Hoàng Thùy Linh bị chê hát live không tốt
Hoàng Thùy Linh hát lại một trong những bản hit đầu tiên – “ Cho nhau lối đi riêng” – trong đêm nhạc ở Hà Nội. Tuy nhiên, giọng hát live của cô chưa thuyết phục được khán giả.
Mới đây, Hoàng Thùy Linh có đêm nhạc cùng ban nhạc Anh Em. Chương trình được tổ chức dạng “music home”, trong không gian phòng thu, truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình và mạng xã hội.
Hoàng Thùy Linh ôn kỷ niệm xưa
Dù thời lượng đêm nhạc không quá dài, Hoàng Thùy Linh trình diễn nhiều bản hit gắn liền với sự nghiệp, đồng thời cũng kể về những kỷ niệm với đồng nghiệp thuở mới đi hát.
Nữ ca sĩ tiết lộ có mối quan hệ tốt với Đông Nhi. Những năm 2010, Đông Nhi có nhiều bản hit tự viết. Hoàng Thùy Linh từng nói với bạn: “Nhi ơi, ước gì Nhi tặng Linh một bài”.
Hoàng Thùy Linh xinh đẹp trong chương trình.
Không lâu sau, Đông Nhi tặng Hoàng Thùy Lin ca khúc Cho nhau lối đi riêng. Đây cũng là sáng tác nằm trong album đầu tay mang tên Hoàng Thùy Linh, ra mắt năm 2010, đánh dấu chính thức con đường âm nhạc chuyên nghiệp của nữ ca sĩ.
Trong đêm nhạc, Hoàng Thùy Linh đã hát lại ca khúc này để dành tặng khán giả. Tuy nhiên, giọng hát live của cô chưa thuyết phục được số đông.
Dù hát bản hit của chính mình, Hoàng Thùy Linh lộ chất giọng yếu, chông chênh, cô cũng mắc lỗi khi lấy hơi khiến âm thanh phát ra không đẹp. Nhiều đoạn, phần nhạc và sự thể hiện của nữ ca sĩ không ăn khớp với nhau.
Do được livestream trực tiếp trên mạng, nhiều khán giả vừa xem vừa cho rằng Hoàng Thùy Linh gặp vấn đề về giọng hát hoặc sức khỏe, do vậy, đã không thể hiện trọn vẹn ca khúc.
“Hoàng Thùy Linh gặp vấn đề về sức khỏe hay sao nhỉ, hát live không tốt”, một khán giả bình luận. Trong khi người khác đồng tình: “Có thể là gặp vấn đề về lấy hơi”.
Trang FC của Hoàng Thùy Linh giải thích: “Chị ấy có nói là lâu rồi mới hát lại nên hồi hộp mà. Cũng có thể vì 10 năm hát lại nhưng chưa quen cách xử lý, nói chung chị cũng cần cố gắng hơn”.
Thể hiện nhiều màu sắc âm nhạc
Ngoài Cho nhau lối đi riêng, đêm nhạc của Hoàng Thùy Linh được đánh giá là đa dạng về thể loại dance-pop ( Nhịp đập giấc mơ, sáng tác: Lưu Thiên Hương), ballad ( Cho nhau lối đi riêng, sáng tác: Đông Nhi) đến chill-out ( Rơi, sáng tác: Hồ Hoài Anh).
Cô cũng hát ca khúc Bánh trôi nước, một sáng tác world music được giới thiệu ỏ The Remix.
“Lúc đó, trước đêm thi chủ đề World Music, tôi nảy ra ý tưởng muốn phổ nhạc bài thơ của Hồ Xuân Hương và được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh ủng hộ. Ê-kíp dành ba ngày để hoàn thiện phần nhạc, Tripple D hoà âm trong hai ngày. Chúng tôi dàn dựng phần múa trong một ngày cuối cùng để kịp trình diễn”, nữ ca sĩ tiết lộ.
Hoàng Thùy Linh cho biết chính Bánh trôi nước thôi thúc cô theo đuổi dòng nhạc hiện đại lấy chất liệu dân gian. Bài hát là tiền đề của album Hoàng ra mắt cuối năm ngoái.
Dù vẫn gây tranh cãi khi hát live, không thể phủ nhận những nỗ lực của Hoàng Thùy Linh trong âm nhạc.
