt đầu giai đoạn 1, được gọi là "giai đoạn chuẩn bị", của tiến trình mở cửa nền kinh tế theo 4 giai đoạn, từ ngày 10/8 với ưu tiên nới lỏng hạn chế cho nhóm người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, giới hạn 5 người/nhóm; nâng công suất tham dự các sự kiện lớn, các hoạt động tín ngưỡng lên 500 người (nếu chưa tiêm chỉ được 50 người). Số người tại các điểm công cộng như bảo tàng, thư viện, các điểm tham quan du lịch, rạp phim,... tăng lên 50 người. Từ ngày 19/8, 50% số lao động đang phải làm việc tại nhà sẽ được phép trở lại công sở và việc đo nhiệt độ tại các điểm công cộng cũng sẽ bãi bỏ.
Cũng trong "giai đoạn chuẩn bị" này, Singapore quyết định mở cửa đường biên giới, cho phép nhập cảnh đối với những người mang thẻ lao động và người đi theo, kể cả đến từ các nước thuộc diện "nguy cơ cao", nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, bất kể loại nào trong danh mục vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép. Từ 21/8, Singapore sẽ cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine từ các quốc gia "rủi ro thấp" nhập cảnh được phép lựa chọn cách ly tại nhà 14 ngày thay vì tại các cơ sở cách ly, đồng thời xem xét thiết lập "làn đi lại cho người đã tiêm vaccine" để bãi bỏ yêu cầu cách ly với một số quốc gia.
Dự kiến "giai đoạn chuẩn bị" sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Sau đó Singapore sẽ bước vào "Giai đoạn chuyển tiếp A" khi 80% dân số được tiêm chủng để có thể nới lỏng những hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt nhất. Nếu thuận lợi, Singapore sẽ bước vào "Giai đoạn chuyển tiếp B" và kế tiếp là giai đoạn cuối cùng là trở thành "Quốc gia kiên cường trước dịch COVID-19".
Để tránh tình trạng bị tụt hậu, quốc gia này đã có những dự trù và kế hoạch chuẩn bị dài hơi. Một trong những trọng tâm của lực lượng liên ngành chính là đảm bảo rằng Singapore vượt qua khỏi cuộc khủng hoảng này một cách mạnh mẽ hơn.
Đặt công tác chống dịch trong tổng thể kế hoạch phát triển là hướng đi sáng suốt và đã cho thấy những hiệu quả nhất định tại Singapore. Một xã hội lành mạnh, thịnh vượng, một nền kinh tế đủ lực mới có thể là nền tảng để đương đầu với kẻ thù vô hình COVID-19
Nói một cách ngắn gọn, chủ động và thực tế là hai từ khóa đang giúp Singapore dần tìm được lối đi hiệu quả trong cuộc chiến vừa chống COVID-19 vừa đảm bảo sự phát triển kinh tế lành mạnh. Bài học từ Singapore hoàn toàn có thể trở thành mô hình để các quốc gia khu vực và thế giới học hỏi.
Singapore muốn sống chung với COVID-19 như thế nào? "Tin xấu là có thể COVID-19 không bao giờ biến mất, còn tin tốt là chúng ta có thể chung sống bình thường với nó" - các bộ trưởng Singapore đánh giá khi họ vạch ra lộ trình để chuyển sang trạng thái bình thường mới. Từ trái sang: Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Gan...