Học cách nhận diện hành vi bạo lực tình dục trong trường học và nơi làm việc
Cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức vừa được chuyên gia đến từ Văn phòng GIZ (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức) Hà Nội và tổ chức CSAGA Việt Nam cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực tình dục trong trường học và nơi làm việc.
Hơn 300 cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên của nhà trường tham gia buổi toạ đàm
Chuyên gia đến từ Tổ chức CSAGA (các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái) cho biết, theo một nghiên cứu năm 2016, 87% trẻ em gái và phụ nữ cho biết đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng.
Thông qua phần trả lời câu hỏi của chuyên gia, các bạn sinh viên đã được cung cấp những kiến thức để nhận diện hành vi, nguyên nhân gốc rễ, tâm lý phạm tội bạo lực tình dục…
Clip về các tình huống quấy rối tình dục trong cuộc sống được trình chiếu đã giúp các bạn trẻ trang bị kỹ năng tự bảo vệ, phản ứng khi bị bạo lực tình dục.
Không chỉ có học sinh…
…mà các giáo viên cũng hào hứng tham gia trả lời các câu hỏi của chuyên gia đưa ra tại chương trình
Video đang HOT
Nhiều phần quà được trao cho các bạn có câu trả lời đúng
Các bạn trẻ được thực hành cách ứng phó với các tình huống bị bạo lực tại nơi công cộng
Tiến sỹ Cao Thành Lê – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức cho hay: “Mong muốn sau buổi tọa đàm, ngoài việc tự trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực thì mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực để chống bạo lực tình dục trong trường học và ngoài xã hội” .
Theo baohatinh
Khi sự hung dữ khó kiểm soát
Vì đâu bạo lực học đường ngày càng có xu hướng lan rộng? Làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này trong môi trường lẽ ra phải trong lành, an toàn và thân thiện nhất - học đường?
Những hồi chuông không ngừng gióng lên cảnh báo khẩn thiết về vấn đề này, nhưng xu hướng kẻ mạnh bắt nạt và ức hiếp kẻ yếu, đắc thắng vì sự tàn bạo của mình đã và đang là thực tế đau lòng...
Bạo lực học đường - người lớn không vô can. Ảnh minh họa
Không ngừng gia tăng "anh chị"
Theo thống kê của ngành Công an, chỉ trong quý I năm 2019 đã có 310 vụ bạo lực học đường và chủ yếu học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT. Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho hay, bạo lực học đường cũng là vấn đề của toàn cầu, gần đây nhất Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những sự vụ rúng động...
Thật đáng buồn khi cụm từ khóa "Bạo lực học đường" có tần suất xuất hiện ngày một nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tìm kiếm trên Google, cụm từ này trả về tới 27,9 triệu kết chỉ trong vòng 0.33 giây. Quý I/2019, ngành Công an thống kê có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu ở lứa tuổi THCS và THPT.
Riêng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt vụ bạo lực giữa các học sinh xảy ra ở nhiều tỉnh, thành như: Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh, gần đây nhất là ở Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Liên tiếp các vụ bạo lực học đường với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng diễn ra tại hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Đỉnh điểm của sự lo ngại trong dư luận xã hội khi vụ việc 5 nữ sinh lớp 9A Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) lột quần áo, đánh đập dã man một nữ sinh cùng lớp bị phanh phui mới đây.
Thế nhưng, mặc cho mọi cảnh báo, mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh ba nữ sinh túm tóc, đấm đá liên tục vào một nữ sinh khác. Điều đáng nói, thời điểm xảy ra sự việc có nhiều học sinh chứng kiến nhưng không ai ngăn cản.
Có người còn quay lại clip. Những học sinh trong clip sau đó được xác định là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, thị xã Bến Cát (Bình Phước), do có mâu thuẫn với nhau nên 3 nữ sinh lớp 8 đã vây đánh một nữ sinh lớp 9.
Ngày 30/10/2019, trang Facebook "Địa điểm Lai Vung" (Đồng Tháp) đăng tải đoạn clip quay lại cảnh 4 nữ sinh đánh nhau. Đoạn clip dài khoảng 38 giây được nhóm học sinh ghi lại cảnh 2 nữ sinh mặc đồ thể dục lao vào nắm đầu, giật tóc và đánh tới tấp 4 nữ sinh khác. Các nữ sinh bị đánh ngồi co ro dưới đất chịu đòn.