Cuối đêm nhạc, ca sĩ thể hiện hai ca khúc rong album Hoàng là Duyên âm và Để Mị nói cho mà nghe.
Đây là hai đại diện tiêu biểu của Hoàng, sự kết hợp của world music và nhạc điện tử. Tính đương đại trong sản phẩm không nổi bật. Thay vào đó, nổi bật hơn cả là tính hiện đại thể hiện ở cách phối khí và làm nhạc thời thượng, của một ê-kíp trẻ, thuần 9X.
Tiết tấu nhanh, nhịp dồn dập là màu sắc chủ đạo. Cả hai ca khúc đều bắt tai, người nghe có thể nghe đi nghe lại nhiều lần, trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc. Hồn nhiên, hứng khởi nhưng ngay sau đó là suy tư trăn trở.
Dù vẫn gây tranh cãi khi hát live, không thể phủ nhận Hoàng Thùy Linh là một người nỗ lực trong âm nhạc.
Theo news.zing.vn
Cả vũ trụ văn học 'độ' V-pop: Từ khóc khuất Cám tiểu tam, cô Mị thích đi quẩy đến Lý Cường yêu Thị Nở
Năm 2019, cả V-pop đã cùng khai thác mỏ ý tưởng khổng lồ từ những tác phẩm văn học kinh điển. Đây là trào lưu 'tìm về' gốc văn hóa dân tộc rất đáng trân trọng.
V-pop ngày nay không chỉ là cuộc đua trên các bảng xếp hạng âm nhạc mà còn là cuộc cạnh tranh lượt view, thành tích trên top trending Youtube với những chiếc MV sang xịn mịn. Nhiều nghệ sĩ đã vung cả tiền tỉ làm MV với chất lượng không thua kém gì phim chiếu rạp. Trong đó, yếu tố then chốt làm nên thành công chính là nội dung hấp dẫn. Sau những ngày miệt mài tìm ý tưởng, cuối cùng các sao V-pop cũng tìm thấy cái 'mỏ' văn học để khai thác.
Văn học thời nào cũng có mặt trong MV, từ dân gian, trung đại đến hiện thực phê phán
Nghệ sĩ V-pop tiên phong đưa chất liệu văn học vào bài hát và MV là Hoàng Thùy Linh với hit Bánh trôi nước ra mắt năm 2018. Tuy nhiên phải đến năm vừa qua, trào lưu làm MV lấy cảm hứng từ văn học mới nở rộ. Từ văn học dân gian, văn học trung đại đến văn học hiện thực phê phán đều được khai thác triệt để, trở thành nguồn cảm hứng dồi dào để làm MV.
Anh ơi ở lại lấy cảm hứng từ cổ tích Tấm Cám.
Đầu năm, 'cô Cám'. Chi Pu mở màn với MV bom tấn Anh ơi ở lại, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Hoàng Thùy Linh tiếp bước với Để Mị nói cho mà nghe, không chỉ lấy cảm hứng từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài mà 'cô Mị' Hoàng Thùy Linh còn làm màn 'crossover' cả vũ trụ văn học Việt Nam. Bùi Lan Hương mượn truyền thuyết Mị Châu Trọng Thủy để làm MV Mặt trăng. Đức Phúc 'cosplay' Lý Cường và mượn truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) để làm MV Hết thương cạn nhớ. Mới đây, Huy Cung đã mượn truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ để đưa vào MV Chuyện tình yêu xa. Cuối cùng, Jun Phạm chốt lại năm 2019 với Đây là một bài hát vui, đưa cả dàn nhân vật trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng vào MV với dàn cameo cực khủng.
Đức Phúc hóa Lý Cường trong Hết thương cạn nhớ.
Mượn chất liệu văn học để đưa vào MV nhưng đa số các bài hát trên đều có giai điệu, cách hòa âm phối khí hiện đại, bắt tai và đôi khi phần nghe không thật sự liên quan khăng khít với phần nhìn. Có nghĩa là lời bài hát không có câu nào nhắc đến tác phẩm văn học được mượn. Anh ơi ở lại, Hết thương cạn nhớ, Chuyện tình yêu xa là những bản ballad đơn thuần. Mặt trăng thuộc thể loại dream pop cộp mác Bùi Lan Hương. Đây là một bài hát vui thuộc thể loại pop dance với giai điệu sôi động. Để Mị nói cho mà nghe thuộc thể loại dân gian đương đại, được viết theo ngũ cung với sự kết hợp của nhạc cụ dân tộc Tây Bắc với chất nhạc EDM sôi động. Đây có lẽ là sản phẩm âm nhạc có phần nghe với phần nhìn liên quan khăng khít nhất.
