Học Bác cách yêu thương người bệnh
Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng bằng tình yêu thương và trách nhiệm, xem người bệnh như người thân trong gia đình, những bác sĩ ấy đã có sáng kiến, cách làm hay, ứng dụng kỹ thuật mới vào thực tiễn để giúp bệnh nhân ngày một tốt hơn.
Nhớ lời Bác Hồ “Người bệnh đã phó thác tính mạng mình cho bác sĩ, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”, các bác sĩ trẻ đã phấn đấu để lửa nhiệt huyết ngày càng cháy rực.
Phấn đấu vì người bệnh
17 giờ 30, bác sĩ Dương Toàn Trung, công tác tại Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Chợ Rẫy, bước vào phòng chạy thận và đến giường của bà Nguyễn Thị Hồng. Giọng bác sĩ Trung nhẹ nhàng: “Lúc con xem bệnh, cô nói chân bị đau phải không? Cô để con xem lại. Cô có tập đều đặn bài điều trị con hướng dẫn không? Cô gắng tập, vì sẽ giúp sức khỏe cải thiện hơn”.
Vừa nói, bác sĩ Trung vừa xem lại chân cho người bệnh. Bà Hồng là một trong nhiều bệnh nhân lâu năm của bác sĩ Trung tại Khoa Thận nhân tạo. Mỗi tuần, bà phải vào đây để chạy thận nhân tạo 3 lần. Chính sự tận tình của bác sĩ Trung cùng các y bác sĩ tại khoa đã giúp bà thấy bệnh viện thoải mái như chính nhà mình.
9 năm công tác tại khoa, nhìn thấy và thấu hiểu những mệt mỏi, đau đớn do biến chứng của bệnh gây ra cho bệnh nhân, bác sĩ Trung tìm hiểu rồi học tập, ứng dụng các bài thuốc y học cổ truyền để kết hợp trong điều trị cho bệnh nhân. Nhờ đó, nhiều người giảm được các biến chứng đáng tiếc.
Ngày Dương Toàn Trung tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TPHCM và chọn về Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều người lời ra tiếng vào: Khoa đó có gì mà làm, rồi một thời gian sẽ “lụt nghề”. Ban đầu nghe vậy, Trung cũng buồn. Nhưng bằng tình yêu nghề, tận tâm, hết lòng vì người bệnh, Trung tìm tòi, nghiên cứu khoa học, đưa ra nhiều giải pháp mang lại hiệu quả phục vụ bệnh nhân.
Điển hình là đề tài ứng dụng kỹ thuật lọc máu hấp thụ trong điều trị ngộ độc cấp, báo cáo hàng loạt các điều trị ngộ độc Acetaminophen cấp tại Bệnh viện Chợ Rẫy và đề tài đánh giá hiệu quả phát đồ Elbasvir/Grazoprevir trong điều trị virus viêm gan C trên bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo tại bệnh viện. Các đề tài đã góp phần cải thiện tỷ lệ thành công trong điều trị viêm gan do virus HCV ở những bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo định kỳ. Từ đó mở ra cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận một hướng điều trị tối ưu hơn là ghép thận.
Không chỉ đi đầu trong chuyên môn, với vai trò Bí thư chi đoàn Nội 2, Trung đã có nhiều chương trình để đoàn viên các khoa cùng tham gia. “Ban đầu, các bạn có rụt rè, nhưng khi thấy mình đứng ra gánh vác việc, rồi phân công việc cho mọi người một cách hợp lý thì các bạn cũng xung phong cùng làm. Giờ thì đã thành nếp, khi cần tính tiên phong thì đoàn viên các khoa lại xung kích đi đầu”, Trung cho biết.
Sáng kiến tạo tiện ích cho bệnh nhi
Tại Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh nhi và người nhà cảm thấy thoải mái mỗi khi vào nhà vệ sinh. Dù là nhà vệ sinh chung nhưng sạch sẽ, thoáng mát. Chị Trần Thanh Ngọc (quê Vĩnh Long) đang chăm sóc con gái tại bệnh viện, cho biết khá bất ngờ khi bước vào nhà vệ sinh thì có tiếng nhạc cùng giọng nói nhẹ nhàng nhắc nhở.