Trong đó, các em bị đánh lên tiếng giải thích nhưng vẫn ăn đòn. Trong clip còn có tiếng chửi thề. Qua xác minh, Ban Giám hiệu Trường THCS Long Hậu (Đồng Tháp) nhận định, 2 nữ sinh có hành vi đánh bạn là học sinh lớp 8 và 4 em bị đánh là học sinh lớp 6.
Trước đó, ngày 22/10, trên mạng xã hội lan truyền clip nữ sinh đánh nhau ngay trước cổng trường cấp II ở TP Hồ Chí Minh. Cả hai nữ sinh đều mặc đồng phục, xung quanh có rất nhiều học sinh đứng xem, chỉ trỏ, bàn tán và cười cợt, trong đó có cả nam sinh. Đoạn clip được xác định là học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP Hồ Chí Minh).
Tối 21/10, do mâu thuẫn trên mạng xã hội, một số học sinh khối 12 của Trường Marie Curie và học sinh các trường THPT khác ở TP Hồ Chí Minh hẹn gặp nhau để "giải quyết" dẫn đến xung đột chém vào mặt, tay, khiến hai học sinh phải nhập viện điều trị...
Sáng ngày 19/10, trong giờ học Tiếng Anh ở lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), một học sinh lấy bình xịt hơi cay ra lắc và xịt trong lớp làm bị thương 19 bạn cùng lớp. Những học sinh bị tác động bởi hơi cay sau đó đã có biểu hiện đau đầu, chóng mặt nên được đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều thăm khám sức khỏe. Rất may, đến chiều cùng ngày các học sinh đã dần ổn định và về nhà.
Người lớn không... vô can
Trong hội nghị về giáo dục đạo đức và giải pháp mới đây, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - giáo dục Việt Nam cho biết, năm 2018, có khoảng 2.000 vụ bạo lực liên quan đến đạo đức, sát phạt lẫn nhau, trong đó có hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học.
Dư luận cho rằng, về phía nhà trường, lâu nay, liệu có phải chúng ta đã quá thiên về dạy chữ mà có phần xem nhẹ việc dạy làm người - dạy học sinh để trở thành công dân tốt, ứng xử văn minh, trách nhiệm trong xã hội? Liệu vai trò và vị trí của môn Giáo dục công dân trong các bậc học phổ thông đã được nhìn nhận một cách đúng tầm như lẽ ra nó phải có?
Liệu đội ngũ Hiệu trưởng các trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm và đặc biệt là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trên toàn quốc đã thực sự đảm bảo chất lượng tương xứng với yêu cầu chuyên môn và đòi hỏi của xã hội?
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, để làm tốt công tác này, cần có cơ chế phối hợp giáo dục giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Nhà trường phải tăng cường chăm lo giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Đồng thời trao quyền tự chủ, dân chủ cho giáo viên để họ phát huy tính sáng tạo trong phương pháp dạy học.
Về phía gia đình, hiện nay mô hình truyền thống đang bị phá vỡ, có tới 70 - 80% gia đình "đói" về giáo dục gia đình. Vì thế, cần có chương trình Quốc gia về giáo dục gia đình. Và cuối cùng, xã hội phải là một xã hội có kỷ cương, luật pháp phải nghiêm minh. Ngoài chỉ số đánh giá về kinh tế, chúng ta nên có chỉ số phát triển về giáo dục, thầy Lâm đề xuất.
GS.TS Phú khẳng định nguyên nhân dẫn đến sa sút phẩm chất, đạo đức, lối sống giới trẻ là do các em chưa được gia đình giáo dục đầy đủ, thiếu quan tâm. Một số phụ huynh khi phát hiện lỗi của con chỉ biết phạt, không biết tâm tình, chỉ bảo điều hay, lẽ phải.
Ngoài ra, học sinh hư vì chịu tác động, xúi bẩy của một số người xấu. Các chuyên gia, cán bộ quản lý trường học chỉ ra những hành vi xấu, biểu hiện suy thoái đạo đức của một số học sinh như: Nhiều em nói tục; dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn...
Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Thị Ngân Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Victoria Thăng Long cho rằng: "Tôi thấy dấu hiệu tích cực nhất trong vấn đề bạo lực học đường này là các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ và các tổ chức xã hội đã dành sự quan tâm đáng phải có, chứ không còn thờ ơ coi là chuyện bạn bè đánh nhau tầm phào.