Mị đi quẩy nhiệt tình.
Đa số các MV lấy cảm hứng từ văn học Việt Nam các thời kỳ, tuy nhiên MV Lối nhỏ của Đen là một ngoại lệ khi lấy cảm hứng từ văn học nước ngoài. Lấy cảm hứng từ truyện ngắn Một vụ bê bối ở Bohemia của nhà văn Sir Arthur Conan Doyle, Đen đã hóa thân thành hình tượng Sherlock Holmes - thần tượng từ nhỏ trong lòng anh, còn Phương Anh Đào đóng vai Irene Adler. Tuy nhiên, phần nhìn của MV có vẻ cầu kỳ, bóng bẩy hơn so với chất nhạc gần gũi, bụi bặm của Đen.
Đen cũng bon chen hóa thân thành Sherlock Holmes.
Không phỏng theo nguyên tác mà mạnh dạn 'bẻ lái', thay đổi cả cái kết
Tuy mượn chất liệu văn học nhưng các MV đều mạnh dạn bẻ lái tình tiết, nhân vật, thay đổi cả cái kết. Chuyện Cám Tấm trong Anh ơi ở lại được kể qua góc nhìn của nhân vật Cám. Tại vì trót yêu vua kiêm anh rể nên Cám mặc kệ đúng sai, hóa tiểu tam giật chồng, hại chị. Sức hút của MV Anh ơi ở lại đã làm nóng lại câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Các nhân vật không chỉ được chia thành phe chính diện hay phản diện đơn thuần mà có sự phức tạp, chiều sâu trong nội tâm. Thời điểm MV của Chi Pu ra mắt, dân mạng bàn luận rôm rả về tình yêu đơn phương tội lỗi nhưng không kém phần đáng thương của Cám.
Cám đáng ghét hay đáng thương?
'Cô Mị' Hoàng Thùy Linh lại đưa cả vũ trụ văn học Việt Nam vào MV Đ ể Mị nói cho mà nghe. Trong MV, ta bắt gặp những nhân vật quen thuộc như anh cu Tràng trong Vợ nhặt (Kim Lân), Lão Hạc và cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao), Chí Phèo - Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao), chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn (Ngô Tất Tố), ngoài ra còn thấp thoáng bóng dáng của chị em Thúy Kiều - Thúy Vân trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ (Vũ Trọng Phụng).
Hoàng Thùy Linh đưa cả vũ trụ văn học vào MV.
Các nhân vật này không chỉ xuất hiện trong MV 'cho vui' mà có sự liên quan đến nội dung câu chuyện. Khác với cô Mị trong văn học, cô Mị Hoàng Thùy Linh không cam tâm chịu trói, không đứng một chỗ chờ bắt pao mà chủ động đứng dậy đi tìm hạnh phúc của đời mình, giải phóng cho những kiếp người cùng khổ giống mình. Qua đó, Để Mị nói cho mà nghe đem đến một thông điệp mới mẻ, nhân văn và hiện đại.
MV Hết thương cạn nhớ là một màn bẻ lái ngoạn mục của Đức Phúc khi mượn câu chuyện Chí Phèo nhưng lại để Lý Cường yêu thầm Thị Nở. Nội dung MV là ý tưởng của Đức Phúc, nam ca sĩ muốn làm mới tác phẩm văn học kinh điển nhưng vẫn trên tinh thần tôn trọng nguyên tác. Nội dung MV kể câu chuyện tình đơn phương của Lý Cường (con trai Bá Kiến) do chính Đức Phúc thủ vai. Đây là nhân vật phụ của nhân vật phụ, rất ít được để ý trong truyện ngắn, tuy nhiên trong MV Hết thương cạn nhớ, Lý Cường lại hóa anh chàng thư sinh 'rich kid' si tình. Vai Thị Nở qua màn hóa thân của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh xứng đáng là phiên bản Thị Nở xinh đẹp nhất trong các tác phẩm phái sinh từ truyện ngắn Chí Phèo. Rất tiếc chuyện tình 'chàng giàu, nàng nghèo' của 'Lý Cường' Đức Phúc không có cái kết có hậu vì thế nào Thị Nở cũng thuộc về Chí Phèo.