“Tại bồn rửa tay thì có chai xà phòng, bên cạnh có các poster hướng dẫn cách rửa tay cũng như tuyên truyền giữ vệ sinh chung với hình ảnh sinh động. Nhất là các cây xanh đã giúp nơi đây thêm thoáng mát”, chị Ngọc nhận xét.
Video đang HOT
Đó là sáng kiến “cải tiến chất lượng nhà vệ sinh bệnh nhân, xây dựng nhà vệ sinh thông minh” do bác sĩ Châu Tố Uyên, công tác tại Khoa Tiêu hóa cùng các đoàn viên trong khoa thực hiện. Đến nay, công trình đã mang lại sự thoải mái cho bệnh nhi.
Luôn mỉm cười là cách bác sĩ Châu Tố Uyên chiếm được tình cảm bệnh nhi
“Hiểu tâm lý bệnh nhi và người nhà rất sợ vào nhà vệ sinh của bệnh viện nên tôi và các bạn đã thực hiện công trình này. Ngoài tạo tiện ích cho bệnh nhi thì chuông cảm biến tự động phát lời nhắc nhở giữ gìn vệ sinh cũng là cách giúp người nhà bệnh nhi nâng cao ý thức vệ sinh chung”, Uyên bày tỏ.
Là bác sĩ trẻ, công tác tại bệnh viện nhi, bác sĩ Uyên cho biết lúc mới vào nghề thấy khá căng thẳng vì đối tượng mình chăm sóc không chỉ các bệnh nhi, mà còn phải ổn định tâm lý lo lắng cho người nhà các bé. Vậy là Uyên tìm đọc sách và tham gia các khóa học tâm lý phụ huynh, để từ đó biết cách giải thích về bệnh tình của trẻ một cách kỹ càng hơn giúp người nhà không lo lắng.
Mỗi lần khám, Uyên biết phải tạo sự thoải mái, thân thiện, vui vẻ cho trẻ. Khi thì đưa cho bé đồ chơi, khi lại chọc cho các bé cười. Điều đó không chỉ giúp bệnh nhi vui vẻ mà chính Uyên cũng thấy hạnh phúc hơn khi mỗi ngày đến khoa làm việc.
“Trong bức thư Bác Hồ viết gửi Hội nghị Cán bộ y tế năm 1955, ngoài những dặn dò hết sức thiết thực với đội ngũ y bác sĩ, Bác có đề cập y học phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng. Bác Hồ cũng gợi mở đội ngũ y bác sĩ nên chú trọng nghiên cứu phối hợp thuốc đông y và tây y. Nhớ lời Bác, ngoài phấn đấu trong chuyên môn, tôi cũng tìm hiểu các bài thuốc đông y để hỗ trợ người bệnh những lúc cần”, bác sĩ Trung chia sẻ.
THÁI PHƯƠNG
Theo sggp
Những thanh niên chạy thận lúc nửa đêm
TP HCM - Tâm 23 tuổi, chạy thận đêm suốt hai năm từ khi ra trường. Thu, chạy thận đã 5 năm, ngày bán vé số. Điền, 30 tuổi, đêm rút kim tiêm ra, sáng ngày chạy xe ôm kiếm tiền cho đợt điều trị tới.
Ở một góc phòng tại Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Thị Tâm, người Long An, đang chuẩn bị cho ca chạy thận của mình. Sau khi kiểm tra trọng lượng, huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, bác sĩ bắt đầu dùng hai cây kim lọc cắm vào tĩnh mạch của Tâm. Dòng máu chảy nhanh trong ống dẫn nối vào hai chiếc kim lớn, ống đánh dấu đỏ đưa máu ra ngoài, ống đánh dấu xanh truyền máu đã được lọc vào lại cơ thể. Tâm nhắm mắt, mong 4 tiếng lọc máu trôi qua thật nhanh.
Năm 2017, Tâm bắt đầu công việc kế toán khoảng một tháng thì bỗng dưng ngất xỉu. Khi nhận được kết quả suy thận giai đoạn cuối, mọi thứ dường như sụp đổ với cô sinh viên mới ra trường. Ở cái tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống cùng bao hoài bão chưa kịp thực hiện, chị đã phải gắn cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận.