Mỗi người làm giáo dục hay các bậc cha mẹ cần hiểu biết hơn về học trò và con mình. Sự hiểu biết ấy sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề theo đúng những giá trị nhân văn vì con người, chứ không phải để xoa dịu dư luận hay đối phó giả tạo. Vì ai trong chúng ta cũng là kẻ cần phải "tự giáo dục" không ngừng nghỉ để làm người. Đuổi học hay lên án một đứa trẻ trong cuộc ẩu đả không khó, mà cùng chúng sửa lỗi của cả thầy và trò, bố mẹ và con cái thì khó hơn".
Thực tế, mọi kỳ thị đẳng cấp mà dễ nhận thấy nhất là phân biệt giàu - nghèo, kỳ thị kẻ yếu, tôn vinh kẻ mạnh, đầu cơ tình cảm giữa thầy và trò từ phía gia đình v.v... Tất cả đều dẫn đến những mâu thuẫn trực tiếp hay ngấm ngầm nuôi dưỡng bạo lực. Nhà trường không phải là một ngoại lệ. TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, những học sinh tham gia đánh bạn chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức.
Trên phương diện nhà quản lý giáo dục, ông Lâm cho rằng trước hết các hiệu trưởng phải định hướng vai trò của giáo viên chủ nhiệm, phải thường xuyên tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng và chỉ ra cho họ cách làm. Kiến nghị vị trí, vai trò của giáo viên chủ nhiệm phải được tôn trọng, đề cao, trả lương cao.
Còn Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con nhận định: Ở trường, thầy cô bị áp lực dạy văn hóa nên không chủ động quan tâm, phát hiện, uốn nắn suy nghĩ tiêu cực và các hiện tượng bất thường ở học sinh. Ngược lại, áp lực học tập, chạy đua thi cử của học sinh không có ai hướng dẫn giải tỏa nên trẻ dễ nóng giận, hung hăng, thiếu yêu thương, nhường nhịn, khoan hòa với nhau.
Những bài học về giá trị sống, nhấn mạnh giá trị của hòa bình, yêu thương cũng không có nhiều. Đặc biệt, học sinh chưa được phổ biến pháp luật để phân biệt "phạm tội" và các trò bắt nạt đơn thuần, không được dạy cách ứng xử và chịu trách nhiệm với thông tin phát tán trên mạng xã hội. Vậy nên các em không ngờ đến hậu quả nghiêm trọng của hành vi bạo lực và hạ nhục người khác.
Trong khi đó, ngoài xã hội, nhiều trường hợp xâm phạm thân thể người khác, đặc biệt là xâm hại trẻ em không được giải quyết nghiêm minh đã khiến trẻ tiếp nhận thông điệp lệch lạc rằng chúng có thể ứng xử như người lớn và không chịu hậu quả nào cả.
Và hơn hết, phụ huynh cần đề cao "giáo dục gia đình" bằng cách quý từng phút giây trò chuyện với con khi có thể. Phụ huynh cũng cần giảm bớt tâm lý căng thẳng về thi cử, chọn trường, ganh đua với bên ngoài để có thời gian và tâm sức ở bên con thật chất lượng.
Ở trường, việc dạy thay đổi theo hướng kết hợp trải nghiệm, cùng sách giáo khoa mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học thì đội ngũ giáo viên sẽ được nâng cao nghiệp vụ sư phạm, đáp ứng nhu cầu tâm lý của học sinh. Trong chương trình giảng dạy cần có các bài học về giá trị sống cho các em như: Giá trị hòa bình, bình an trong mỗi người, mỗi tập thể; giá trị tình bạn, tình yêu thương, tình cảm tập thể đoàn kết, hỗ trợ nhau.
Học sinh cũng cần được học các kỹ năng giải tỏa stress, thể hiện cảm xúc, chia sẻ tâm sự, rèn luyện việc nhạy cảm với người khác để điều chỉnh cảm xúc của mình; bài học về giải quyết mâu thuẫn, luôn nhìn tích cực về người khác, tự hào về bản thân, tập thể...
Và trên tất cả, mỗi chúng ta luôn không ngừng nghỉ trên con đường học làm người, với những bài học về tha thứ, độ lượng, yêu thương, trìu mến và từ tâm. Bởi bản chất của con người là hướng thiện...
Nguyễn Mỹ
Theo baophapluat
Quản trị trường học: Phát huy vai trò của hiệu trưởng Trước bối cảnh giáo dục hiện đại, quản trị trường học được xem là chiến lược quan trọng của các trường học. Thực hiện tốt việc quản trị trường học sẽ giúp các trường có thể điều hành, quản lý nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tốt hơn cũng như tiến tới thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong bối...