Hết thương cạn nhớ kể chuyện tình đơn phương buồn của Đức Phúc.
MV Chuyện tình yêu xa của Huy Cung lấy cảm hứng từ Chuyện người con gái Nam Xương nhưng đã mạnh dạn thay đổi để cái kết có hậu hơn, bớt bi thương hơn so với nguyên tác. Lấy chất liệu văn học trung đại, không quá quen thuộc như văn học dân gian hay hiện thực phê phán nhưng MV của Huy Cung vẫn gợi sự liên tưởng đến nguyên tác qua chi tiết chiếc bóng hắt lên tường khiến người chồng ghen nhầm.
Chuyện tình yêu xa sửa lại cái kết của Chuyện người con gái Nam Xương.
MV Mặt trăng của Bùi Lan Hương và Đây là bài hát vui của Jun Phạm khá trung thành với nguyên tác, không mạnh tay cải biên bản gốc như những MV trên.
Các MV đều thuộc hàng sang xịn mịn với màn đầu tư hoành tráng
Làm MV vốn là cuộc chơi tốn kém, MV cổ trang hay có bối cảnh thời xưa lại càng tốn kém hơn gấp mấy lần. Để có sản phẩm hoàn hảo, chỉn chu nhất, các ca sĩ không ngại chịu chơi, chịu chi và 'khô máu' với đứa con tinh thần của mình.
Việc thực hiện một MV cổ trang ngay từ khâu dựng bối cảnh và phục trang đã ngốn bộn tiền. Thêm vào đó là việc huy động dàn diễn viên quần chúng đông đảo.
MV Anh ơi ở lại được đầu tư hoành tráng.
MV Anh ơi ở lại của Chi Pu lấy bối cảnh và phục trang thời Lê sơ. MV mang đến phần nhìn mãn nhãn đậm bản sắc Việt. MV Mặt trăng giống như phiên bản điện ảnh của truyền thuyết Mị Châu Trọng Thủy. Sản phẩm được đầu tư công phu cả về chất nhạc lẫn hình ảnh với tạo hình, bối cảnh, góc quay, cách dựng mang tính điện ảnh rất cao.
MV Hết thương cạn nhớ, bên cạnh sự đầu tư về bối cảnh, phục trang, Đức Phúc còn chơi lớn khi mời toàn những tên tuổi sao hạng A như NSND Hoàng Dũng (Bá Kiến), diễn viên Kiều Minh Tuấn (Chí Phèo), Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (Thị Nở).
Jun Phạm đưa cả Số đỏ vào MV.
Dàn cameo quậy banh đám tam khiến người chết cũng phải bật dậy hài lòng.
MV Đây là một bài hát vui còn chơi lớn hơn Đức Phúc với dàn cameo siêu hoành tráng như NSƯT Hữu Châu (cụ cố Hồng), nghệ sĩ Xuân Hương (bà Phó Đoan), Nam Em (cô Tuyết), BB Trần (bà bói), Nam Thư (cô Hoàng Hôn), Quang Trung (cậu Tú Tân), Ngô Kiến Huy (ông TYPN), Ngọc Tưởng (ông Phán mọc sừng), Will (cậu Quần Quật) và S.T Sơn Thạch (cậu Quằn Quại),...
Với sự đầu tư nghiêm túc và chiến lược truyền thông phù hợp, hầu hết các MV trên đều trở thành những hit triệu view trên Youtube. Không biết trong năm 2020, vũ trụ văn học có tiếp tục xâm lấn V-pop hay sẽ là sự lên ngôi của một trào lưu mới? Chúng ta hãy cùng chờ đón!
Theo Hằng Nga/Baodatviet.vn
'Lấn tránh' tin đồn hẹn hò, Gil Lê xưng hô với Hoàng Thùy Linh là 'chị' trong status chúc mừng MV mới ra mắt Dù vậy, netizen Việt vẫn rộn ràng 'đẩy thuyền'cặp đôi Gil Lê và Hoàng Thùy Linh. Hoàng Thùy Linh vừa trở lại với MV " Duyên âm". Chỉ một thời gian ngắn sau ra mắt, MV đã phủ sóng Vpop trên diện rộng. Rất nhiều nghệ sĩ ủng hộ "đế chế" âm nhạc mới của giọng ca " Bánh trôi nước", đồng thời...