Sợ đồng nghiệp ở chỗ làm biết chuyện mình bị bệnh, Tâm thường giấu những mạch máu u lớn, thâm tím trên cánh tay bằng cách mặc áo khoác hoặc áo dài tay. Mỗi thứ ba, năm, bảy hàng tuần, chị lại đến bệnh viện lọc thận từ 19h đến 23h.
"Trong gần 4 giờ lọc máu, cơ thể chìm dần vào giấc ngủ, có những lúc mơ tới một ngày mình không phải chạy thận nữa. Khi tỉnh dậy, nhìn những ống tiêm nhọn hoắt đâm vào tĩnh mạch, tôi biết mình buộc phải nghị lực hơn để chiến đấu với bệnh tật", Tâm nói.
Nằm cạnh giường bệnh Tâm là chị Phạm Thị Thu, 26 tuổi ở Đắk Nông, một trong những bệnh nhân trẻ tuổi nhất tại Khoa. Dáng vẻ gầy gò, làn da vàng vọt, tĩnh mạch trên tay chị sưng lên gân guốc được cắm đầy ống truyền đỏ thẫm.
Thu đã chạy thận ca đêm được 5 năm vì ban ngày phải đi làm. Từ khi bắt đầu chạy thận, chị làm nhiều công việc khác nhau như phục vụ quán cà phê, bưng hủ tiếu, bán vé số. Hai năm gần đây do sức khỏe không tốt nên chỉ làm việc nhẹ nhàng như phụ bán quần áo, nước hoa...
"Đã rất lâu rồi mình không còn thấy nước tiểu và chu kỳ kinh nguyệt mà người con gái nào cũng phải có. Nhiều khi đi xe đường dài, mọi người đều thắc mắc tại sao không xuống đi tiểu", chị kể.
Đi sớm về khuya, Thu không dám nghĩ đến việc lập gia đình, chỉ muốn có sức khỏe để sống và làm việc mỗi ngày. Bản thân đã xác định cuộc sống của mình phải gắn liền với bệnh viện, ngày Tết cũng không thay đổi.
Những vết lồi to của động mạch và sẹo chằng chịt trên cánh tay chị Thu. Ảnh: Cẩm Anh
Phát hiện mắc bệnh thận giai đoạn cuối khi đang là sinh viên năm nhất, anh Dương Minh Điền, 30 tuổi ở Trà Vinh nghỉ học, kiếm việc tại Sài Gòn để bắt đầu hành trình chạy thận của mình. Bỏ đi ước mơ, tương lai và việc lập gia đình, anh làm giữ xe, sửa điện tử, chạy xe tải và hiện giờ là chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền chạy thận.
"Lúc đó mình cũng không thấy dấu hiệu gì, chỉ thấy người mệt mỏi, nhất là sau khi chơi thể thao nên đi khám. Khi bác sĩ trả kết quả, yêu cầu nhập viện chạy thận vì suy thận giai đoạn cuối, mình còn tưởng bác sĩ nhầm", anh nói.
Hằng tháng, anh phải thanh toán gần 5 triệu đồng các chi phí dịch vụ liên quan đến chạy thận nhân tạo, mua thuốc và điều trị ngoài bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn các khoản nhà trọ, điện nước, ăn uống... Chiến đấu hằng ngày với bệnh tật và mưu sinh, anh Điền không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và trở thành người vô dụng. Vừa rút kim truyền, ngày mai anh lại đi kiếm tiền cho đợt chạy thận sau.
Công việc chạy xe ôm ưu tiên vào ban ngày nên anh chủ động đăng ký ca đêm để thuận tiện hơn. Sau khi hoàn thành cuốc xe ôm cuối cùng trong ngày, anh chạy xe đến bệnh viện để bắt đầu chạy thận. Ca chạy thận của anh bắt đầu từ 18h đến 22h, những ngày chở khách về trễ có thể kéo dài đến nửa đêm.
"Trời nắng không sao, nhiều hôm đi đường kẹt xe hay mưa gió thì mệt hơn. Sau những lần lọc máu, cơ thể, chân tay sưng vù, nổi hạch thường xuyên, những cơn đau buốt dày vò nhiều đêm không ngủ được", anh Điền kể.
Thời gian đầu mắc bệnh, anh có nghĩ tới phương án ghép thận để cuộc sống ổn định hơn. Sau nhiều lần kiểm tra, cha anh có thận phù hợp. Nhưng vì lo lắng cho sức khỏe sau này của cha mình, anh Điền quyết định chạy thận cả đời thay vì ghép thận, đến nay đã tròn 9 năm.
Người nhà của những bệnh nhân chạy thận ngồi chờ ở hành lang bệnh viện. Ảnh: Cẩm Anh
Để trang trải tiền ăn, ở và mua thêm thuốc điều trị, những bệnh nhân trẻ tuổi chọn ca đêm với mong muốn dễ dàng tìm những công việc mưu sinh phù hợp vào ban ngày. Bên cạnh những bệnh nhân chạy thận định kỳ, nhiều bệnh nhân cấp cứu cũng chạy ca đêm vì thiếu máy móc và tình trạng người bệnh quá tải tại bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện khoa có 85 máy chạy thận cho hơn 440 bệnh nhân. Mỗi ngày có 180 bệnh nhân chạy thận định kỳ. Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân cấp cứu rất đông, gần 70 bệnh nhân mỗi ngày từ các nơi khác chuyển đến. Trung bình mỗi ca hơn 4 tiếng, bắt đầu từ đầu giờ sáng đến khi kết thúc ca lọc cuối cùng là hơn hai giờ sáng. Tình trạng quá tải khiến các máy phải hoạt động hết công suất mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
"Người bệnh suy thận phải chờ đợi máy, lọc máu vào đêm khuya khiến họ mệt mỏi, sức khỏe suy giảm. Tuy nhiên, nhiều người do hoàn cảnh công việc phải đi làm ban ngày nên họ chọn ca đêm để chạy thận, bệnh viện cũng sẽ đáp ứng", bác sĩ Tuấn nói.
Bác sĩ Tuấn cho biết người bệnh suy thận ngày càng trẻ do những bệnh lý từ nhỏ như cao huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn gây suy thận giai đoạn cuối chưa được điều trị kịp thời, đúng cách. Bên cạnh đó, lối sống sinh hoạt kém điều độ, thức khuya, không tập thể dục, chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá mặn, lạm dụng thức ăn nhanh, đồ uống có ga, bia rượu... khiến thận bị ảnh hưởng, hoạt động suy kém dần.
Tiếng nói chuyện của những người bệnh suy thận tại khoa Thận nhân tạo thưa dần nhường chỗ cho âm thanh tít tít tít từ chiếc máy lọc thận. Nơi hành lang bệnh viện, nhiều người nhà bệnh nhân thỉnh thoảng ngủ gật, ngáp dài, đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ. Họ ngồi chờ suốt 4 tiếng, đôi lúc sốt ruột lại vào phòng hỏi: "Xong chưa?". Căn bệnh suy thận vắt kiệt người bệnh và người nhà của họ sức khỏe, tiền bạc và niềm vui sống.
Kết thúc ca chạy thận cũng là lúc đồng hồ chỉ qua 24h, nhiều bệnh nhân thu dọn đồ đạc trở về nhà. Các điều dưỡng tranh thủ vệ sinh, chuẩn bị máy móc để đón bệnh nhân của ca tiếp theo.
"Có một nơi khi chia tay người ta luôn muốn nói 'hẹn gặp lại', đó là phòng chạy thận nhân tạo. Vì nếu còn gặp lại tức là bệnh nhân sẽ vẫn còn sống", một bác sĩ chia sẻ.
Cẩm Anh
Theo VNE
Nghiên cứu khẳng định thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19 là 5 ngày Dựa trên những ước tính ban đầu, một nghiên cứu mới từ Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg đã khẳng định thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh Covid-19 do coronavirus mới gây ra là 5,1 ngày. Việc xác định được thời gian ủ bệnh được coi là chìa khóa để có thể kiểm soát sự lây lan dịch bệnh....